Tiếng Việt | English

27/03/2016 - 13:22

Xuất khẩu nông sản quý I tăng 3,1%, đạt 6,73 tỷ USD

Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 3 tháng đầu năm 2016 đạt 6,73 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 3/2016 đạt gần 2,54 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt 6,73 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 3,41 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 1,36 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016, chiếm 51,84% tổng giá trị xuất khẩu. Trong 2 tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng là Hoa Kỳ (22,15%); Trung Quốc (31,16%), Thái Lan (26,17%), Anh (14,43%) và Hồng Kông (13,71%).

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,57 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 3 tháng đầu năm 2016 đạt 1,49 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc – 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 – chiếm 65,98% tổng giá trị xuất khẩu.

Khối lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,59 triệu tấn và 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 2 năm 2016 đạt 433 USD/tấn, giảm 5,78% so với cùng kỳ năm 2015. Indonexia vươn lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 với thị phần đạt 31,42%. Xuất khẩu gạo sang thị trường này hai tháng đầu năm 2016 đạt 330,3 nghìn tấn và 131,01 triệu USD, tăng 213,1 lần về khối lượng và 196,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Tại thị trường trong nước, tháng 3, giá nhiều mặt hàng nông sản chính đang diễn biến theo xu hướng tăng.

Cụ thể, giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL tăng mạnh do Trung Quốc đang đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam; Giá cà phê, cao su cũng diễn biến tăng cùng với xu hướng tích cực trên thị trường cao su thế giới.

Đặc biệt giá cá tra có dấu hiệu tăng trở lại do nhu cầu thu mua của các nhà máy tăng nhưng nguồn cung cá trong hộ nuôi lại không còn nhiều.

Tuy nhiên, một số mặt hàng nông sản cũng có giá giảm như giá chè tại Thái Nguyên tháng qua giảm so với tháng trước do khí hậu ẩm ướt và ấm áp của mùa xuân tạo nguồn cung hứa hẹn.

3 tháng đầu năm, xuất khẩu chè đạt 23 nghìn tấn với 35 triệu USD, giảm 5% về khối lượng và giảm 10,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá chè xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2016 đạt 1.554,2 USD/tấn, giảm 8,3% so với năm 2015. Trong 2 tháng đầu năm 2016, khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam với 39,23% thị phần – tăng 2,74% về khối lượng nhưng giảm 1,35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng đột biến là Indonesia (tăng 72,86%), Malaysia (tăng 84,66%) và các TVQ Arập Thống nhất (tăng 19,35%).

Giá hạt tiêu cũng có xu hướng giảm theo quy luật do là thời điểm đang thu hoạch rộ, lượng cung tăng lên.

Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 3 năm 2016 ước đạt 21 nghìn tấn, với giá trị đạt 171 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 3 tháng đầu năm 2016 đạt 41 nghìn tấn với 349 triệu USD, tăng 7% về khối lượng nhưng giảm 1,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2016 đạt 8.878,86 USD/tấn, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 là Hoa Kỳ, Ấn Độ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Hà Lan với 47,31% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Pakixtan (tăng gấp gần 4 lần), Ai Cập (64,65%) và Hàn Quốc (25,69%)./.

Nhân Trí/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết