Năm 2021 bắt đầu với tâm thế sẵn sàng cho một nhiệm kỳ mới đầy triển vọng. Nhưng vào thời điểm đó, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Long An trở thành tâm dịch lớn của cả nước, mọi mặt đời sống người dân bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Có thể nói, đó là giai đoạn cực kỳ khó khăn, chưa có tiền lệ, một cuộc chiến cân não, cam go, quyết liệt. Song, sự bền gan, vững chí và truyền thống “Trung dũng, kiên cường” đã tạo nên sức mạnh to lớn để Long An giành thế chủ động, tiến công, từng bước kiểm soát dịch bệnh.
Kết thúc năm 2021, Long An vươn lên đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài khi tiếp nhận trên 3,84 tỉ USD, chiếm khoảng 12% cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 18.800 tỉ đồng. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) duy trì ở mức dương với 1,02%, dù không đạt kế hoạch nhưng đó là thành tích đáng tự hào, bước đệm quan trọng cho sự bứt phá trong năm 2022.
Cũng phải khẳng định rằng, giai đoạn phục hồi, phát triển sau đại dịch không hề dễ dàng khi tình hình thế giới trở nên căng thẳng hơn, phức tạp hơn, tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước, của tỉnh. Đồng thời, trong những tháng đầu năm 2022, các biến chủng mới của dịch Covid-19 và các dịch bệnh nguy hiểm khác trở thành thách thức lớn cho ngành Y tế và toàn hệ thống chính trị, với nguy cơ “dịch chồng dịch”. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức khỏe của người dân chỉ mới phục hồi ở mức độ tương đối. Nhiều khó khăn về vấn đề an sinh xã hội, lao động, giảm nghèo,... là thách thức rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống người dân. Nhưng chính trong hoàn cảnh “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với tầm cao mới trong nhận thức, đổi mới tư duy và hành động, hàng loạt các giải pháp được tiến hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực. Và những thành tựu trong năm 2022 là dấu ấn thắng lợi lớn, là tất nhiên cho sức mạnh của sự đồng tâm hiệp lực và cho cả bản lĩnh, tầm nhìn, tư duy đột phá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Long An.
Trước tiên, cần sự ghi nhận, biểu dương xứng đáng khi thực hiện đạt và vượt 19/19 chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2022; trong đó, 13 chỉ tiêu vượt, 6 chỉ tiêu đạt. Kinh tế phát triển khá tốt, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,46%, cao hơn mức bình quân chung cả nước, quy mô nền kinh tế đứng thứ 12 cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 90 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt gần 22.000 tỉ đồng. Những chỉ số quan trọng này tiếp tục khẳng định được tiềm lực, vị thế của tỉnh trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “mỗi người dân Long An đều được hưởng thành quả tăng trưởng”, tỉnh vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, ban hành những chính sách đặc thù trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, giảm nghèo, việc làm, an sinh xã hội, sản xuất, kinh doanh,... để chăm lo tốt nhất đời sống người dân, nhất là công nhân, lao động. Trong từng chính sách, cách làm, tỉnh luôn đề cao tính thực chất, bền vững, kiên quyết không để tình trạng hình thức, qua loa mà phát triển thành hào khí sôi nổi, sự tích cực hưởng ứng, tham gia của từng cán bộ, đảng viên, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Điểm nổi bật trong sự thay đổi của tỉnh nhà năm qua là diện mạo từ thành thị đến nông thôn tiếp tục khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại; đánh dấu khả năng bứt phá vượt bậc trong việc triển khai, thực hiện chặt chẽ Chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị. Hiện nay, toàn tỉnh có 118/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tiếp tục được hoàn thiện, phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và tăng cường khả năng kết nối giữa Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ đã có nhiều đóng góp to lớn và đang phát huy tốt vai trò động lực cho sự phát triển chung của tỉnh; trọng tâm là các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước ngày càng hiệu quả; có nhiều dự án lớn được khởi công như Trung tâm Kho vận của Alibaba, Nhà máy sản xuất của Coca-Cola,...
Việc tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022 cùng với triển khai tích cực các giải pháp kích cầu du lịch đã thu hút gần 650.000 lượt khách tham quan, đem doanh thu về cho tỉnh khoảng 320 tỉ đồng; thể hiện quyết tâm phục hồi và phát triển ngành Du lịch tỉnh nhà trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng có nhiều đổi mới, tiến bộ; đã đưa vào vận hành Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), các ứng dụng “Long An IOC”, “Long An Số”,... góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hiệu quả từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tin tưởng, đồng thuận hơn vào đường lối, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, nghị lực vươn lên góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng quê hương Long An ngày một giàu đẹp hơn.
Trước thềm Xuân mới 2023, chúng ta vững tin khẳng định rằng những kết quả quan trọng đạt được trong 2 năm qua là tiền đề, nền tảng quan trọng để tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, cũng khẳng định bản lĩnh, tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Đảng bộ tỉnh khi giữ vai trò trụ cột, đưa tỉnh nhà vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức để giành lấy những thắng lợi lớn lao, đầy tự hào. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, không say sưa, tự mãn với thành tích đạt được khi vẫn còn đó nhiều việc chưa làm được, những hạn chế, yếu kém chưa khắc phục triệt để, đặc biệt là những vấn đề mới nảy sinh cần phải tiếp tục giải quyết trên con đường tiến lên phía trước.
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI - nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đồng thời tiếp tục mở ra nhiều cơ hội về sự thay đổi, thích ứng trong điều kiện mới. Tiếp nối truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, đi đầu trong công cuộc đổi mới, mà nay là “điểm sáng” trong khôi phục, phát triển kinh tế mạnh mẽ, có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để đạt mục tiêu: “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Trước yêu cầu đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh một tinh thần kiên định, đoàn kết, thống nhất, thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất trong việc phát huy những thành tựu và ưu điểm; nghiêm khắc nhìn nhận và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc nhằm tạo nên một sự đột phá mới. Tập trung, dồn sức cho các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu mà Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2023 đã xác định, trọng tâm là 3 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh. Phải hết sức quyết liệt trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong khởi nghiệp, đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Với quan niệm “Một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân”, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất để hóa giải các điểm nghẽn; tăng cường và phát huy lợi thế cạnh tranh vùng, gắn với triển khai, thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, phát triển nhanh công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 - xem đây là yếu tố quan trọng để tỉnh bứt phá.