Tiếng Việt | English

11/06/2020 - 04:15

Xưng hô cũng là nét văn hóa

Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, cách xưng hô cũng phải tuân thủ những nguyên tắc tương ứng với từng mối quan hệ. Qua cung cách xưng hô, có thể nhận biết thái độ, tình cảm của mỗi người. Thậm chí, việc xưng hô còn là một trong những tiêu chí để đánh giá trình độ, văn hóa của mỗi người.

Các nguyên tắc xưng hô hình thành từ lâu đời, trở thành những nền nếp theo suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta. Và xưng hô thế nào cho đúng cũng thể hiện văn hóa của mỗi người trong cuộc sống,… Hầu hết chúng ta gọi đấng sinh thành là ông, bà, cha, mẹ; người lớn tuổi hơn mình là anh, chị hoặc cô, bác, chú, thím, cậu, mợ,… Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, do ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường, một số nguyên tắc xưng hô bị phá vỡ, nhất là với một bộ phận giới trẻ gọi cha mẹ mình là “ông bô, bà bô”. Khi giao tiếp, đối thoại, nếu cảm thấy không hài lòng, không vừa ý nhau, nhiều người xưng thằng, mày, tao hoặc gã, lão, mụ. Đây là một việc đáng báo động về văn hóa xưng hô trong thời kinh tế thị trường.

Xây dựng một gia đình, xã hội có văn hóa, thiết nghĩ, chúng ta cần quan tâm mọi giá trị từ lớn đến nhỏ, trong đó có cách xưng hô. Văn hóa trong xưng hô cần được xây dựng, giáo dục từ trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Điều quan trọng là sự gương mẫu của người lớn, thầy, cô giáo trong cung cách xưng hô để thế hệ trẻ noi theo.

Xưng hô cũng là một nét văn hóa, thước đo trình độ văn minh của mỗi người và cả một dân tộc./.

Võ Thanh Nghị

 

Chia sẻ bài viết