Tiếng Việt | English

24/05/2017 - 14:07

Vĩnh Hưng: Phong trào văn nghệ quần chúng với những bước phát triển

Từ lâu, phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) không chỉ là món ăn tinh thần của người dân mà còn góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Xác định được tầm quan trọng của phong trào VNQC, thời gian qua, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An tích cực đưa phong trào này đi vào chiều sâu, thu hút nhiều đối tượng tham gia.

Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền về xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng

Góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Vĩnh Hưng - Lương Thị Mỹ Phấn thông tin: “Những năm qua, phong trào VNQC ở huyện Vĩnh Hưng có nhiều khởi sắc. Hàng năm, trung tâm thường xuyên phối hợp các cấp, các ngành mở nhiều hội thi, hội diễn. Đặc biệt, trung tâm còn yêu cầu các xã mở hội thi cấp xã nhằm thu hút nhiều người tham gia và tạo điều kiện để các câu lạc bộ (CLB), nhóm văn nghệ rèn luyện, học hỏi kinh nghiệm, từ đó làm cơ sở để địa phương chọn một đội có thành tích tốt tham gia các hội thi, hội diễn cấp huyện.

Năm 2016, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện phối hợp tổ chức 6 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn với gần 4.500 lượt người xem; tham dự 19 cuộc thi do tỉnh tổ chức. Đến nay, hầu hết các xã đều có ít nhất 1 CLB văn nghệ. Năm 2016, trung tâm còn thành lập 4 CLB văn nghệ với 68 hội viên tham gia và mở 22 lớp tập huấn với gần 400 người tham gia”. Trước đây, phong trào VNQC chưa phát triển, sau giờ làm, không có nơi vui chơi, giải trí, một số người tụ tập nhậu nhẹt, gây mất an ninh, trật tự.

Ông Lê Thành Phương, ngụ ấp Tà Nu, xã Khánh Hưng nói: “Giờ đây, chúng tôi muốn tham gia phong trào văn nghệ rất dễ, chỉ cần đến nhà văn hóa ấp là có thể tham gia. Hiện, tôi là thành viên của CLB đờn ca tài tử. Từ khi tham gia CLB, tôi hạn chế nhậu nhẹt và tinh thần cũng thoải mái. Đặc biệt, tôi còn nắm nhanh và hiểu rõ những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước”.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Thanh Toàn chia sẻ: “Thông qua sự phát triển của phong trào VNQC ở địa phương tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để người dân giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc. Ngoài ra, phong trào này còn đóng góp rất lớn trong việc xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới.

Và giờ đây, phong trào VNQC tiếp tục là cầu nối để người dân ý thức được việc giữ vững danh hiệu xã văn hóa, nông thôn mới là nhiệm vụ chung của mọi người”.

Còn nhiều khó khăn

Tuy đạt nhiều kết quả nhưng phong trào VNQC ở huyện Vĩnh Hưng gặp không ít khó khăn. Điển hình: Kinh phí dành cho các cuộc thi, hội thi, hội diễn chủ yếu là xã hội hóa, trong khi đó, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên mức đóng góp không nhiều. Các CLB chưa tổ chức sinh hoạt định kỳ, hoạt động văn nghệ ở cơ sở còn chạy theo phong trào, chưa có sự chủ động,... Đặc biệt, sự xuất hiện của karaoke, dàn nhạc kẹo kéo làm nhiều người không còn “mặn mà” với phong trào VNQC, từ đó không thu hút được nhiều đối tượng tham gia.

Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử xã Khánh Hưng - Huỳnh Văn Hùng tâm sự: “Bây giờ, phong trào hát karaoke rầm rộ, ai cũng có thể hát, muốn hát giờ nào cũng được. Trước đây, rất nhiều người có nhu cầu tham gia các CLB ở địa phương nhưng giờ rất ít. Bởi, hát karaoke thì không cần thuộc bài, chỉ cần ca theo chữ trên màn hình là được. Do đó, khi tham gia các hội thi, hội diễn, các thí sinh thường ca quên lời hoặc ca không đúng nhịp làm ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc thi”.

Để giải quyết những khó khăn trên, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Vĩnh Hưng - Lương Thị Mỹ Phấn cho biết thêm: “Thời gian tới, trung tâm sẽ tổ chức rất nhiều hội thi, hội diễn nhằm tạo điều kiện cho các CLB, nhóm có điều kiện giao lưu, học hỏi; nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, qua đó, đẩy mạnh phong trào văn nghệ từ huyện đến cơ sở, nhất là phong trào đờn ca tài tử”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết