Con nước miền Tây Nam bộ dâng cao từ tháng 8 đến tháng 10 Âm lịch hàng năm (khoảng tháng 9 đến tháng 11 Dương lịch). Từ TP.HCM, xe chạy trên Quốc lộ 1 khoảng 50km đến trung tâm TP.Tân An, tỉnh Long An rồi tiếp tục theo Quốc lộ 62, qua những vạt tràm, năn, khoai mỡ xanh mướt tại huyện Thạnh Hóa, du khách sẽ đến địa phận vùng Đồng Tháp Mười. Ven đường, nhà dân nằm xen giữa những khóm tràm, đồng lúa xanh, những vườn mít, xoài xum xuê. Điểm đến hấp dẫn khách du lịch vào mùa nước nổi là Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa. Vào thời gian này, Làng nổi Tân Lập tựa như một “lá phổi xanh khổng lồ” nằm giữa đầm nước mênh mông, trắng xóa.
Làng nổi Tân Lập có nhiều khu vực cho khách tham quan và khám phá. Du khách sẽ được đi hơn 1km xuyên giữa rừng tràm và lên tòa tháp cao để phóng tầm mắt bao quát cả một vạt rừng tràm hàng trăm hécta, ngắm hoàng hôn hoặc bình minh. Đây cũng là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng bởi gần như tách biệt với ồn ào của phố thị. Ngoài trải nghiệm học gói bánh tét, bạn có thể tham gia nhiều hoạt động như đi bộ dọc theo những con đường xuyên rừng, ngắm đàn chim về tổ, đi thuyền cáp kéo trên sông hay bắt cá,...
Khách du lịch nên chọn khoảng thời gian từ 7-9 giờ bởi khi ấy, bông sen, bông súng nở rực cả một vùng. Nắng sớm soi xuống đầm lấp lánh, lúc này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một trong những vẻ đẹp hoang sơ của Làng nổi Tân Lập. Ở đây, du khách cũng có thể trải nghiệm chèo xuồng ba lá thăm lợp cá vào mùa nước nổi. Đi xuồng ba lá sẽ cho du khách cơ hội trải nghiệm chân thật nhất về thiên nhiên và môi trường sống ở một vùng đồng bằng sông nước. Xuồng ba lá êm ả lướt qua những con rạch nhỏ, du khách sẽ có cơ hội tận hưởng khung cảnh chim trời cá nước mênh mông, bên dưới là những khóm lục bình và bèo hoa dâu bập bềnh trên mặt nước.
Chị Trần Thị Kiều An (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Ở TP.HCM nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến miền Tây, đặc biệt là đi về vùng Đồng Tháp Mười qua địa phận Long An. Vì là người miền Trung nên tôi rất thích khám phá cảnh sông nước, chèo thuyền ngắm cảnh. Tại đây, nhóm chúng tôi còn thuê dịch vụ lên đài quan sát. Với chiều cao 18m, tháp quan sát nằm giữa trung tâm rừng tràm, nơi mà mọi lúc đều có thể tận hưởng làn gió mát lành, phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh rừng tràm và Khu du lịch Làng nổi Tân Lập. Phía xa xa là vùng đồng bằng ngập nước ở Đồng Tháp Mười. Ngắm nhìn những đàn chim sải cánh bay lượn trên bầu trời là một bức tranh thiên nhiên vô cùng sống động”.
Tiếp theo trong hành trình này, cách Làng nổi Tân Lập không xa, du khách có thể đến Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận tại thị trấn Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa. Nơi đây từng là bối cảnh chính của phim Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đây cũng là địa điểm lý tưởng khi miền Tây vào mùa nước nổi. Điểm du lịch này gần gũi với thiên nhiên, thích hợp là nơi thư giãn, giúp du khách buông bỏ những mệt nhọc đời thường. Không những vậy, đến với Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận, du khách còn được trải nghiệm tham quan, tự tay chưng cất tinh dầu tại Nhà máy Sản xuất dược liệu Mộc Hoa Tràm với công nghệ hiện đại chuyên sản xuất các loại tinh dầu nguyên chất, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ cây tràm và các loại thảo dược khác. Để chuyến đi thêm ý nghĩa, du khách có thể mua các loại dược phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cây giống, hoa kiểng,... từ thiên nhiên làm quà tặng cho bạn bè, người thân trong gia đình.
Khi du lịch miền Tây vào mùa nước nổi, du khách không chỉ được ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn có thể tìm hiểu về nếp sống con người, những đặc trưng về văn hóa nơi đây cũng như thưởng thức nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Đó là các món đặc sản Đồng Tháp Mười như ốc bươu nướng tiêu, cá lóc nướng cuốn lá sen non chấm mắm me, cơm hấp lá sen,... hoặc các món ăn mang tính đặc trưng của mùa lũ như cá linh, hẹ nước, bông súng, cá lóc, chuột đồng,... "Lần đầu tham gia hành trình về mùa nước nổi miền Tây, tôi rất thích cảnh sông nước yên bình, đặc biệt ấn tượng với món cá lóc nướng cuốn lá sen, tép đồng xào bông điên điển, cá trê vàng chiên nước mắm gừng, đọt lục bình xào tỏi,..." - chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ngụ quận 10, TP.HCM, bộc bạch.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngoài vị trí đắc địa, Long An có tiềm năng khá phong phú về tài nguyên du lịch, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên. Trong quy hoạch phát triển du lịch của Việt Nam, Long An được xác định là một trong những địa điểm du lịch sinh thái quan trọng của vùng du lịch phía Nam với nhiều nguồn tài nguyên như Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển dược liệu ở Đồng Tháp Mười, Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập,... với hệ động, thực vật đa dạng.
Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng 2 con sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông mang phù sa bồi đắp cho những vườn trái cây trĩu quả quanh năm, Long An còn có những cánh đồng lúa bạt ngàn, hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, tất cả tạo nên một bức tranh làng quê Long An yên bình, mát dịu và trù phú.
Nhắc đến Long An, không thể không nhắc đến những món ăn đặc sản như canh chua cá lóc, cá lóc nướng trui, lẩu mắm, gạo Nàng Thơm Chợ Đào, rượu đế Gò Đen, khóm Bến Lức, dưa hấu Long Trì, đậu phộng Đức Hòa, mía Thủ Thừa, thanh long Châu Thành,... Mỗi đặc sản đều mang đậm phong cách của vùng đất và con người địa phương nên cũng là một yếu tố hấp dẫn khách du lịch.
Về liên kết vùng trong khu vực Đồng Tháp Mười, Long An hợp tác với Đồng Tháp trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trong phát triển vùng trũng Đồng Tháp Mười đối với sản phẩm: Tìm hiểu, trải nghiệm cảnh quan và cuộc sống người dân trong mùa nước nổi gắn kết giữa 2 địa phương. Vì vậy, giữa 2 địa phương cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, phát triển hạ tầng, kết nối các doanh nghiệp để hình thành các tour, tuyến, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch./.
Ngày xuất bản: 13/09/2022