'Cây lành, trái ngọt' từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

 

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất ngày càng phổ biến. Việc đưa những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giải phóng sức lao động của nông dân, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân.

'Cây lành, trái ngọt' từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI đề ra nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đó, chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC được thực hiện trên 4 cây (lúa, thanh long, chanh, rau) và 2 con (tôm, bò thịt). Sau hơn 2 năm thực hiện, chương trình đã đạt những kết quả rất khả quan.

'Cây lành, trái ngọt' từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Cụ thể, vùng lúa xây dựng được 47.174/60.000ha ƯDCNC trong sản xuất, đạt 78,6% kế hoạch. Qua triển khai chương trình, nông dân dần thay đổi tập quán canh tác sang ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, giúp cây lúa hạn chế bị ngã, ít sâu, bệnh, giảm chi phí sản xuất, công chăm sóc và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.
 
Ông Nguyễn Văn Long (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: “Sản xuất lúa ƯDCNC, gia đình tôi chuyển sang sử dụng giống lúa xác nhận, lượng giống gieo sạ bình quân giảm 20-50kg/ha, giảm số lần phun thuốc, giảm tiêu tốn các loại phân bón từ 20-30%. Nhờ đó, gia đình tôi giảm chi phí sản xuất từ 0,9-1,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng 500-800kg/ha, lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ”.

Tương tự, việc ƯDCNC vào sản xuất cũng mang lại hiệu quả cho nông dân trồng rau. Hiện toàn tỉnh có trên 1.848ha rau ƯDCNC. Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) - Kiều Anh Dũng cho biết: “HTX có 62 thành viên, trong đó có 30 thành viên trực tiếp tham gia sản xuất, với tổng diện tích canh tác 15ha (trong đó có 0,15ha trồng rau thủy canh trong nhà màng).

'Cây lành, trái ngọt' từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

 

Thời gian qua, HTX nhận được nhiều sự hỗ trợ của ngành chức năng như hỗ trợ chi phí xây dựng nhà sơ chế, nhà lưới, nhà màng, tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt,... Từ sự hỗ trợ này, HTX đẩy mạnh ƯDCNC vào sản xuất rau. Qua đó, giúp giảm chi phí, nâng cao năng suất; doanh thu và lợi nhuận của HTX tăng đều qua từng năm”.

'Cây lành, trái ngọt' từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đến nay, diện tích thanh long ƯDCNC của tỉnh đạt trên 4.945/6.000ha, đạt 82,4% kế hoạch. Để có kết quả này, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung chỉ đạo các chi cục trực thuộc và ngành Nông nghiệp các địa phương xây dựng những mô hình điểm, mô hình nhân rộng và duy trì. Trong đó, tập trung vào các nội dung như hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ, sản phẩm sinh học cải tạo đất, sản phẩm sinh học đối kháng nấm bệnh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất (hệ thống tưới tiên tiến, đèn led) và các thiết bị phục vụ sản xuất (bút đo pH, bút đo độ mặn), hướng dẫn quy trình sản xuất thanh long theo hướng GAP, hữu cơ; đồng thời, tập trung các giải pháp quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Châu Thành Long An.
 
Giám đốc HTX Long Hội (huyện Châu Thành) - Trương Minh Trung cho hay: “Hiện tại, tôi ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm để giảm công lao động và giá thành, tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất truyền thống. Toàn HTX có trên 50ha thanh long với trên 60 thành viên, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và được Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ bao tiêu với giá ổn định, cao hơn thị trường từ 5.000-7.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, thành viên HTX thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha”.

'Cây lành, trái ngọt' từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Huyện Bến Lức là địa phương chủ lực trong thực hiện ƯDCNC trên cây chanh. Những năm qua, huyện luôn quan tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; hỗ trợ giống chanh; thực hiện các cánh đồng phòng, trừ tổng hợp sâu, bệnh trên cây chanh;... Đến nay, huyện có khoảng 7.000ha chanh, trong đó có hơn 1.000ha chanh ƯDCNC. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ có 1.500ha chanh ƯDCNC.
 
Ông Huỳnh Kim Hữu (ấp 1, xã Bình Đức, huyện Bến Lức) là một trong những nông dân đầu tiên ƯDCNC vào trồng chanh tại địa phương. Gia đình ông được chọn làm điểm để chuyển giao công nghệ và hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm theo phương thức tưới phun mưa và nhỏ giọt trên cây chanh.

'Cây lành, trái ngọt' từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ông Hữu bộc bạch: “Qua thực tế triển khai mô hình cho thấy, việc áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp gia đình tôi tiết kiệm khoảng 30% công lao động, 70-75% công tưới nước, bón phân; tiết kiệm 40-50% lượng nước tưới; 30% chi phí tiền điện”. 
 
Đối với nuôi bò và tôm, tuy tiến độ triển khai ƯDCNC còn chậm nhưng những mô hình điểm, mô hình nhân rộng đã phát huy hiệu quả, khẳng định việc ƯDCNC vào sản xuất là hướng đi đúng đắn, phù hợp với thực tiễn.

'Cây lành, trái ngọt' từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ phát triển các HTX, tổ hợp tác, nâng cao năng lực chủ động liên kết tiêu thụ đầu ra, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất có địa chỉ, truy xuất nguồn gốc.

'Cây lành, trái ngọt' từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh duy trì, nhân rộng diện tích sản xuất ƯDCNC. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; triển khai xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, mô hình giảm lượng phân bón vô cơ trong sản xuất. 
 
“Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp, ưu tiên hợp tác đào tạo sau đại học, đào tạo chuyển giao công nghệ về các kỹ thuật, công nghệ cao, phục vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC.

'Cây lành, trái ngọt' từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân trong vùng dự án, tạo chuyển biến từ nhận thức đến quy trình sản xuất theo hướng hiện đại; nâng cao hiệu lực trong quản lý chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản của doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp gắn kết và có trách nhiệm đầu tư vào vùng nguyên liệu” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin./.

Nội dung: Bùi Tùng

Trình bày: Bảo Ngọc

Ngày xuất bản: 06/02/2024
Chia sẻ: