Những ngày tháng 5, thời tiết đỏng đảnh nhưng tại công trường thi công dự án cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (nối xã Bình Tâm và xã Nhơn Thạnh Trung), hơn 80 công nhân vẫn tất bật thi công công trình. Để công trình kịp tiến độ, không chỉ làm ban ngày, nhóm kỹ sư, nhân công còn tăng cường làm ban đêm. Dự án cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây là hạng mục quan trọng của tuyến đường, được khởi công vào cuối năm 2021. Cầu có 7 nhịp, dài hơn 400m, rộng 18,5m với tổng kinh phí trên 600 tỉ đồng. Hiện, dự án đã đạt khoảng 70% và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Giám đốc Ban điều hành dự án cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây - Trần Văn Hiền thông tin: “Tiến độ của dự án là đến cuối năm 2023 còn mình đang phấn đấu đến tháng 8 sẽ hợp long cầu. Thông thường dự án thì hơn 2 năm nhưng thực tế chỉ có 18 tháng nên rất gấp. Để bảo đảm tiến độ, đơn vị thi công phải tăng cường máy móc thiết bị, nhân lực, ưu tiên nguồn tài chính cho dự án,… Riêng nhân công còn phải tăng ca, làm ngày đêm để đạt tiến độ, đưa công trình vào sử dụng”.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ giảm áp lực cho Quốc lộ 1, tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP.Tân An và đường Hùng Vương, Hùng Vương (nối dài), chuyển hướng lưu thông ra các vùng ven ngoại thành. Dự án cũng góp phần mở rộng cửa ngõ TP.HCM, kết nối các tỉnh miền Tây với TP.HCM và miền Đông, góp phần rất lớn trong quá trình xây dựng đô thị loại I của TP.Tân An.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo, Tân An là đô thị trung tâm về chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh. Đô thị Tân An tuy có lịch sử hình thành lâu đời nhưng đến nay vẫn còn ở quy mô nhỏ. Hầu hết việc phát triển đô thị vẫn chỉ tập trung tại các phường trung tâm như phường 1, 2, 3, 4, 5, 6. Trong khi đó, những vùng lân cận của thành phố dù còn quỹ đất lớn nhưng lại khó phát triển bởi hệ thống hạ tầng giao thông còn yếu. Chính vì vậy, dự án Đường Vành đai TP.Tân An được triển khai không chỉ tạo sự đồng bộ, nâng cấp hạ tầng đô thị mà còn tạo điều kiện, động lực để thành phố phát triển. Thành phố cũng rất kỳ vọng, khi tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tạo trục xương sống bao quanh thành phố, mở ra các hướng phát triển mới, đặc biệt là phát triển đô thị.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh cho rằng, thời gian qua, với phương châm vận động “Kiên trì, bền bỉ, mềm dẻo, linh hoạt, thuyết phục, hiệu quả” gắn công tác nắm tình hình, xử lý tốt những vấn đề phát sinh về tư tưởng, định hướng dư luận xã hội,… từ đó góp phần để Đường Vành đai có một diện mạo mới như ngày nay. Thành phố tiếp tục tập trung toàn lực, huy động cả hệ thống chính trị cùng thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các hộ sử dụng đất còn lại đồng thuận chủ trương thực hiện dự án Đường Vành đai và các phân khu chức năng với quyết tâm trong tháng 6/2023 sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, cuối năm sẽ thông xe toàn tuyến.
Trước đó trong tháng 4/2023, Đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm làm Trưởng đoàn và đầu tháng 5/2023, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được đã đi thực tế, làm việc với lãnh đạo TP.Tân An về dự án Đường Vành đai. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn lại của dự án để công trình “về đích” đúng tiến độ.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: TP.Tân An phải tập trung hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng đối với những hộ còn vướng mắc của Đường Vành đai. Bên cạnh đó, tiếp tục tục đối thoại, vận động để các hộ dân còn lại đồng thuận với chủ trương 20m hai bên; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hạ tầng, giải phóng mặt bằng đối với các dự án khu tái định cư, nhất là Khu tái định cư xã Bình Tâm. Bên cạnh đó, các sở, ngành có liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, sâu sát, trực tiếp hỗ trợ TP.Tân An tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án.
Thanh Nga - Trần Quân
Video: Thái Bạch