Tiếng Việt | English

16/05/2017 - 23:50

Yêu cầu xử lý hình sự vụ đốn hạ 10ha rừng tràm

Chủ của hơn 10ha rừng tràm bị đốn hạ ở Đồng Nai yêu cầu điều tra hành vi “hủy hoại tài sản” của Tổng công ty Tín Nghĩa.


Rừng tràm bị người của Tổng công ty Tín Nghĩa đốn hạ - Ảnh: A.L.

Liên quan đến vụ người của Tổng công ty Tín Nghĩa đốn hạ hơn 10ha rừng tràm ở xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, phía bị hại đã lên tiếng đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc.

Cụ thể, hôm nay 16/5, UBND xã An Phước đã mời các bên liên quan đến làm việc về phản ảnh của gia đình ông Bùi Văn Thảo và bà Huỳnh Thị Ngọc Oanh cho rằng, Tổng công ty Tín Nghĩa đã tự ý thuê người chặt hơn 10ha rừng tràm của họ trong khi hai bên chưa thống nhất xong việc đền bù giải tỏa.

Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã An Phước  cho biết, cuộc gặp là để làm rõ nguồn gốc đất và thông tin rõ hơn về vụ việc với báo chí. Trước đó, xã đã có biên bản ghi nhận hiện trạng diện tích tràm bị chặt khoảng 5 năm tuổi, có 2.000m2 đất bị san ủi.

Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Ngọc Trang, người được gia đình ông Thảo, bà Oanh ủy quyền, nói: “Gia đình khiếu nại giá đền bù không thỏa đáng từ năm 2009 đến nay và canh tác liên tục. Nhưng ngày 10/5, Tổng công ty Tín Nghĩa đã cho một nhóm người vào cưa hơn 10ha tràm. Vì vậy chúng tôi đề nghị xác định thủ phạm để xử lý về hành vi hủy hoại tài sản công dân”.

Ông Trang khẳng định, rừng tràm là tài sản trên đất được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Việc Tổng công ty Tín Nghĩa cho người vào cưa là hành vi xâm hại tài sản công dân, cơ quan điều tra cần vào cuộc.

Đã thông báo hai lần việc bồi thường

Thừa nhận tổ chức đốn hạ diện tích tràm nói trên, ông Võ Văn Luyến, đại diện Tổng công ty Tín Nghĩa cho biết: “Phần đất có diện tích rừng bị chặt là đất thuộc dự án KCN An Phước đã được UBND tỉnh Đồng Nai cho thuê. Việc thu hồi, đền bù đất được thực hiện theo trình tự pháp luật. Việc chặt phá cây tràm được bà Oanh cho là đất của bà đã được công ty thông báo nhiều lần nhưng gia đình bà không hợp tác, gây khó khăn và thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp".

"Chúng tôi đã đền bù xong. Đất đã được cấp sổ nên chúng tôi phải cắt tràm chứ không thể chờ. Càng để lâu càng thiệt hại” - ông Luyến nói.

Đại diện UBND huyện Long Thành cũng cho biết năm 1986 có giao đất cho gia đình ông Thảo, bà Oanh nhưng sau đó trồng rừng không hiệu quả đã thu hồi. UBND xã An Phước cũng xác nhận là đất công do xã quản lý.

Tuy nhiên, khi làm dự án KCN An Phước, huyện vận dụng pháp luật để hỗ trợ cho gia đình bà Oanh 50% giá trị cây trồng trên các thửa đất với số tiền hơn 274 triệu đồng. Gia đình bà Oanh, ông Thảo được thông báo hai lần nhưng không nhận nên huyện đã chuyển tiền vào kho bạc theo quy định.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã An Phước nhận định, số tiền bồi thường này là "quá ít" so với toàn bộ 16ha.

Chưa có quyết định thu hồi đất

Ông Nguyễn Ngọc Trang phản ứng: “Các kết luận thanh tra của huyện, của tỉnh Đồng Nai đều xác nhận đất của gia đình bà Oanh là có quyết định giao đất, sử dụng ổn định, liên tục, đến nay chưa có quyết định nào thu hồi".

Ông Trang cũng cung cấp văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai năm 2010 chỉ đạo huyện Long Thành và xã An Phước thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh về vụ việc của gia đình bà Oanh, ông Thảo.

Đại diện UBND xã An Phước phản hồi là các quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo trước đây đã bị thu hồi, nhưng không đưa ra được bằng chứng cho việc thu hồi này.

Đại diện Tổng công ty Tín Nghĩa cũng từ chối trả lời về căn cứ pháp luật cho việc doanh nghiệp thay mặt Nhà nước đưa lực lượng vào san ủi, chặt tràm của dân để lấy mặt bằng.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, khu đất hơn 16ha của gia đình ông Thảo, bà Oanh được UBND huyện Long Thành giao sản xuất từ năm 1986. Sau khi quy hoạch làm KCN An Phước, phần đất này nằm trong dự án.

Chủ đất đồng ý giao đất nhưng do đền bù chưa thỏa đáng, gia đình ông Thảo khiếu nại. Lấy lý do được tỉnh Đồng Nai giao đất làm dự án, Tổng công ty Tín Nghĩa đã cho người vào chặt hơn 10ha rừng tràm, san ủi đất mà chính quyền huyện Long Thành không hay biết./.

Theo Tuoi tre online

Chia sẻ bài viết