Ký ức người lính Điện Biên

 

 

Theo chân người dẫn đường – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường vào một con hẻm nhỏ tại phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An, chúng tôi được gặp ông Hoàng Văn Hiển – người lính Điện Biên từng có thời gian tham gia bảo vệ Bác Hồ. Đón chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu, ông lại cặm cụi lần giở từng tấm ảnh, bài thơ,... thế là những thước phim ký ức cứ lần lượt tái hiện sống động qua câu chuyện của người cựu chiến binh nay đã ở tuổi 85.

Ký ức người lính Điện Biên

Niềm nở đón chúng tôi như con cháu ở xa mới về, sau khi mời khách tách trà, ông cũng nhấp một ngụm, ánh mắt người cựu chiến binh sáng hẳn lên khi nhớ về thời trai trẻ.

Sinh năm 1935 tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, mới 14 tuổi, ông Hoàng Văn Hiển sớm giác ngộ Cách mạng, làm giao liên cho Ty Quân giới Liên khu 4 để “chờ” đủ tuổi vào quân đội. Lớn hơn một chút, ông tham gia thanh niên xung phong tại Đại đội 35 (C35), Tổng đội 34. Sau đó, ông chính thức trở thành bộ đội rồi tham gia đánh ở phía Đông - đồi C2 trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Để có được thành quả “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” không hề dễ dàng, biết bao chiến sĩ ta đã ngã xuống. Đang hào hùng kể về chiến thắng năm xưa, chợt nhớ đến đồng đội, giọng ông lại chùn xuống: “Khốc liệt lắm cháu ạ, có người vừa tươi cười với mình hôm trước, hôm sau đã hy sinh. Tôi rất thân với anh Lân – đồng hương Nghệ An, hai anh em hẹn nhau sau chiến thắng thì trở về cùng đi học, ấy vậy mà anh đã ra đi!”.

“Tử sinh âu cũng một lần

Xả thân cứu nước nợ nần trả xong

Cảm thương giọt máu Tiên Rồng

Đoái trông bia mộ mà lòng quặn đau

Đã từng chiến đấu bên nhau

Kẻ còn người khuất khắc sâu mối tình

Điện Biên liệt sĩ anh linh

Các anh yên nghỉ quang vinh đời đời”

Các anh yên nghỉ quang vinh muôn đời

(Bài thơ được ông sáng tác vào năm 2004 khi về thăm chiến trường xưa nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ)

Ký ức người lính Điện Biên

Ký ức người lính Điện Biên

Ông có nhiều kỷ niệm đẹp khi là lính Điện Biên, đặc biệt nhất là những lần được gặp  Anh Văn – cái tên trìu mến mà bộ đội gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Còn nhớ, trong một lần ông Hiển cùng đồng đội đang thu chiến lợi phẩm sau trận đánh, Đại tướng đã ân cần dặn dò: “Anh em phải cẩn thận mìn, đồ hộp phồng hơi (hết hạn sử dụng) thì đừng ăn kẻo đau bụng nhé!”. Chỉ đôi câu ngắn gọn thôi, nhưng cũng thấy được sự quan tâm của “người anh Cả” đối với các chiến sĩ.

Ký ức người lính Điện Biên

Ông còn lưu giữ rất nhiều ảnh kỷ niệm chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bức ảnh nhân ngày họp mặt kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được ông trân trọng đặt tại trang đầu tiên của quyển album

Sau này, ông Hiển cũng có nhiều dịp gặp lại Đại tướng, nhất là trong thời gian ông tham gia bảo vệ Bác Hồ thì Đại tướng cũng có những lần đến thăm Bác, rồi mấy mươi năm sau, trong những lần họp mặt chiến sĩ Điện Biên,… Đối với ông, lần nào cũng vậy, cảm nhận về Anh Văn vẫn luôn là sự gần gũi, thân thương. Lúc Đại tướng mất, ông cũng cùng các cựu chiến binh tham gia lễ viếng, bày tỏ lòng tiếc thương với người anh Cả của quân đội ta – người đã có công lao vô cùng to lớn, làm nên chiến thắng Điện Biên hiển hách, lừng lẫy năm châu.

Ký ức người lính Điện Biên

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Hoàng Văn Hiển được nhận nhiệm vụ vô cùng vinh dự là tham gia Tiểu đội trực tiếp bảo vệ Bác Hồ. Lúc ấy, cảm xúc của ông như vỡ òa, anh lính trẻ chỉ vừa đôi mươi cùng đồng đội cứ nôn nao, mong đến ngày về Thủ đô để được gặp Bác.

Lần đầu gặp Bác, ông Hiển cứ chăm chú nhìn Người, ngắm từng cử chỉ, nghe từng lời Bác nói như muốn níu kéo từng giây, từng phút bên cạnh Bác. Vậy là mơ ước bấy lâu giờ đã thành hiện thực, anh bộ đội Hoàng Văn Hiển chính thức được cùng đồng đội bảo vệ Bác, sự thật mà cứ ngỡ là mơ!

Ông xúc động: “Tôi có một quãng đời không bao giờ quên nay đã thành ký ức đáng nhớ và đó cũng chính là những kỷ niệm đẹp nhất, là niềm vinh dự, niềm tự hào của đời tôi…”  

“Hồi tưởng lại con được về bên Bác

Lòng rộn ràng hạnh phúc biết bao nhiêu

Năm tháng trôi đi đọng lại bao điều

Rạo rực trong con niềm vui khó tả

Giá thời ấy biết vẽ tranh ký họa

Ký thật nhanh năm tháng đẹp bên Người

Còn gì hơn được thấy Bác tươi cười

Bác ơi năm tháng xa rồi

Niềm vui bên Bác suốt đời không quên”

Niềm vui bên Bác 

(Bài thơ này từng đoạt giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác Văn học nghệ thuật tỉnh Long An năm 2008 của ông Hoàng Văn Hiển)

Ông hồi tưởng: “Thường ngày, Bác hay mặc bộ bà ba màu nâu và đi dép cao su, gần Bác, chúng tôi như được ở bên một người cha giản dị, bên một cụ già phúc hậu và thông minh”.

Được gặp Bác hàng ngày, lòng kính yêu của ông Hiển đối với Bác lại càng sâu đậm. Ông kể: “Bác hiền và thương dân, thương bộ đội lắm! Có bánh kẹo hay món gì ngon Bác cũng dành phần cho anh em chúng tôi được thưởng thức. Dù xa gia đình nhưng ở bên Bác, chúng tôi như được ở nhà, không bao giờ thiếu thốn tình cảm vì Bác quan tâm đến từng người một, chúng tôi thương Bác vô cùng!”.

Tiền nhuận bút từ Liên Xô (cũ) gửi về, Bác đem đến tặng Đại đội chúng tôi trước ngày Lễ Quốc khánh 2-9 khoảng hai, ba tháng. Bác dặn: “Nhiều no ít đủ, Bác không có nhiều tiền cho các chú. Số tiền ít ỏi này, các chú mua con giống tăng gia thêm để đến ngày Quốc khánh có đủ thịt, cá, rau mà liên hoan cùng nhau”.

Ký ức người lính Điện Biên

Đang say sưa kể chuyện, nhớ về một kỷ niệm vui, ông bật cười: “Nhớ một ngày hè, Bác dạo quanh vườn bắt gặp tổ 3 người chúng tôi đang trèo cây hái nhãn. Sợ quá, tưởng Bác sẽ quở trách, ai ngờ Bác vui vẻ dặn dò: “Hái nhãn ăn cũng được nhưng phải hết sức cẩn thận, kẻo ngã thì khốn”. Những việc làm của Bác dành cho chúng tôi, những lời Bác dạy đôi khi chỉ là những chuyện thông thường, rất giản dị nhưng đã làm cho chúng tôi nhớ mãi như những điều thiêng liêng nhất, bởi những điều đó xuất phát từ tình thương bao la của Bác, thắm đượm tình cảm của Bác – của người cha dành cho những đứa con thân yêu của mình”.

“…Có lần trót dại hái nhãn trưa hè

Bác chợt đến! Tim nửa mừng nửa sợ

Bác hiền hòa, Bác ôn tồn nhắc nhở

Bác khuyên răn, Bác hỏi chuyện gần xa

Sao thân thương như tiếng Nội thuở quê nhà”

Nhớ mãi Tháng Năm 

(Bài thơ do ông Hoàng Văn Hiển sáng tác tặng đồng đội C1 - Đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ)

Chưa kể, Bác là người vô cùng khiêm tốn, không muốn được ngợi ca, chúc tụng. Ngày sinh nhật Bác hàng năm, Người thường viện cớ bận việc vắng nhà để không phiền hà khách quý đến chúc. Bác giản dị, ân cần mà nghiêm khắc, nhưng cũng rất hài hước, bao dung. Chẳng cần nói nhiều nhưng những hành động, lời nói, cử chỉ của Bác đều là tấm gương để các chiến sĩ học tập. Đến giờ, ông Hiển vẫn luôn khắc ghi lời Bác, vì học Bác thì bao nhiêu cho đủ.  

Ông không phải là một nhà báo, một nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, tuy nhiên, ông cũng có nhiều sáng tác, trong đó có tác phẩm từng đoạt giải cao trong một số cuộc thi như Sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học nghệ thuật và Báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2011; cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh Long An năm 2008. Các tác phẩm này đều có cùng đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những dòng chữ, câu thơ trong tác phẩm của ông đều vô cùng cảm xúc, có lẽ vì xuất phát từ tình cảm tận đáy lòng, từ những ký ức rất đẹp, rất đáng tự hào để tạo nên từng câu chữ đượm nghĩa, đậm tình.

Ký ức người lính Điện BiênTác phẩm "Những kỷ niệm nhớ Bác kính yêu" của ông Hoàng Văn Hiển đoạt giải A - Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học Nghệ thuật và Báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2011

Có thể nói, ông Hiển là một trong những người vô cùng may mắn khi được gặp cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp lẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh – vinh dự không phải ai cũng có được. Thế nên, từng ký ức, lời nói, cử chỉ của Bác Hồ, Bác Giáp vẫn luôn được ông khắc ghi trong tâm trí. May mắn thay, ở tuổi 85, ông vẫn có một trí nhớ tuyệt vời, vẫn nhớ như in từng lời của Bác. Thay cho những mẩu chuyện về Bác được in thành sách mà chúng ta từng đọc, những câu chuyện về Bác qua lời kể của ông rất sống động, vì ông được gặp trực tiếp, được nghe Bác dặn dò, chỉ bảo, quả thật, còn gì hạnh phúc bằng!  

 

 

 

Ký ức người lính Điện BiênGiã từ binh nghiệp, kết thúc thời gian phục vụ Bác, đến năm 1966, ông được tiếp tục đi học theo đúng mong ước từ khi còn là anh lính Điện Biên rồi làm việc tại Khu Gang thép Thái Nguyên. Sau đó, ông được điều động vào miền Nam làm việc rồi gắn bó với mảnh đất Long An từ năm 1982 đến nay và về hưu từ năm 1991.

Ký ức người lính Điện BiênTrong ngôi nhà đơn sơ với vườn kiểng được cắt tỉa gọn gàng, xanh mượt, thứ quý giá nhất đối với người cựu chiến binh có lẽ là những quyển album ảnh được lưu giữ cẩn thận như những trang nhật ký đời ông. Ông có rất nhiều album ảnh, nhưng khi hỏi bất kỳ ảnh nào, ông đều biết ảnh đó ở quyển nào, vị trí nào, mặt sau mỗi tấm ảnh còn được ông ghi rõ ngày tháng năm chụp, nhân sự kiện nào và chụp với ai. Đặc biệt, hơn 60 năm qua, chiếc huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng vẫn được ông gìn giữ rất kỹ cho đến tận bây giờ.

Ký ức người lính Điện Biên

Ông trân trọng lắm những điều thuộc về ký ức, mà quả thật, những ký ức của ông vô cùng quý giá, bởi không phải ai cũng được như thế! Những người chiến sĩ Điện Biên như ông, được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay trực tiếp bảo vệ Bác Hồ còn minh mẫn đến hôm nay chỉ còn là số ít. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông vẫn nhắc đi nhắc lại với chúng tôi rằng: “Bác lớn tuổi, lúc nhớ lúc quên, giọng “xứ Nghệ” đôi khi khó nghe, các cháu chịu khó nhé!”.

Ký ức người lính Điện BiênKý ức người lính Điện Biên

Những quyển album ảnh được lưu giữ cẩn thận như những trang nhật ký đời ông

Khi đất nước đã hòa bình, chẳng còn đạn bom, lửa khói, bên cạnh những kỷ niệm rất đỗi vinh quang, vẫn có một điều khiến ông day dứt, xót xa là còn nhiều chiến sĩ đã ngã xuống vẫn chưa tìm được hài cốt, trong đó có người anh ruột của ông – Liệt sĩ Hoàng Văn Định, hy sinh tại Bến Cát – Bình Dương. Đó là điều khiến ông trăn trở đến mãi hôm nay.

“…Các liệt sĩ nằm đó

Có thấy mộ anh tôi

Hy sinh mấy năm rồi

Ẩn đâu đây không nhỉ?

Anh hy sinh năm Tý

Hay tử trận Mậu Thân?

Giấy báo tử hai lần

Biết năm nào chính xác?

Em vẫn tìm mộ anh

Em vẫn nuôi hy vọng

Anh ngủ yên đâu đó

Trong đất mẹ thân thương!”

Tìm đâu thấy mồ anh!

Bản thân chúng tôi – khi thực hiện đề tài này cũng cảm thấy mình may mắn khi được gặp ông, nghe ông kể về thời trai trẻ, để được sống lại những ngày tháng đau thương mà anh dũng, để trân quý hơn hòa bình, no ấm hôm nay. Thế hệ hôm nay phải tự soi rọi lại bản thân, phải sống, cống hiến sao cho xứng đáng với bao thế hệ cha anh ngày trước. Gặp ông lần đầu mà như thân quen, quý mến từ lâu, người lính năm xưa vẫn vẹn nguyên nét đôn hậu, hào sảng, tiễn chúng tôi ra cửa, ông trìu mến: “Có dịp cứ ghé nhà bác chơi, mấy bác cháu lại trò chuyện nữa nhé!”./.

Thanh Hiểu - Phạm Ngân

Ngày xuất bản: 26/07/2020
Chia sẻ: