Tiếng Việt | English

19/06/2021 - 16:10

Vui, buồn chuyện nhà báo viết phản ánh

Đối với chúng tôi, những nhà báo thường viết phản ánh, vui, buồn đều đủ cả. Vui khi bài viết của mình nhận được sự quan tâm của độc giả, được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết hay đơn giản là bạn đọc nhớ đến mình bằng cuộc điện thoại cảm ơn. Còn buồn là khi chúng tôi còn nợ độc giả những bài viết phản ánh về các vấn đề bức xúc trong đời sống.

1. “Anh vừa nhận vụ này. Bà đó khổ quá, mày xem có gì phản ánh giúp với” - anh luật sư điện thoại nhờ tôi tìm hiểu vụ việc gia đình bà Nguyễn Thị Phụng, ngụ xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, bỗng dưng mất hết mồ mả ông bà. Lấy số điện thoại xong, tôi chạy một mạch về xã Thanh Phú Long, bà Phụng đã chờ sẵn.

Ở tuổi ngoài 60, bà phải nhờ người thân để cùng tôi ra khu đất nơi có 3 ngôi mộ của ông bà trước đây được an táng tại xã Thuận Mỹ. Trên nền đất mới được san lấp, 5 bẹ dừa khô được cắm thẳng hàng. Bà kể, đó là vị trí cũ của 3 ngôi mộ gia đình bà và 2 ngôi mộ của người khác đã bị đưa đi mà  không hề báo trước. Sự việc kéo dài 3 năm qua, đây cũng là cái tết thứ 3 bà cảm thấy không an lòng. Thậm chí, những người hàng xóm sát khu đất cũng tỏ ra bức xúc. Đáng nói hơn, sau khi phát hiện sự việc, gia đình bà đã báo chính quyền địa phương, cơ quan công an nhưng chỉ nhận được những cuộc hòa giải và phiên tòa dân sự. 

Vụ việc xâm phạm mồ mả, hài cốt được tôi thực hiện trong chuyến công tác tại Châu Thành

Tìm về ngôi chùa nhỏ Linh Miếu, xã Thanh Vĩnh Đông, nơi 3 hài cốt người thân của gia đình bà và 2 hài cốt khác được người bốc mộ gửi, tôi không khỏi ngạc nhiên và bức xúc khi các bộ hài cốt được gói đơn sơ trong các bao thức ăn gia súc. 3 năm qua, gia đình bà đến chùa thay các bao 2 lần vì sợ hài cốt thất lạc. Càng bức xúc hơn khi được biết, việc gia đình bà bị xâm phạm mồ mả, hài cốt để phục vụ việc mua bán đất đai, trong khi đó, phần đất này lâu nay vẫn được địa chính xã Thuận Mỹ xác nhận là đất nghĩa địa, chưa cấp sổ đỏ cho bất kỳ cá nhân nào.

Và để chứng minh cho việc gia đình bà bị xâm phạm mồ mả, tôi lặn lội đến gặp trực tiếp ông Lê Văn Đỏ, ngụ ấp Ninh Đồng, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang - người cũng có 1 ngôi mộ người thân bị xâm phạm nhưng sau đó được thỏa thuận xin di dời mộ. Ông Đỏ thừa nhận, người xâm phạm mồ mả đã bốc mộ từ trước, khi gia đình bà Phụng khiếu nại thì người này sang nhà ông để thỏa thuận xin bốc mộ.

Có được các chứng cứ, tôi viết 1 bài 2 kỳ đăng trên báo. Từ bài viết này, phiên tòa phúc thẩm vụ việc đã tạm đình chỉ. Sau đó, Viện Kiểm sát cấp huyện cũng đề nghị Công an huyện xác minh lại tin báo tố giác tội phạm của gia đình bà Phụng để giải quyết vụ việc. Với nhà báo viết phản ánh, đó là niềm vui trong nghề.

2. Một ngày cuối tháng 12/2020, tôi nhận được cú điện thoại từ đồng nghiệp Kiên Cường để cùng hỗ trợ nhau thực hiện bài viết về tình trạng buôn lậu nông sản qua biên giới giữa lúc dịch Covid-19 vừa cơ bản được kiểm soát. Cũng trong thời gian này, các lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt vụ xuất, nhập cảnh trái phép. Trước những thông tin đó, tôi cùng phóng viên Kiên Cường quyết tâm thực hiện bài viết “Nông sản vẫn thẩm lậu qua biên giới” để phản ánh vấn đề này nhằm góp phần chấn chỉnh tình trạng buôn lậu nông sản, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ biên giới vào nội địa và lợi dụng buôn lậu để xuất, nhập cảnh trái phép.

Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới được chúng tôi chụp hình lại

Theo nguồn tin từ một số người dân thân cận, chúng tôi được biết, tình trạng buôn lậu nông sản tuy ở mức nhỏ, lẻ nhưng được thực hiện trong thời gian dài trên suốt đoạn biên giới từ cầu Hữu Nghị 1 đến cầu Hữu Nghị 2. 17 giờ, trên chiếc xe gắn máy, anh em chúng tôi bắt đầu xuất phát. Theo đường tuần tra, vừa chạy khoảng 3km, chúng tôi thấy điểm tập kết hàng lậu đầu tiên. Đó là một lối mòn nhỏ được mở thẳng xuống kênh Cái Cỏ để các xe tải nhỏ chở nông sản có thể chở thẳng hàng lậu nép mình dưới những lùm cây chờ vận chuyển qua biên giới.

Sau một hồi, 2 chiếc phà cỡ vừa cùng hơn chục người từ bên kia bờ kênh nhanh chóng tới bốc hàng. Chỉ trong vòng 30 phút, toàn bộ số mít Thái được vận chuyển qua biên giới trước khi chiếc xe tải đề-pa bon bon trên đường tuần tra rồi mất hút. Cứ như thế, trên gần 10km đường từ cầu Hữu Nghị 1 đến cần Hữu Nghị 2, chúng tôi còn ghi nhận thêm 5-6 điểm tập kết hàng nông sản để vận chuyển lậu qua biên giới. Càng về tối, việc vận chuyển lậu nông sản càng diễn ra sôi động hơn. Thậm chí, khi nghi ngờ chúng tôi, các đối tượng liền cử 1 người trông khá bặm trợn liên tục bám theo sau trên quãng đường gần 5km.

Khi có đầy đủ tư liệu từ video, hình ảnh và ý kiến của người dân, chúng tôi thực hiện ngay 1 phóng sự ảnh và 1 bài viết phản ánh tình trạng này. Rất vui khi bài viết được đăng tải, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng và lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường các biện pháp siết chặt tuyến biên giới, chấn chỉnh tình trạng buôn lậu trái phép qua biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với chúng tôi, những người thường viết bài phản ánh, vui, buồn đều đủ cả. Vui khi bài viết của mình nhận được sự quan tâm của độc giả, bài viết được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết hay đơn giản là bạn đọc nhớ đến mình bằng cuộc điện thoại cảm ơn. Nhưng cũng có nỗi buồn khi chúng tôi chưa thực hiện được thường xuyên các bài viết chất lượng, phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc trong đời sống. Và mỗi chúng tôi sẽ phải tiếp tục cố gắng, trang bị những kiến thức pháp luật, dám dấn thân, gần dân hơn để có những bài viết tốt đến với bạn đọc./.

Thái Bình

Chia sẻ bài viết