Buổi chào cờ trên đảo Trường Sa
Pháo đài hiên ngang trên biển
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, quân đội, nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài, Trường Sa thay đổi từng ngày. Hiện nay, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa có thị trấn Trường Sa và các xã đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn,... Nhiều công trình dân sinh được củng cố, tu bổ như trường học, bệnh xá, hệ thống năng lượng sạch, phủ sóng điện thoại di động, một số đảo có các công trình văn hóa tâm linh như chùa, Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Tượng đài Trần Hưng Đạo, đài liệt sĩ,... là những nơi để dân, quân trên đảo đến dâng hương, dâng hoa tỏ lòng tri ân các anh hùng dân tộc và những người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cơ sở vật chất ở các đảo luôn được củng cố cùng với tinh thần yêu biển, đảo trong sâu thẳm trái tim người lính biển, tạo nên một thế trận vững chắc.
Hải đăng trên đảo Đá Tây
Thượng tá Đỗ Hải Đăng - Chính trị viên đảo Trường Sa, chia sẻ: “Quân và dân trên đảo luôn vững vàng trước mọi khó khăn. Đời sống vật chất và tinh thần giờ đây bớt khó khăn nhưng cũng không thể như trong đất liền được. Tuy vậy, ai cũng vui, tự hào vì mình được sống và công tác ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ luôn có tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm. Kết quả huấn luyện luôn đạt 100% yêu cầu, trong đó có trên 86,5% khá, giỏi; các bài bắn đạn thật luôn đạt giỏi. Đây chính là sự khẳng định về bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Qua những chuyến thăm đảo vừa qua, tôi được biết, cấp ủy, chỉ huy ở mỗi đảo luôn làm tốt công tác quán triệt và triển khai nghiêm túc việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”. Cán bộ các cấp thực hiện đúng phương châm “cầm tay chỉ việc”, luôn bám sát đơn vị để theo dõi nắm tình hình và kịp thời giải quyết tư tưởng nảy sinh của bộ đội, bảo đảm an toàn tuyệt đối chính trị. Dân chủ ở cơ sở được duy trì thường xuyên, xây dựng được sự đồng thuận giữa cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ, đảng viên với quần chúng, giữa quân và dân cùng xây dựng đảo chính quy toàn diện. Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt, nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; xây dựng mối đoàn kết, thống nhất cao trong cấp ủy, chỉ huy các cấp; gắn xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh với đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh; giải quyết tốt mối quan hệ với người dân trên đảo, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
Ngôi chùa trên đảo Sơn Ca
Văn hóa nơi đầu sóng, ngọn gió
Giữa biển khơi muôn trùng chỉ có sóng, gió và muối mặn của biển, vậy mà trên các đảo vẫn có màu xanh của làng quê Việt. Đó là những hàng dừa xanh trĩu quả, những bụi tre vươn cao trước sóng và những cây mù u xanh ngát tỏa bóng mát quanh năm,... Đặc trưng nhất của Trường Sa là cây bàng vuông, cây phong ba chịu được nắng và gió, sinh sôi phát triển quanh năm. Hoa bàng vuông chỉ nở về đêm và có mùi thơm đặc trưng của biển. Chị An Thị Liên Phương - Phó Tổng biên tập Trang tin điện tử Thành ủy TP.HCM, tâm sự: “Sau những cuộc thăm đảo, được ngồi dưới những tán cây, tôi cảm nhận được hơi thở của làng quê nơi đất liền đang phảng phất đâu đây. Đúng là có bàn tay những con người kiên cường thì bất kỳ loại cây, loại hoa nào cũng đều có thể phát triển tốt. Tôi rất khâm phục sức sống của con người và cảnh vật nơi đây!”.
Được đi thăm những vườn rau do chính bàn tay cán bộ, chiến sĩ trồng trên các đảo càng thấy sức sống ấy thực sự mãnh liệt. Trên từng bàn làm việc hay ô cửa nhỏ là những chậu cây cảnh nhỏ được cán bộ, chiến sĩ mang từ mọi miền quê ra trồng và chăm sóc, làm cho không gian đơn vị thật đầm ấm, gần gũi. Họ nâng niu, chăm sóc như người bạn của mình. Thượng úy Lê Đình Vũ - Chính trị viên đảo Đá Lớn C, chia sẻ: Cán bộ, chiến sĩ trên đảo mỗi lần về nghỉ phép đều chủ động tìm những loại cây có dáng thích hợp để mang ra đây trồng. Vì là đảo chìm nên không gian và đất trồng không có, anh em tận dụng cửa sổ, hành lang để đặt chậu trồng cây. Có lẽ chính sự sáng tạo này góp phần cho đảo có sức sống hơn, cán bộ, chiến sĩ có cảm giác được ở gần làng quê của mình hơn.
Chăm sóc rau xanh trên đảo Đá Lớn C
Điều làm chúng tôi cảm phục nhất chính là những đứa trẻ trên các xã đảo. Trước sóng gió biển khơi, các em vẫn tung tăng đến trường từ mầm non đến hết tiểu học. Chính các em là thế hệ sau này kế tiếp giữ gìn biển, đảo cho đất nước. Chị Lưu Thị Cẩm Hằng, sinh sống trên đảo Song Tử Tây, chia sẻ: “Hai cháu nhà mình ra đảo được hơn 2 tháng, mặc dù xa đất liền nhưng các cháu vẫn đi học đều và nhận thức rất tốt. Tôi luôn mong muốn các con của mình có đầy đủ về trình độ văn hóa, sức khỏe để là những hạt giống gieo mầm nơi biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc”./.
Phạm Quang Tiến