Tiếng Việt | English

11/11/2020 - 19:55

Yêu nghề, mến trẻ bằng sự tận tụy, tâm huyết

18 năm gắn bó với nghề dạy học bằng sự tận tụy, tâm huyết của một nhà giáo, cô Trần Thị Thúy Hằng - giáo viên Trường Tiểu học Mai Thị Non (huyện Bến Lức), luôn năng động, sáng tạo và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, mang lại sự hứng thú cho học sinh qua từng bài học.

Cô Thúy Hằng bên các em học sinh

Năm 2002, cô Trần Thị Thúy Hằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An và về Trường Tiểu học Mai Thị Non giảng dạy cho đến nay. Cô chia sẻ, quê ở huyện Tân Trụ nhưng Bến Lức là nơi cô gắn bó với nghề dạy học. Với cô, nơi nào cũng là quê hương nên dành trọn tâm huyết của mình để cùng với nhiều thế hệ giáo viên của trường xây dựng môi trường học tập thật tốt cho học sinh.

Tính đến nay, cô Thúy Hằng có 18 năm đứng lớp và được phân công giảng dạy nhiều lớp khác nhau. Ở mỗi lớp dạy đều có những thuận lợi, khó khăn nhưng cô luôn dặn lòng, đã yêu nghề thì phải có trách nhiệm, tận tâm, trong mọi hoạt động ở trường, ở lớp. Vốn dĩ yêu nghề giáo từ thuở nhỏ, đây cũng là động lực giúp cô đứng vững trên bục giảng, xây dựng môi trường học tập cho học sinh trên tinh thần cởi mở, tạo sự hứng thú cho các em. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ học sinh lớp cô Thúy Hằng lên lớp đạt 100%. Trong đó, có nhiều em tham gia và đạt thành tích cao trong các kỳ thi do nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức. Năm nay, cô Thúy Hằng được Ban Giám hiệu phân công dạy lớp 1. Để có thể chuyển tải bài giảng đến học sinh, ngoài chương trình bồi dưỡng kiến thức do ngành tổ chức, cô thường xuyên tìm hiểu kiến thức liên quan các bài giảng thông qua Internet. Đây cũng là phương thức giúp cô và trò cùng nhau hoàn thành bài học trong chương trình sách giáo khoa mới một cách tốt nhất.

Theo nhận xét của đồng nghiệp, cô Thúy Hằng luôn gần gũi, thân thiện, giúp đỡ các em cả trong học tập lẫn sinh hoạt hàng ngày. Chia sẻ về điều này, cô Thúy Hằng cho biết: “Đối với học sinh có học lực trung bình, hoàn cảnh khó khăn, tôi thường dành sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn. Với các em này, tôi thường chia sẻ, thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, giúp các em an tâm học tập. Đó có thể là quyển tập, cây viết hoặc vận động phụ huynh khác hỗ trợ tiền ăn trưa 1 hoặc 2 tháng cho học sinh vì gia đình khó khăn về kinh tế”. Với tình cảm dành cho học sinh như thế, nhiều học sinh khi rời trường, trưởng thành vẫn nhớ và quay về thăm cô. Đó cũng là niềm vui lớn, giúp cô vượt qua mọi trở ngại để dành trọn tâm huyết với nghề, với học sinh thân yêu./.

Thu Hương

Chia sẻ bài viết