Tiếng Việt | English

07/05/2019 - 09:55

Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định

Mặc dù gặp một số khó khăn nhưng với sự nỗ lực của hai Chính phủ và sự ủng hộ của nhân dân hai nước (Việt Nam - Campuchia), tiến trình giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ công cuộc bảo vệ, phát triển kinh tế hai nước nói chung và khu vực biên giới nói riêng.

Tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc

Tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc

Gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp

Tính đến tháng 11/2018, giữa Việt Nam và Campuchia đã phân giới được 1.042/1.137km đường biên giới; xây dựng được tổng số 315/371 cột mốc và 1.732/1.733 cột mốc phụ, cột dấu. Tháng 3/2018, tại cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc (PGCM) biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia, hai bên nhất trí sẽ xây dựng hai văn kiện pháp lý là “Hiệp ước giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005” và “Nghị định thư PGCM biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” nhằm ghi nhận toàn bộ thành quả PGCM đã đạt.

Việc quản lý biên giới của hai nước được thực hiện theo Hiệp định Quy chế biên giới Việt Nam - Campuchia năm 1983. Đối với các khu vực chưa hoàn thành công tác PGCM, hai bên thực hiện quản lý biên giới theo điểm 8 Thông cáo báo chí Việt Nam - Campuchia ngày 17/01/1995 và được khẳng định tại khoản 5, Điều 3 Hiệp ước bổ sung 2005. Theo đó, trong khi chờ đợt giải quyết những vấn đề tồn đọng về biên giới, hai bên tiếp tục duy trì sự quản lý hiện nay, không thay đổi, xê dịch các cột mốc biên giới, giáo dục để nhân dân không xâm canh, xâm cư và cùng nhau hợp tác giữ gìn an ninh, trật tự biên giới.

Bên cạnh đó, nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xuất, nhập khẩu hàng hóa ở khu vực biên giới, tạo thuận lợi cho người và hàng hóa qua lại biên giới hai nước, hai bên đang triển khai công tác đàm phán về việc quy hoạch và phát triển hệ thống cửa khẩu trên biên giới đất liền giữa hai nước.

Hiện nay, qua khảo sát thực tế giữa Việt Nam - Campuchia có 10 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 20 cặp cửa khẩu phụ đang hoạt động. Hai bên đã ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông và Hiệp định quá cảnh hàng hóa (11/2008).

Có thể nói, quá trình đàm phán hoạch định, PGCM tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia mặc dù có một số khó khăn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng với sự nỗ lực của hai Chính phủ và sự ủng hộ của nhân dân hai nước, tiến trình giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền đã gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ công cuộc bảo vệ, phát triển kinh tế hai nước nói chung và khu vực biên giới nói riêng.

Long An xây dựng được 45/60 cột mốc

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với mục tiêu nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định, vì lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, công tác PGCM trên địa bàn tỉnh Long An tiếp tục được thực hiện một cách quyết liệt để có thể hoàn thành trong thời gian sớm nhất. 

Long An xây dựng được 45/60 cột mốc

Long An xây dựng được 45/60 cột mốc

Long An có đường biên giới dài gần 133km, đi qua 20 xã của 6 huyện, thị xã và tiếp giáp 2 tỉnh Svay Rieng, Prey Veng, Vương quốc Campuchia. Trong đó, biên giới trên đất liền dài khoảng 89km, biên giới trên sông, rạch dài khoảng 45km. Long An được giao xác định và xây dựng 54 vị trí mốc với 60 cột mốc chính (từ 177 đến mốc 230, trong đó có 6 mốc đôi). 

Công tác PGCM có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm xác lập đường biên giới giữa 2 nước. Tiến hành PGCM trên thực địa sẽ giúp 2 bên có đầy đủ cơ sở để nhận biết đường biên giới, phạm vi lãnh thổ của mỗi quốc gia để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ. Hoàn thành việc PGCM tiếp tục góp phần giữ gìn, củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa 2 nước; giữ vững an ninh quốc gia, an ninh chính trị, phát triển KT-XH và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới.

Đến nay, hai bên đã xác định và xây dựng được 41 vị trí với 45 cột mốc chính (có 4 cột mốc đôi), tồn đọng 13 vị trí với 15 cột mốc; đã hoàn thành việc xác định, xây dựng 76 vị trí với 110 cột mốc phụ.

Thời gian qua, an ninh biên giới được giữ vững, công tác phối hợp của các lực lượng giữa ta và bạn diễn ra tốt đẹp, an ninh, trật tự trên tuyến biên giới được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia và nhân dân hai bên biên giới.

Tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc

Tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc

Đứng chân trên địa bàn xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, Đồn Biên phòng Sông Trăng được phân công quản lý đoạn biên giới dài hơn 15,2km qua địa bàn 3 xã: Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B và quản lý, bảo vệ cột mốc 230 (1), 230 (2). Thiếu tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Trăng, cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, đơn vị thường xuyên tham mưu, phối hợp cấp ủy, chính quyền nơi đơn vị đóng quân làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có Nghị định 34 của Chính phủ, Luật Biên giới Quốc gia, quy chế khu vực biên giới,... 

“Nhờ được tuyên truyền, người dân hiểu và có ý thức tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Từ đó, mọi người đều chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung tay bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự trên khu vực biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển” - ông Huỳnh Văn Dũng, ngụ xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, nói.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân được cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các huyện, thị xã biên giới quan tâm, duy trì có hiệu quả. Thường xuyên củng cố, phát triển tinh thần đoàn kết, hữu nghị nhân dân hai bên biên giới, tạo điều kiện cho nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế,... Duy trì tốt phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự xóm, ấp khu vực biên giới”, mô hình “Tiếng kẻng vùng biên”./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết