Đột phá về giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm

 

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp VKTTĐ là 1 trong 2 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội nhằm thay đổi diện mạo hệ thống giao thông trong vùng.

Bên cạnh đó, Đại hội cũng xác định 3 công trình trọng điểm về giao thông trong nhiệm kỳ, trong đó trục Đường tỉnh 830 là tuyến huyết mạch kết nối vùng phát triển công nghiệp Đức Hòa qua Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc về Cảng Quốc tế Long An.

Long An là 1 trong 8 tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) phía Nam nhưng hệ thống giao thông - vận tải, nhất là phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp vẫn còn hạn chế, đường nhỏ, hẹp, xuống cấp, chưa có sự kết nối đồng bộ dẫn đến không theo kịp yêu cầu phát triển. Tại 4 huyện trong VKTTĐ của tỉnh gồm: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc, ngoài những tuyến đường Quốc lộ và tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi ngang qua, hệ thống giao thông trong vùng chưa có sự kết nối. Vì thế, nhiều nhà đầu tư khi đến tìm hiểu đầu tư, dù thấy được tiềm năng to lớn tại Long An nhưng vẫn còn e ngại do hệ thống giao thông không đồng bộ, tốn kém chi phí vận chuyển và các chi phí logistics.

 

Đột phá về giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm

Cảng Quốc tế Long An được đưa vào sử dụng sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

 

Một khi hoàn thành chương trình đột phá và công trình trọng điểm trên sẽ hình thành mạng lưới giao thông - vận tải mang tính liên kết, có sức kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp của 4 huyện trọng điểm đến trục xương sống Đường tỉnh 830 dẫn về Cảng Quốc tế Long An, phục vụ nhu cầu vận tải đột phá về giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm hàng hóa, xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN). Đây cũng là giải pháp để tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực trong phát triển KT-XH, nhất là phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

 

Đột phá về giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm

Lễ khởi công cầu Rạch Dừa, một trong các công trình trọng điểm của tỉnh. Công trình hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, kết nối giữa Long An - TP.HCM, giữa các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giuộc. Ảnh: Mai Hương

 

Để triển khai thực hiện 3 công trình trọng điểm và Chương trình đột phá về giao thông của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết và UBND tỉnh ban hành các quyết định để tổ chức triển khai, thực hiện. Căn cứ Kết luận của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng các kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức thích hợp và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó tạo sự thống nhất trong nội bộ và sự đồng thuận trong xã hội. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các sở, ngành, địa phương có liên quan tăng cường phối hợp, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. 

 

Đột phá về giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm

Đường tỉnh 830, đoạn B.O.T qua địa bàn huyện Đức Hòa và Bến Lức. Ảnh: Mai Hương

 

Trong 5 năm triển khai thực hiện 3 công trình trọng điểm: Có 1 công trình thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thành là Đường tỉnh 830 (Đức Hòa - Tân Tập); 1 công trình mới hoàn thành giải phóng mặt bằng từng đoạn và khởi công, sẽ tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; 1 công trình chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư, mới cập nhật quy hoạch, đang xây dựng phương án đầu tư cụ thể và tiếp tục hoàn thiện phương án đầu tư để tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

 

Đột phá về giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm

Đầu tư hạ tầng giao thông được chú trọng nhằm tạo sự thuận lợi, thông thoáng trong giao thương, liên kết vùng

 

Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp VKTTĐ xác định 14 dự án, công trình giao thông huyết mạch phục vụ phát triển công nghiệp tại các huyện VKTTĐ. Theo kế hoạch, 14 dự án, công trình giao thông sẽ được cải tạo, nâng cấp và mở rộng gần 95km đường, trong đó cải tạo, nâng cấp, mở rộng gần 70km và làm mới gần 24km. Tổng mức đầu tư của 14 dự án, công trình trên 5.855 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước trên 2.912 tỉ đồng, nguồn vốn vận động DN 2.943,2 tỉ đồng. Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện, có 9 dự án, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, 2 công trình sẽ hoàn thành trong năm 2020 và 3 công trình hoàn thành sau năm 2020.

 

Đột phá về giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm

Việc phát triển hệ thống giao thông thủy góp phần quan trọng trong thúc đẩy thu hút đầu tư

 

Với ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng của các dự án, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên việc triển khai, thực hiện. Nhờ đó, đến nay hầu hết các dự án, công trình đều được triển khai, thực hiện và đạt một số kết quả nhất định, góp phần nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông VKTTĐ của tỉnh, tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư, tăng thu ngân sách và thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

 

Đột phá về giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm

Hạ tầng giao thông được đầu tư góp phần cho sự phát triển của đô thị. (Trong ảnh: Một góc thị trấn Bến Lức. Ảnh: Mai Hương)
 

 

Về cơ bản, các DN quan tâm, tham gia khá tốt việc đóng góp kinh phí cùng với nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đúng tiến độ, nhiều tuyến đường đầu tư được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Những kết quả đó đã đóng góp rất lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng trong thời gian qua, góp phần đưa tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động đến hết năm 2019 khá cao. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích 2.274,46ha, lấp đầy khoảng 85,77%; 21 cụm công nghiệp đang hoạt động, lấp đầy đạt 86,55%. 

 

Đột phá về giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm

Tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động đến hết năm 2019 khá cao. Trong ảnh là mô hình Khu Công nghiệp An Nhựt Tân đang được xây dựng

 

Mặc dù đạt nhiều kết quả tốt từ việc đầu tư 3 công trình trọng điểm và chương trình đột phá nhưng công tác tổ chức thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, tiến độ triển khai một số dự án còn chậm, chưa đúng theo kế hoạch đề ra; nguồn vốn ngân sách tỉnh còn khó khăn nên chưa thể cân đối, bố trí đủ vốn thanh toán khối lượng thực tế hoàn thành; mức độ huy động các nguồn lực ngoài ngân sách còn rất hạn chế; việc kêu gọi DN góp vốn đầu tư một số dự án còn nhiều vướng mắc như DN khó khăn về tài chính chưa đóng góp kinh phí theo kế hoạch, các thủ tục về đầu tư, đất đai...; chưa có phương án huy động khả thi đối với các tuyến đường giao thông, các nhà đầu tư thường là các DN nhỏ, chưa có nhà đầu tư lớn để thực hiện các dự án; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến động giá đất, việc xây dựng các khu tái định cư còn chậm; kết hợp giữa các dự án đầu tư công và các dự án của DN chưa đồng bộ, chặt chẽ, việc tiến hành kê biên giải phóng mặt bằng tuyến đường chưa thực hiện cùng lúc với giải phóng mặt bằng dự án của DN do DN chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư dự án. Tỉnh đang tập trung để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên.

 

Đột phá về giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm

Hệ thống đường cao tốc được Trung ương đầu tư xây dựng, phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế  - xã hội tỉnh nhà phát triển

 

Kết quả trên là tiền đề để Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định sẽ giữ nguyên chương trình và tiếp tục mở rộng, cụ thể hóa thực hiện phù hợp trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, chương trình đột phá tiếp tục tập trung đầu tư các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn các địa phương thuộc VKTTĐ bằng nhiều nguồn lực, nhằm tạo sự kết nối đồng bộ về giao thông giữa các địa phương phát triển công nghiệp với TP.HCM, Cảng Quốc tế Long An, góp phần thúc đẩy VKTTĐ phát triển nhanh và bền vững.

 
 

Đột phá về giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm

 
Hệ thống giao thông cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp tương đối đồng bộ về vùng sâu vùng xa của tỉnh (Trong ảnh: Mộc góc đô thị Tân Thạnh. Ảnh: Thanh Nga)

 

Trong tương lai, khoảng 5-10 năm nữa, khi Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp VKTTĐ và kế hoạch đầu tư các công trình giao thông kết nối giữa Long An và TP.HCM hoàn thành sẽ tạo bộ mặt mới cho hệ thống giao thông - vận tải của tỉnh một cách đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại. Đây là điều kiện để Long An bứt phá vươn lên trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trong thời gian tới./.

BLAO

Ngày xuất bản: 12/10/2020
Chia sẻ: