Tiếng Việt | English

29/08/2020 - 08:35

Vươn tới những giá trị thiết thực, hiện đại

Mỗi ngày, khi đọc sách, báo, lướt web, lên mạng xã hội; xem, nghe chương trình thời sự, giải trí trên tivi, radio; trao đổi thông tin với người thân, đối tác; làm việc trong cơ quan, giải quyết thủ tục hành chính; tìm hiểu giá cả thị trường;... là chúng ta đang tiếp cận với các lĩnh vực của ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Ngành này bao gồm nhiều lĩnh vực rộng lớn: Báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin,... liên quan mật thiết đời sống, tạo động lực cho phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Hôm nay, ngành TT&TT Việt Nam kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành (28/8/1945 - 28/8/2020). Tuy nhiên, ngành TT&TT đã được đặt nền móng từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 gắn liền với sự ra đời của Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925). Trải qua 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ngành TT&TT luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngành TT&TT ngày càng phát triển và có vai trò rất to lớn, ngày càng vững vàng về chính trị, mạnh về kinh tế, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đi đầu trong công cuộc đổi mới. Đến nay, cả nước có 818 cơ quan báo in, báo điện tử, 72 cơ quan báo nói, báo hình; trên 1.500 trang thông tin điện tử, 608 mạng xã hội trong nước; 59 nhà xuất bản; 1.933 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in, 68 doanh nghiệp viễn thông,... Báo chí là mũi nhọn xung kích, là phương tiện thông tin, tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc hại của các thế lực thù địch; phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần, quảng bá hình ảnh của địa phương, thu hút đầu tư,...

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin cơ sở được bao phủ đến xóm, ấp cũng là kênh tuyên truyền hữu hiệu, sát với đời sống nhân dân, đã phát huy vai trò xung kích trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Mạng lưới bưu chính, viễn thông cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông, Internet, truyền hình và các dịch vụ giá trị gia tăng rộng khắp từ thành thị đến tận vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu người sử dụng dịch vụ. Hệ thống bưu chính tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, giải quyết thủ tục hành chính, tạo tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước đã được đầu tư và cải thiện, bảo đảm triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, ứng dụng tiện lợi trong hội nghị trực tuyến, trao đổi văn bản điện tử, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến,... phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, quản lý của cơ quan nhà nước, tăng tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nắm bắt thông tin, phục vụ ngày càng tốt hơn cho nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, ngành TT&TT đang chuẩn bị nền tảng xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử, đô thị thông minh của tỉnh, kho cơ sở dữ liệu dùng chung,... ngày càng khẳng định vị thế, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh.

Vừa gần gũi, thiết thực trong cuộc sống, vừa là một mũi nhọn về kinh tế và truyền thông, kỹ thuật và công nghệ, các lĩnh vực của ngành TT&TT đã, đang hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới của ngành hết sức quan trọng, có giá trị “đi tắt đón đầu”, càng tô đậm truyền thống đáng tự hào của ngành TT&TT trong lịch sử 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành vượt bậc./.

Tân An

Chia sẻ bài viết