Tiếng Việt | English

06/12/2018 - 10:44

Xuất khẩu nông sản - Cần đổi mới tư duy

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) của tỉnh Long An tiếp tục giữ đà tăng trưởng và ước đạt 5,1 tỉ USD. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, kết quả XK các mặt hàng nông sản, nhất là gạo và thanh long chưa như mong muốn bởi nhiều nguyên nhân. Vì thế, tìm đường cho 2 mặt hàng này “xuất ngoại” vẫn là nỗi trăn trở của những người trong cuộc.

Đối mặt khó khăn

11 tháng năm 2018, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh XK 480.000 tấn gạo, đạt hơn 238 triệu USD, giảm 20% về lượng và 15% về giá trị so cùng kỳ năm 2017. Hiện nay, gạo được DN trong tỉnh XK trên 40 quốc gia, vùng, lãnh thổ. Trong đó, thị trường XK chủ yếu, chiếm số lượng lớn nhất là Trung Quốc, kế đến là thị trường Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Philippine, Ghana, Indonesia, Đài Loan, Nam Phi,...

Theo thống kê từ các cơ quan chức năng, từ năm 2015 đến nay, số lượng gạo XK mỗi năm trên địa bàn tỉnh đều có sự sụt giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân phía Trung Quốc gia tăng hàng rào kỹ thuật, các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm (ATTP) khiến DN được phép XK giảm. Ở thời điểm này, tỉnh chỉ có 2 DN được XK gạo trực tiếp sang Trung Quốc.

Hoạt động chế biến gạo tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Hoạt động chế biến gạo tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Công ty TNHH Dương Vũ là 1 trong 2 DN được phép XK gạo sang Trung Quốc hiện nay. Bình quân mỗi tháng, DN này XK gần 20.000 tấn, sản phẩm chủ yếu là nếp. Theo Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ - Nguyễn Quang Hòa, hiện nay, phía Trung Quốc duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch và kiểm tra ATTP nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thời gian tới, không chỉ Trung Quốc, xu thế này cũng được các nước khác áp dụng. Dự báo, DN Việt Nam tiếp tục đối mặt với ngày càng nhiều hàng rào kỹ thuật và cách đánh thuế nông sản từ các nước nhập khẩu. Những rào cản kỹ thuật này không chỉ nhằm bảo đảm nguồn lương thực chất lượng, sạch cho người tiêu dùng mà còn nhằm bảo hộ nền sản xuất nội địa của các nước nhập khẩu, tránh quá phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.

Cũng giống như gạo, trái thanh long trên địa bàn tỉnh hiện có đến 80% sản lượng XK sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, lượng XK theo đường chính ngạch rất khiêm tốn. Hiện nay, phía Trung Quốc và các nước nhập khẩu đang gia tăng hàng rào kỹ thuật, trong đó, 2 chỉ tiêu quan trọng nhất là ATTP và kiểm dịch động, thực vật.

Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu (huyện Châu Thành) - Trương Quang An cho rằng, trước đây, thanh long Việt Nam không có “đối thủ” cạnh tranh trong XK, nhưng thời gian tới chắc chắn sẽ không tránh khỏi. Hiện nay, không những các tỉnh, thành khu vực phía Nam ồ ạt trồng thanh long mà các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Trung Quốc đã bắt đầu trồng.

Cần đổi mới tư duy

Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), thị trường nông sản toàn cầu sẽ tăng trưởng trong thời gian tới. Trong đó, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ trên bình quân đầu người với sản phẩm rau, quả, gạo tiếp tục gia tăng trong giai đoạn tới, bởi dân số khá đông và thời tiết không thuận lợi cho trồng trọt quanh năm. Như vậy, cánh cửa cho nông sản của Việt Nam ra với thế giới vẫn rộng mở.

Gạo và thanh long là 2 mặt hàng mang lại giá trị XK lớn của tỉnh trên lĩnh vực nông sản. Chiến lược XK nông sản đang được các ngành chức năng đẩy mạnh, nhưng liệu có giữ được thị trường sau nhiều năm đứng chân hay không là câu chuyện mà không ít DN trên địa bàn tỉnh trăn trở.

Chế biến thanh long tại Công ty TNHH Hoàng Phát

Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát - Nguyễn Hoàng Huy cho rằng, nông dân hiện nay chưa chú trọng đến việc liên kết sản xuất và trồng trọt theo quy trình ATTP theo tiêu chuẩn quốc tế. đã đến lúc các cơ quan chức năng nhanh chóng bắt tay vào việc tổ chức cho nông dân chăn nuôi, trồng trọt, chế biến trái cây, theo hướng giảm dần cho tới triệt tiêu việc sử dụng chất hóa học trong bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong trồng trọt. Hiện nay, các quốc gia có nhu cầu nhập khẩu nông sản đều đề cao việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Dư lượng thuốc BVTV tồn đọng trong nông sản không được chấp nhận, cũng như không chấp nhận thuốc giữ cho trái cây tươi lâu. Muốn vậy, không có cách nào khác là phải xây dựng một hệ thống giám sát chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, cùng đó là tăng cường ý thức của nông dân. Làm được như vậy, nông dân sẽ bán được hàng hóa mình làm ra và làm giàu trên chính quê hương.

Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An là một trong những DN tham gia XK gạo với sản lượng khá lớn đến nhiều nước trên thế giới. Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Long An - Đặng Thị Liên chia sẻ: “Nếu DN không kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến, chỉ cần có một lô hàng vi phạm ATTP sẽ gặp rất nhiều thiệt hại về kinh tế (chi phí hủy hàng). Không những thế, nếu mất uy tín một lần, DN sẽ bị đối tác tăng tần suất kiểm tra, thậm chí bị hủy hoặc từ chối các hợp đồng đã ký trước đó”.

Thực tế, những năm gần đây, ngoài được hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ nông sản ra nước ngoài, nhiều DN tự “tìm đường” để nông sản “xuất ngoại” theo năng lực của mình. “Để nông sản có cơ hội rộng mở hơn trong XK, DN cần tiếp tục tạo mối liên kết chặt chẽ hơn với nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác. Trong đó, DN cần đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể về từng loại nông sản để nông dân sản xuất, từ đó thuận lợi hơn khi XK, đặc biệt phải xem việc bảo đảm chất lượng sản phẩm là điều kiện sống còn của XK các mặt hàng nông sản” - Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết như thế./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết