Tiếng Việt | English

14/12/2020 - 15:11

Xây dựng thương hiệu nông sản theo Đề án Mỗi xã một sản phẩm

Xây dựng thương hiệu đặc trưng cho địa phương; tạo ra hướng đi mới cho các đặc sản trên lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp; chú trọng phát triển các nghề, làng nghề truyền thống; tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân là những mục tiêu mà Đề án (ĐA) “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) ở Long An đang hướng đến.

Nhiều kết quả khả quan

Thực hiện ĐA của Chính phủ về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh phê duyệt ĐA Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến nay, ĐA đạt nhiều kết quả khả quan. Tỉnh đã có quyết định công nhận 4 sản phẩm của Công ty TNHH Nuôi trồng và Chế biến Đông trùng hạ thảo VN (Dohavi) ở huyện Bến Lức đạt 4 sao, gồm: Đông trùng hạ thảo sấy khô, trà Ô long đông trùng hạ thảo, trà thảo mộc đông trùng hạ thảo và bột dinh dưỡng đông trùng hạ thảo. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn nhận được hồ sơ của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) đề nghị công nhận sản phẩm hạng 3 sao; rượu đế Gò đen loại 31% và 41% (huyện Bến Lức) đề nghị công nhận hạng 4 sao; sản phẩm cà phê sữa và cà phê rang xay (huyện Đức Hòa) đề nghị hạng 3 sao;...

Hợp tác xã Nông nghiệp, Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Phước Thịnh đề nghị công nhận sản phẩm hạng 3 sao

Giám đốc HTX Nông nghiệp, Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng cho biết: “Rau trồng ở vùng đất Phước Hậu và một phần xã Mỹ Lộc có mùi thơm đặc trưng hơn nhiều địa phương khác. Với đặc điểm này, HTX quyết định tham gia ĐA OCOP với sản phẩm đăng ký là rau thơm Phước Thịnh (rau diếp cá, tía tô, húng quế). Để tham gia ĐA OCOP, HTX phải hoàn thành nhiều chỉ tiêu như có phương án sản xuất, kinh doanh; giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP; nguồn gốc nguyên liệu, liên kết chuỗi; phiếu kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn công bố; hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao,... Quá trình tuy khó khăn nhưng khi thực hiện được thì sản phẩm đặc trưng ở địa phương sẽ được nhiều người biết đến, góp phần khẳng định thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân”.

Hiểu được ý nghĩa của ĐA OCOP đem lại, anh Nguyễn Ngọc Phan - Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh Long Châu (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành), đang phấn đấu hoàn thành các hồ sơ để sản phẩm thanh long sấy ruột đỏ, thanh long sấy ruột trắng được công nhận đạt chuẩn OCOP. Anh Phan cho biết: “Năm 2017, cơ sở đi vào hoạt động, nguồn nguyên liệu lấy từ Tổ Hợp tác Vĩnh Xuân A (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, diện tích hơn 20ha, có hơn 50 hộ nông dân trồng thanh long được chứng nhận VietGAP). Châu Thành có diện tích trồng thanh long nhiều nhất tỉnh, trong khi giá bán thanh long tươi còn bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. Trước thực trạng này, đòi hỏi nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy, tôi mạnh dạn đầu tư nhà xưởng sản xuất thanh long sấy ruột đỏ, thanh long sấy ruột trắng, sau thời gian thực hiện đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, muốn ổn định, phát triển lâu dài thì phải tham gia ĐA OCOP của tỉnh”.

Ông Nguyễn Ngọc Phan - Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh Long Châu, đang phấn đấu hoàn thiện hồ sơ để sản phẩm thanh long sấy ruột đỏ, thanh long sấy ruột trắng được công nhận đạt chuẩn OCOP

Tiếp tục thực hiện có trọng tâm, trọng điểm

Thời gian qua, HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Hưng) có nhiều nỗ lực trong việc phục hồi và phát triển gạo Huyết rồng theo hướng hữu cơ. Đây là sản phẩm chủ lực mà HTX đăng ký tham gia đề án OCOP của tỉnh. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận - Đồng Thị Diệu Ngân, HTX đang cố gắng duy trì và mở rộng diện tích lúa hữu cơ hàng năm. Chúng tôi đặt kỳ vọng đây sẽ là sản phẩm tạo nên thương hiệu cho HTX. Hiện nay, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng lúa, gạo Huyết rồng, HTX còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm thông qua các hội chợ triển lãm, trưng bày nông sản trong và ngoài tỉnh.

“Hiện nay, sản phẩm gạo Huyết rồng của HTX có được một số đơn đặt hàng cố định. Đây là động lực đối với HTX. HTX hy vọng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ ngành chức năng về chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, đánh giá xếp hạng OCOP để góp phần nâng tầm sản phẩm của HTX”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện ĐA OCOP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng có lợi thế của mỗi địa phương; phân công cụ thể nội dung ĐA cho từng cơ quan chuyên môn gắn trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình thực hiện; rà soát thực trạng phát triển ngành nghề tại địa phương, có định hướng và giải pháp cụ thể để gắn phát triển ngành nghề với triển khai ĐA OCOP trên địa bàn. Các địa phương cần đẩy mạnh việc triển khai các bước thực hiện chu trình OCOP; xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn và xây dựng phương án kinh doanh, đào tạo nghề OCOP cho 100% cán bộ quản lý ĐA, lãnh đạo các doanh nghiệp, HTX, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia ĐA OCOP. Bên cạnh đó, bố trí nguồn kinh phí địa phương và lồng ghép kinh phí từ ngân sách cấp trên phân bổ cho địa phương trong ĐA mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các ĐA, dự án khác để thực hiện ĐA OCOP. Ngoài ra, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để triển khai ĐA OCOP trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục đưa ĐA OCOP ngày càng đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; triển khai thực hiện mô hình làng văn hóa du lịch, phấn đấu có 1 điểm trưng bày sản phẩm OCOP gắn với điểm du lịch. Song song đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn doanh nghiệp, HTX tham gia thực hiện ĐA OCOP, phát triển, tiêu chuẩn hóa thêm các sản phẩm OCOP, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu các sản phẩm OCOP.

Các chủ thể tham gia ĐA ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm các tiêu chí sản phẩm OCOP còn phải chủ động trong việc khảo sát hiện trạng về nhu cầu, thị hiếu của thị trường đối với sản phẩm; tập trung phát triển vùng nguyên liệu, đào tạo nguồn lao động có tay nghề để phát triển sản phẩm OCOP; tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm.

“Hiện nay, Sở khuyến khích các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế, tiềm năng của mình. Trong đó, đối với các sản phẩm chưa được đánh giá, ngành chức năng, các địa phương sẽ tập trung hỗ trợ các chủ thể tiếp cận những chính sách về tín dụng, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo nghề OCOP để phát triển sản phẩm. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ các phương án phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, có sự tham gia hỗ trợ của cấp xã, huyện từ khi hình thành ý tưởng, xây dựng triển khai phương án kinh doanh. Còn đối với các sản phẩm đã được đánh giá phân hạng, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường phân phối cho các sản phẩm này” - bà Đinh Thị Phương Khanh thông tin thêm./.

Để tham gia Đề án OCOP, hợp tác xã phải hoàn thành nhiều chỉ tiêu như có phương án sản xuất, kinh doanh; giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP; nguồn gốc nguyên liệu, liên kết chuỗi; phiếu kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn công bố; hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao,... Quá trình tuy khó khăn nhưng khi thực hiện được thì sản phẩm đặc trưng ở địa phương sẽ được nhiều người biết đến, góp phần khẳng định thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân”.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng

Lê Ngọc - Tùng Bùi

Chia sẻ bài viết