Tiếng Việt | English

15/02/2021 - 13:38

Vui xuân không quên ruộng đồng

Những ngày qua, bên cạnh việc vui xuân, đón tết thì ngành nông nghiệp từ tỉnh Long An đến địa phương và nông dân vẫn thường xuyên quan tâm, chăm sóc ruộng đồng nên tình hình dịch hại và hạn mặn cơ bản vẫn được kiểm soát tốt.

Mặc dù bận vui xuân, đón tết nhưng nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn luôn thường xuyên thăm đồng ruộng

Thường xuyên thăm đồng

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An, tổng diện tích lúa gieo cấy năm 2021 đến ngày 09/02/2021 ước đạt 246.822ha/KH 483.500ha, đạt 51% so với kế hoạch, bằng 102,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Diện tích thu hoạch 50.922ha, năng suất (khô) bình quân ước 63,1tạ/ha, sản lượng 321.298 tấn, đạt 11,9% so với kế hoạch (2,7 triệu tấn), bằng 106,9% so với cùng kỳ.  Từ đầu vụ đến nay, các dịch bệnh: đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá, rầy nâu, bệnh đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn,…xuất hiện rải rác trên lúa giai đoạn đẻ nhánh-đòng trổ-chín ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Giuộc, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường.

Giai đoạn trước, trong và sau tết, thời tiết tại Long An được dự báo ngày nắng, đêm không mưa. Các loại sâu bệnh: rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn, chuột, sâu đục thân, bọ trĩ,... tiếp tục phát sinh và gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn mạ-đẻ nhánh. Bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá tiếp tục phát sinh và gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn đẻ nhánh-đòng trổ. Bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn trổ chín.

Tranh thủ đi thăm hơn 2ha lúa (giống IR4625) của gia đình đang trong giai đoạn làm đồng vào sáng mùng 3 tết, Phan Văn Hảo, ở xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường cho biết: “Những ngày qua, dù bận đi chúc tết họ hàng nhưng sáng nào tôi cũng dành thời gian ra đồng và kiểm tra cây lúa ở một vài nơi để xem tình hình sâu năn như thế nào. Không riêng gì tôi mà nhiều bà con nơi đây cũng có việc làm tương tự. Điều đáng mừng là qua thăm đồng thì tuy sâu năn có xuất hiện nhưng mật độ không nhiều, không ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa”.

Ngành chức năng khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi dịch hại trên lúa 

Còn ông Bùi Văn Đậu, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ đi thăm đồng vào sáng mùng 4 tết chia sẻ: “Mặc dù bận rộn những ngày tết nhưng tôi vẫn luôn dành thời gian để theo dõi tình hình dịch hại và hạn mặn. Theo tôi thấy rầy nâu có xuất hiện nhưng với mật độ rất ít, không đáng ngại, riêng độ mặn thì cũng được ngành chức năng thông báo đang ở mức không quá cao. Dù vậy, để đảm bảo lúa đạt năng suất tốt nhất khi thu hoạch tôi cũng sẻ chủ động chăm sóc và tiếp tục theo dõi tình hình hạn mặn, vì đây là vụ lúa chính trong năm”.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo thông tin, trong thời gian trước, trong và sau tết, ngành nông nghiệp huyện luôn theo dõi sát sao tình hình sâu bệnh và hạn mặn để cùng nông dân bảo vệ cây lúa đến khi thu hoạch.

Hiện nay, các cửa cống ven sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đều đã được đóng và độ mặn tại các điểm sông chính cũng được đo thường xuyên với tần suất 1 lần/ngày. Song song đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng và theo dõi tình hình hạn mặn để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Hiện nay, lượng nước trên các sông đang trong thời kỳ chuyển triều (tử triều kém sang triều cường) nên độ mặn trên các tuyến sông trong tỉnh (sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra) dao động ở mức từ 0,5 - 13,2 gam/lít (g/l) và giảm từ 0,1 - 2,8 g/l; riêng một số điểm đo trên sông Vàm Cỏ, sông Tra, Vàm Cỏ Tây tăng nhẹ từ 0,1 - 0,9 g/l so với thông báo chất lượng nước ngày 04/02/2021. Theo dự báo, trong vài ngày tới, khả năng độ mặn trên các sông sẽ tăng trở lại do ảnh hưởng của kỳ triều cường cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng Âm lịch.

Chủ động ứng phó

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, trước trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở tiếp tục phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền tăng cường công tác điều tra, theo dõi sinh vật gây hại trên lúa Đông Xuân và hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý kịp thời khi xuất hiện sinh vật gây hại. Tiếp tục tuyên truyền các công văn mà Sở đã ban hành đến ngành nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố về kế hoạch triển khai thực hiện và phòng trừ dịch hại trên vụ Đông Xuân 2020 - 2021.

Thời tiết dịp Tết Nguyên đán thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục lây nhiễm và gây hại với mức độ từ nhẹ đến trung bình trên các ruộng trồng, sạ dầy, bón dư phân đạm như: IR50404, OM4218, OM4900, OM5451, nếp,… Đối với bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, có thể lây nhiễm trên trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng. Nông dân phải thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện sớm, khi thấy cây lúa bị bệnh rải rác cần nhổ và tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh.

Đối với muỗi hành, có khả năng xuất hiện và gây hại trên trà lúa xuống giống muộn (gieo sạ trong cuối tháng 12 và đầu tháng 1). Thực tế cho thấy, muỗi hành gây hại nhiều trên ruộng trồng giống nếp, OM5451, ĐS1, Đài Thơm 8,… Ngoài ra, cần lưu ý những đối tượng có khả năng gây hại như: chuột, sâu cuốn lá, bệnh vàng lá chín sớm, bệnh lem lép hạt,…

“Ngoài ra, Sở cũng khuyến cáo các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn kịp thời, đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm và chủ động trong sản xuất đảm bảo an sinh” - ông Thiện cho biết thêm./.

Bùi Tùng  

Chia sẻ bài viết