Ngoài học tập, thầy Lê Hoàng Hân còn có những chuyến đi trải nghiệm, vui chơi tại Úc (Ảnh tư liệu)
Ấp ủ nhiều đổi mới trong dạy học
Sau 5 năm công tác tại Trường THPT Chuyên Long An, thầy Lê Hoàng Hân - GV môn Tiếng Anh, được tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ tại Úc. Hiện thầy hoàn thành khóa thạc sĩ, ngành Ngôn ngữ học ứng dụng, Đại học Macquarie và chờ chuyến bay hồi hương về Việt Nam.
Được truyền cảm hứng từ mẹ (làm GV) và các thầy, cô thời phổ thông, cậu học trò Lê Hoàng Hân khi ấy xác định rõ ước mơ của mình là trở thành GV. Cứ thế, ước mơ được bồi đắp, nuôi dưỡng theo năm tháng và dần trở thành hiện thực. Thầy Hân kể: “Khi ấy, tôi luôn khát khao được khoác lên mình những bộ quần áo chỉn chu nhất, đứng trên bục giảng và truyền đạt hết những kiến thức của mình cho học sinh (HS)”. Và Tiếng Anh là bộ môn mà thầy Hân quyết tâm theo đuổi trong hành trình ước mơ trở thành GV. Bởi nó vừa là môn thế mạnh, vừa là sở thích, đam mê của thầy.
Năm 2014, ước mơ thành hiện thực, thầy trở thành GV tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Long An. Mặc dù thời gian đầu gặp không ít khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực, ham học hỏi và sự giúp đỡ của đồng nghiệp, Ban Giám hiệu, thầy Hân ngày càng tiến bộ. Trong quá trình công tác, thầy tích cực tham gia các cuộc thi chuyên môn và đạt nhiều thành tích nổi bật. Đó cũng là động lực giúp thầy Hân thêm tự tin đăng ký nhu cầu đào tạo sau đại học ở nước ngoài và được chọn.
Tham gia học tập tại Đại học Macquarie, Úc, thầy Hân được trải nghiệm nhiều điều thú vị. Đó không chỉ là tiếp thu nhiều kiến thức mới mà còn hoàn thiện các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, lắng nghe, chia sẻ và học hỏi từ người khác. Thầy Hân còn được rèn luyện tư duy không phán xét đúng hoặc sai, sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến mới.
Thầy Hân chia sẻ: “Học tập tại môi trường đa văn hóa như Đại học Macquarie là một trải nghiệm tuyệt vời và cũng là thử thách đối với tôi. Tôi có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu và học tập với sinh viên Úc,
Trung Quốc, Thái Lan, New Zealand, Ấn độ,… Tuy nhiên, chính sự đa dạng và khác biệt đó đôi lúc lại là trở ngại trong quá trình làm việc cùng nhau, có những tranh cãi hay mâu thuẫn là điều không tránh khỏi. Ý thức được sự khác biệt về văn hóa ấy nên chúng tôi luôn cố gắng lắng nghe ý kiến của nhau, mọi người đều có quyền bày tỏ ý kiến cá nhân, không có ý kiến đúng hay sai, chỉ phân tích điểm mạnh, điểm yếu trong từng ý kiến, thảo luận cùng nhau tìm ra hướng đi tốt nhất để hoàn thành bài tập nhóm”.
Với những kiến thức tiếp thu, kinh nghiệm tích lũy, thầy Hân có nhiều dự định ấp ủ cho ngày trở lại trường. Đó là làm mới và thay đổi cách dạy học của mình. Thầy sẽ dạy học theo hướng gợi mở, đưa các tình huống và ngữ liệu thực tế vào giảng dạy nhiều hơn. Từ đó, HS có sự chủ động và quyền tự do hơn trong việc lựa chọn đề tài và vấn đề mà mình muốn tìm hiểu. “Tôi hy vọng giúp HS tiếp cận môn Tiếng Anh theo nhiều cách khác nhau, khơi gợi sự tò mò, hứng thú học tập thông qua các mẩu chuyện và những trải nghiệm thực tế của mình. Ngoài ra, tôi cũng mong các em có cách nhìn nhận khác về việc học môn Tiếng Anh. Bởi học tiếng Anh thực sự là một quá trình khám phá giới hạn của bản thân và thế giới xung quanh”.
Không ngừng trau dồi và tiếp thu kiến thức mới
Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Hóa Phân tích, Trường Đại học Huddersfield, Anh Quốc, cô Phan Thị Liên - GV Trường THPT Chuyên Long An, luôn nỗ lực để truyền cảm hứng học tập cho HS và không ngừng tự học, tự nghiên cứu để không bị tụt hậu về kiến thức.
Tham gia học thạc sĩ tại Trường Đại học Huddersfield, Anh Quốc theo Chương trình Mekong 1.000 vào năm 2012, cô Liên có cơ hội được tiếp thu nhiều kiến thức mới và trải nghiệm thú vị tại môi trường học tập hiện đại. “Dù chuẩn bị tâm thế và vốn ngoại ngữ nhất định trước khi sang Anh du học nhưng tôi cũng không tránh được những bỡ ngỡ, khó khăn, nhất là ngôn ngữ. Bởi, bạn bè thế giới phát âm rất khác với những gì tôi học” - cô Liên kể.
Vậy là, cô Liên cố gắng tự học thêm ngôn ngữ chuyên ngành và chủ động kết bạn trong lớp để trao đổi thêm về nội dung học tập. Cô Liên bộc bạch: “Tôi học được rất nhiều điều từ chuyến du học này. Đầu tiên là phong cách làm việc nghiêm túc của các sinh viên, tập trung cao độ trong phòng thí nghiệm. Môi trường học tập ở đây cũng rất hiện đại. Khi đến thư viện, tôi tìm được rất nhiều sách, sử dụng công nghệ hiện đại tìm kiếm và việc trả sách cũng tiện lợi. Hầu hết sinh viên đều phải tự nghiên cứu nên việc tự học rất quan trọng. Sau một năm học tập, tôi đã tạo được thói quen tự nghiên cứu, tự đọc sách tìm hiểu kiến thức mới phục vụ công việc giảng dạy của mình”.
Cô Phan Thị Liên và các thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. (Ảnh tư liệu)
Được học tập, tiếp thu kiến thức từ môi trường học tập, nền văn hóa hiện đại, cô Liên thường xuyên chia sẻ với HS về những kinh nghiệm và trải nghiệm hữu ích của bản thân. “Tôi muốn khơi gợi để các em được tìm hiểu, khám phá thế giới và đặt mục tiêu chinh phục những tầm cao mới. Ngoài ra, tôi còn chia sẻ với các em về nền văn minh của Anh Quốc. Trong đó, văn hóa xếp hàng, nói lời cảm ơn, nhường đường, khuôn viên dành cho người hút thuốc,... là những điều tôi muốn truyền tải để các em hiểu và học tập theo” - cô Liên tâm sự.
Về chuyên môn, những kiến thức tích lũy trên rất hữu ích trong việc bồi dưỡng HS giỏi quốc gia, đặc biệt là thực hành thí nghiệm. Nhờ sự vận dụng kiến thức, kinh nghiệm học tập từ nước ngoài, các tiết học của cô Liên trở nên sinh động hơn, HS chăm chú lắng nghe những câu chuyện thực tế. Đội tuyển HS giỏi quốc gia được hướng dẫn thực hành và được truyền cảm hứng để nỗ lực tự học và ôn luyện.
Không dừng lại ở những kiến thức tiếp thu được, cô Liên tiếp tục trau dồi, học hỏi để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Theo đó, cô đọc sách, tài liệu tiếng Việt, tiếng Anh; đồng thời, học hỏi thêm từ đồng nghiệp, tham gia các buổi tập huấn, giao lưu về chuyên ngành. Cô Liên cho biết: “Kiến thức mới cần cập nhật từng ngày, điều này đòi hỏi GV như tôi phải bắt kịp và không ngừng học tập”.
Nhờ những kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là tâm huyết với nghề, các thầy, cô giáo được đào tạo ở nước ngoài đã truyền cảm hứng và góp phần đào tạo thế hệ HS tài năng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà./.
Ngọc Thạch