Tiếng Việt | English

14/11/2018 - 09:34

Vụ 5ha đất lúa màu mỡ bị bỏ hoang kéo dài ở Tân Trụ: Huyện đầu tư đường cống thoát nước ngầm

Sau 10 vụ mùa phải bỏ hoang, hiện nay, gần 5ha đất lúa màu mỡ ở ấp 1, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đã được sản xuất trở lại.

Gần 5ha đất lúa của 9 hộ dân ở xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ phải bỏ hoang 10 vụ vì đường cấp, thoát nước bị lấp lại trong nhiều năm qua đã được UBND huyện giải quyết theo hướng tiến hành đầu tư đường cống cấp, thoát nước ngầm tại vị trí đường nước cũ bị lấp. Đây là đường cống nước được UBND huyện cho chủ trương điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng các công trình thủy lợi vốn sự nghiệp nông nghiệp năm 2018. Theo đó, đường cống có kinh phí đầu tư hơn 450 triệu đồng.

Theo bà Phạm Thị Tư, việc đầu tư đường cống này, 9 hộ dân hoàn toàn không phải đóng tiền. Về vấn đề đường nước bị lấp lại làm gần 5ha đất 10 vụ không sản xuất được, trong tháng 7/2018, 9 hộ dân làm đơn gửi UBND huyện Tân Trụ kiến nghị hỗ trợ thiệt hại. Tuy nhiên, theo thông tin từ UBND huyện Tân Trụ, ngày 27/8/2018, Phó Chủ tịch UBND huyện - Trịnh Phước Trung đã có văn bản trả lời, trường hợp thiệt hại đất ruộng của 9 hộ dân không do thiên tai và dịch bệnh gây ra nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng hỗ trợ vì bị thiệt hại sản xuất nông nghiệp.

Đường cống thoát nước được huyện Tân Trụ đầu tư và thi công hoàn thành. Từ đó, 9 hộ dân tiến hành sản xuất lại trên diện tích gần 5ha đất sau nhiều năm bỏ hoang

Đường cống thoát nước được huyện Tân Trụ đầu tư và thi công hoàn thành. Từ đó, 9 hộ dân tiến hành sản xuất lại trên diện tích gần 5ha đất sau nhiều năm bỏ hoang

Sau thời gian thi công, đường cống ngầm có bề ngang gần 1m, dài gần 100m đã hoàn thành cách đây gần 1 tháng. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Trụ - Ngô Tấn Tài cho biết: “Diện tích đất ở khu vực làm cống nước ngầm vẫn nằm trong quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Bồi. Tuy nhiên, ông Bồi bị hạn chế những quyền trên phần đất thuộc cống thoát nước đi qua như không được đào bới, xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến hệ thống cống và việc cung cấp nước cho ruộng của các hộ dân”.

Có cống nước, 9 hộ dân bắt tay ngay vào sản xuất gần 5ha đất đã bỏ hoang suốt 10 vụ. Hiện trà lúa Thu Đông đã phủ màu xanh rì, đang phát triển tốt. “Sau thời gian dài bỏ hoang cho cỏ mọc um tùm, hiện ruộng đã sản xuất trở lại, chúng tôi rất vui mừng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hài lòng và buồn về thiệt hại trong những năm qua do không sản xuất được” - bà Nguyễn Thị Năng cho biết.

Liên quan đến vụ việc này, đã xảy ra khiếu kiện, khiếu nại kéo dài những năm qua. Cụ thể, từ đầu tháng 5/2015, ông Lê Văn Bồi tiến hành đổ đất san lấp đường thoát nước đã nhiều năm qua cấp, thoát nước cho gần 5ha đất lúa của 9 hộ dân. Thế là, 9 hộ dân gồm: Nguyễn Thị Năng, Phạm Thị Tư, Nguyễn Văn Liền, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Bương, Đồng Văn Mừng, Bùi Trí Dầu, Bùi Trí Tuyến, Bùi Trí Toàn đã làm đơn kiện ông Lê Văn Bồi, khi đó, họ mới biết ông Bồi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) phần đất này.

Chính quyền từ xã đến huyện Tân Trụ nhiều lần tổ chức đối thoại, hòa giải nhưng 9 hộ dân và ông Bồi vẫn không thống nhất được hướng giải quyết. 9 hộ dân khẳng định, đường mương nước mà ông Bồi lấp lại là của công cộng, có từ xưa đến nay, đây là đường nước duy nhất họ lấy nước từ vàm Xã Vịt vào phục vụ sản xuất. Về sự việc này, những người lớn tuổi ở địa phương cũng thừa nhận, đường nước có từ trước năm 1975 đến nay.

Trong khi đó, ông Bồi thì đưa ra chứng cứ, diện tích đất ở đường nước này đã được cấp GCNQSDĐ đất cho ông từ năm 1996 và năm 2010 cấp đổi lại nên ông có quyền lấp lại. Về phía UBND huyện Tân Trụ thì vẫn bảo vệ quan điểm việc cấp GCNQSDĐ cho ông Bồi phần đất này là đúng quy định.

Bản đồ khu đất cấp cho ông Bồi từ năm 1996 và năm 2010 cấp đổi lại cũng không thể hiện có đường nước (trong khi đó, đường nước mới bị lấp trong tháng 5/2015).

9 hộ dân làm đơn khởi kiện ông Bồi lấp đường nước công cộng ra tòa án. Vụ việc được đưa ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện, TAND tỉnh và TAND Tối cao xét xử. Theo Bản án dân sự sơ thẩm số 30, ngày 25/9/2015 về tranh chấp đường thoát nước và bồi thường thiệt hại tài sản của TAND huyện Tân Trụ, 9 hộ dân được quyền khôi phục lại đường thoát nước lộ thiên có kích thước rộng 1,2m, sâu 1,2m. Tuy nhiên, bản án kết luận, đất đường nước được UBND huyện cấp GCNQSDĐ cho ông Bồi từ năm 1996 và cấp đổi năm 2010 nên 9 hộ dân phải liên đới đền bù cho ông Bồi số tiền 8.875.000 đồng (tương đương giá trị QSDĐ phần mở lại đường thoát nước).

Bản án sơ thẩm có kháng cáo nên đến ngày 11/12/2015, TAND tỉnh đưa vụ việc ra xét xử và tuyên Bản án dân sự phúc thẩm số 379 về tranh chấp đường thoát nước và bồi thường thiệt hại về tài sản. Bản án nêu, tòa án sơ thẩm buộc ông Bồi cho các hộ dân mở đường thoát nước lộ thiên là không phù hợp thực tế vì diện tích đất đường nước được UBND huyện cấp GCNQSDĐ từ năm 1996 và năm 2010 cấp đổi lại. Theo đó, bản án phúc thẩm chỉnh sửa một phần bản án sơ thẩm khi tuyên 9 hộ dân không được mở đường nước lộ thiên mà phải đặt ống ngầm dưới mặt đất (đường nước cũ ông Bồi lấp lại).

Ngoài chỉnh sửa trên, bản án phúc thẩm cũng giống sơ thẩm khi không chấp nhận yêu cầu của 9 hộ dân về việc hủy các GCNQSDĐ mà UBND huyện Tân Trụ cấp cho ông Bồi đối với phần đất có đường thoát nước; không chấp nhận yêu cầu của các hộ dân về việc đòi ông Bồi bồi thường thiệt hại. Theo bản án này, ông Bồi hỗ trợ chi phí 7,5 triệu đồng cho các hộ dân lắp đặt đường ống ngầm dẫn nước.

9 hộ dân tiếp tục làm đơn giám đốc thẩm. Ngày 25/5/2017, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao (Văn phòng đại diện tại TP.HCM) có Quyết định số 68 kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 379, ngày 11/12/2015 của TAND tỉnh về vụ việc tranh chấp đường thoát nước và bồi thường thiệt hại về tài sản giữa 9 nguyên đơn và bị đơn là ông Bồi.

Quyết định nêu: Đường nước này tồn tại từ trước năm 1975, ông Bồi tiến hành lấp đường nước không được sự đồng ý của các nguyên đơn, gây khó khăn, thiệt hại cho sản xuất lúa của các nguyên đơn; trong khi đó, việc cấp GCNQSDĐ cho ông Bồi là không đúng với thực tế sử dụng đất. VKSND Tối cao đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án phúc thẩm số 379, ngày 11/12/2015 của TAND tỉnh Long An và Bản án dân sự sơ thẩm số 30, ngày 25/9/2015 của TAND huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Giao hồ sơ cho TAND huyện Tân Trụ xét xử lại theo quy định pháp luật. Quyết định này cũng nêu rõ: “Tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm nêu trên của TAND tỉnh Long An cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm”.

Tuy nhiên, ngày 19/9/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiến hành giám đốc thẩm và có Quyết định số 185 “Không chấp nhận kháng nghị Giám đốc thẩm số 68, ngày 25/5/2017 của VKSND Cấp cao tại TP.HCM”. Theo đó, TAND Cấp cao giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm số 379, ngày 11/12/2015 của TAND tỉnh Long An.

Sau nhiều lần khởi kiện ông Bồi nhưng không được tòa án các cấp chấp nhận theo yêu cầu, đầu năm 2018, 9 hộ dân bất ngờ làm đơn khởi kiện UBND huyện Tân Trụ ra tòa án vì cho rằng, cấp GCNQSDĐ ở đường nước cho ông Bồi là sai bởi thực tế đây là đường nước công cộng. Từ đó, gián tiếp dẫn đến đường nước bị lấp gây thiệt hại cho sản xuất của họ. Các hộ dân còn yêu cầu UBND huyện Tân Trụ bồi thường hơn 581 triệu đồng vì những thiệt hại do đường nước bị bịt dẫn đến gần 5ha đất lúa của họ sản xuất 3 vụ/năm phải bỏ hoang hóa.

Theo 9 hộ dân, đơn khởi kiện này, trong tháng 6/2018, TAND tỉnh đã tiến hành đối thoại, hòa giải giữa các hộ dân với đại diện UBND huyện Tân Trụ. Sau đó, 9 hộ dân đồng ý rút đơn khởi kiện và UBND huyện Tân Trụ đã tiến hành thi công đường cống thoát nước như trên./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết