Đưa lương vào giá là điều kiện cho các bệnh viện cạnh tranh về chất lượng để thu hút bệnh nhân
Chưa đủ tiềm lực thu hút bệnh nhân
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa - bác sĩ Lê Văn Thanh, thực hiện việc đưa lương vào giá dịch vụ y tế, trung tâm y tế (TTYT) còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí chi hàng năm cho trung tâm bị cắt giảm nhiều, từ 6,2 tỉ đồng/năm chỉ còn 567 triệu đồng/năm. Hiện tại, đơn vị gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Vì đây là cơ sở KCB nhỏ nên thu hút BN ít hơn so với các BV lớn có đầy đủ chuyên khoa.
Do đó, việc tăng giá các dịch vụ y tế, trung tâm chỉ thực hiện được một số dịch vụ: Khám bệnh, giá giường bệnh điều trị nội trú và các kỹ thuật cận lâm sàng (siêu âm, chụp X-quang, xét nghiệm). Vì thế, từ đầu năm 2017 đến nay, nguồn kinh phí thu của TTYT chỉ đủ trả lương cho nhân viên y tế và trả tiền thuốc cho công ty dược. Các hoạt động nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng KCB đều không thực hiện được.
Tại Cần Đước cũng gặp khó khăn không kém về vấn đề này. Giám đốc TTYT huyện Cần Đước - bác sĩ Trương Văn Hoàng chia sẻ: “Được sự quan tâm của lãnh đạo, sự đoàn kết của đơn vị, sự nhiệt tình của tập thể và sự tin tưởng của BN nên việc thực hiện đưa lương vào giá viện phí được nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, việc đưa lương vào giá viện phí, trung tâm còn gặp nhiều khó khăn.
TTYT hiện thiếu nhiều nhân sự, nhất là chức danh bác sĩ, thủ tục hành chính nhiêu khê như mua sắm vật tư rẻ, mau hỏng; quy trình đấu thầu thuốc còn gặp nhiều khó khăn; số lượng thuốc không đủ phục vụ do thầu cũ hết hạn nhưng thầu mới chưa thực hiện; danh mục kỹ thuật của Bộ Y tế chưa đầy đủ và điều chỉnh không kịp thời;... Bên cạnh trả lương, chúng tôi còn phải tốn nhiều chi phí: Bảo trì trang thiết bị, an toàn bức xạ, môi trường, nhất là chi phí quan trắc môi trường và xử lý rác y tế,...”.
BV Đa khoa Long An là BV tuyến tỉnh nên việc thực hiện đưa lương vào giá viện phí có nhiều thuận lợi hơn tuyến huyện. Nhưng đây cũng là vấn đề khó khăn đối với BN. Giám đốc BV Đa khoa Long An - bác sĩ Võ Công Luận chia sẻ: “Đưa lương vào giá viện phí giúp BV có nguồn thu nhất định. Nhưng đây cũng là thách thức lớn đối với BV. Khi ngân sách cấp từ Nhà nước cho BV giảm thì đơn vị chịu áp lực trong việc tạo nguồn thu. Khi đó, những đơn vị y tế nào hoạt động hiệu quả mới đủ nguồn thu cho hoạt động của đơn vị cũng như trả lương, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên y tế và đầu tư trang thiết bị.
Từ ngày 01/3/2016 đến nay, BV trích được một phần kinh phí từ nguồn thu KCB đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác KCB, đặc biệt là đầu tư nâng cấp khu vực phòng khám. Chúng tôi tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm giữ chân BN. Trước tiên là nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng KCB, tăng cường khả năng giao tiếp cũng như thái độ phục vụ. Song song đó, BV sẽ không ngừng đầu tư trang thiết bị KCB hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân”.
Khi tính tiền lương vào giá là người bệnh sẽ trả lương cho cán bộ, nhân viên y tế
Cần phải có lộ trình
Bác sĩ Lê Văn Thanh cho rằng: “Đưa lương vào giá viện phí là chủ trương đúng. Nhưng phải có lộ trình thì TTYT huyện mới có thể thực hiện được. Do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của BV còn hạn chế nên chưa thu hút BN. Tự chủ tài chính nếu không có BN thì BV “chết đói”.
Chúng tôi đang nâng cao chất lượng KCB, phong cách phục vụ BN, nhất là BN có bảo hiểm y tế, tăng cường chuyển giao các kỹ thuật cao nhằm thu hút BN đến khám và điều trị tại đơn vị. Tự chủ tài chính là cần thiết nhưng Nhà nước cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các BV tuyến huyện. Vì nếu chúng tôi vừa trả lương nhân viên lại phải đầu tư cơ sở vật chất và các hoạt động khác thì không đủ sức thực hiện”.
Bác sĩ Trương Văn Hoàng cũng cho rằng: “Đây là chủ trương đúng nhưng BV không đủ tiềm lực thu hút BN thì có nguy cơ “đóng cửa”. Vì vậy, đề nghị lãnh đạo tỉnh cho thực hiện đưa lương vào giá viện phí theo lộ trình mỗi năm với tỷ lệ nhất định, chẳng hạn như 20%/năm và có kế hoạch phân bổ chức danh bác sĩ về địa phương. Vì huyện Cần Đước chỉ đạt 2,06 BS/vạn dân so với chỉ tiêu của UBND tỉnh năm 2017 là 6,7 BS/vạn dân”.
Qua tìm hiểu, đa số người dân đồng tình với việc đưa lương vào giá. Chị Hồ Thị Kim Tuyến, ngụ khu phố 2, thị trấn Thạnh Hóa chia sẻ: “Người bệnh đến BV có khi nào hỏi giá trước đâu. BV bảo làm thủ tục thế nào thì làm theo, bảo đóng phí bao nhiêu thì nộp bấy nhiêu. Điều mà chúng tôi quan tâm là làm sao chất lượng KCB được cải thiện, giảm thời gian chờ đợi và đội ngũ y, bác sĩ vui vẻ, sẵn sàng tư vấn để BN yên tâm đến điều trị bệnh”.
Chị Trương Thị Cẩm Tú, ngụ khu phố 1, thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh cũng bày tỏ: “Khi đến điều trị tại các cơ sở y tế, tôi không quan tâm giá cả các dịch vụ y tế như thế nào. Tôi chỉ mong sao bác sĩ tận tình chăm sóc cũng như mau khỏi bệnh là được”.
Đưa lương vào giá viện phí chính là buộc các BV tự chủ về tài chính. Khi ấy, các BV cạnh tranh nhau để nâng cao chất lượng KCB nhằm thu hút BN, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, đây là giải pháp “dài hơi” không thể thực hiện “một sớm, một chiều” được. Bởi, hiện tại, nhiều BV tuyến huyện cho rằng, cơ chế tự chủ tài chính chỉ phù hợp với những BV tuyến cuối, có cơ sở vật chất tốt, trình độ chuyên môn cao còn đối với những BV huyện thì chưa đủ tiềm lực để thực hiện./.
Quang Nguyên