Tiếng Việt | English

02/12/2019 - 19:50

Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020: Nông dân tập trung gieo sạ đúng lịch và cơ cấu giống

Để vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2019-2020 sinh trưởng, phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao, hạn chế thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã khuyến cáo cơ cấu giống và bố trí lịch thời vụ thích hợp.

Gieo sạ theo lịch thời vụ và cơ cấu giống

Năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển; đồng thời, lượng nước bảo đảm phục vụ sản xuất. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, chỉ đạo tập trung từ tỉnh đến cơ sở nhằm bảo đảm kế hoạch sản xuất, nhất là thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa, các biện pháp kỹ thuật ứng phó với diễn biến thất thường của thời tiết, dịch hại.

Nông dân gieo sạ lúa Đông Xuân 2019-2020 trong điều kiện tương đối thuận lợi

Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết: “Đến nay, toàn huyện gieo sạ trên 22.000ha, hiện lúa phát triển tốt. Thời gian qua, ở huyện có sự chuyển dịch rất tích cực về cơ cấu giống lúa cũng như thời vụ.Giống dài ngày chỉ gieo cấy với tỷ lệ rất thấp, còn giống ngắn ngày gieo cấy tăng, bởi nhóm giống này ít chịu tác động của điều kiện thời tiết ấm so với nhóm dài ngày. Xác định giống có vai trò quan trọng, tạo tiền đề cho năng suất cao, những năm qua, huyện khuyến cáo nông dân lựa chọn các giống lúa có tiềm năng năng suất, chất lượng cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng trên địa bàn. Ngay từ đầu vụ, huyện đã làm tốt công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu, bệnh hại. Vì vậy, các điểm phát sinh, ổ dịch sâu, bệnh gây hại được phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời, qua đó giảm thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất”.

“Những năm trở lại đây, để giảm chi phí sản xuất, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được các cấp, các ngành và người dân quan tâm. Nhiều khâu trong sản xuất lúa có tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa cao như máy làm đất, sử dụng máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy phun phân bón khi chăm sóc lúa, máy gặt đập liên hợp, máy cuốn rơm rạ. Đặc biệt, việc sử dụng máy sấy lúa ở một số đơn vị đã bước đầu khẳng định hiệu quả, từ đó tiết kiệm được công lao động, tăng phẩm cấp, chất lượng, giá trị hạt gạo. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngoài việc áp dụng cơ giới hóa thì vấn đề liên kết, tiêu thụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng được người dân quan tâm.Nhiều hợp tác xã chủ động liên kết với một số doanh nghiệp để triển khai sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm” - ông Nỉ nói thêm.

Nông dân trộn phân chuẩn bị bón cho lúa

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Tô Văn Chảnh thông tin: “Kế hoạch sản xuất vụ lúa ĐX 2019-2020 được huyện triển khai từ sớm, đến nay các địa phương trên địa bàn gieo sạ trên 10.000ha. Các cơ quan chuyên môn phối hợp UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu, rộng; hướng dẫn các hộ nông dân khẩn trương làm đất, chủ động giống gieo sạ theo cơ cấu, đúng lịch thời vụ; khuyến cáo nông dân bón phân cân đối, hợp lý, tránh bón thừa phân đạm và theo nguyên tắc “5 đúng”, kết hợp khoa học với kinh nghiệm và kiểm tra thực tế trên đồng ruộng để gia giảm hợp lý trong từng điều kiện cụ thể, chống thất thoát, tăng hiệu quả phân bón. Về biện pháp quản lý dịch hại, nông dân phải phối hợp đồng bộ các khâu kỹ thuật như chọn giống, kỹ thuật canh tác, biện pháp sinh học và biện pháp hóa học vào chiến lược quản lý dịch hại tổng hợp trên ruộng lúa; thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện dịch hại kịp thời, từ đó có biện pháp phòng trị tương ứng với các thời kỳ sinh trưởng”.

Anh Nguyễn Văn Thiêm (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: “Vụ ĐX là vụ lúa chính trong năm nên công đoạn làm đất trong vụ này cần phải đầu tư thật kỹ. Trước vụ, chúng tôi chủ động dọn vệ sinh đồng ruộng, gia cố bờ bao để quản lý nước.Bên cạnh đó, tôi sử dụng giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp xác nhận để bảo đảm năng suất, chất lượng.Trước khi ngâm ủ nên phơi hạt giống khoảng 1-2 giờ và thử độ nảy mầm. Tùy theo từng vụ, điều kiện sinh thái đất, thời tiết và từng nhóm giống nên áp dụng giảm lượng giống từ 60-100kg/ha. Hy vọng, vụ này, nông dân chúng tôi được mùa, trúng giá”.

Theo Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình - Huỳnh Văn Bé, năm nay, điều kiện thời tiết thuận lợi cộng với việc lũ rút nhanh nên đến thời điểm này, toàn xã gieo sạ 2.200/3.050ha lúa ĐX 2019-2020. Dự kiến khoảng 1 tuần nữa là địa phương gieo sạ hết toàn bộ diện tích.Hiện nay, thời tiết thuận lợi, đây cũng là điều kiện để các loại sâu, bệnh hại lúa phát triển.Địa phương khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ sâu, bệnh để có một vụ mùa thắng lợi.

Trạm bơm cung cấp nước phục vụ sản xuất lúa Đông Xuân 2019-2020

Để sản xuất hiệu quả

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Để giúp nông dân sản xuất lúa ĐX 2019-2020 đạt hiệu quả, tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ người dân. Đó là xây dựng lịch thời vụ xuống giống đồng loạt cho từng tiểu vùng theo hướng “né rầy, né hạn, mặn”; tích cực vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ để hạn chế cỏ dại, chuột, ốc bươu vàng, các loại ký sinh trùng gây hại; tuyển chọn cơ cấu giống lúa phù hợp ngắn ngày, năng suất cao và phẩm chất tốt lại chống chịu sâu, bệnh, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời dịch bệnh, thời tiết, khí hậu, thủy văn, nhất là theo dõi diễn biến sâu, bệnh trên cây trồng, kịp thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân chủ động sản xuất, phòng trừ đạt hiệu quả.

Để chủ động trong công tác chỉ đạo sản xuất, ngành phối hợp các địa phương xây dựng kế hoạch chống hạn từ đầu vụ, như phối hợp trạm thủy nông trên địa bàn triển khai kế hoạch điều tiết nước hợp lý; kiểm tra tình hình, nhu cầu của các địa phương về sửa chữa, gia cố và đầu tư xây dựng các hạng mục công trình. Chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động người dân khơi thông, nạo vét hệ thống kênh, mương để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất; tăng cường kiểm tra, sửa chữa các hư hỏng công trình, trạm bơm đầu mối, hệ thống kênh, mương và thủy lợi nội đồng,... để bổ sung nguồn nước vào các sông, kênh, ao, hồ, đầm, vùng trũng tạo nguồn nước chống hạn, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp; không để xảy ra tình trạng thiếu nước hoặc thiệt hại do hạn mặn gây ra. Tăng cường công tác dự báo, chủ động các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh ngay từ đầu vụ; đồng thời, thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời các loại vật tư không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường…”./.

Đến nay, toàn tỉnh Long An gieo sạ trên 83.000ha lúa Đông Xuân 2019-2020, đạt 153% so với vụ Đông Xuân  2018-2019. 

Hiện nay, giá lúa tươi bán tại ruộng tăng so với tháng trước. Cụ thể, lúa IR50404 từ 4.700-5.200 đồng/kg, tăng 500-600 đồng/kg; OM các loại (OM 4900, OM 6976,...) từ 5.000-6.100 đồng/kg, tăng 300-600 đồng/kg; nếp từ 6.800-7.500 đồng/kg, tăng 1.000-2.000 đồng/kg.

Huỳnh Phong - Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết