Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Xin gửi đến Mẹ lời tri ân!

"Lễ phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng là giây phút hội tụ đầy xúc động với nhiều cung bậc cảm xúc đan xen. Chúng con xin cảm ơn các mẹ và xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các mẹ, chúc các Mẹ Việt Nam Anh hùng luôn mạnh khỏe, trường thọ trong tình thương yêu, chăm sóc của người thân và toàn xã hội."

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Thị Nhanh và Thường trực HĐND tỉnh - Nguyễn Ngọc Hạnh thừa ủy nhiệm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ VNAH cho các mẹ ở Bến Lức, Đức Huệ

Các mẹ được chăm sóc ân cần Ảnh:Kim Khánh

Tại Trung tâm Văn hóa huyện Đức Hòa, sáng ngày 28-1-2015, rất nhiều thân nhân của những Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) được tuyên dương đã đến từ rất sớm. Trông họ hiền lành, chất phác, nhưng trên gương mặt ai cũng biểu lộ cảm xúc và niềm tự hào.

Có lẽ họ tự hào về truyền thống của những thế hệ cha anh mình đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Có 11 Mẹ VNAH còn sống và những người thân đại diện cho 170 Mẹ VNAH đã mất trong đợt phong tặng, truy tặng lần này. Có bao nhiêu mẹ được vinh danh, là bấy nhiêu cảm xúc được hiển hiện mà chúng tôi vô tình bắt gặp. Dù đã 93 tuổi nhưng Mẹ VNAH Võ Thị Khéo, ngụ ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc còn rất minh mẫn. Mẹ không nói nhiều, chỉ nắm lấy tay Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Nhanh và lặng lẽ lau nước mắt. Cảm xúc như vỡ òa khi chúng tôi hỏi mẹ về cảm nghĩ khi được nhận danh hiệu Bà Mẹ VNAH. Mẹ trả lời chậm rãi: “Mẹ có cả thảy 11 người con, 2 lần tiễn con đi là cả 2 lần mẹ gạt nước mắt, giấu nỗi đau vào lòng khi nhận được tin con đã hy sinh. Nhưng so với những mất mát của những người mẹ khác thì chắc nỗi đau của mẹ không thấm vào đâu. Hôm nay mẹ vui lắm, nhưng giá mà... có mặt “tụi nó” để cùng vui”. Chúng tôi thấy, đôi mắt bà Trần Thị Nhanh cũng đỏ hoe. Niềm vui xen lẫn sự xúc động, một cảm giác rất khó thể hiện thành lời.

Đã 40 năm trôi qua, chiến tranh cũng lùi vào dĩ vãng, nhưng niềm hạnh phúc hôm nay được đổi lấy từ máu xương của những anh hùng liệt sĩ. Mất mát vì chiến tranh nhiều vô kể, song có lẽ sự mất mát của những bà mẹ là to lớn nhất. Chồng, con là niềm hạnh phúc và là tài sản lớn nhất nhưng các mẹ đã dâng hiến tất cả cho Tổ quốc, để rồi ngày hòa bình, trong niềm vui sướng tột cùng của dân tộc, các mẹ lại lặng lẽ một góc riêng, nuốt nước mắt vào trong khi chồng, con đã không về. Không lời nào có thể diễn tả hết về nỗi đau và sự hy sinh của các Mẹ VNAH.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Đức Hòa có 695 Mẹ VNAH. Trong đợt phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ VNAH lần này, huyện Đức Hòa có 181 mẹ nhưng chỉ 11 mẹ còn sống. Người mẹ khỏe mạnh minh mẫn thứ hai trong đợt truy tặng, phong tặng danh hiệu Bà Mẹ VNAH lần này là mẹ Võ Thị Khuya, ngụ xã Đức Hòa Đông. Mẹ cho biết: “Dù ở tuổi 86 nhưng đều đặn mỗi sáng, mẹ đều thức dậy sớm đi tập dưỡng sinh. Mẹ tham gia vào câu lạc bộ dưỡng sinh của xã đã mấy năm qua. Có lẽ chính điều này đã giúp mẹ sống vui, khỏe”.

Khác với sự vui mừng hiện rõ trên gương mặt những Mẹ VNAH còn sống, tâm trạng của những người thân các Mẹ VNAH đã mất khi đến nhận danh hiệu truy tặng lẫn lộn nhiều cảm xúc. Thượng tá Hồ Văn Phước - Giám thị Trại tạm giam, Công an Long An chia sẻ: “Tôi đến đây để nhận bằng truy tặng danh hiệu Bà Mẹ VNAH cho bà nội. Tôi có 1 người chú và 1 người bác là liệt sĩ. Thật khó để diễn tả cảm xúc lúc này. Chúng tôi rất vui trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vui vì những đóng góp của gia đình mình cùng với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc được ghi nhận. Tuy nhiên, cũng có một thoáng buồn vì ngày vui này, nội tôi không còn để chứng kiến khoảnh khắc được vinh danh”.

Còn cô Phạm Thị Ráo, thân nhân Mẹ VNAH Lê Thị Cua, ngụ xã Hòa Khánh Tây thì nghẹn ngào không thốt nên lời, cô hiểu được tình cảm, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho mẹ mình, gia đình mình nên rất vui mừng. Cô muốn nói với mẹ rằng hãy đến tham dự lễ phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH này cùng những người mẹ khác.Mỗi trường hợp chúng tôi gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi là mỗi cung bậc cảm xúc khác nhau. Dì Nguyễn Thị Rìa, thân nhân Mẹ VNAH Nguyễn Thị Mơ, ngụ xã An Ninh Đông cho biết: “Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, mẹ tôi đã hiến dâng chồng và con cho đất nước. Bản thân mẹ còn trực tiếp tham gia cách mạng, không quản ngại gian nguy, vượt bao khó khăn, vất vả với những nhiệm vụ nặng nề. Tôi rất xúc động và vui mừng vì hôm nay Tổ quốc đã vinh danh mẹ cùng những người mẹ khác”.

Tại Trung tâm Văn hóa huyện Bến Lức cũng có mặt các Mẹ VNAH và thân nhân các Mẹ VNAH 2 huyện Bến Lức, Đức Huệ đến từ rất sớm. Có 4 mẹ được phong tặng và 110 mẹ được truy tặng. Niềm vui, niềm hạnh phúc cũng rưng rưng khi trên gương mặt 4 Mẹ VNAH còn sống (1 mẹ ở Bến Lức và 3 mẹ ở Đức Huệ). Thân nhân của 110 Mẹ VNAH đã mất của huyện Bến Lức (75 mẹ), Đức Huệ (35 mẹ) cũng về họp mặt đông đủ. Các Mẹ VNAH của 2 huyện Đức Huệ, Bến Lức đều đang ở tuổi từ 85 đến 98 tuổi. Có lẽ, thời gian có thể làm phai mờ mọi thứ nhưng không thể xóa nhòa ký ức về chồng và các con. Mỗi lần nhắc đến, các mẹ rất đỗi tự hào, song những giọt nước mắt tưởng chừng khô cạn năm nào lại trào dâng như một minh chứng cho nỗi đau vô tận trong ngày được vinh danh. Vẫn biết đi không hẹn ngày về, nhưng các mẹ vẫn động viên con lên đường giết giặc và giữ lại cho mình nỗi đau riêng, quặn thắt, để rồi hôm nay, khi được vinh danh bằng danh hiệu cao quý nhất, các mẹ lại bật khóc nghẹn ngào.

Chú Nguyễn Văn Giờ, ngụ ấp 5, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, thân nhân Mẹ VNAH Nguyễn Thị Sang, có 2 con là liệt sĩ xúc động kể: “Mẹ tôi trong kháng chiến đã không ngại gian nguy, đào hầm nuôi giấu cán bộ, biết bao chuyến đò mẹ đưa chiến sĩ qua sông, không biết bao nhiêu lần đã bị địch bắt, giam cầm, tra tấn dã man nhưng vẫn chịu đựng, kiên gan đối mặt với quân thù. 2 anh trai tôi đều hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mẹ tôi đã tảo tần, lam lũ một đời nuôi chồng, nuôi con, nuôi bộ đội đánh giặc, giữ quê hương. Tôi mừng, nhưng vẫn thấy buồn vì ngày hôm nay mẹ tôi không còn sống để nhận thấy sự quan tâm, công tác đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước đối với sự hy sinh, mất mát của mẹ”.

Chia sẻ những cảm nghĩ và thể hiện trách nhiệm của lớp trẻ đối với những cống hiến của thế hệ cha ông đi trước, bạn Lê Thị Cẩm Tú, đoàn viên, thanh niên cho biết: “Ai cũng được mẹ sinh ra, ai cũng hiểu tình cảm thiêng liêng và đặc biệt dành cho mẹ của mình. Và tình cảm dành cho Mẹ VNAH cũng vậy, cũng thẳm sâu trong lòng mỗi người con đất Việt. Thế hệ chúng em hứa sẽ không ngừng phấn đấu học tập để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của những anh hùng liệt sĩ”.

Việc phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà Mẹ VNAH đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao của các mẹ. Mỗi chúng ta, những người đang được hưởng cuộc sống độc lập, tự do hãy luôn luôn tự dặn mình phải làm gì, làm thế nào để góp phần tô đậm thêm truyền thống anh hùng của dân tộc.

Buổi lễ công bố, truy tặng và phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ VNAH hôm nay là giây phút hội tụ đầy xúc động với những cung bậc cảm xúc khác nhau, những giọt nước mắt, nụ cười và hồi ức cứ đan xen. Chúng con xin cảm ơn các mẹ và xin gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến các mẹ, chúc các Mẹ VNAH luôn mạnh khỏe, trường thọ trong tình thương yêu, chăm sóc của người thân, của bà con làng xóm, láng giềng và toàn xã hội.

Song Hồng 

Chia sẻ bài viết