Tiếng Việt | English

26/02/2021 - 09:02

Vững vàng trong “cuộc chiến” chống Covid-19

Trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, cùng với cả nước, các y, bác sĩ (BS), nhân viên y tế tỉnh Long An cũng quyết tâm, nỗ lực, không ngại khó khăn, gian khổ, luôn vững vàng nơi tuyến đầu chống dịch để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trong thời điểm hiện nay, vừa xét nghiệm thường quy, các nhân sự của Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng (CDC Long An) còn gặp áp lực thời gian do tập trung công tác chống dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Ngân

Không ngại khó khăn, áp lực công việc

Từ khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, với cương vị là người đứng đầu ngành Y tế của tỉnh, Giám đốc Sở Y tế - BS CKII Huỳnh Minh Phúc luôn quan tâm đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống dịch bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên. Những kết quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh có sự đóng góp rất lớn của ông cùng toàn thể cán bộ, y, BS ngành Y tế. Không chỉ báo cáo, tham mưu lãnh đạo tỉnh và trao đổi với các sở, ngành về công tác phòng, chống dịch bệnh trong các cuộc họp, ông còn phối hợp cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh kịp thời, chính xác nhằm giúp người dân không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, lơ là trong phòng, chống Covid-19.

Bác sĩ Huỳnh Minh Phúc (thứ 3, từ trái qua) trong chuyến kiểm tra công tác cách ly, phòng, chống dịch Covid-19 cùng lãnh đạo tỉnh

Một “chiến sĩ áo trắng” khác cũng có nhiều cống hiến trong công tác phòng, chống dịch, đó là BS Huỳnh Hữu Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Long An. Trung tâm là đơn vị nòng cốt trong việc tham mưu các giải pháp chống dịch, tổ chức truy vết, lấy mẫu xét nghiệm,... nhằm kịp thời ngăn chặn dịch lây lan với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

BS Dũng chia sẻ, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đối với cán bộ y tế dự phòng, mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ nơi đâu, thời gian nào thì nhân viên của CDC cũng lập tức đến điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm, thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để lây lan ra cộng đồng.

“Chúng tôi vẫn hay đùa với nhau, y tế dự phòng là những người “đi trước, về sau”, những BS không mặc áo blouse trắng. Khi người dân nhìn thấy y, BS, cán bộ y tế dự phòng thì chỉ thấy chúng tôi mặc những bộ quần áo bảo hộ mà thôi! Đôi khi, chúng tôi cũng lo ngại vì chỉ một sơ suất nhỏ là có thể nhiễm bệnh, mang mầm bệnh về gia đình, người thân. Tuy nhiên, chúng tôi được tập huấn kỹ và tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng dịch để tránh nguy cơ lây nhiễm. Với những khó khăn, áp lực trước mắt, chúng tôi luôn động viên nhau vượt qua để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ” - BS Huỳnh Hữu Dũng cho biết.

Sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành Y tế nói chung cũng như những cống hiến thầm lặng của cán bộ y tế dự phòng đã đóng góp rất lớn trong công tác phòng dịch. Bất kể ngày, đêm, lễ, tết, họ đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Nhân viên khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (CDC Long An) - Ngô Văn Hiếu Bình bộc bạch: Làm công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thông thường đã rất bận, khi dịch bệnh xảy ra thì công việc nhiều gấp 3-4 lần. Với nhiệm vụ phòng, chống Covid-19, tôi thực hiện điều tra các trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng dịch hoặc nhập cảnh trái phép; truy vết trường hợp F1, F2 từ vùng dịch trở về;... Do tính chất dịch bệnh nguy hiểm, phải điều tra, xử lý ngay khi phát hiện để xác minh và cách ly theo quy định, hướng dẫn các biện pháp theo dõi sức khỏe,... nên có những thời điểm, chúng tôi phải làm việc cả ngày lẫn đêm để kịp tiến độ.

Phó Trưởng khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng (CDC Long An) - Thái Thị Thúy Liên chia sẻ: “Trong thời điểm hiện nay, vừa xét nghiệm thường quy, các nhân sự trong khoa phải bảo đảm thêm công tác chống dịch Covid-19. Ngoài áp lực về công việc còn có áp lực về thời gian, ngay khi nhận thông tin ca nghi ngờ, ca F1 hoặc có trường hợp cách ly mới thì phải đi lấy mẫu xét nghiệm ngay để có kết quả sớm nhất. Đợt tết vừa qua, lượng người từ các địa phương như TP.HCM, Hải Dương, Bình Dương, Quảng Ninh,... trở về nhiều nên phát sinh các trường hợp F1, do đó, hầu như đội không có ngày nghỉ. Tuy công việc áp lực, vất vả nhưng luôn được ban lãnh đạo động viên, hỗ trợ kịp thời và sự cảm thông, chia sẻ từ gia đình - “hậu phương” vững chắc để chúng tôi an tâm hoàn thành nhiệm vụ”.

Đối mặt nguy cơ lây nhiễm, trên hết vẫn là sức khỏe nhân dân

Từ đầu mùa dịch đến nay, Bệnh viện Đa khoa Long An (BVĐKLA) điều trị thành công 2 ca dương tính SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân này đã khỏe mạnh và xuất viện. Trưởng khoa Nhiễm, BVĐKLA - BS CKI Đặng Anh Tuấn chia sẻ: “Thành công trong điều trị 2 ca dương tính SARS-CoV-2 phải kể đến nỗ lực chung của tập thể cán bộ, y, BS khoa Nhiễm và toàn thể BVĐKLA. Dù đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, có người còn có con nhỏ, phải trực xuyên suốt để chăm sóc người bệnh nhưng ai cũng nỗ lực, quyết tâm hết mình. Khi điều trị cho bệnh nhân 1547, người Ấn Độ, không biết tiếng Việt lẫn tiếng Anh nên chúng tôi rất khó khăn trong giao tiếp. Vì vậy, mọi người phải cố gắng hết mình để bệnh nhân hiểu, tuân thủ yêu cầu điều trị”.

Các y, bác sĩ, cán bộ y tế Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Long An trao giấy ra viện cho bệnh nhân 1547

Chị Đặng Thị Như Hướng - điều dưỡng tại Khoa Nhiễm (BVĐKLA), có con nhỏ 4 tuổi phải gửi ở quê chồng (huyện Đức Huệ) vì vợ chồng đều công tác xa nhà. Hơn nữa, môi trường chị làm việc phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, không chỉ với dịch Covid-19 mà các bệnh khác như quai bị, thủy đậu, HIV, viêm gan siêu vi C,... Mặc dù vậy, chị cùng đồng nghiệp trong khoa đều cố gắng. “Bên cạnh công việc hàng ngày, khi có ca dương tính thì chúng tôi phải tận lực làm việc, chỉ mong dịch bệnh sớm qua đi để các y, BS, cán bộ y tế đỡ phần vất vả, đời sống người dân không bị ảnh hưởng”.

Dù đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao nhưng các cán bộ y tế tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện đa khoa Long An vẫn tận tụy với công việc, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19

Bên cạnh công tác điều trị, các y, BS, cán bộ y tế phục vụ tại khu cách ly cũng là những người vất vả và có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo Tổ phó Tổ y tế - Khu cách ly tập trung Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Hưng - Dương Quế Minh, dù công việc áp lực hơn trong thời điểm dịch bệnh, nhất là những ngày lễ, tết, anh chị em phục vụ tại khu cách ly tập trung phải xa gia đình nhưng chúng tôi đều động viên nhau cố gắng, góp sức, đồng lòng vì nhiệm vụ chung. Khi đã chọn nghề y thì phải chấp nhận vất vả, đổi lại, chúng tôi hạnh phúc khi mọi người có được sức khỏe, an toàn. Đó là niềm vui lớn nhất của những người thầy thuốc”.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, đây là thành quả rất lớn mà các y, BS, cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực suốt thời gian qua. Không chỉ riêng dịch bệnh Covid-19, trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, có biết bao cống hiến thầm lặng của đội ngũ những người làm nghề y - những thiên thần áo trắng xứng đáng được trân trọng, tôn vinh!

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết