Tiếng Việt | English

13/11/2015 - 18:13

Ý chí của anh nông dân nghèo

Có một nông dân quanh năm “chân lấm tay bùn” nhưng vẫn luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo ra máy móc dù không được học hành đến nơi, đến chốn. Đó chính là anh Nguyễn Văn Lô, ngụ ấp Thận Cần, xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An – một nhà nông đam mê sáng tạo, cải tiến máy móc không chỉ phục vụ công việc của bản thân mà còn sẵn sàng chia sẻ cùng mọi người.


Anh Nguyễn Văn Lô bên chiếc máy “4 trong 1” của mình

Người nông dân ham học hỏi

Anh Nguyễn Văn Lô quê gốc tại tỉnh Tiền Giang. Năm 1973, anh theo gia đình đến xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An lập nghiệp. Trước năm 1990, khu vực này đa phần là đất hoang, không thể trồng lúa, chỉ có thể trồng mì, tràm hay khoai mỡ. Đất đai nhiễm phèn, muốn trồng trọt phải cuốc cày, xả phèn,… tất cả đều bằng sức người nên năng suất không cao, chưa kể gặp nắng hạn, lũ lớn hay chuột ăn thì xem như mất trắng. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mới lớp 7, anh Lô phải nghỉ học nhưng lúc nào anh cũng ấp ủ ước mơ vươn lên, làm giàu cho bản thân và giúp đỡ mọi người.

Năm 1991, khi có kênh mương nội đồng dẫn nước ngọt, năng suất lúa tăng lên được 4-5 tấn/ha. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn quá bấp bênh, 5 người con của anh học chưa hết THPT phải nghỉ sớm để đỡ đần cha mẹ. Nhờ cần cù, chịu khó, đến năm 2000, anh đã có 12ha đất trồng tràm và lúa. Ngôi nhà lá xập xệ trước đây được thay thế bằng căn nhà tường khang trang. 

Đến năm 2007, anh “tậu” được 4 chiếc máy gặt liên hợp Trung Quốc để phục vụ sản xuất và cho thuê. Sau này, máy hay hư hỏng, anh chỉ giữ lại 2 chiếc dùng để kéo lúa và đến năm 2011 thì mua thêm 2 chiếc máy gặt Kubota của Nhật. Nhờ làm ăn uy tín, không chỉ tại địa phương, anh còn chở máy cho thuê ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, thậm chí là Cà Mau,… Ngoài ra, trong chuồng nhà anh thường xuyên có đàn heo khoảng 50 con được nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Không ngừng sáng tạo

Dù luôn bận rộn với công việc nhưng ước mơ sáng tạo thuở bé vẫn vẹn nguyên trong tâm trí anh. Giai đoạn 2003-2005, thu hoạch lúa theo phương pháp thủ công, chi phí nhân công khá cao, đến khi dùng máy gặt đập liên hợp thì đã tiết kiệm được 50% chi phí nhưng vẫn còn rất cao. Miệt mài nhiều năm liền, anh sáng tạo ra chiếc máy “2 trong 1” có thể xịt thuốc trước khi sạ và san phẳng mặt ruộng. Chiếc máy đã đoạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông cấp tỉnh năm 2011-2012.

Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục nghiên cứu và cải tiến thành máy “4 trong 1” với chức năng san phẳng mặt ruộng, gạt đường nước, xịt thuốc và sạ hàng. Từ chiếc máy cày thông thường, khi cần thiết chỉ cần lắp động cơ và một người ngồi điều khiển, trung bình 2 đến 2,5 giờ sẽ hoàn thành được 1ha đất. Chiếc máy giúp giảm chi phí nhân công, phát huy được thuốc diệt mầm cỏ, đất được xới lên rất đều. Lợi ích của chiếc máy là “lời” được chi phí phải trả cho 3 nhân công/ha lúa, nhất là thời điểm gieo sạ thì nhân công thường xuyên thiếu hụt. Nhờ chiếc máy này mà cây lúa cũng ít đổ ngã, cây cứng cáp và ít bị sâu rầy, phương tiện lại cơ động, khi nào cần mới lắp ráp vào.

Theo anh Lô, cái khó khi lắp ráp là lổ xuống lúa phải điều chỉnh đến 3 lần cho phù hợp, lổ nhỏ quá thì không rải xuống được, lổ to thì hao lúa giống. Đến khâu phun thuốc, đầu phun đấu với đuôi xới máy cày, nhiều lần anh phải bỏ hết các vật tư như poly, dây curoa,… trong quá trình thử nghiệm. Các con anh hỗ trợ anh thử nghiệm trên ruộng nhà và động viên tinh thần. Chiếc máy này đoạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông cấp tỉnh năm 2013-2014. Vì không được đào tạo bài bản, ý tưởng nhiều nhưng kiến thức có hạn, chủ yếu phải tự thực hiện bằng thủ công nên mẫu mã máy chưa đẹp. Anh hy vọng các nhà khoa học tạo cơ hội cải tiến chiếc máy tốt hơn nữa để phục vụ rộng rãi hơn trong sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ nhiều người dân tại địa phương, học sinh nghèo vượt khó. Ai cần xây nhà, anh sẵn sàng cho mượn phương tiện vận chuyển nguyên liệu, bảo lãnh các hộ nghèo mua vật tư xây dựng, đến mùa thu hoạch lúa, có dư thì trả lại. Ai muốn có chiếc máy giống anh, anh cũng vui vẻ hướng dẫn cách làm. Ngoài ra, anh còn đóng góp xây nhà tình thương, hỗ trợ địa phương tu sửa cầu, đường,…

Với những nỗ lực ấy, nhiều năm liền, anh Lô đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen; được chọn tham dự Đại hội Đại biểu Nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc tại Hà Nội. Nói về những thành công của bản thân, anh Lô khiêm tốn nói: “Tôi không có điều kiện học hành, nếu được lựa chọn, tôi vẫn sẽ chọn con đường học tập để có đủ kiến thức, nền tảng sáng tạo, không chỉ giúp ích cho bản thân mà còn giúp mọi người bớt đi phần nào vất vả”./.

Ngọc Mận - Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết