Chuyển đổi cây trồng trên vùng 'rốn lũ'

 
 

Chuyển đổi cây trồng trên vùng 'rốn lũ'

 

Cách đây khoảng 10 năm, ông Lê Văn Hậu (thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) quyết định bỏ lúa, thuê máy đào kênh, đắp mô đất để trồng sầu riêng. Ban đầu, ông chỉ trồng thử nghiệm khoảng 3ha. Khi thấy cây bén rễ, phát triển tốt, ông mạnh dạn cải tạo trồng sầu riêng trên 8ha đất của gia đình. Theo ông Hậu, chất lượng sầu riêng của gia đình ông được đánh giá cao hơn những nơi khác nên thương lái tìm đến tận vườn để thu mua.

 

Chuyển đổi cây trồng trên vùng 'rốn lũ'

 

Còn với ông Nguyễn Ngọc Minh (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa), năm 2017, ông mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng cải tạo 3ha đất sản xuất lúa để trồng cây ăn quả. Với phương pháp “lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng kết hợp bưởi da xanh, ổi, chanh không hạt và dừa xiêm lùn,... vừa không để đất trống, vừa tạo nguồn thu cho gia đình. Qua thời gian, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng thích hợp trồng cây ăn quả, ông quyết định đầu tư cải tạo thêm 2,5ha để trồng bưởi da xanh, sầu riêng và bơ chất lượng cao 034. Không chỉ giúp gia đình tăng thu nhập, vườn cây ăn quả của ông còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Tại huyện Vĩnh Hưng, thời gian qua, việc chuyển đổi cây trồng cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn thông tin: “Diện tích vườn tạp, sản xuất kém hiệu quả trên địa bàn huyện đã giảm rất nhiều so với trước đây. Người dân chủ yếu chọn các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như xoài, bưởi, mít, sầu riêng,... để chuyển đổi. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang những cây trồng khác phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và đúng chủ trương, định hướng của ngành Nông nghiệp tỉnh”.

 

Chuyển đổi cây trồng trên vùng 'rốn lũ'

 

Huyện Tân Thạnh cũng là một trong những địa phương có diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả lớn của tỉnh. Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện chuyển đổi trên 1.000ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, bưởi da xanh, chanh không hạt,...

 

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh - Trần Minh Nghĩa cho biết, trên địa bàn xã hiện có trên 400ha cây ăn quả, trong đó, có khoảng 200ha sầu riêng, chủ yếu tập trung tại ấp Bằng Lăng và Trương Công Ý. Xã đã xây dựng được 2 mã số vùng trồng cho 26,5ha sầu riêng với 9 hộ tham gia, sản lượng gần 160 tấn/năm; 1 mã số vùng trồng cho 19,5ha chanh.

 

 

 

Chuyển đổi cây trồng trên vùng 'rốn lũ'

 

Việc chuyển đổi cây trồng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, đặc biệt là chuyển đổi sang cây ăn quả, nhiều mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ còn hạn chế do người dân sản xuất nhỏ, lẻ, chưa tập trung; thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân; sản lượng trái cây tiêu thụ thông qua liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác còn rất hạn chế;… Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai, thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, Đề án được thực hiện trên địa bàn các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường.

Mục tiêu của đề án đến năm 2025 là hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả khoảng 10.500ha; trong đó, diện tích trồng mít trên 3.500ha, xoài trên 700ha, sầu riêng trên 340ha, các diện tích còn lại trồng cây ăn quả khác như bưởi, chuối, mãng cầu,... Song song đó, hình thành 4 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; giảm chi phí đầu vào sản xuất từ 5-10%, giảm tổn thất sau thu hoạch 5-10% và tăng giá từ 10-20%; thành lập mới 4 hợp tác xã cây ăn quả, tăng cường năng lực cho ít nhất 8 hợp tác xã nông nghiệp trong vùng nguyên liệu;…

 

Chuyển đổi cây trồng trên vùng 'rốn lũ'

 

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Chí Thiện, thời gian qua, ở một số địa phương, trong đó, có khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh, người dân chuyển đổi cây trồng còn tự phát, không theo quy hoạch. Một số cây trồng chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh yếu do quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, cơ giới hóa khó khăn, chi phí lao động, vật tư đầu vào tăng, giá thành sản xuất cao; chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung để kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản;... Kết cấu hạ tầng chủ yếu phục vụ sản xuất lúa nên việc chuyển đổi sang cây ăn quả chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp. Trong khi đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn quả đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Rào cản kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực thẩm, nhãn hàng hóa,... của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc chuyển từ tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch đã gây khó khăn đối với việc xuất khẩu sản phẩm nông sản, nhất là đối với các sản phẩm trái cây,...

 

Chuyển đổi cây trồng trên vùng 'rốn lũ'

 

Từ thực tế sản xuất, các địa phương kiến nghị tỉnh hỗ trợ khảo sát thổ nhưỡng đất để có khuyến cáo loại cây trồng phù hợp với từng vùng; đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong chuyển đổi cây trồng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh cho thị trường trong nước và ngoài nước. Các địa phương cũng yêu cầu tỉnh tăng cường hỗ trợ đầu tư hệ thống kênh thông tin về giá cả thị trường, thông tin khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất; ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân chi phí chuyển đổi cây trồng và bảo hiểm cây trồng chuyển đổi; hỗ trợ một phần về giống đối với các mô hình thí điểm và hỗ trợ kỹ thuật đối với loại cây trồng mới cho nông dân.

 

Chuyển đổi cây trồng trên vùng 'rốn lũ'

Để thực hiện được mục tiêu của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, tỉnh đã ưu tiên đầu tư vào các dự án xây dựng và phát triển Trung tâm Công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười; thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò kinh tế hợp tác trong sản xuất.
 

Chuyển đổi cây trồng trên vùng 'rốn lũ'

 

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn thông tin, huyện được tỉnh giao chỉ tiêu đến năm 2025 xây dựng vùng cây ăn quả với diện tích 2.250ha. Huyện đã phối hợp các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây hiệu quả kinh tế cao hơn theo đúng chủ trương, định hướng của tỉnh. Toàn huyện hiện có trên 443ha cây ăn quả, trong đó: Bưởi trên 54ha; sầu riêng trên 22ha, đa số diện tích đã trồng từ 4-5 năm; cam sành trên 11ha; dừa trên 73ha; xoài trên 85ha; mít trên 143ha và một số cây ăn quả khác như ổi, mãng cầu, chanh,...

 
“Khó khăn hiện nay là diện tích sản xuất cây ăn quả còn nhỏ, lẻ, không tập trung; thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân với nhau để hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản chưa thật sự được quan tâm nên tổn thất còn khá cao làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như giá sản phẩm. Việc triển khai các chính sách của Nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị,...” – ông Lê Quốc Bổn thông tin thêm.
 
Đối với huyện Tân Hưng, cũng như các địa phương khác trong vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, do vậy, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, chưa bảo đảm khâu tiêu thụ. Kết cấu hạ tầng cũng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Vì vậy, UBND huyện kiến nghị tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân chi phí chuyển đổi cây trồng và bảo hiểm cây trồng chuyển đổi; hỗ trợ một phần về giống đối với các mô hình thí điểm và hỗ trợ kỹ thuật đối với loại cây trồng mới cho nông dân.
 

Chuyển đổi cây trồng trên vùng 'rốn lũ'

 

Thông tin từ UBND huyện Tân Thạnh, thời gian qua, huyện gặp khó khăn về định hướng trồng cây gì cho nông dân sao cho bảo đảm được đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá. Cùng với đó, một số nông dân tự phát chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả nhưng diện tích đất trồng không nằm trong khu đê bao, điều này sẽ rất nguy hiểm khi nước lũ lớn. Để thực hiện hiệu quả Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, huyện đã xây dựng kế hoạch với chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 là hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả đạt từ 3.500ha, trong đó, diện tích vùng nguyên liệu mít khoảng 1.500ha, xoài 100ha, sầu riêng 500ha, còn lại 1.400ha trồng các cây ăn quả khác.

 
Nhằm chuyển đổi cây trồng an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các địa phương vận động người dân chỉ chuyển đổi và phát triển các loại cây ăn trái theo Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, phát triển theo đúng quy hoạch kết hợp phát triển hạ tầng tương ứng, bảo đảm tính thích nghi với điều kiện đất đai, nước tưới. Cùng với đó, Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân tập trung duy trì mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, nâng cao hơn nữa chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển và phân phối. Ngoài ra, nông dân không nên tự ý chuyển đổi cây trồng một cách ồ ạt vì sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, gây nhiều thiệt hại cho người trồng.
 

Chuyển đổi cây trồng trên vùng 'rốn lũ'

 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Nguyễn Chí Thiện cho biết: Thời gian tới, ngành tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, cống tưới tiêu nước, bảo đảm thoát nước trong mùa mưa lũ và chủ động ngăn chặn xâm nhập mặn trong điều kiện mùa khô; tăng cường tổ chức các khóa tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật (trồng, chăm sóc) cây ăn quả cho các cán bộ nông nghiệp huyện và nông dân trong vùng chuyển đổi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất (giống mới, tưới nước tiết kiệm, phân bón, công nghệ tiên tiến,…). Đồng thời, ngành tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm từ những địa phương khác; xây dựng các mô hình điểm và phát huy vai trò của những nhà vườn tiên phong trong chuyển đổi đất canh tác cây ăn quả có hiệu quả và nhân rộng cho sản xuất; khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã tạo liên kết sản xuất hay chuỗi giá trị cho nông sản.

 
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là ngành Nông nghiệp và sự tham gia tích cực của nông dân, tin chắc rằng, Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 sẽ đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân./.
 

Chuyển đổi cây trồng trên vùng 'rốn lũ'

 

 

Ngày xuất bản: 09/06/2023
Chia sẻ: