Tiếng Việt | English

28/01/2022 - 13:24

Xóm chổi Rạch Chanh tất bật mùa tết 

Tại ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An (tỉnh Long An) có một xóm nhỏ với rất nhiều hộ làm chổi chà, chổi bông cỏ bỏ mối trong tỉnh và các địa phương lân cận. Thời điểm cận Tết Nguyên đán là giai đoạn tất bật nhất của những người làm chổi, ai nấy đều tranh thủ làm cho kịp trả đơn hàng, có thêm thu nhập để đón xuân ấm cúng hơn.

Bà Võ Thị Hai học nghề chổi từ khi còn trẻ, sau này, bà mang nghề chổi về hướng dẫn những người xung quanh cùng làm và duy trì đến ngày nay

Đến xóm chổi, hỏi về người đầu tiên “mang nghề” này về cho người dân nơi đây thì mọi người đều chỉ dẫn đường đến nhà bà Võ Thị Hai (70 tuổi). Bà Hai quê ở tận Vị Thanh, Hậu Giang. Bà học nghề làm chổi từ người thân trong gia đình khi còn đôi mươi. Đến khi theo chồng về ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, bà vẫn tiếp tục duy trì nghề này rồi chia sẻ, hướng dẫn người dân trong xóm cùng làm.

Đôi tay bà Hai chai sần, trầy xước vì nghề bó chổi

Làm chổi thì rất vất vả nhưng đầu ra ổn định nên người dân nơi đây vẫn gắn bó với nghề từ mấy chục năm nay. Bà Võ Thị Hai chia sẻ: “Tôi làm chổi từ khi còn trẻ đến giờ. Chồng qua đời đã lâu, các con cũng đã trưởng thành, tôi còn đứa con trai bị bệnh tim nên phải cố gắng làm để có thu nhập lo cho con.

Hiện, 3 người con của tôi cũng theo nghề. Nghề chổi tuy cực nhưng cũng đủ chi tiêu trong gia đình, trang trải cho cuộc sống”.

Bà Trương Thị Phượng học nghề từ bà Võ Thị Hai rồi làm chổi suốt nhiều năm qua

Đối diện nhà bà Hai là bà Trương Thị Phượng (66 tuổi) cũng học nghề từ bà Hai rồi làm chổi suốt nhiều năm qua. Ăn vội xong chén cơm, bà hối hả tiếp tục làm việc để kịp trả hàng vì cận tết.

Vừa làm, bà vừa kể: “Ngày trước, xóm này theo nghề chổi rất đông, đến vài chục hộ. Những năm nay, mấy người trẻ trong xóm đa phần đi làm công nhân, ít ai mặn mà với nghề vì quá vất vả, chỉ còn mấy người lớn tuổi như chúng tôi vừa vừa có thể làm việc, vừa giữ cháu, trông nhà. Không ruộng đất, chúng tôi phải cố gắng bám trụ với nghề để có “đồng ra, đồng vào”.

Những năm gần đây, trên thị trường có các loại chổi bằng nhựa nhưng người dân vẫn ưa chuộng chổi làm từ bông cỏ, cọng dừa

Được biết, hiện toàn ấp Rạch Chanh có hơn 25 hộ với gần 50 người tham gia làm chổi. Đến xóm chổi, nhìn qua từng công đoạn mới thấy sự kỳ công, tỉ mỉ, nhất là với chổi bông cỏ. Nguyên liệu mua về phải được phơi khô, chà cho sạch bụi bông rồi cột đầu, bó dây, chắp cán,…

Nếu làm việc liên tục cả ngày, một người có thể làm đến hơn 10 cây. Chổi bông cỏ khi bán ra thị trường giá 60 ngàn đồng/cây, chổi chà thì 35 ngàn đồng/cây, nếu bỏ sỉ thì giá rẻ hơn.

Ông Phạm Văn Út lấy sỉ chổi của xóm này cũng hơn 10 năm nay, giao cho các mối ở các huyện trên địa bàn tỉnh

Ông Phạm Văn Út (ngụ phường 5, TP.Tân An) cho biết: “Những năm gần đây, trên thị trường có các loại chổi bằng nhựa nhưng người dân vẫn ưa chuộng chổi làm từ bông cỏ, cọng dừa. Tôi lấy sỉ chổi của xóm này cũng hơn 10 năm nay, giao cho các mối ở các huyện trên địa bàn tỉnh.

Chổi của các chị ở đây làm rất bền, chắc, quét đến lúc mòn vẫn không bị tuột cọng dừa, cán chổi vẫn cứng cáp nên khách hàng rất ưa chuộng. Đặc biệt, vào dịp cuối năm thì càng đắt khách tìm mua chổi”.

Cận tết, những đôi tay chai sần, trầy xước của các bà, các chị vẫn chưa hề ngơi nghỉ. Những ngày này, khi mọi người bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón xuân thì những người dân của xóm nhỏ này vẫn tất bật bện chổi. Họ cùng nhau làm việc, cùng trò chuyện, vui cười để tạm quên mệt mỏi, tranh thủ làm càng nhiều càng tốt để có một cái tết sung túc, ấm no hơn./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết