Ngay từ khi còn bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến tổ chức KTTT, HTX. Trong cuốn Đường kách mệnh viết năm 1927, sau khi phân tích những lợi ích của HTX, Người nhấn mạnh: Tục ngữ Việt Nam có câu “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó”, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, lý luận HTX đều nằm trong những điều ấy. Người còn nói về tính chất của HTX là tổ chức KT-XH; cách tổ chức HTX phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi và đi từ thấp đến cao.
Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định: “KTTT không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Nghị quyết (NQ) số 13/NQ-TW, ngày 18/3/2002, Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT đã cụ thể hóa Cương lĩnh, đề ra các chủ trương, chính sách khá toàn diện về phát triển KTTT,...
Liên kết, hợp tác trong sản xuất là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
Quan điểm chỉ đạo của NQ số 20-NQ/TW cũng nêu rõ KTTT với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, tăng cường liên kết các HTX, hình thành các liên hiệp HTX, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Đây là điểm rất mới của NQ, mở ra sự phát triển theo chuỗi trong kinh tế. Như vậy, NQ số 20-NQ/TW kịp thời nêu rõ và giải quyết những vấn đề bức xúc thực tiễn đặt ra. NQ còn nêu rõ mục tiêu tổng quát là sự phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, phải lấy mục tiêu là hiệu quả bền vững và phải năng động trong KTTT, chứ không phải chỉ phát triển về số lượng.
Trong năm 2023, dù còn nhiều hạn chế, bất cập, nhưng khu vực KTTT, HTX vẫn đạt được một số kết quả khả quan
Ông Trần Hoài Bảo cho rằng: “Với những điểm mới của NQ số 20-NQ/TW, nếu đề ra những chính sách, chủ trương cụ thể hóa được nội dung của NQ thì tin rằng thời gian tới sẽ khắc phục được những tồn tại, tạo vị thế mới cho KTTT”.
NQ số 20-NQ/TW kế thừa những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn của NQ số 13-NQ/TW; đồng thời, có rất nhiều điểm mới và đột phá. Nếu NQ số 20-NQ/TW được triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả, kỳ vọng sẽ tạo đột phá cả về nhận thức và hành động quyết liệt của hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội. Từ đó, góp phần thúc đẩy KTTT phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) là một trong những hợp tác xã hoạt động hiệu quả được nhiều đơn vị tham quan, học tập kinh nghiệm
Để khu vực KTTT phát triển đúng như kỳ vọng, NQ số 20-NQ/TW đề ra 8 nhóm chính sách như đất đai, tài chính, nhân lực,... nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn như đất đai làm trụ sở, sân phơi, kho bãi, nơi trưng bày sản phẩm cho HTX không thể tiếp cận được. Trong chính sách phát triển nguồn nhân lực, NQ số 20-NQ/TW đưa ra chủ trương phải chuẩn hóa các chức danh trong tổ chức KTTT. Nếu không có đội ngũ cán bộ lãnh đạo của KTTT tốt thì rất khó để phát triển KTTT. Hơn nữa, cần cụ thể hóa chính sách phát triển nguồn nhân lực, đưa cán bộ trẻ có trình độ về làm việc ở các HTX.
Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ngày càng chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa và truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Trong ảnh: Khổ qua do thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh sản xuất)
Theo ông Trần Hoài Bảo, để sớm đưa NQ số 20-NQ/TW vào cuộc sống, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm rõ những quan điểm, giải pháp của NQ đề ra cũng như Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện NQ. Cùng với đó, phải thể chế hóa các chính sách và trong quá trình này cần có sự vào cuộc đồng bộ, sâu sát của địa phương, các đoàn thể quần chúng.
Nội dung: T.M
Trình bày: Bảo Ngọc