Tiếng Việt | English

14/04/2017 - 09:16

Vụ Đông Xuân 2016-2017: Giá lúa tăng, lợi nhuận giảm

Giá lúa hiện tại đang ở mức khá cao so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận của nông dân lại không cao do năng suất giảm, chi phí vật tư nông nghiệp tăng.


Mưa trái mùa gây khó khăn trong thu hoạch, năng suất giảm

Diện tích tăng, năng suất giảm

Vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2016-2017, toàn tỉnh Long An gieo sạ ước đạt 234.265ha (kế hoạch 231.400ha), tăng 1.785ha so với vụ ĐX 2015-2016. Diện tích lúa tăng tập trung ở huyện Đức Hòa (do chuyển từ cây bắp và đậu phộng sang trồng lúa) và Bến Lức. Trong đó, diện tích gieo sạ trong lịch thời vụ là 148.691,5ha, ngoài lịch thời vụ 85.573,5ha. Đến nay, diện tích thu hoạch ước đạt 234.114ha; có 151ha bị mất trắng, tập trung tại huyện Cần Giuộc, nguyên nhân do mưa trái mùa làm ngập úng lúa. Tuy diện tích gieo sạ tăng so với cùng kỳ nhưng năng suất lúa giảm, ước đạt 58,2 tạ/ha, giảm 3 tạ/ha. Sản lượng ước đạt trên 1.360.000 tấn.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Nguyễn Chí Thiện, vụ ĐX 2016-2017, nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa. Cụ thể, mùa mưa đến trễ, kết thúc muộn, lũ rút chậm ảnh hưởng đến việc gieo sạ; đầu năm 2017 có mưa trái mùa xảy ra trên trà lúa sắp thu hoạch, làm đổ ngã lúa; rầy nâu, sâu năn (muỗi hành) gây hại trên diện rộng. Đặc biệt, có 9.914ha nhiễm sâu năn với tỷ lệ từ 5-70% trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Hưng và Vĩnh Hưng.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp cử cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân phòng trừ nên diện tích nhiễm sâu năn giảm còn 3.999,6ha với tỷ lệ từ 5-70%. Qua thu hoạch cho thấy, sâu năn không gây ảnh hưởng nhiều đến năng suất nếu nông dân biết cách nhận dạng và có biện pháp phòng trừ hợp lý. Cụ thể, năng suất lúa tươi thu hoạch trên những diện tích bị sâu năn gây hại dưới 50% đạt từ 5,3-6,5 tấn/ha.


Nông dân thu hoạch lúa Đông Xuân với năng suất thấp

Lợi nhuận không cao

Mặc dù giá lúa năm nay tăng cao so với năm trước nhưng lợi nhuận của nông dân lại bị giảm do năng suất lúa giảm. Ông Mai Tấn Tài (ngụ xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa) buồn bã nói: “ĐX là vụ chính trong năm. Cuộc sống gia đình tôi chỉ trông chờ vào 2ha lúa sản xuất ở vụ này. Tuy nhiên, năm nay lại xuất hiện những cơn mưa trái mùa làm 2ha lúa gần đến thời điểm thu hoạch của gia đình bị ngã đổ hơn phân nửa. Lợi nhuận thu được chỉ hơn chục triệu đồng vì phải tốn chi phí thu hoạch nhiều hơn cả triệu đồng/ha, năng suất lại giảm hơn 2 tấn. Lúa bị ướt nên giá bán cũng thấp hơn rất nhiều”.

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Lê Hữu Tàu Lúa cho biết: “Mưa trái mùa làm ngã đổ trên 500ha lúa ĐX đang trong giai đoạn thu hoạch, gây khó khăn cho nông dân, làm năng suất giảm khoảng 1 tấn/ha, giá bán cũng thấp hơn giá thị trường nên lợi nhuận không nhiều”.

Còn tại huyện Cần Đước, mưa trái mùa làm thiệt hại khoảng 3.400ha lúa ĐX với tỷ lệ trên 10%. Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện - Nguyễn Thị Cẩm Vân cho rằng: Năm nay, thời tiết rất phức tạp, từ đầu năm 2017 đến nay liên tục xuất hiện những cơn mưa trái mùa, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa. Nếu năng suất trung bình hàng năm từ 4,8-5 tấn/ha thì nay, do ảnh hưởng thời tiết nên chỉ còn khoảng 3,9 tấn/ha. Nông dân chỉ lãi 7-8 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, vụ ĐX này, nông dân còn phải đối mặt với tình trạng sâu năn gây thiệt hại không nhỏ, tập trung chủ yếu ở huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng. Anh Lê Văn Út (ngụ xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) nói: “5ha lúa ĐX của tôi bị nhiễm sâu năn, thiệt hại hơn phân nửa. Vụ ĐX năm nay, sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí, gia đình tôi không có lãi mà còn lỗ công chăm sóc. Chúng tôi chỉ mong những mùa vụ sau, thời tiết thuận lợi hơn”.

Dự kiến thời vụ xuống giống lúa Hè Thu 2017, các huyện vùng Đồng Tháp Mười: Đợt 1 từ ngày 07 đến 17/4/2017; đợt 2 từ ngày 05 đến 15/5/2017; đợt 3 từ ngày 02 đến 12/6/2017. Dự kiến thời vụ xuống giống lúa các huyện phía Nam: Đợt 1 từ ngày 05 đến 15/5/2017; đợt 2 từ ngày 02 đến 12/6/2017.

Vụ Hè Thu phải gieo sạ đúng lịch

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện đề nghị các địa phương cần tập trung bố trí lịch thời vụ xuống giống vụ Hè Thu thật hợp lý, tránh hạn, mặn, tập trung nhanh, gọn và đồng loạt né rầy; kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có ở những vùng không chủ động về nguồn nước. Các địa phương căn cứ điều kiện nguồn nước, khả năng lấy nước của từng vùng, từng cánh đồng, diễn biến rầy nâu vào đèn để chỉ đạo lịch thời vụ chặt chẽ, phù hợp và có tính toán đến thời vụ của các vụ lúa còn lại trong năm; theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng - thủy văn, diễn biến sâu, bệnh, chủ động phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất: Cánh đồng lớn; 3 giảm - 3 tăng; 1 phải - 5 giảm; Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái; Quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá; Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Ngoài ra, các địa phương tích cực vận động nông dân làm tốt khâu vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày phơi đất sau khi thu hoạch lúa ĐX, làm sạch cỏ dại trên bờ, phát quang bụi rậm, lùm cây,... để cắt nguồn sâu, bệnh và chuột; bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất là 3 tuần để đất có thời gian nghỉ ngơi, tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động và rơm rạ được phân hủy, tránh bị ngộ độc hữu cơ khi sạ lúa Hè Thu.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn: Mưa, lũ năm 2017 thời kỳ chuyển mùa từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2017. Mùa mưa thực sự bắt đầu xấp xỉ hoặc muộn hơn trung bình nhiều năm vào khoảng giữa tháng 5, có nơi đầu tháng 5 tùy theo vùng. Có khả năng các huyện phía Bắc bắt đầu trước các huyện phía Nam. Mùa mưa kết thúc vào cuối tháng 11/2017, xấp xỉ hoặc sớm hơn trung bình nhiều năm./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết