Bảo tàng, thư viện - Nơi giữ gìn và khơi nguồn văn hóa

 

Bảo tàng - Thư viện tỉnh là địa điểm gắn liền với sự phát triển của tỉnh nhà. Với những giá trị to lớn về tri thức, lịch sử, khoa học,... đang lưu giữ, nơi đây góp phần quan trọng vào việc xây dựng văn hóa, con người Long An trong giai đoạn hiện nay.

Bảo tàng, thư viện - Nơi giữ gìn và khơi nguồn văn hóa

 
 

Bảo tàng, thư viện - Nơi giữ gìn và khơi nguồn văn hóa

Thư viện Long An hiện có 200.000 bản sách với 90.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau, có cả sách nghiên cứu chuyên sâu

 

 
Bảo tàng, thư viện - Nơi giữ gìn và khơi nguồn văn hóa

Sau khi thăm hỏi cô thủ thư đôi câu chuyện, thầy Nguyễn Trung Sơn (giáo viên dạy Vật lý tại Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.Tân An) bước vào khu vực chọn sách của phòng mượn trong thư viện (Bảo tàng - Thư viện tỉnh), chăm chú chọn từng tựa sách. Thầy xem từng tên sách, đọc sơ bộ nội dung trước khi quyết định.

Cầm 2 quyển sách trở lại quầy, thầy Sơn giải thích: “Má tôi không khỏe nên hôm nay bà xã tôi chăm sóc má, nếu không chắc bà ấy cũng đi cùng tôi. Sắp thay sách rồi nên lần này tôi đọc sách chuyên ngành để bổ trợ kiến thức phục vụ công việc của mình”.

Thầy Sơn đọc nhiều sách, đa dạng thể loại, từ đời sống, kỹ thuật đến ngôn ngữ và sách chuyên ngành phục vụ việc giảng dạy. Với thầy, sách chứa đựng nguồn tri thức quý giá và thư viện chính là nơi cung cấp nguồn sách đa dạng, phong phú, được cập nhật thường xuyên. Đó là lý do thầy gắn bó với thư viện từ ngày trẻ đến bây giờ.

“Trong quá trình giảng dạy, tôi thường chia sẻ với học sinh về Thư viện tỉnh và khuyến khích các em tăng cường đọc sách. Xã hội ngày càng phát triển, việc phổ biến của Internet và thiết bị di động là không thể tránh khỏi nhưng tôi tin là sách thì không thể thay thế được” - thầy Sơn bộc bạch.

Bảo tàng, thư viện - Nơi giữ gìn và khơi nguồn văn hóa

 
Thư viện (Bảo tàng - Thư viện tỉnh) gắn bó với tuổi học sinh của rất nhiều người ở TP.Tân An nói riêng và tỉnh Long An nói chung. Có thời điểm, mỗi ngày, thư viện phục vụ hàng trăm bạn đọc đến đọc, mượn sách, báo. Từ nguồn sách phong phú và không gian yên tĩnh của thư viện, nhiều người con Long An đã trưởng thành, có nhiều đóng góp cho quê hương.

 

Thầy Đàm Văn Tuyến (Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An) từng chia sẻ, suốt quãng thời gian học sinh của thầy gắn liền với thư viện. Mỗi ngày, sau giờ học ở trường và xong việc nhà, thầy thường đến Thư viện tỉnh để tự học. Những ngày tháng đó hình thành trong thầy thói quen đọc sách và tự học, làm nền tảng cho việc học tập của thầy sau này. Khi làm luận văn thạc sĩ, thầy cũng tìm nguồn tài liệu hỗ trợ từ thư viện. Với vai trò hiệu trưởng, thầy Tuyến cùng Ban Giám hiệu nhà trường nỗ lực xây dựng thư viện trường thành địa điểm tự học hiệu quả, thú vị cho học sinh vì với thầy, đọc sách, tự học chính là cách giúp mỗi người tự nâng cấp bản thân, tiến bộ từng ngày.
 
 

Bảo tàng, thư viện - Nơi giữ gìn và khơi nguồn văn hóa

 

Bảo tàng, thư viện - Nơi giữ gìn và khơi nguồn văn hóaCác hiện vật được lưu trữ trong bảo tàng

Ngoài thư viện, bảo tàng thuộc Bảo tàng - Thư viện tỉnh cũng là địa điểm học tập, nghiên cứu quan trọng của tỉnh. Với chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người,... nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng, bảo tàng là nơi có thể tìm thấy được gần như toàn bộ thông tin, tài liệu, hiện vật liên quan đến đất và người Long An.

Với trên 22.000 hiện vật thuộc 2 mảng đề tài chính là khảo cổ và kháng chiến, bảo tàng là kho tư liệu khổng lồ cho việc nghiên cứu và tìm hiểu về quê hương Long An. Sẽ không có gì xác thực, tin cậy hơn những tài liệu cổ, những hiện vật được lưu giữ lại theo suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt, các hiện vật trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước chính là minh chứng rõ ràng, chân thực về truyền thống trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc của tỉnh.

 

Bảo tàng, thư viện - Nơi giữ gìn và khơi nguồn văn hóa

 

Không chỉ vậy, bảo tàng (Bảo tàng - Thư viện tỉnh) là một trong những bảo tàng có trữ lượng hiện vật khảo cổ đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là địa điểm được các chuyên gia khảo cổ trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.

Phó Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh - Nguyễn Thị Sáu cho biết: “Mỗi năm, bảo tàng tiếp nhiều đoàn khách đến tìm hiểu, nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu. Họ chủ yếu là sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh đến nghiên cứu về khảo cổ, nông nghiệp, lễ hội, làng nghề truyền thống. Trong đó, nhiều nhất là các nghiên cứu về khảo cổ. Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người nghiên cứu, tra cứu tài liệu. Khi cần thiết, chúng tôi sẵn sàng mở cửa các kho chứa hiện vật để người nghiên cứu có thể quan sát, chụp ảnh phục vụ công việc của mình. Vai trò của bảo tàng là phục vụ học tập, nghiên cứu nên chúng tôi luôn sẵn lòng phục vụ khách tham quan đến tìm hiểu, nghiên cứu”.

 

Bảo tàng, thư viện - Nơi giữ gìn và khơi nguồn văn hóa

Bảo tàng (Bảo tàng – Thư viện tỉnh) sẵn sàng tạo điều kiện cho người cần nghiên cứu vào kho lưu trữ để tìm hiểu, chụp ảnh

 

Bảo tàng, thư viện - Nơi giữ gìn và khơi nguồn văn hóa

Tháng 6 vừa qua, trong quá trình làm luận án tiến sĩ, anh Nguyễn Minh Đảo (nghiên cứu sinh Trường Đại học Sài Gòn, ngành Lịch sử Việt Nam) đến bảo tàng để tìm tài liệu, hình ảnh phục vụ bài nghiên cứu của mình. Nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, anh thu thập được nhiều thông tin, chụp lại một số hình ảnh có giá trị; đồng thời, có thêm đầu mối tìm kiếm các tài liệu khác.

Anh Đảo nói: “Nhờ có bảo tàng, tôi mới tìm được các tư liệu chép tay trước năm 1945 và một số hình ảnh, mô hình nhằm bổ sung, kiểm chứng nguồn tư liệu trong quá trình làm luận án tiến sĩ của mình. Những tài liệu chép tay trước năm 1945 rất quý và khó có thể tìm được ở bất cứ nơi đâu ngoài bảo tàng. Các anh chị làm việc tại bảo tàng tạo mọi điều kiện cho tôi trong quá trình thu thập tài liệu. Ngoài việc tham quan phòng trưng bày, đọc tài liệu, tôi còn được vào kho lưu trữ chụp ảnh”.

Sau khi trở lại trường để hoàn thành luận án, anh vẫn giữ liên hệ với các cán bộ, công chức làm việc tại bảo tàng. Từ sau chuyến thăm bảo tàng, anh cứ luôn trăn trở, hy vọng về việc Bảo tàng tỉnh có thể phát huy hơn nữa công năng của mình, trở thành điểm đến thu hút.

Bảo tàng, thư viện - Nơi giữ gìn và khơi nguồn văn hóa

Với nội lực sẵn có vô cùng to lớn nhưng Bảo tàng - Thư viện tỉnh lại ngày càng vắng bóng khách tham quan. Giờ đây, người đến thư viện hầu hết mượn sách mang về, phòng đọc từ lâu đã trở nên vắng vẻ mặc dù bàn ghế, quạt, đèn vẫn luôn sẵn sàng chờ độc giả. Tại bảo tàng, cửa các phòng trưng bày luôn mở, thuyết minh viên thường trực suốt giờ hành chính, tuy nhiên, khách đến tham quan cũng không nhiều.

Bảo tàng, thư viện - Nơi giữ gìn và khơi nguồn văn hóaThư viện tổ chức giới thiệu trang web của thư viện cho bạn đọc

Trước thực trạng đó, Bảo tàng - Thư viện tỉnh nỗ lực làm mới mình. Tại thư viện, công trình sách điện tử miễn phí được vận hành chính thức. Bạn đọc có thể lên trang web của thư viện tỉnh để đọc ebook. Trên 2.000 đầu sách điện tử được phục vụ hoàn toàn miễn phí cho bạn đọc.

Thông tin từ Bảo tàng - Thư viện tỉnh, đây là nỗ lực đầu tiên trong tiến trình hướng đến xây dựng thư viện điện tử trong tương lai. Theo thống kê năm 2022, lượng bạn đọc sách truyền thống là trên 4.000 lượt, trong khi đó, số lượt đọc ebook trên trang web của thư viện lên đến trên 270.000 lượt. Điều này cho thấy, xu hướng xây dựng thư viện điện tử là tất yếu và hoàn toàn đúng đắn trong giai đoạn hiện nay.

Bảo tàng, thư viện - Nơi giữ gìn và khơi nguồn văn hóa

Bạn đọc tìm kiếm đầu sách trên máy tính tại phòng mượn của thư viện

 

Không chỉ thư viện, việc nâng cấp và số hóa tài liệu tại bảo tàng cũng dần trở thành nhu cầu tất yếu và là mong mỏi của người dân. Việc số hóa hoặc quản lý tài liệu bằng phần mềm sẽ giúp tra cứu, tìm kiếm tài liệu dễ dàng hơn, tạo thuận lợi cho người nghiên cứu. Cùng với nguồn tư liệu, hiện vật phong phú, nếu được nâng cấp, mở rộng và tăng cường quảng bá thông qua việc xây dựng trang web thì hy vọng rằng bảo tàng sẽ trở thành địa điểm tham quan đáng tự hào của tỉnh bên cạnh vai trò phục vụ nghiên cứu và học tập.

Long An vốn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có trữ lượng lớn hiện vật khảo cổ. Nếu được khai thác hết những lợi thế vốn có cùng với việc nâng cấp cơ sở vật chất thì bảo tàng có thể phát huy vai trò giáo dục thông qua việc phối hợp các trường học trên địa bàn tỉnh./.

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Xây dựng và phát triển văn hóa con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo có nêu một trong những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện là:

“Kiện toàn, phát triển hệ thống bảo tàng, đổi mới nội dung và hình thức trưng bày; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động của Bảo tàng – Thư viện tỉnh. Có giải pháp khuyến khích người đọc, du khách khai thác tối đa hiệu quả hoạt động của Bảo tàng – Thư viện tỉnh. Khuyến khích thành lập và hoạt động bảo tàng, thư viện tư nhân”. 

Quế Lâm

 

Ngày xuất bản: 01/08/2023
Chia sẻ: