Tiếng Việt | English

19/07/2022 - 19:32

Xuất khẩu chính ngạch đi Trung Quốc: Động lực nâng tầm sầu riêng Việt

Việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch tạo thêm dư địa tăng trưởng cho một ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là góp phần cải thiện thu nhập của hàng trăm ngàn bà con nông dân.

Thu hoạch quả sầu riêng. (Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)

Thu hoạch quả sầu riêng. (Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)

Với lợi thế gần vị trí địa lý gần và có thể cung ứng quanh năm, sầu riêng được kỳ vọng sẽ trở thành loại hoa quả có giá trị xuất khẩu tăng cao sau khi được chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ 11/7.

Tuy nhiên, những lợi thế và cơ hội đang có chỉ được tận dụng triệt để khi quá trình sản xuất đảm bảo an toàn và đúng tiêu chuẩn.

Sẵn sàng xuất khẩu

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng đều là xuất tiểu ngạch, việc mở cửa xuất khẩu chính ngạch mở ra cơ hội tăng cả về giá trị lẫn chất lượng cho quả sầu riêng.

Hiện nay, tổng sản lượng trái sầu riêng hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 1,3 triệu tấn với diện tích trồng dao động từ 85.000-90.000 hecta, kéo dài trên một vài vùng sinh thái. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức sản xuất để rải vụ thu hoạch rất nhiều tháng trong năm. Các doanh nghiệp có thể lên kế hoạch để xuất khẩu sầu riêng ở mọi thời điểm sang Trung Quốc.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết hiện nay đã có 123 mã số vùng trồng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành gửi mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu theo yêu cầu của Nghị định thư để phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối chiếu khi các lô hàng từ Việt Nam cập cảng.

Sầu riêng của Việt Nam được đánh giá là có chất lượng rất cao, kể cả mùi vị và hàm lượng các dưỡng chất. Tuy nhiên, việc được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vừa là thành công nhưng cũng là thách thức, người nông dân sẽ phải chuẩn bị phải làm rất kỹ càng.

Theo ông Hoàng Trung, Cục Bảo vệ thực vật sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị để tổ chức hai hội nghị tập huấn tại Tiền Giang và Đắk Lắk về các nội dung liên quan đến Nghị định thư này cho các địa phương, doanh nghiệp và cơ sở đóng gói, từ đó các tổ chức, cá nhân sẽ tuân thủ các quy định một cách tốt nhất.

Nâng cao chất lượng từ chuỗi liên kết

Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều đơn vị cho rằng việc ngày càng có nhiều cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính là động lực để nâng tầm giá trị cho sản phẩm này. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng cần phải học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan, người nông dân Thái Lan đã có những bước phát triển hơn so với Việt Nam. Đặc biệt là đi vào chế biến sâu với trình độ cao hơn.

Việc được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vừa là thành công nhưng cũng là thách thức, người nông dân sẽ phải chuẩn bị phải làm rất kỹ càng. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Việc được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vừa là thành công nhưng cũng là thách thức, người nông dân sẽ phải chuẩn bị phải làm rất kỹ càng. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

“Trong khi chúng ta còn đang bán sầu riêng tươi, sầu riêng sấy, sầu riêng đông lạnh thì Thái Lan đã tổ chức được những bữa tiệc buffet sầu riêng tại các nhà hàng,” bà Vũ Kim Hạnh nói.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng sản phẩm sầu riêng của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước, tuy nhiên ngoài sự tự tin thì cũng nên học hỏi những cách làm hay ở các nước làm tốt như Thái Lan trong việc từng bước nâng tầm thương hiệu sản phẩm này.

Dẫn chứng cụ thể, bà Vy cho biết Thái Lan xây dựng được những đội, nhóm, đi đến từng vườn để kiểm tra chất lượng, tính toán được các chỉ số để cho ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, giúp các hợp tác xã, người sản xuất phải thay đổi tư duy theo hướng chú trọng sản xuất an toàn, chất lượng.

Theo bà Tường Vy, thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều nên nếu các địa phương không lan tỏa đến nông dân để thay đổi thói quen, tập quán canh tác lạc hậu sẽ khó khăn cho công tác tiêu thụ. Tất cả các đơn vị tham gia chuỗi liên kết từ cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều phải chủ động thay đổi, tích cực vào cuộc thì mới có thể thành công.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định việc trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch tạo thêm dư địa tăng trưởng cho một ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, góp phần cải thiện thu nhập của hàng trăm ngàn bà con nông dân, nhất là vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, ông Hoan cũng nhấn mạnh người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm bên cạnh quy định nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh COVID-19. Do đó, từ người nông dân, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, cho đến các cơ quan chức năng ở địa phương và Trung ương cần tránh tâm lý nóng vội, chủ quan.

“Cơ hội chỉ thật sự mở ra khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất. Phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. Phải có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết