Tiếng Việt | English

10/10/2018 - 10:15

Xây dựng trường chuẩn quốc gia - Nền tảng đổi mới toàn diện giáo dục

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An chú trọng. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Toàn huyện có 33 trường do Phòng GD&ĐT quản lý, trong đó có 11 trường mầm non, mẫu giáo, 11 trường tiểu học, 10 trường THCS và 1 trường TH&THCS, với tổng số 884 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 9.887 học sinh (396 lớp học).

Theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện - Nguyễn Đức Việt, đến nay, huyện có 16/33 trường đạt chuẩn quốc gia (cấp mầm non 6 trường; tiểu học 5 trường; THCS 5 trường), trong đó có 3 trường đạt chuẩn mức độ 2: Tiểu học Tân Đông, Tiểu học thị trấn Thạnh Hóa, Mầm non thị trấn Thạnh Hóa.

Kinh phí và các nguồn lực tập trung cho GD&ĐT ngày càng nhiều. Từ đó, cơ sở vật chất trường, lớp từng bước được đầu tư xây dựng, đội ngũ giáo viên bảo đảm về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và GD của các trường.

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thúc đẩy phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt” tại các trường

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thúc đẩy phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt” tại các trường

Trường Mẫu giáo Thạnh Phú từ khi đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (cuối năm 2017) thì chất lượng GD không ngừng được nâng cao. Trường có 7 lớp, với 202 trẻ. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Thạnh Phú - Lê Thị Mỹ An chia sẻ: “Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đây là niềm vinh dự, tự hào đối với tập thể cán bộ và giáo viên. Từ đó, các bậc phụ huynh càng tin tưởng và an tâm khi cho con em học ở đây. Nhận thức được việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã khó, việc duy trì danh hiệu càng khó hơn nên tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường không ngừng nỗ lực trong mọi hoạt động, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc và GD trẻ. Hiện nay, trường đang tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa mua sắm trang thiết bị nhằm đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào năm 2019”.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Bên cạnh kết quả đã đạt, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn gặp không ít khó khăn. Một số trường được công nhận theo tiêu chí cũ, chưa được tiếp tục đầu tư theo tiêu chuẩn mới; đồng thời ngân sách huyện hạn chế nên khó duy trì đạt chuẩn quốc gia thời gian tới. Một số trường và điểm trường chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ảnh hưởng đến tiến độ công nhận trường đạt chuẩn quốc gia thời gian qua. Theo Quyết định 4239/QĐ-UBND, ngày 21/10/2016 của UBND tỉnh phê duyệt lộ trình đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020, toàn huyện chỉ có 6/36 trường được đầu tư nên ảnh hưởng việc thực hiện chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giúp các bậc phụ huynh an tâm khi cho con em theo học

Thời gian tới, huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thực hiện lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn. Trước hết, huyện tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với sự nghiệp GD cũng như công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cụ thể hóa bằng nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình của huyện.

Ông Nguyễn Đức Việt đề nghị: “Các cơ sở GD&ÐT đẩy mạnh tuyên truyền nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với sự nghiệp GD; ra sức thi đua dạy tốt, học tốt; thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học; đổi mới kiểm tra, đánh giá; tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học”.

Các trường học tăng cường các điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú, thực hiện việc giảng dạy ngoại ngữ theo Đề án 2020 và chương trình giảng dạy môn Tin học đối với các trường tiểu học và THCS. Phấn đấu đến năm 2020, huyện có trên 90% học sinh mầm non, 80% học sinh tiểu học và 20% học sinh THCS được học 2 buổi/ngày và bán trú. Bên cạnh đó, huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa GD và chỉ đạo việc thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đối với sự nghiệp GD&ĐT theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời, thực hiện tốt Đề án Phổ cập GD mầm non trẻ 5 tuổi gắn với chương trình xây dựng xã nông thôn mới.

Toàn tỉnh nói chung, Thạnh Hóa nói riêng xác định việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia góp phần thúc đẩy phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt”. Đây cũng chính là giải pháp nâng cao chất lượng GD toàn diện, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH địa phương./.

Thực hiện lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, huyện phấn đấu đến năm 2020, trên 50% trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới (dự kiến 18 trường); 100% giáo viên các cấp học đạt chuẩn trình độ đào tạo, trên 70% cán bộ quản lý đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị.

Năm 2020, huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2 theo Nghị định 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học từ kinh phí ngân sách địa phương, các nguồn vận động xã hội hóa GD, phấn đấu năm 2020, toàn huyện có thêm 2 trường được công nhận mới.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết