Tiếng Việt | English

28/06/2016 - 08:10

Xây dựng hệ thống tài chính y tế bền vững, công bằng và hiệu quả

Cán bộ ngành bảo hiểm xã hội rà soát danh sách các hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Ngày 27/6, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo "Chính sách và pháp luật về y tế, dân số."

Hội thảo được tổ chức nhân dịp 40 năm Ngày thành lập Ủy ban Y tế và Xã hội, tiền thân của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2/7/1976-2/7/2016).

Tiến sỹ Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, cho biết hiện nay việc huy động nguồn tài chính y tế chưa thực sự bền vững trong tạo nguồn tài chính công, cụ thể nguồn ngân sách Nhà nước không cao (chiếm 35%), nguồn bảo hiểm xã hội thấp (19%), chủ yếu từ nguồn hộ gia đình (44,3%); mức phân bổ ngân sách nhà nước cho y tế khó tăng lên, tốc độ tăng chi cho y tế thấp hơn tốc độ tăng GDP; việc cân đối thu chi bảo hiểm y tế khó khăn trong mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, tăng giá viện phí, tăng tần suất sử dụng dịch vụ, gia tăng chi phí khám chữa bệnh...

Tiến sỹ Mai Oanh cũng chỉ ra việc sử dụng kinh phí còn nhiều bất cập, thể hiện trong lãng phí sử dụng thuốc, kỹ thuật y tế; việc xác định các thuốc, dịch vụ kỹ thuật và vật tư y tế trong gói quyền lợi của bảo hiểm y tế chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu bằng chứng về tính chi phí hiệu quả và chưa dựa trên quy trình minh bạch; chưa sử dụng công cụ giá một cách chiến lược để điều chỉnh số lượng, chất lượng dịch vụ cung ứng.

Theo tiến sỹ Mai Oanh, phương thức chi trả dịch vụ y tế chưa phù hợp; mức độ bảo vệ rủi ro về tài chính chưa cao; có sự khác biệt về tình trạng sức khỏe, sử dụng dịch vụ y tế và mức độ bảo vệ rủi ro về tài chính giữa nhóm thu nhập cao và thấp, giữa miền núi và thành thị, giữa dân tộc ít người và người Kinh.

Nhấn mạnh mục tiêu của Việt Nam là xây dựng một hệ thống tài chính y tế bền vững, công bằng và hiệu quả, trong đó tiến sỹ Mai Oanh nêu rõ bốn yêu cầu cụ thể: Tăng nhanh đầu tư công cho y tế; phát triển bảo hiểm y tế toàn dân; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính ngành y tế; sử dụng nguồn tài chính hiệu quả. Để thực hiện mục tiêu này, cần huy động nguồn tài chính đa dạng và bền vững, trong đó phải đảm bảo nguồn thu bảo hiểm y tế ở khu vực lao động chính quy, đổi mới phương thức bao phủ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hợp lý để hỗ trợ các nhóm dân cư yếu thế và nhóm dân cư khó có khả năng đóng phí bảo hiểm y tế; tập trung quản lý, phân bổ nguồn tài chính hợp lý, chia sẻ rủi ro, tăng cường hình thức mua dịch vụ y tế có tính chiến lược, tăng hiệu quả sử dụng kinh phí...

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, giáo sư-tiến sỹ Phạm Mạnh Hùng đánh giá, xét về cấu trúc nguồn vốn trong tài chính y tế hiện nay, tỷ trọng chi trả trực tiếp của người dân có giảm, tỷ trọng chi trả bảo hiểm y tế có tăng. Tuy vậy, tỷ trọng chi trả trực tiếp của người dân vẫn ở ranh giới dẫn đến sự mất công bằng nghiêm trọng.

Theo giáo sư-tiến sỹ Phạm Mạnh Hùng cần xác định tỷ trọng giữa nguồn chi trả trực tiếp của người dân bao nhiêu là vừa, nhưng không thể để xấp xỉ hoặc lớn hơn 50%. Theo đánh giá của giáo sư-tiến sỹ Phạm Mạnh Hùng, bảo hiểm y tế chưa chiếm thế "thượng phong" trong tạo nguồn cho y tế khi ngân sách nhà nước chưa thể đạt mức cao như khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới; cần xây dựng bộ phận chuyên trách thống kê tài chính y tế Việt Nam để đưa ra con số thống nhất.

Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, giáo sư-tiến sỹ Phạm Thắng cho biết chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ, trong đó người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc, tuy nhiên khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế, thiếu bác sỹ chuyên khoa Lão khoa, điều dưỡng viên lão khoa, thiếu kiến thức về lão khoa và người chăm sóc.

Giáo sư-tiến sỹ Phạm Thắng nêu rõ cần nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, thành lập Khoa Lão tại các bệnh viện, tổ chức phòng khám lão khoa tại khoa khám bệnh. Tại y tế cơ sở, nâng cao năng lực kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi; từng bước phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế; chú trọng phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi dài ngày, tạo môi trường thân thiện với người cao tuổi...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về các nội dung liên quan tới xã hội hóa y tế, việc phát triển khoa học y tế tại Việt Nam, quản lý giá thuốc, định hướng chính sách chăm sóc người cao tuổi... Đây là những chính sách quan trọng để thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri cả nước./.

Quỳnh Hoa/TTXVN 

Chia sẻ bài viết