Tiếng Việt | English

19/09/2016 - 15:09

Vui, buồn nghề sưu tầm hiện vật

Nhìn những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, ít ai biết rằng, tất cả những giá trị quý báu ấy là cả một quá trình sưu tầm gian nan, vất vả của những người làm nghề sưu tầm hiện vật.

Nghề vất vả!

Như con ong cần mẫn, mặc cho cái nắng oi bức, bà Lê Thị Thu Vân - nhân viên Bảo tàng Long An vẫn rong ruổi trên lưng “con ngựa sắt” đi từng nhà, gặp từng người để sưu tầm hiện vật gốc, phục vụ việc bổ sung hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Long An thời gian tới.

Bà Vân cho biết: “Những nhà mà tôi tìm đến sưu tầm chủ yếu là nhà của Mẹ Việt Nam Anh hùng, những lão thành cách mạng, cựu thanh niên xung phong hoặc người dân lớn tuổi xưa nay ở ổn định, gắn bó lâu đời với cuộc khai phá, sản xuất và sinh hoạt tại địa phương”.


Bà Lê Thị Thu Vân và những hiện vật đã sưu tầm

Những hiện vật sưu tầm là những vật dụng trong sinh hoạt của người dân từ thời cổ đại đến trước giải phóng và những hiện vật gắn với các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trên đất Long An. Tuy nhiên, để xác định đúng nơi cần đến, ngoài nguồn thông tin hiện vật do người dân chủ động cung cấp, bà Vân phải tìm hiểu kỹ lịch sử, văn hóa của vùng đất sắp đến để có thể gặp đúng đối tượng. “Chẳng hạn, muốn tìm những hiện vật kháng chiến ở vùng đất ấy, phải tìm hiểu ngày xưa, nơi đó có căn cứ cách mạng, có những đơn vị nào đóng quân và hiện tại có bao nhiêu Mẹ Việt Nam Anh hùng,...” - bà Vân cho biết.

Sau khi tìm hiểu đặc tính, đặc thù và truyền thống địa phương, bà Vân bắt đầu hành trình sưu tầm. Đây là hành trình lắm gian nan! Đến địa phương, may mắn sẽ được cán bộ địa phương dẫn đường, đưa đến nơi, đến chốn. Ngược lại, có những lần, bà Vân phải một thân một mình dò hỏi rất vất vả. Lạ đường, lạ người, bà gõ cửa từng nhà, hỏi nhiều người mới có thể đến nơi cần đến. Nhưng đôi lúc, đi 10 nhà, chỉ có một vài nhà có hiện vật, thậm chí có nhà chẳng có hiện vật nào để sưu tầm.

Khi có hiện vật, cái khó của người sưu tầm là xác định đúng giá trị, ý nghĩa của hiện vật. Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng - Nguyễn Phương Thảo chia sẻ: “Để không nhận sai hiện vật, chúng tôi tìm người cao tuổi, người có hiểu biết về hiện vật ấy để tìm hiểu và xin ý kiến. Như lần sưu tầm cây gậy của tên Quan Hai (lính Pháp) sử dụng khi dẫn quân vào càn ở Xóm Trường, bị quân ta giết và rơi lại cây gậy, chúng tôi đến nhà chú Sáu Nam ở huyện Cần Đước - nơi đang cất giữ cây gậy này nhưng trong nhà có rất nhiều loại gậy. Lúc đầu, tôi nhận một cây gậy cũ kỹ nhưng cứ ngờ ngợ không phải nên tìm đến nhà chú Tư Đô Lương để hỏi. Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin và biết không phải, tôi quay lại nhà chú Sáu Nam và nhận đúng cây gậy của tên Quan Hai năm xưa mang về sưu tầm tại Bảo tàng. Đó là cây gậy cao hơn gậy người Việt Nam dùng và phía trên có hình đầu rồng”.

Nài nỉ… xin hiện vật

Nắng bụi, mưa lầy hay đường sá xa xôi dẫu có khó khăn cũng không ngăn nổi niềm đam mê của những người làm nghề sưu tầm hiện vật. Với họ, cái khó nhất là làm thế nào để thuyết phục người dân trao tặng hiện vật cho bảo tàng. “Hiện nay, những hiện vật cổ có giá trị rất cao nên người dân ngại khi trao cho bảo tàng. Vì vậy, người sưu tầm phải khéo léo thuyết phục, nài nỉ, giải thích là việc trao tặng hiện vật mang về bảo tàng để bảo quản tốt hơn và phục vụ giáo dục truyền thống thì nhiều người mới hiểu và trao tặng” - bà Nguyễn Phương Thảo bộc bạch.

Tròn 20 năm về công tác tại Bảo tàng Long An, bà Thảo tham gia nhiều đợt sưu tầm hiện vật ở các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước,... Mỗi đợt đến địa phương sưu tầm, đa số bà đều nài nỉ để người dân hiểu và trao tặng hiện vật. Bà Thảo kể, vừa rồi khi đến huyện Châu Thành sưu tầm những vật dụng sinh hoạt trước ngày giải phóng thì phát hiện một loại quần rút lưng mà phụ nữ xưa thường mặc nên ngỏ ý xin mang về trưng bày tại bảo tàng. Loại quần này là trang phục truyền thống của phụ nữ trước năm 1945, màu đen, thắt lưng màu trắng, phần thắt lưng có một sợi dây bản nhỏ được luồn bên trong dùng để rút lại khi mặc. Lúc đầu, bà cụ ngoài tuổi 90 nhất định không cho vì đây là loại y phục gắn bó với bà từ thời con gái đến bây giờ. Nhưng sau những ngày đi lên, đi xuống năn nỉ, bà cụ cũng quyết định cho 2 cái quần rút lưng mang về bảo tàng.

Hiện tại, Bảo tàng Long An trưng bày hơn 21.000 hiện vật khảo cổ, lịch sử và một số bộ sưu tập. Riêng trong năm 2016, có 24 hiện vật được sưu tầm như thùng quang, cây xăm hầm, kiềm mỏ sấu, đồng hồ đo điện vạn năng, bồ chứa lúa, cối xay,...

Tuy nhiên, không phải sự van nài nào cũng thành công như mong đợi. Có đôi lần, người sưu tầm buồn thiu quay về khi năn nỉ mãi mà người dân vẫn không trao tặng hiện vật. Đó là một lần cách đây không lâu, khi đến sưu tầm hiện vật cối xay vài chục năm tuổi ở huyện Châu Thành, bà Lê Thị Thu Vân phát hiện thêm, trong nhà còn một cối xay khác cũng tồn tại lâu năm gắn với sinh hoạt của người dân thuở xưa nên ngỏ ý xin. “Lúc đầu, chủ nhà đồng ý cho nhưng hôm ấy tôi đi xe máy nên không chở được, đành hẹn vài hôm đi xe ôtô đến chở. Nhưng khi quay lại, chủ nhà đổi ý không tặng cối xay này nữa vì giữ lại để sưu tầm trong gia đình. Tôi cũng giải thích, năn nỉ vài tiếng đồng hồ nhưng không được nên đành ra về. Dù không xin được hiện vật nhưng khi biết chủ nhà quý trọng, gìn giữ hiện vật cẩn thận thì tôi cũng an lòng” - bà Vân tâm sự.

Cực, khó nhưng vui!

Với những người sưu tầm hiện vật, bao nhiêu mệt nhọc, khó khăn dường như tan biến khi tìm được hiện vật và được chủ nhà tự nguyện trao tặng cho bảo tàng để trưng bày, phục vụ việc tham quan, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau về đất và người Long An.

“Cái vui nhất của những người làm nghề sưu tầm là được tận tay mang những hiện vật gốc về bảo tàng. Và vui hơn là những ngày sưu tầm, được gặp những Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người từng gắn bó với chiến tranh, những cụ già tóc bạc, được nghe các cụ kể chuyện ngày xưa nên bản thân hiểu thêm về lịch sử hào hùng. Hơn nữa, khi đến nhà sưu tầm hiện vật, người dân nhiệt tình tiếp đãi nên tôi cảm nhận được sự gần gũi, cái tình của những người dân quê” - bà Vân nói.

Niềm vui ấy còn là được tiếp thu, hiểu thêm những giá trị, những kiến thức qua từng hiện vật. Vừa rồi, khi được ông Châu Văn Cội, ở xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành tặng một cây xăm hầm bằng kim loại, màu xám, bà Vân rất đỗi ngạc nhiên khi lần đầu nhìn thấy. Nhưng khi biết đây là loại vật dụng mà lính Mỹ dùng để rà tìm các hầm bí mật, bà hiểu thêm về tội ác của kẻ thù năm xưa và càng tự hào về truyền thống đấu tranh của cha ông ta ngày trước.

Nghề sưu tầm hiện vật tuy cực mà vui! Niềm vui ấy nhân đôi khi những người làm nghề được phát huy đam mê, cống hiến một phần sức lực vào sự nghiệp trưng bày, giáo dục truyền thống của bảo tàng. Vì vậy, với những người sưu tầm hiện vật, có sá gì đâu những khó khăn, cực nhọc!./.

Nguyễn Ngọc

Chia sẻ bài viết