Tiếng Việt | English

13/07/2017 - 05:17

Vụ bé 6 tuổi bị sát hại ở Quảng Bình dưới góc nhìn của chuyên gia

Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, khi cộng đồng mạng xã hội ồ ạt chia sẻ thông tin vụ bé 6 tuổi ở Quảng Bình mất tích gây tác động bất lợi không hề nhỏ.

Những ngày qua, thông tin vụ cháu bé 6 tuổi ở Quảng Bình được phát hiện tử vong sau nhiều ngày mất tích khiến dư luận không khỏi xót xa.

Một lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình khẳng định, căn cứ vào kết quả khám nghiệm của cơ quan pháp y, cơ quan chức năng bước đầu khẳng định, nạn nhân bị sát hại sau khi bị đưa đi khỏi nhà.

Hiện nay, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố vụ án, đồng thời phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự (C45, Bộ Công an) tích cực điều tra, truy tìm nghi can sát hại cháu bé.


Hiện trường nơi phát hiện thi thể cháu bé. (Ảnh: Dân Trí)

Có nên đưa thông tin trẻ mất tích lên mạng xã hội?

Theo Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn - Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, mạng xã hội đang có tác động và sức lan truyền rất lớn trong cộng đồng xã hội.

Đối với những sự việc cần kêu gọi sự giúp đỡ thì việc chia sẻ trên cộng đồng mạng đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, với các sự việc tương tự như vụ bé trai ở Quảng Bình mất tích, thì khi mạng xã hội ồ ạt chia sẻ thông tin cũng gây tác động bất lợi không hề nhỏ.

Nhiều người đã lợi dụng vào sự đa dạng nhiều chiều của mạng xã hội để câu like, câu view, tạo scandal “ăn theo” sự kiện, có người thiếu hiểu biết, suy diễn dựng hình ảnh, clip làm sai lệch, bóp méo thông tin, ảnh hưởng tới xã hội.

“Khi trẻ mất tích, việc những thông tin không kiểm chứng đưa lên mạng xã hội sẽ gây tâm lý hoang mang cho gia đình nạn nhân khiến họ không biết tin vào đâu. Đối với cơ quan điều tra thì sẽ gây khó khăn cho các hướng tiếp cận, bảo vệ nạn nhân. Về phía thủ phạm, việc chia sẻ những thông tin như vậy cũng tác động tâm lý rất lớn, dẫn tới việc có thể đối tượng xóa hết dấu vết, chứng cứ, thông tin liên quan để che giấu tội phạm, thậm chí nếu không kiềm chế được chúng sẽ trở nên liều lĩnh, manh động, gây hại cho nạn nhân” – ông Thìn nhấn mạnh và cho biết việc có chia sẻ thông tin về trẻ mất tích lên mạng xã hội hay không cần cân nhắc kĩ lưỡng, bởi nó có thể là “con dao hai lưỡi”.

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Hồng Bách (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho biết, pháp luật đã quy định, chế tài rõ ràng trong trường hợp có ai đó xâm phạm đến quyền và lợi ích của trẻ em. Song thực tế cho thấy có nhiều người đã tự cho mình quyền đăng lên mạng xã hội những thông tin cá nhân, hình ảnh của trẻ một cách công khai và vô tình tiếp tay cho tội phạm hoặc những người có mục đích, động cơ xấu nhằm sát hại, bắt cóc, tống tiền…

“Vô tình những người dùng mạng xã hội này đã vi phạm vào những điều cấm, họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể chịu trách nhiệm hình sự” – Luật sư Bách nhấn mạnh.


Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường. (Ảnh: Zing)

Theo luật sư Bách, khi biết trẻ mất tích, nhiều phụ huynh chọn giải pháp nhờ cậy vào mạng xã hội mà không thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng có thẩm quyền nên nhiều trường hợp đã gây nên tác dụng ngược. Bởi mạng xã hội không có một cơ chế gì để đảm bảo, cũng như cơ sở pháp lý để điều tra tội phạm.

Trong khi đó, luật pháp đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra, kiểm sát… Nếu có vụ việc xảy ra, các cơ quan này sẽ nhận tin tố giác tội phạm và bằng nghiệp vụ chuyên môn được đào được, được luật pháp cho phép, họ sẽ có các biện pháp để điều tra, xem xét, giải cứu cho các em.

Theo đó không nên tự động đăng tải những thông tin của trẻ lên mạng xã hội. Trong vòng 1 phút có thể có hàng trăm người xem thông tin vụ việc, trong đó có những người có mục đích xấu và có thể trong tình trạng hoảng loạn biết đã bị lộ sẽ khiến đối tượng có thể làm hại tới các em.

“Khi dùng mạng xã hội, mọi người hãy lưu ý và tôn trọng pháp luật, cũng như có sự tin tưởng vào các cơ quan chức năng để xử lý trong các tình huống tương tự như vậy. Khi đã có kết quả điều tra, tội phạm được đưa ra xem xét thì lúc đó chúng ta có thể lựa chọn để đưa thông tin mang tính răn đe, giáo dục” – luật sư Bách nói.


Luật sư Nguyễn Hồng Bách.

Cha mẹ làm gì nếu trẻ bị bắt cóc

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn cho biết, nếu gặp phải tình huống trẻ mất tích hoặc nghi ngờ trẻ bị bắt cóc, phụ huynh cần bình tĩnh và khẩn trương xác minh thông tin qua các mối quan hệ của người thân trong gia đình, nhà trường... để kiểm tra tính xác thực của thông tin.

Nếu nhận thấy các dấu hiệu tương đối rõ nét về việc trẻ có thể đã mất tích bí ẩn hoặc rơi vào tay của những kẻ bắt cóc, các gia đình cần khẩn trương báo cho cơ quan công an, chính quyền địa phương nơi gần nhất về đặc điểm nhận dạng của trẻ, mối quan hệ của cha mẹ…

Phụ huynh không nên gây ồn ào, thông tin về vụ việc càng ít lan truyền càng tốt, hạn chế đánh động đối tượng, nếu không chúng càng cảnh giác hơn, gây sức ép tống tiền hoặc tìm nhiều thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội, thậm chí xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân.

Với trẻ học mẫu giáo, tiểu học, phụ huynh nên quan tâm đưa và đón trẻ, không nên nhờ người không phải ruột thịt đến đón. Phụ huynh cân nhắc không nên đưa thông tin của trẻ lên mạng xã hội; trang bị cho con kỹ năng sống cần thiết như cách bảo vệ mình nếu rơi vào tình huống nguy hiểm, ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ, cảnh giác với những hành vi rủ rê, gạ gẫm của người không thân thích...

Đại tá Thìn cho rằng, trong bối cảnh điều kiện xã hội rộng mở, đa chiều, phức tạp nên mỗi gia đình, phụ huynh luôn luôn để mắt tới con cái mình, cảnh giác trước những vấn đề liên quan đến an toàn của trẻ trong mọi trường hợp.

“Người thân phải luôn nắm được, kiểm soát được quy luật sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ bằng nhiều phương thức khác nhau; đồng thời phải luôn quan tâm đến những mâu thuẫn trong đời sống, làm ăn để tìm cách giải quyết một cách hài hòa. Khi vụ việc xảy ra, gia đình cần hết sức bình tĩnh, bám vào các cơ quan có thẩm quyền, không dựa vào cộng đồng mạng để bảo vệ con vì nhiều khi lợi bất cập hại” – Đại tá Đỗ Cảnh Thìn nhấn mạnh./.

Theo Kim Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết