Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: abcnews.go.com)
Nhằm đối phó với tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng gia tăng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 30/8 đã công bố những chỉ dẫn mới cho việc điều trị ba căn bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục (STI) phổ biến gồm bệnh do vi khuẩn chlamydia gây ra, bệnh lậu và bệnh giang mai.
Trong một thông cáo báo chí WHO lưu ý rằng tình trạng nhờn kháng sinh ở ba căn bệnh trên đang gia tăng nhanh trong những năm gần đây và khiến cho các phương pháp điều trị bị thu hẹp lại.
Trong số những căn bệnh này, bệnh lậu đang có khả năng kháng kháng sinh mạnh nhất. Hiện tượng kháng kháng sinh ở các bệnh chlamydia và giang mai, tuy ít phổ biến hơn, song cũng tồn tại, gây khó khăn cho việc ngăn chặn và điều trị. Do vậy, WHO hối thúc các quốc gia cập nhật trên toàn quốc những chỉ dẫn về cách điều trị bệnh lậu.
Các quan chức y tế cần phải theo dõi tình trạng kháng nhiều loại kháng sinh khác nhau phổ biến ở những bệnh nhân mắc bệnh lậu. Các chỉ dẫn mới của WHO không kiến nghị việc dùng kháng sinh quinolones để điều trị bệnh lậu do tình trạng kháng loại kháng sinh này đang phổ biến ở mức độ cao.
Ông Ian Askew, Giám đốc về sức khỏe sinh sản và nghiên cứu của WHO, cho biết các chứng bệnh chlamydia, lậu và giang mai đang là những căn bệnh nan giải của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng tới chất lượng sống của hàng triệu người, gây ra những bệnh nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong. Theo ông, các chỉ dẫn mới của WHO tái khẳng định sự cần thiết phải điều trị ba căn bệnh trên bằng thuốc kháng sinh "đúng loại, đúng liều, và đúng thời điểm để giảm bớt sự lây lan cũng như cải thiện sức khỏe sinh sản và tình dục." Để làm được điều này các dịch vụ y tế quốc gia cần phải theo dõi mọi hình thức kháng kháng sinh ở những căn bệnh truyền nhiễm nói trên trong phạm vi quốc gia.
Thông cáo của WHO cũng cảnh báo nếu không được chẩn đoán và điều trị, ba chứng bệnh STI nêu trên có thể gây ra những tác động phức tạp và lâu dài đối với sức khỏe của nữ giới như viêm xương chậu, có thai ngoài tử cung, sẩy thai, trong khi bệnh lậu và giang mai không được điều trị có thể gây vô sinh ở cả nam giới lẫn nữ giới. Việc lây nhiễm các căn bệnh này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS lên gấp 2-3 lần. Đồng thời, STI nếu không được điều trị ở phụ nữ có thai sẽ làm tăng nguy cơ thai lưu.
Theo ước tính của WHO, mỗi năm trên thế giới có 131 triệu người nhiễm bệnh do khuẩn chlamydia, 78 triệu người nhiễm bệnh lậu, và 5,6 triệu người nhiễm bệnh giang mai./.
Theo TTXVN