Tiếng Việt | English

01/03/2016 - 03:36

Long An

Xả nước cống Tân An trước ngày 7-3-2016 để phục vụ sản xuất đông - xuân

Cống Tân An (cống Bảo Định cũ) được xả nước để nước sông Bảo Định pha với nước sông Vàm Cỏ Tây nhằm bớt độ mặn, người dân lấy nước vào ruộng kịp thời vụ lúa đông-xuân,…


Cống Cần Đốt được đóng để ngăn mặn xâm nhập.

Theo thông tin vừa mới nhận được, ông Nguyễn Thái Bình - Phó trưởng Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi TP.Tân An, tỉnh Long An (gọi tắt là Trạm) cho biết: Hiện nay, tình trạng nước mặn có thể xâm nhập vào đồng ruộng từ sông Vàm Cỏ Tây là rất lớn. Tất cả các cống lớn cặp sông Vàm Cỏ Tây (địa phận TP.Tân An 6 cống) được đóng lại để ngăn mặn.

Các địa phương giáp tỉnh Tiền Giang như: Lợi Bình Nhơn, phường 6, Khánh HậTân Khánh… có thể lấy nguồn nước từ tỉnh Tiền Giang nên không lo lắm. Trong khi các xã Hướng Thọ Phú, Nhơn Thạnh Trung, phường 5 và một số xã của huyện Tân Trụ sử dụng trực tiếp từ nguồn nước sông Vàm Cỏ Tây nên chịu ảnh hưởng nhiễm mặn rất lớn. Chính vì vậy, Trạm phối hợp với tỉnh Tiền Giang cho xả nước tại cống Tân An (cống Bảo Định cũ) để nước sông Bảo Định pha với nước sông Vàm Cỏ Tây nhằm bớt độ mặn, người dân có thể lấy nước vào ruộng kịp thời vụ lúa đông-xuân.


Cán bộ Trạm đo độ mặn tại sông Vàm Cỏ Tây ngày 29-2-2016

Theo số liệu của Trạm, đo ngày 29-2-2016 tại cống Bình Tâm độ mặn 3,7g/l, cống Châu Phê (phường 5) 3,3g/l, cống Tân An (Bảo Định cũ) 3,3 g/l, cống Vành đai Nguyễn Thông 3,5g/l, cống Cần Đốt 2,9 g/l, cống Rạch Chanh 2,9 g/l. Như vậy, hiện độ mặn giảm dần so với ngày 27-2 có thời điểm lên đến 4g tại cống Bình Tâm và 3,6g tại cống Châu Phê.

Trước đây, ngành thủy lợi phối hợp tỉnh Tiền Giang xả nước 2 lần từ cống Bắc Đông và cống Rạch Chanh để sông Vàm Cỏ Tây giảm bớt độ mặn. Nay, chậm nhất trước ngày 7-3-2016 xả nước cống Tân An (Bảo Định cũ) để người dân các xã Hướng Thọ Phú, Nhơn Thạnh Trung, phường 5 và một số xã thuộc huyện Tân Trụ chuẩn bị mở cống nội đồng để lấy nước phục vụ sản xuất lúa vụ đông-xuân 2016.

UBND TP.Tân An khuyến cáo người dân không được dùng nguồn nước bị nhiễm mặn để tưới cho các loại cây trồng vì sẽ ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến sản xuất. Chỉ khi nào độ mặn xuống dưới 2g/l mới được sử dụng nhưng hạn chế.

Ông Nguyễn Thái Bình cho biết thêm, "hiện nay tất cả các cống nối với sông Vàm Cỏ Tây đều được đóng kín theo chỉ đạo của UBND TP.Tân An. Một số cống nội đồng do UBND các xã quản lý cũng được đóng kín nhằm hạn chế việc mặn xâm thực. Nghiêm cấm các hành vi tự ý mở cống phục vụ cho lợi ích riêng. Chỉ khi nào có sự đồng ý xác nhận của cơ quan chức năng thì mới mở cống khi độ mặn đã giảm. Cán bộ Trạm thường xuyên đo nồng độ mặn tại các điểm cống nhằm kịp thời tham mưu UBND TP.Tân An có giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho bà con”.

Theo khuyến cáo, độ mặn dưới 2g/l chỉ phù hợp cho lúa ngắn ngày, do đó người sản xuất phải hết sức thận trọng khi sử dụng nguồn nước nhiễm mặn.


Kênh Cần Đốt

Do việc ngăn mặn nên một số khu vực như: Kênh phường 3, kênh Cần Đốt và một số kênh nhỏ thoát nước khu dân cư bị ô nhiễm. Chính quyền và ngành chức năng khuyến cáo người dân cố gắng chịu đựng một thời gian khi độ mặn phù hợp sẽ xả nước nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Tại kênh phường 3, đơn vị thi công cống hứa vào ngày 2-3-2016 sẽ đào rãnh thoát nước công trình cống (đang thi công) nhằm giảm ô nhiễm môi trường khu vực đường Trần Văn Nam và đường Huỳnh Hữu Thống. Ông Bình cho biết như thế!

UBND TP.Tân An chỉ đạo, UBND các xã, phường thường xuyên cử cán bộ đi kiểm tra chặt chẽ các công trình cống do cấp mình quản lý, theo sát tình hình mặn xâm nhập và báo cho người dân biết bằng nhiều hình thức về độ mặn để người dân chủ động trong việc tích trữ nguồn nước tưới tiêu, sử dụng nước tiết kiệm, tránh gây ô nhiễm nguồn nước./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết