Đánh thức tiềm năng du lịch đồng bằng

 

 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái nông nghiệp, miệt vườn, sông nước,… Thế nhưng đến nay, du lịch ĐBSCL vẫn chưa phát triển xứng tầm. Đặc biệt, sau hơn 2 năm “đóng băng” do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch đồng bằng đã đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng, lượng khách sụt giảm đáng kể, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải tạm dừng hoạt động.

-------------------------------------------

 
Đánh thức tiềm năng du lịch đồng bằng

heo kết quả thống kê, năm 2019, vùng ĐBSCL đón trên 47 triệu lượt khách, kế hoạch đón trên 50 triệu lượt khách trong năm 2020. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, do đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, ngành du lịch là một trong các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong đó, cụm phía Tây gồm 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau trong năm 2019, tổng lượt khách đạt hơn 33 triệu lượt, chiếm 73% tổng lượt khách du lịch của vùng ĐBSCL; doanh thu đạt hơn 24 nghìn tỉ đồng. Nhưng đến hết năm 2021, lượng khách cụm phía Tây chỉ đạt 11.700 ngàn lượt, doanh thu giảm sốc chỉ còn dưới 10 nghìn tỉ đồng. Còn tại cụm phía Đông gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp và Vĩnh Long, ước tổng lượt khách trong năm chỉ đạt hơn 3,2 triệu lượt khách, giảm hơn 47% so với năm 2020; trong đó lượng khách quốc tế đạt gần 15.000 lượt, giảm 96,3% và khách nội địa đạt hơn 3,2 triệu lượt, giảm 45% so với năm 2020.

 

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An, hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam nói chung và của từng địa phương nói riêng đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, nhất là năm 2021 là năm khá ảm đạm.

 
Đánh thức tiềm năng du lịch đồng bằng

Năm 2019, tổng lượt khách khoảng 1.835.100 lượt người, tăng 50% so với cùng kỳ, đạt 120% so với kế hoạch; doanh thu đạt 782 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, đạt 100% so với kế hoạch. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng lượt khách du lịch đến Long An đạt 800.087 lượt khách, giảm 57% so với cùng kỳ, đạt 40% so với kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế khoảng 1.500 lượt khách, giảm 94% so với cùng kỳ, đạt 4% so với kế hoạch. Doanh thu du lịch năm 2020 đạt 424 tỉ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ, đạt 40% so với kế hoạch. Năm 2021, Long An thu hút 350.000 lượt khách, giảm 57% so với cùng kỳ, đạt 8%  so  với  kế hoạch.  Doanh  thu  du  lịch đạt 180 tỉ đồng,  giảm 58%  so  với cùng kỳ, đạt 36% so với kế hoạch.

Ngay sau khi du lịch toàn quốc chính thức mở cửa, hoạt động xúc tiến du lịch, liên kết vùng giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận được xúc tiến trở lại với mục tiêu “hồi sinh” ngành “công nghiệp không khói”. TP.HCM với vai trò “hạt nhân” của liên kết đã cùng với lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL; các cơ quan quản lý du lịch, các chuyên gia, các công ty du lịch, lữ hành, doanh nghiệp,… cùng nhau chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cũng như đề xuất các giải pháp: Tăng cường liên kết, kích cầu du lịch, xúc tiến quảng bá, giới thiệu những điểm/tuyến mới, thú vị, những nét đặc trưng về du lịch vùng cũng như riêng biệt của từng địa phương,…

 

Đánh thức tiềm năng du lịch đồng bằng

 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Đoàn Văn Việt cho biết, hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hóa sản phẩm mà còn hướng đến khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương. “Cần Thơ có du lịch sông nước, khai thác chợ nổi; An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh; Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng; Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch cánh đồng điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp,... để thu hút và giữ chân du khách” - ông Việt nhấn mạnh.

“TP.HCM và 13 tỉnh, thành Vùng ĐBSCL đã xác định được trọng tâm lĩnh vực liên kết hợp tác và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây chính là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới” - ông Việt nói.

 
Đánh thức tiềm năng du lịch đồng bằng

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh, với lợi thế thỏa thuận liên kết, TP.HCM và ĐBSCL cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách 2 chiều, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt của doanh nghiệp và xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân. TP.HCM xác định là cửa ngõ du lịch, cần có những sản phẩm để thu hút dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm những chương trình du lịch liên kết, từ thành phố về đồng bằng.

Trong giai đoạn 2019-2022, TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả bước đầu như hình thành 3 trục tuyến du lịch liên kết để hoàn thiện tuyến du lịch “Những nẻo đường phù sa” (TP.HCM - Tiền Giang - Vĩnh Long - TP.Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau); tuyến du lịch “Non nước hữu tỉnh” (TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh); tuyến du lịch “Sắc màu vùng biên” (TP.HCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang).

Sở Du lịch TP.HCM với vai trò là Tổ trưởng tổ giúp việc của chương trình liên kết đã vận động các cơ sở lưu trú du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khu, điểm tham quan du lịch xây dựng các chính sách kích cầu kép (vừa giảm chi phí ăn uống vừa miễn phí vé tham quan),... Ngoài ra, các tỉnh, thành đã gửi danh sách các điểm vận động tham gia kích cầu về TP.HCM với mức kích cầu phổ biến là từ 10 - 20%.

 

Đánh thức tiềm năng du lịch đồng bằng

 

Các doanh nghiệp lữ hành của TP.HCM đã xây dựng hơn 50 chương trình du lịch (tour) kích cầu từ TP.HCM đi đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trong đó, Saigontourist Group, đơn vị thành viên của chương trình liên kết vùng cũng đã tiến hành khảo sát hàng trăm điểm đến, nhiều khách sạn, resort, homestay, farmstay, nhà hàng,… Toàn bộ các chương trình này đều được giới thiệu trên website kích cầu du lịch của thành phố.

Trong khi đó, các điểm, khu du lịch trong vùng đã nắm bắt cơ hội phục hồi, “làm mới” du lịch sau đại dịch. Theo Phó Giám đốc Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An - Phạm Ngọc Trí, người làm du lịch hiện nay cần phải thay đổi tư duy. Đó là phải có tư duy liên kết để phát triển du lịch bền vững hơn. Trước khi tái khởi động du lịch, Làng nổi Tân Lập đã chuẩn bị các dịch vụ thật tốt để phục vụ du khách. Đặc biệt, trong dịp lễ vừa qua, Làng nổi Tân Lập đón được 1.200 lượt khách.

 

Đánh thức tiềm năng du lịch đồng bằng

 

Ngành Du lịch Long An đang có những tín hiệu lạc quan, những dự báo tươi sáng với sự xuất hiện của nhiều tuyến, điểm du lịch mới. Trong kết nối vùng ĐBSCL với TP.HCM; đồng thời, xác định là tuyến đặc trưng, tuyến điểm của du lịch Long An có 2 dòng sản phẩm chính: Du lịch sinh thái gắn với Khu du lịch Làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười. Đây là sản phẩm tạo sự khác biệt cả với địa phương có tài nguyên như Tiền Giang và Đồng Tháp, hoặc một số tỉnh miền Tây. Tiếp đến là sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí (tuyến Đức Hòa - Bến Lức) gắn với các điểm: Vườn thú Mỹ Quỳnh, Làng cổ Phước Lộc Thọ, Chavi Garden, Happyland.

 

Đánh thức tiềm năng du lịch đồng bằng

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa thông tin, trước tình hình hiện nay, để phát triển du lịch, tỉnh đang tập trung vào 5 yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất là tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch. Thứ hai là phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú và mang tính chất đặc trưng của tỉnh. Thứ ba là liên kết, xúc tiến công tác du lịch. Thứ tư là tập trung, đào tạo nguồn nhân lực, kể cả trong các cơ quan Nhà nước và các khối doanh nghiệp để làm sao có lực lượng lao động phục vụ tốt nhất cho du lịch. Cuối cùng là tăng cường phát triển xã hội hóa đầu tư về lĩnh vực du lịch.

 

“Long An có rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là chúng ta sẽ phát triển những sản phẩm du lịch có tính chất ngắn ngày. Chúng ta là vùng ven, tiếp giáp TP.HCM nên có thể làm những tour 1 ngày, 2 ngày để đón những lượng khách cho nhu cầu, mục đích du lịch trải nghiệm, du lịch sức khỏe, du lịch khám phá và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, sau thời gian dài “đóng cửa” do dịch bệnh, các dịch vụ du lịch trong tỉnh đã xuống cấp, vì vậy, các khu, điểm đến trong tỉnh cần phải khởi động, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách. Tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng giao thông, tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để giải quyết các thủ tục hành chính, tạo cơ chế mở, thông thoáng để kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư trên lĩnh vực này để “vực dậy” ngành Du lịch của tỉnh” - ông Phạm Tấn Hòa khẳng định.

 

Đánh thức tiềm năng du lịch đồng bằng

 

Đặc biệt, trong dịp lễ 30/4 và 01/5 vừa qua, có khoảng 35.000 lượt khách du lịch đến Long An, tăng 20% so với cùng kỳ, không có khách quốc tế. Công suất sử dụng phòng là 40%. Doanh thu du lịch dịp lễ 30/4 và 01/5 khoảng 18 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tại tỉnh Bến Tre, có thể nói ngành Du lịch bước đầu đã có sự phục hồi khá tốt sau thời gian dài tạm ngưng do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19. Tổng lượng khách và doanh thu từ hoạt động du lịch tăng cao so với dịp lễ 30/4 và 01/5 năm 2021. Dịp lễ vừa qua, Bến Tre đã thu hút và đón trên 64.000 lượt khách, tăng 85% so cùng kỳ năm 2021, chủ yếu là khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 71 tỉ đồng, tăng 103% so cùng kỳ năm năm 2021.

Việc liên kết giữa các địa phương cũng như sự vào cuộc tích cực của từng địa phương trong khu vực đó là cơ sở để Long An - TP.HCM và các tỉnh, thành Vùng ĐBSCL sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch của cả nước./.

 

Đánh thức tiềm năng du lịch đồng bằng

Thanh Nga - Trần Quân

Ngày xuất bản: 06/05/2022
Chia sẻ: