Ngày nay, vùng đất anh hùng đang từng ngày “đổi sắc thay da”, tám chữ vàng vẫn đẹp sáng ngời và tiếp tục có giá trị vĩnh hằng trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Hộp hình làng quê Long An xưa bên trong Công viên tượng đài Long An
Theo nhiều tư liệu lịch sử, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, năm 1965, đế quốc Mỹ đổ quân viễn chinh ồ ạt vào miền Nam hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng; đồng thời, chúng phong tỏa vịnh Bắc bộ, ném bom ở miền Bắc với mục tiêu “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù Mỹ trực tiếp đưa vào miền Nam bao nhiêu vạn quân, dù phải chiến đấu 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn” và phong trào thi đua “Quyết thắng giặc Mỹ” của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát động; với ý chí quyết tâm thắng Mỹ, Đảng bộ Long An phát động phong trào toàn dân đánh giặc.
Hộp hình tái hiện công binh chế tạo vũ khí bên trong Công viên tượng đài Long An
Ở nhiều nơi, bộ đội, du kích, nhân dân cùng thi đua đạt các danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”; cả người già, trẻ em cùng tham gia đánh Mỹ. Đó là chế tạo vũ khí, mưu trí đánh cắp vũ khí của lính Mỹ, có thiếu niên diệt được xe tăng và máy bay trực thăng Mỹ. Nhiều gia đình đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ, ngày đi đấu tranh chính trị, ngăn các cuộc càn quét của địch. Nhiều tập thể du kích vừa sản xuất, vừa rào làng chiến đấu, đánh địch bằng nhiều cách: Dùng ong vò vẽ, bàn chông đinh, đạp lôi, trận địa giả,... Bằng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng làng xã chiến đấu và các vành đai diệt Mỹ, tiến công địch bằng nhiều mũi giáp công, linh hoạt và biến hóa, dân và quân Long An đã kiên cường bám trụ, bảo đảm nhiệm vụ phục vụ chiến trường và giữ vững hành lang chiến lược.
Hộp hình làng chiến đấu bên trong Công viên tượng đài Long An
Cuộc chiến đấu toàn dân, toàn diện trên địa bàn Long An đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân chiến đấu ngoan cường được phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng: Tiểu đoàn 1 Long An 3 lần anh hùng với truyền thống vinh quang “Điều đâu đi đó, chỉ đâu đánh đó, đánh đâu thắng đó”; các đội quân tóc dài đấu tranh chính trị trực diện với địch và đội nữ pháo binh cơ động kiên cường; các đơn vị thông tin, giao bưu, cơ yếu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhiều cá nhân anh hùng như Huỳnh Văn Đảnh, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Minh Tua, Huỳnh Văn Tạo, Nguyễn Văn Thể, Trần Thế Sinh, Huỳnh Việt Thanh, Trương Thị Giao, Nguyễn Thị Ba,… Nhiều người chỉ huy giỏi như Trương Công Xưởng, Huỳnh Công Thân, Nguyễn Văn Chiểu; nhiều dũng sĩ diệt Mỹ, nhiều tấm gương tuổi trẻ anh hùng được cả nước biết đến: Võ Tấn Đồ, Mai Thị Non, Nguyễn Thái Bình,…
Các hiện vật và mô hình trưng bày bên trong Công viên Tượng đài Long An
Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch trên địa bàn trọng điểm Long An, có lúc địch đã tập trung đội quân viễn chinh cùng binh lính ngụy do Mỹ chỉ huy với số lượng lên đến hàng trăm ngàn tên, được trang bị phương tiện, khí tài hiện đại. Song, toàn Đảng, dân và toàn quân Long An với ý chí quyết tâm, phẩm chất trung dũng, kiên cường, phát huy sức mạnh của lòng yêu nước đã làm nên những chiến công oanh liệt trong cao trào đánh Mỹ. Đặc biệt ở Long An, trong giai đoạn chống “Chiến tranh đặc biệt” và “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy, ý nghĩa “Toàn dân đánh giặc” không chỉ là tập hợp quân chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, mà còn là sức mạnh của toàn dân. Đó là một đặc điểm sâu sắc của Long An “Trung dũng kiên cường”.
Ông Nguyễn Văn Kiểm, một nhân chứng lịch sử trong 45 ngày đêm đánh Mỹ (từ ngày 05/6/1967 đến 20/7/1967) ở khu vực Cầu Kinh, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc nhớ lại:
Kể làm sao hết chiến tích vẻ vang qua các cuộc chiến tranh vệ quốc của quân và dân Long An. Đó là chưa kể biết bao dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt cơ giới, dũng sĩ bắn máy bay,... Biết bao bậc phụ lão đêm đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng, ngày đi đấu tranh chính trị, cản đầu xe tăng địch. Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hy sinh những người thân yêu nhất của mình vì sự trường tồn của dân tộc,...Tất cả làm nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, phong phú và đa dạng, mà 45 ngày - đêm đánh Mỹ ở vùng hạ Cần Giuộc và “Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến” là điển hình.
Tỉnh Long An tổ chức kỷ niệm 55 năm diễn ra sự kiện 45 ngày đêm đánh Mỹ (1967 - 2022) tại Khu di tích lịch sử Cầu Kinh Bản đồ Vành đai diệt Mỹ - Rạch Kiến Chiến thắng ở mặt trận phía Nam gần với khu căn cứ Rừng Sác đã vượt lên giá trị của một trận đánh thông thường, tạo nên hiệu ứng lan toả sâu, rộng trên khắp chiến trường Long An, góp phần quan trọng trong việc thổi bùng ngọn lửa đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang. Khích lệ, cổ vũ phong trào đoàn kết đấu tranh trong tỉnh Long An nói riêng và cả miền Nam nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Thắng lợi này là sự hội tụ, kết tinh của nhiều nhân tố mà trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, thể hiện truyền thống đấu tranh quật cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì mục tiêu độc lập, thống nhất Tổ quốc của Đảng bộ và quân dân Cần Giuộc. “Đây là một trong những chiến công hiển hách, vang dội của quân dân Long An nói riêng và Nam bộ nói chung, góp phần tô thắm trang sử vàng của Đảng ta bằng những bản hùng ca về tấm gương chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” - nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hoà Bình khẳng định. Để ghi nhớ thành tích vẻ vang của quân và dân Long An, thời gian qua, tỉnh đầu tư xây dựng, tôn tạo nhiều di tích lịch sử và công trình văn hoá, trong đó có công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” tại phường 5, TP.Tân An. Công trình được hoàn thành ngày 28/4/2010 nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay, du khách có dịp đi ngang TP.Tân An sẽ nhìn thấy một khu tượng đài sừng sững, oai nghi, luôn nhắc nhở người đời sau hãy nhớ và biết ơn những người mẹ, chiến sĩ đã hy sinh như những anh hùng và không bao giờ quên giá trị lớn lao của “toàn dân đánh giặc”. Công tác giáo dục truyền thống sẽ phát huy hơn nữa những giá trị cốt lõi mà ông cha ta để lại Ngoài ra, về công tác phong trào, tuổi trẻ Long An tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, thực hiện các phong trào như tuổi trẻ sáng tạo, tuổi trẻ tình nguyện, xung kích bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là chương trình đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp,… Hiện nay, tuổi trẻ Long An đang đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số, đoạn đường kiểu mẫu,… để chào mừng Đại hội Đoàn TNCS HCM tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ phát huy hơn nữa những giá trị cốt lõi mà ông cha ta để lại, nhân rộng những mô hình, việc làm hiệu quả, tiếp tục góp phần chung tay xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đoàn viên, thanh niên nhận chăm sóc các khu di tích trên địa bàn tỉnh Từ sau ngày 30/4/1975, cùng cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH trong điều kiện, hoàn cảnh mới với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Song kế thừa và phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, dưới sự lãnh đạo năng động, đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ tỉnh, giai đoạn 1975 - 1985, quân và dân Long An vừa tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế. Long An còn đi đầu trong phong trào xóa nạn mù chữ ở miền Nam, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, làm trọn nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển KT - XH, an ninh - quốc phòng và có nhiều bước đột phá, có nhiều mô hình mới tiêu biểu của cả nước. Trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng nhiều năm qua, tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, bình quân 5 năm giai đoạn 2015 - 2020 đạt 9,11%. Nhiều năm qua, Long An luôn là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao so với trung bình chung của cả nước. 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 5,11%. Đây là mức tăng trưởng tương đối khá trong bối cảnh vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Cải cách hành chính góp phần to lớn vào thu hút đầu tư các dự án trong tỉnh Tỉnh có 2 vùng kinh tế đặc trưng là vùng trọng điểm nông - lâm nghiệp ở các huyện phía Bắc và vùng công nghiệp - thương mại - dịch vụ ở các huyện phía Nam. Cơ cấu kinh tế đang ngày càng chuyển dịch mạnh sang khu vực công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Đồng thời, thu hút mạnh các nguồn đầu tư phát triển, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài; đặc biệt là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn đạt ở mức cao trong toàn quốc. Toàn tỉnh có 18 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 1.700 dự án đầu tư với diện tích hơn 2.400ha, lấp đầy trên 91%; 22 cụm công nghiệp hoạt động, thu hút gần 700 dự án,… Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho biết: Với truyền thống vẻ vang được kết tinh thành 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đã cùng với cả nước giành được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới, kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An tiếp tục lập nên nhiều thành tích mới, là một trong những điển hình đi đầu của công cuộc đổi mới; góp phần cho kinh tế địa phương không ngừng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Long An từng bước vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vươn lên cùng các tỉnh, thành trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong quá trình hội nhập hiện nay; kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu, nỗ lực vươn lên, với mục tiêu: “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam”. Nông nghiệp trở thành trung tâm sản xuất chế biến nông nghiệp công nghệ cao Thực hiện mục tiêu ấy, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng: “Long An trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ kết nối Đông Tây; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm môi trường, cải thiện an sinh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh”. Cụ thể, quy hoạch tỉnh Long An định hướng phát triển 2 hành lang chiến lược phía Đông - phía Nam, 1 trung tâm chính trị - hành chính, 1 vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và định hướng phát triển 3 vùng đô thị và 6 trục động lực. Nội dung: Thanh Nga - Trình bày: Đăng Châu Tài liệu tham khảo: - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An, 2005, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), NXB Chính trị Quốc gia. - Lịch sử ngành Tuyên giáo tỉnh Long An (1930-2010), NXB Tổng hợp TP.HCM.