Bên những dòng kênh đào huyền thoại

 

Không phải những con đường, cây cầu kỳ vĩ, trong lịch sử hơn ba trăm năm tiến về phương Nam của người Việt, những dòng kênh đào ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới chính là những công trình có ý nghĩa nhất. Đến tận ngày nay, những dòng kênh hàng trăm tuổi, do chính bàn tay con người tạo lên ấy vẫn đang là công trình giúp ích nhất cho người dân. Không chỉ giao thông, trị thủy mà những con kênh còn là “mạch máu” của đồng bằng, kết nối những vùng đất với nhau. Để có được dòng kênh ấy, nhiều máu xương, công sức của tiền nhân đã đổ xuống.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 100 trục kênh cấp 1, dài 6.500km cùng hơn 36.000km kênh cấp 2, 3. Bình quân mỗi km2 ở miền Tây có khoảng 1,4km kênh đào. Từ một vùng hoang hóa kém phát triển, trong vòng 200 năm, từ năm 1700 đến 1930, nơi này có trên 40 kênh đào lớn nhỏ do triều đình phong kiến lẫn người Pháp thi công. Các kênh này có vai trò quan trọng là thông thương, đưa nước ngọt vào đồng ruộng nâng cao năng suất, mùa vụ sản xuất.

 

Chúng tôi đã có chuyến hành trình dọc theo những dòng kênh lịch sử, từ Bảo Định, kênh đào đầu tiên thời phong kiến ở miền Nam, đến những dòng kênh có vai trò “thủy lộ” như Vĩnh Tế, Xà No, Chợ Gạo, Dương Văn Dương nhằm kể lại câu chuyện khai hoang, trị thủy của bậc tiền nhân hàng trăm năm trước,…

Bên những dòng kênh đào huyền thoại
 

Bảo Định là dòng kênh được đào đầu tiên ở Tây Nam bộ, gắn với thời kỳ người Việt đến khẩn hoang vùng đất này. Đây từng là tuyến giao thông trọng yếu giữa miền Đông và Tây Nam bộ. Sau thời gian dài bị “bỏ quên”, dòng kênh này đang được “đánh thức” trở lại để phục vụ phát triển kinh tế, du lịch,…

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Một phần TP.Tân An bên dòng Bảo Định

Theo sách sử ghi chép lại, Nguyễn Cửu Vân chính là vị quan có công khai mở dòng kênh Bảo Định, giúp việc thông thương đi lại từ Vàm Cỏ Tây tới Tiền Giang được thuận lợi hơn. Trong ký ức của những người dân xưa, dòng Bảo Định cùng với Vàm Cỏ Tây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống người dân TP.Tân An. Dòng sông bồi đắp phù sa, hội tụ thương hồ, trù phú một thời. Dòng sông hẹn hò của tao nhân mặc khách, nhân tài hào kiệt,… Hơn 300 năm qua, kênh Bảo Định vẫn chở nặng những giá trị về kinh tế, lịch sử, văn hoá để bồi đắp và kiến tạo cho đôi bờ từ TP.Tân An, tỉnh Long An đến TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Sông Bảo Định (chụp màn hình Google Map)

Liên thông thủy lưu hai dòng sông mẹ là sông Tiền và Vàm Cỏ Tây, sông Bảo Định xả phèn, biến vùng đất ngập trũng của các xã thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và một số địa phương tỉnh Long An thành đất trồng lúa. Và bây giờ ở những khu vực này đang thành vùng đất vườn trồng được nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Hiện nay, kè sông Bảo Định, TP.Tân An thoáng mát

Trên tuyến sông này, chính quyền TP.Tân An từng bước xây cầu Bảo Định, kè kiên cố với cảnh quan hai bên bờ sông thông thoáng, xinh đẹp. Gần đây nhất, TP.Tân An tiếp tục cho đầu tư xây dựng, đoạn từ kênh Vành đai đến đường Võ Văn Môn (song song Nguyễn Cửu Vân). Đường Nguyễn Cửu Vân chạy dọc theo bờ kênh Bảo Định như một lời tri ân về bậc tiền nhân có công gầy dựng nên vùng đất Vũng Gù đông đúc để về sau trở thành TP.Tân An như hiện nay.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Kênh Dương Văn Dương (chụp màn hình Google Map)

Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo cho biết, dự án Kè sông Bảo Định là 1 trong 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Tân An, lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Công trình sau khi hoàn thành góp phần chỉnh trang đô thị, chống sạt lở bờ sông Bảo Định, tạo trục cảnh quang xanh - sạch - đẹp dọc ven 2 bờ sông Bảo Định, góp phần cho thành phố đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 theo hướng đô thị thân thiện, văn minh, hiện đại.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Kênh Dương Văn Dương dẫn nước ngọt phục vụ sản xuất cho huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An

Tại Long An, ngoài dòng kênh Bảo Định, còn có kênh Dương Văn Dương. Đây là dòng kênh lớn nhất, chảy qua địa bàn huyện Tân Thạnh. Đây cũng là tuyến giao thông thủy quan trọng nhất Tân Thạnh, song song với Đường tỉnh 837. Dòng kênh này có ý nghĩa quan trọng đối với người dân Tân Thạnh khi dẫn nước ngọt từ sông Tiền về phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của huyện.

 

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

 
Bên những dòng kênh đào huyền thoại
 

Ngày nay, đi từ ngã ba sông Châu Đốc (An Giang) đến sông Giang Thành (Kiên Giang), nhìn dòng Vĩnh Tế dài 87km nằm sát Quốc lộ N1 thẳng tắp như kẽ chỉ; khó có thể tưởng tượng con kênh huyền thoại này được đào tay chỉ với cuốc, thuổng bởi hơn 80.000 người trong suốt 5 năm, là kênh đào quy mô nhất thời phong kiến.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Kênh Vĩnh Tế đoạn qua xã An Phú, Tịnh Biên, An Giang

Giữa trưa nắng như thiêu đốt, đoàn khách từ Hà Nội dừng trước lăng Thoại Ngọc Hầu tại phường Núi Sam, TP.Châu Đốc để thăm viếng, thắp hương. Nơi này còn được gọi là “Sơn lăng”, nằm sát chân núi Sam được công nhận di tích quốc gia năm 1997. Sau khi băng qua bậc tam cấp bằng đá ong cổ kính, khách sẽ gặp sân lăng rộng, hai cổng ra vào, phía trong là mộ Thoại Ngọc Hầu cùng 2 phu nhân. Bên trên khu vực đền thờ là pho tượng bán thân uy nghi của vị công thần triều Nguyễn.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Kênh Vĩnh Tế (chụp màn hình Google Map)

Thoại Ngọc Hầu tức Nguyễn Văn Thoại (1761 - 1829), quê tại Diên Phước, Quảng Nam. Thiếu thời, do quê nhà đang giữa lúc Trịnh Nguyễn phân tranh, cùng với Tây Sơn nổi dậy, năm 14 tuổi ông theo mẹ và 2 em vào Nam lánh nạn, định cư tại làng Thới Bình, cù lao Dài (nay là huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long).

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Lăng mộ Thoại Ngọc Hầu

Năm 16 tuổi ông bắt đầu đầu quân triều Nguyễn, những năm sau đó lập được nhiều chiến công. Trong 52 năm phục vụ triều Nguyễn, ông đã 7 lần sang Xiêm La, 2 lần sang Lào và 11 năm giữ trọng trách bảo hộ Cao Miên. Do vậy, dân gian còn hay gọi ông là “bảo hộ Thoại”.

Năm 1817,  bảo hộ Thoại nhậm chức trấn thủ Vĩnh Thanh. Hai năm sau, vua truyền cho Gia Định thành lo việc đào kinh từ Châu Đốc thông ra Hà Tiên, ông được lệnh chỉ huy công trình. Tuy nhiên, do gặp năm hạn hán cộng với nhân công khan hiếm, nên việc đào kênh phải bị gián đoạn đến 3 lần.

Có thể tưởng tượng khu vực kênh Vĩnh Tế xưa như một “đại công trường” với hơn 80.000 dân binh người Việt lẫn người Miên. Việc đào kênh mất đến 5 năm, từ tháng Chạp năm 1819 đến tháng 5 năm 1824. Kênh đào xong dài 87km, rộng 30m, độ sâu trung bình khoảng 2,55m. Tuy nhiên, do một số đoạn lợi dụng các đầm nước có sẵn, nên chiều dài thi công thực tế chỉ có 37km. Theo một số tài liệu ghi nhận, số người chết do dịch bệnh, tai nạn trong quá trình đào kênh phải lên đến 6.000 người.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Kênh Vĩnh Tế đoạn đầu tại TP.Châu Đốc

Vua Minh Mạng vì để ghi nhận công lao của Thoại Ngọc Hầu, đã lấy tên của phu nhân ông, bà Châu Vĩnh Tế đặt làm tên kênh. Đến năm 1835, Vĩnh Tế hà vinh dự được chạm trên cửu đỉnh, một trong chín đỉnh bằng đồng đặt tại Hoàng thành Huế.

Ngày nay, ai có về miệt An Giang sẽ nghe câu hát dân gian truyền miệng: “Nước kinh Vĩnh Tế lờ đờ, Nhớ ông Bảo hộ cắm cờ chiêu an”, như là một sự tưởng nhớ về công lao của vị võ quan tài đức một thời.

Sau gần 200 năm, kênh Vĩnh Tế nhiều đoạn bị bồi lắng, mùa khô gây khó khăn cho tàu thuyền, đoạn kênh cạn nhất thuộc xã An Phú (huyện Tịnh Biên, An Giang). Phó Chủ tịch UBND xã An Phú - Nguyễn Văn Thành cho hay, kênh Vĩnh Tế đi qua địa bàn ấp Phú Nhứt, Phú Tân, dài trên 4,5km. Đáng chú ý là có khoảng 2km lòng kênh có đá ngầm rất nguy hiểm cho tàu thuyền. Toàn xã có trên 400ha lúa 2 vụ lẫn cây ăn trái, nhiều vụ ghe mắc cạn giữa lòng kênh, bị lật ngang lúa đổ hết xuống kênh.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Kênh Vĩnh Tế đoạn qua huyện Tịnh Biên

“Từ năm 1997 đến nay mới chỉ có một lần duy nhất kênh Vĩnh Tế được nạo vét quy mô”, ông Thành nói. Đầu năm ngoái, dự án “Nâng cấp, cải tạo tuyến kênh Vĩnh Tế thuộc hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu” được triển khai. Công trình có tổng vốn 200 tỉ đồng cho 46km đoạn kênh cần nạo vét, sau cải tạo bảo đảm đáy kênh rộng 35m, sâu 3,5m, tổng chiều sâu kênh 7m.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Nông dân bán lúa cho thương lái dọc bờ kênh Vĩnh Tế

Hiện dự án đang trong giai đoạn cuối, điểm đặc biệt của dự án này là bùn, cát tận thu được dưới lòng kênh sẽ được máy bơm vào các bãi tập kết ven kênh. Lượng vật tư quan trọng này sẽ được các xã đưa về làm các tuyến dân cư, về lâu dài sẽ di dời các hộ dân còn sống tạm ven kênh lên tuyến nhằm ổn định cuộc sống.

“Không chỉ là tuyến đường giao thông huyết mạch, thông thương hàng hóa và phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, kênh Vĩnh Tế còn có vai trò tối quan trọng là sự khẳng định chắc chắn chủ quyền của Tổ quốc, không phải ngày này mà đã từ 200 năm trước”, học giả Trần Văn Đông, Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh An Giang khẳng định.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại
 

121 năm trước, từ một cánh đồng hoang rộng hàng trăm nghìn hécta, người Pháp cho đào kênh xáng Xà No nối Cần Thơ - Kiên Giang. Nhờ có kênh, đất hoang được cải tạo, năng suất lúa tăng, nông sản thuận tiện vận chuyển, kênh xáng Xà No vì vậy được ví như “con đường lúa gạo” miệt Hậu Giang cho đến ngày nay.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Kênh Xà No xưa

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hậu Giang - Trương Minh Kiêm cho biết, nhiều năm qua, tỉnh đang từng bước hoàn thiện hệ thống bờ kè trên kênh xáng Xà No. “Tỉnh đã đầu tư trên 18km bờ kè đi qua TP.Vị Thanh, Vị Thủy và Châu Thành A với tổng kinh phí gần 1.000 tỉ đồng; sắp tới chúng tôi tiếp tục đầu tư gần 2km bờ kè giai đoạn 3, tổng kinh phí 200 tỉ đồng tại huyện Châu Thành A”, ông Kiêm nói.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Kênh xáng Xà No được ví như “con đường lúa gạo” miệt Hậu Giang

Nhìn dòng kênh nhộn nhịp tàu thuyền dài 45km, hai bên bờ nhà cửa khang trang, khó có thể tưởng tượng được hàng trăm năm trước, khu vực này vẫn còn là cánh đồng hoang sậy, lác mọc đầy rộng hàng trăm nghìn hécta làm nhà cho đàn trâu nước, voi rừng đông đến hàng trăm con.

Soạn giả Nhâm Hùng, một người con đất Phụng Hiệp nổi tiếng với hàng chục công trình biên khảo về đất và người Hậu Giang đã miêu tả khu vực này: “Mùa nước nổi xuồng ghe mới di chuyển được, mùa khô đất nhiễm phèn, mặn, không trồng trọt được gì, họa chăng chỉ toàn lúa ma giúp người khẩn hoang vớt vát được vài bữa gạo đi đường”.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Ngày nay, tỉnh Hậu Giang khai thác du lịch kênh Xà No. Đây là một trong hai sản phẩm chủ lực của tỉnh

Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh còn lại của Nam kỳ, năm 1901 toàn quyền Đông Dương là De Lanessan đã cho đào kênh xáng nối Cần Thơ - Rạch Giá. De Lanessan hẳn không chỉ nhận ra tiềm năng lớn của cánh đồng hoang này, mà còn nhìn xa hơn là tạo ra một đường thủy chiến lược nối liền với sông Cái Lớn ra biển Tây. Từ đó góp phần phá thế cô lập của vùng Rạch Giá với lục tỉnh Nam kỳ. Mặc khác, người Pháp cũng muốn nhân đây kiểm soát được cả về an ninh, quân sự đến vùng bán đảo Cà Mau lẫn vịnh Xiêm La.

Lúa gạo trước đây thay vì đi đường biển, nay có kênh đã rút ngắn thời gian. Năm 1899, Nam kỳ xuất được 500.000 tấn lúa gạo, từ khi có kênh xáng Xà No đã tăng lên 1,3 triệu tấn. Riêng Cần Thơ, mỗi năm xuất 116.000 tấn lúa gạo, đứng hạng nhất lúc bấy giờ.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Đô thị phát triển dọc Kênh Xà No 

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Hậu Giang - Lê Minh Dũng thông tin, miệt Hậu Giang không chỉ có lúa gạo và khóm Cầu Đúc (một đặc sản có lịch sử gần 100 năm đã được bảo hộ độc quyền), mà còn giàu tiềm năng du lịch. Năm 2019, lượng khách du lịch đến Hậu Giang gần 500.000 lượt người, sau “bão Covid-19”, lượng khách đã giảm còn phân nửa.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Kênh Xà No (chụp màn hình Google Map)

Để tạo cú hích cho du lịch tỉnh nhà, dự án tàu du lịch trên kênh Xà No vừa được xúc tiến hồi giữa tháng 1 năm nay. Đây là một trong hai sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh. Tàu nhà hàng có sức chứa 200 khách, ngoài phục vụ ăn uống ban ngày, từ 19 đến 21h đêm, tour du lịch trên kênh bắt đầu với hành trình đi về 14km. Khách trên tàu vừa ăn uống, vừa nghe đờn ca tài tử vừa ngắm nhịp sống trên kênh Xà No về đêm. Dù chỉ mới đưa vào khai thác không lâu, nhưng mỗi ngày đêm, tàu tiếp đón bình quân khoảng 100 lượt khách, riêng ngày lễ, cuối tuần lượng khách tăng gấp đối.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Kênh xáng Xà No, phục vụ tưới tiêu các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có đặc sản khóm Cầu Đúc nổi tiếng

Cách khu vực tàu du lịch neo đậu không xa, dự án bến tàu du lịch tổng kinh phí 7 tỉ đồng cũng đang sắp hoàn thành, bao gồm trạm dừng chân cùng hệ thống quầy bán quà lưu niệm.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Kênh xáng Xà No ngày nay

“Chúng tôi cố gắng tái hiện cho du khách cung đường mà tiền nhân hàng trăm năm trước đã đi qua”, ông Dũng nói.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại
 

Năm 1876, người Pháp sau khi chiếm đóng Nam kỳ đã cho đào kênh Chợ Gạo nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ, tạo ra tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây ngắn nhất. Sau hàng trăm năm khai thác, kênh hiện đang bị sạt lở nặng. Người dân sống hai bên bờ kênh đang đồng lòng với chính quyền địa phương di dời nhà, nhường đất cho dự án bờ kè nghìn tỉ.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Kênh Chợ Gạo xưa tạo ra tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây ngắn nhất

“Chỗ chúng ta đang đứng trước đây là huyện lộ 23B, rộng khoảng 4m, hiện đã nằm dưới lòng kênh. UBND xã đã cho thi công tạm một con đường đá xanh rộng 2m để hỗ trợ việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân”, Chủ tịch UBND xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang - Trần Văn Đâu cho biết.

Theo ông Đâu, xã hiện có diện tích nông nghiệp trên 1.500ha, trong đó trên 500ha thanh long. Thời điểm bờ kênh sạt lở nặng nhất khoảng 10 năm trở lại đây. Hàng năm, thời điểm triều cường lên cao, nhiều đoạn bờ kênh thấp bị nước tràn, sạt lở đe dọa sản xuất lẫn gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Đoạn kênh Chợ Gạo bị sạt lở

Bất tiện là vậy, tuy nhiên để có được “thủy lộ xuất khẩu lúa gạo” như ngày nay đã phải đánh đổi bằng công sức của hàng chục nghìn người Việt xưa.

Dựa theo các tư liệu cũ của người Pháp và ghi chép của nhà văn Sơn Nam, kênh Chợ Gạo được đào thủ công từ năm 1876 với khoảng 11.000 người Việt được huy động làm nhân công, ước tính khối lượng đất được đào vào khoảng 900.000m3 với 676.000 ngày công.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Kênh Chợ Gạo (chụp màn hình Google Map)

Cuối năm 1877 kênh hoàn thành, rộng 30m, dài 12km. Trước đó, tại thôn Bình Phan có một ngôi chợ nhỏ nằm cạnh bờ sông là nơi mua bán gạo của người dân, gọi là chợ Gạo. Người Pháp lấy địa danh này lập quận Chợ Gạo, thuộc tỉnh Mỹ Tho, kênh đào xong sau đó cũng mang tên Chợ Gạo. Năm 1900, công ty Messageries Fluviales đã đưa tàu khách vào hoạt động trên tuyến kênh này.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Hình tư liệu chụp cảnh đào kênh Chợ Gạo

Sau nhiều năm cải tạo, kênh Chợ Gạo hiện dài 28,5km, đi qua huyện Châu Thành (Long An) và huyện Chợ Gạo, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, TP.Mỹ Tho (Tiền Giang). Mỗi ngày, có trên 2.000 tàu tải trọng từ 200 tấn đến 1.000 tấn đi qua tuyến kênh này, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, sạt lở hai bên bờ.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Việc nâng cấp, mở rộng kênh Chợ Gạo sẽ góp phần đưa nông sản từ miền Tây lên TP.HCM nhanh hơn

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang - Trần Văn Bon cho biết, 6 năm trước, kênh được nâng cấp giai đoạn một, kinh phí hơn 780 tỉ đồng. Cuối năm 2021, dự án nạo vét, mở rộng luồng đường thủy gần 10km, xây công trình bảo vệ bờ nam kênh, cầu và đường đi qua các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo được xúc tiến, tổng vốn hơn 1.300 tỉ đồng. Sau cải tạo, đoạn luồng kênh sẽ sâu thêm 3,5m, rộng 50m giúp tàu thuyền di chuyển thuận lợi. Hiện, chính quyền địa phương đã bồi thường, xây 5 khu tái định cư để ổn định đời sống cho trên 700 hộ dân.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại
 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam - Trần Đỗ Liêm cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long hiện có trên 5.000km đường sông đủ đáp ứng cho tàu thuyền trên 100 tấn lưu thông. Hơn 10.000km đường sông đáp ứng cho ghe, tàu tải trọng 30 tấn trở xuống.

Hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ khai thác được khoảng 40 - 50% hiệu quả vận tải đường thủy. Sở dĩ có tình trạng này là do còn nhiều “nút thắt” ở hạ tầng luồng, tuyến.

Sau hàng trăm năm, nhiều tuyến kênh đào có vai trò như là cửa ngõ miền Tây như kênh Chợ Gạo đã bị bồi lắng lẫn sạt lở lẫn quá tải, gây khó khăn cho các phương tiện tải trọng nghìn tấn trở lên. Ở miền Tây, nhiều địa phương hệ thống kênh còn khá khiêm tốn, chỉ đáp ứng đủ cho phương tiện 200 trăm tấn trở lại. Cùng với hệ thống kênh là hệ thống cầu đã được xây trước đây vốn có chiều cao thông thuyền thấp, cũng là một trong những trở ngại cho tàu ghe.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ khai thác được khoảng 40 - 50% hiệu quả vận tải đường thủy

Ông nhận định, bình quân mỗi năm ngân sách đầu tư cho đường thủy nội địa chỉ khoảng 2%, chưa tương xứng với những tiềm năng mà đường thủy mang lại.

Dù vận tải thủy ở vùng còn nhiều hạn chế, tuy nhiên, những năm gần đây Chính phủ đã quan tâm đầu tư phát triển cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có đường thủy.

 

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Nhiều hệ thống kênh huyết mạch đang được quan tâm đầu tư, nạo vét phục vụ vận tải đường thủy và du lịch

Năm 2017, Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng với Nghị quyết 120 được ban hành sau đó. Tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã xác định nhiệm vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long là nhiệm vụ cấp bách, khó khăn. Do vậy, cần có nguồn lực, nguồn vốn với các giải pháp đồng bộ, trước mắt và lâu dài. Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 2 tỉ USD từ vốn vay Ngân hàng thế giới để đầu tư phát triển miền Tây.

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

 

Bên những dòng kênh đào huyền thoại

Các kênh Bảo Định, Dương Văn Dương, Vĩnh Tế, Xà No, Chợ Gạo (Ảnh chụp màn hình Google Map)

Song song với nguồn vốn này, hiện vùng đã có quy hoạch cảng đường thủy nội địa ven biển và đường thủy nội địa. Nhiều hệ thống kênh huyết mạch nối TP.HCM - miền Tây hoặc TP.HCM - Đồng Tháp Mười cũng đang được quan tâm đầu tư, nạo vét./.

Thanh Nga -  Bảo Ngọc

Ngày xuất bản: 26/05/2022
Chia sẻ: