Hưởng ứng phong trào "Vì miền Nam ruột thịt", các cựu chiến binh miền Bắc đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Để vào đến miền Nam, những thanh niên mười tám, đôi mươi ngày ấy không chỉ chuẩn bị về tinh thần, sức khỏe mà còn mang theo cả sứ mệnh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
18 tuổi, vừa nhận giấy báo trúng tuyển đại học Tổng hợp văn, lại là con trai lớn trong gia đình, chàng trai Vũ Chí Thành (quê ở Nam Định, hiện ngụ xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) vẫn quyết định làm đơn nhập ngũ, lên đường giải phóng miền Nam. Biết tin con tình nguyện tham gia kháng chiến, mẹ ông rất tự hào, bởi bà biết, đó là lý tưởng, trách nhiệm của người thanh niên với quê hương, đất nước.
Vậy nhưng, ông vẫn thấy bà lặng lẽ khóc một mình. Bà thương người con trai trưởng hiếu thảo và tình cảm, bà lo sợ con mình phải đối diện với những gian nan, vất vả ở chiến trường. Những lúc như vậy, ông Thành chỉ lặng lẽ ngồi bên mẹ. Nắm lấy bàn tay mẹ, ông an ủi: “Mẹ đừng khóc, thì con mới yên dạ lên đường!”.
Cựu chiến binh Vũ Chí Thành trân trọng bộ quân phục như “báu vật”. Với ông, những ngày tháng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là những “tháng ngày rực rỡ”
Ngày đoàn tân binh rời làng, ông Thành còn chưa dứt hẳn cơn sốt rét, nhưng vì sợ đồng đội đi rồi mình không theo kịp đơn vị, ông nhờ người thân đưa tới đầu làng, đến nơi tập hợp, khởi đầu những tháng ngày “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
“Tôi nhập ngũ năm 18 tuổi, sau 1 năm huấn luyện thì năm 1966 bắt đầu lên đường đi B. Thời điểm đó, phong trào yêu nước ở miền Bắc rất sôi nổi, mình không thể nào đứng ngoài làn sóng ấy. Tôi cùng đồng đội lên đường khi cơn sốt rét trong người còn chưa dứt hẳn, có một động lực to lớn thôi thúc tôi phải vào miền Nam!”, cựu chiến binh Vũ Chí Thành chia sẻ.
60 năm trôi qua, chàng trai 18 tuổi quyết định từ bỏ giảng đường ngày ấy giờ đã là người cựu chiến binh xấp xỉ 80 tuổi, nhưng ký ức về những tháng ngày sôi sục ấy vẫn còn nguyên vẹn. Trong suốt gần nửa năm vượt Trường Sơn ấy, ông Thành vượt qua biết mấy gian nan!
Bộ quân phục được gìn giữ cẩn thận, được ủi phẳng phiêu
Hành trình khó khăn với ba lô nặng trĩu là điều hiển nhiên, nhưng do cơn sốt rét “đeo bám” mãi không thôi, ông phải “vừa đi, vừa chạy” để theo kịp đơn vị sau 3 lần buộc phải nghỉ lại trạm giao liên do sức khỏe không bảo đảm. “Khi thấy tôi không thể đi nổi, đơn vị gửi tôi lại trạm giao liên nghỉ ngơi và tiếp tục lên đường. Nhiều người khuyên tôi nên về đơn vị hậu cần nhưng tôi không muốn, nên ngay khi vừa đỡ một chút tôi lại đi, đi một mình và cố gắng đi nhanh nhất có thể để bắt kịp đơn vị đã hành quân trước đó”, cựu chiến binh Vũ Chí Thành nhớ lại.
Để đuổi kịp đơn vị, chàng trai vừa qua tuổi học sinh phải đi liên tục, qua 2 trạm giao liên mới dám nghỉ 1 lần, chỉ với mong muốn duy nhất là gặp lại đơn vị và kịp tham gia chiến đấu tại miền Nam. Đôi chân đi nhiều quá có khi sưng tấy lên. Lần đó, đến chân đèo Mộ Dạ, với 1 chân sưng phù, ông lê từng bước lên hơn 1.000 bậc thang trong khi mỗi bước chân như 1 “cực hình”.
Hành trình “rừng thiêng nước độc”, kẻ thù vây bủa xung quanh, đói, khát, sốt rét hành hạ thường kỳ mà chàng trai 18 tuổi phải một mình đối mặt trong hành trình “đuổi theo” đồng đội. Trong khi ở độ tuổi ấy, ông hoàn toàn có quyền được yên ổn ngồi trên ghế giảng đường khi đã cầm chắc trong tay giấy báo trúng tuyển vào đại học!
60 năm trôi qua, chàng trai 18 tuổi Vũ Chí Thành quyết định từ bỏ giảng đường ngày ấy giờ đã là người cựu chiến binh xấp xỉ 80 tuổi, nhưng ký ức về những tháng ngày sôi sục ấy vẫn còn nguyên vẹn
“Có một kỷ niệm khá đặc biệt là khi tôi theo kịp đơn vị của mình cũng là lúc đồng đội chuẩn bị làm lễ truy điệu cho tôi, vì mọi người nghĩ là tôi không thể nào sống sót trong những ngày hành quân một mình ấy!”, người cựu chiến binh từ tốn kể.
Trong hành trình “trèo đèo lội suối” từ Bắc vào Nam, cựu chiến binh Vũ Chí Thành không chỉ đối mặt với những ngày “độc hành” theo sau đơn vị mà còn phải học cách “vượt qua chính mình” chỉ vì lý tưởng duy nhất, to lớn nhất là được góp sức mình cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vốn sợ độ cao từ nhỏ, nhưng trở thành bộ đội vượt Trường Sơn, ông Thành vai đeo ba lô 30kg, chân thoăn thoắt bước lên dốc đứng. Dốc Nguyễn Chí Thanh là con dốc luôn được các cựu chiến binh miền Bắc đi B nhắc đến vì đó là vách đá dựng đứng đi lên bằng thang dây, đầu người nọ chạm chân người kia. Biết rõ là mình sợ, nên ông Thành chỉ nhìn lên và bước, bởi nếu lơ là, nhìn xuống, chắc chắn nỗi sợ hãi sẽ khiến ông trượt chân ngã xuống vực sâu. Hành trình đi B chưa bao giờ dễ dàng. Có không ít bộ đội ta hy sinh trên cung đường ấy vì bom đạn kẻ thù, vì đói, khát, sốt rét và sự khắc nghiệt của hành trình. Tuy nhiên, những trái tim “vì miền Nam ruột thịt” vẫn luôn rực lửa, giữ vững niềm tin tiến về phía trước. Nhà giáo kháng chiến Khổng Thanh Tòng (phường 4, TP.Tân An) khẳng định: “Được đi vào Nam là điều hết sức tự hào, vinh dự, bởi không phải ai cũng được chọn vào lực lượng này. Chúng tôi lúc đó là giáo viên, là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, hành trình dù có gian khó cỡ nào cũng giữ vững tinh thần, quyết không quay lại. Chúng tôi lên đường với mục tiêu góp phần vào việc giải phóng miền Nam, xây dựng nền giáo dục mới ở miền Nam. Nếu không thể vượt được khó khăn, gian khổ mà quay trở lại thì mặt mũi nào để giáo dục, định hướng cho thế hệ đàn em, cho học sinh của mình!”. Với thầy Khổng Thanh Tòng, khi ấy được đi vào Nam là điều hết sức tự hào, vinh dự, bởi không phải ai cũng được chọn vào lực lượng đi B này Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Phú Thọ, thầy Khổng Thanh Tòng từng thấy đồng bào mình héo mòn vì đói và cũng thấy được “ánh sáng” cách mạng sau khi giành được độc lập dân tộc, chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở miền Bắc. “Khi xã hội chủ nghĩa được xây dựng thì người dân được tự chủ, cuộc sống ấm no, trẻ em được học hành nên nhân dân rất đồng tình. Lúc đó, cán bộ miền Nam ra Bắc học cứ xuýt xoa “xã hội chủ nghĩa cái gì cũng tươi đẹp cả”. Tất cả các lĩnh vực, từ nông trường đến nhà máy, xí nghiệp, trường học đều được bao trùm bởi khẩu hiệu Xây dựng xã hội chủ nghĩa - Vì miền Nam ruột thịt. Vậy nên, thanh niên chúng tôi rất hăng hái, phấn khởi đi vào miền Nam. Không thể ru rú ở nhà, trong khi miền Nam quằn quại trong bom đạn Mỹ ngụy, con em mình không được học hành”. Xếp hành trang lên đường đi B, các giáo viên như thầy Khổng Thanh Tòng chấp nhận gác hết mọi riêng tư vì sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước. Họ, những nhà giáo, trí thức “trói gà không chặt” bắt đầu những tháng ngày rèn luyện để có sức khỏe, sự dẻo dai cho hành trình “xẻ dọc Trường Sơn” sau đó. Thầy Tòng kể, dẫu đã được tiếp cận thực tế qua các báo cáo của cán bộ miền Nam ra Bắc, được rèn luyện thể chất và chuẩn bị tinh thần, nhưng khi bước chân vào thực tế ông mới hình dung được sự gian nan của hành trình ấy. Sau 3 tháng hành quân ròng rã, thầy Tòng cùng khoảng 200 giáo viên từ miền Bắc đã vào tới miền Nam vào tháng 6/1969. Vào đến miền Nam, những người con đất Bắc được bảo bọc, chở che và yêu thương bởi các dì, các mẹ miền Nam. Có những người quyết định lập gia đình, tiếp tục sinh sống tại miền Nam. Với họ, Long An nói riêng hay miền Nam nói chung chính là quê hương thứ 2, nơi họ lựa chọn gắn bó suốt quãng đường còn lại. Về xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, chỉ cần hỏi cựu chiến binh miền Bắc vào Nam kháng chiến thì ai cũng biết đó là cựu chiến binh Võ Tá Cưu, một người con của Hà Tĩnh chọn Long An làm quê hương thứ 2. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên khi có lời hiệu triệu “Vì miền Nam ruột thịt” ông tình nguyện viết đơn, ký tên bằng máu, để được vào miền Nam chiến đấu. Trong những ngày vượt Trường Sơn gian khó, những chiến sĩ với trái tim “rực cháy” động viên nhau: “Phải nhanh tới miền Nam đánh Mỹ!”. Cuối năm 1965, ông Võ Tá Cưu cùng đồng đội có mặt ở Tây Nguyên. Trong những năm tháng chiến đấu tại huyện Châu Thành, ông Võ Tá Cưu cùng đồng đội lập không ít chiến công. Trong đó có bắn cháy 5 tàu chiến Mỹ trên sông Vàm Cỏ Tây thuộc xã Bình Quới, bắn rơi 2 máy bay địch trên địa bàn xã Hòa Phú, đẩy lùi nhiều trận càn của địch Sau khi tham gia hàng loạt chiến dịch lớn, nhỏ ở miền Nam, năm 1970, ông Võ Tá Cưu được điều động về Châu Thành làm Chính trị viên Đại đội C33 huyện Châu Thành và bắt đầu hành trình gắn bó, sống trong sự đùm bọc của người dân Long An. Cựu chiến binh Võ Tá Cưu khẳng định: “Dân là quan trọng lắm. Chúng tôi từ miền Bắc vào, đến miền Nam là sống với dân. Nếu không có dân thì cách mạng không thành công đâu”. Chàng trai Võ Tá Cưu ngày ấy kết duyên cùng người con gái Long An và ở lại Long An làm rể, xem Long An như quê hương thứ 2 Trong những năm tháng chiến đấu tại Châu Thành, chính trị viên Võ Tá Cưu cùng đồng đội lập không ít chiến công. Trong đó, có bắn cháy 5 tàu chiến Mỹ trên sông Vàm Cỏ Tây thuộc xã Bình Quới, bắn rơi 2 máy bay địch trên địa bàn xã Hòa Phú, đẩy lùi nhiều trận càn của địch,... Ông khẳng định, nếu không có sự chở che, đùm bọc của người dân đất Châu Thành, đặc biệt là khu vực Hòa Phú thì có lẽ những chiến công ấy không thể xảy ra. “Vùng này ngày trước là vùng có truyền thống cách mạng, người dân rất thương và đùm bọc cho bộ đội. Gia đình mẹ vợ của tôi, gia đình ba nuôi của tôi đều có con, em đi bộ đội, có người trở thành liệt sĩ”, cựu chiến binh Võ Tá Cưu kể. Hình ảnh cùng đồng đội được cựu chiến binh Võ Tá Cưu gìn giữ đến bây giờ Ông Võ Tá Cưu vẫn nhớ như in trận chống càn tháng 12/1969, khoảng 12 giờ trưa, địch cho máy bay quần thảo địa bàn nơi ta đang đóng quân. Sau khi bị bắn rơi 2 máy bay, địch tiến quân vào trận địa theo thế gọng kìm nhằm tiêu diệt bộ đội ta. Áp dụng hiệu quả chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh”, ta đẩy lùi được các mũi tiến quân của chúng. Không dừng lại ở đó, địch tổ chức pháo kích, dội bom để hủy diệt địa hình nhưng vẫn không khuất phục được bộ đội ta. Đến 16 giờ, chúng rút quân. Ông Cưu cùng đồng đội trở vào xóm, đến nhà dân để nghỉ ngơi, cơm nước. Ngày ấy, người dân chính là chỗ dựa vững chắc cho bộ đội. “Tôi còn nhớ, có lần đại đội chúng tôi bị địch đánh “rát”. Sau trận bom, toàn bộ balô, tư trang không còn lại gì. Chúng tôi được ba nuôi của tôi (ông Trịnh Đình Miếu - Năm Miếu) may cho mỗi người 1 bộ bà ba đen. Trong hoàn cảnh địch luôn luôn quấy nhiễu, kiểm soát, bí mật mua vải, may hơn 30 bộ đồ là một chuyện hết sức khó khăn, vậy mà ông và 2 người con gái vẫn lo được cho chúng tôi những bộ đồ tươm tất”, cựu chiến binh Võ Tá Cưu nói. Cựu chiến binh Võ Tá Cưu xúc động khi kể về tình cảm của người miền Nam dành cho bộ đội miền Bắc vào tham gia giải phóng miền Nam Ông Năm Miếu, ba nuôi của cựu chiến binh Võ Tá Cưu có 2 người con là liệt sĩ, em ruột của ông cũng là cán bộ cách mạng tập kết ra Bắc nên khi thấy những chàng trai từ Bắc vào Nam, ông thương không kể xiết! Không những nhận anh bộ đội Võ Tá Cưu làm con, ông Năm Miếu còn làm “cầu nối” se duyên cháu gái mình cho người con nuôi từ đất Bắc. Rời xa gia đình, quê hương vào giải phóng miền Nam, những chàng trai miền Bắc nhận được sự yêu thương vô điều kiện từ những người bà, người mẹ miền Nam. Họ được chở che, bảo bọc và yêu thương bằng tình cảm mộc mạc, chân thành mà cũng vô cùng anh dũng. Ông Võ Tá Cưu nhớ lại, chính mẹ vợ ông (bà Trịnh Thị Thê - Út Thê) đã cứu sống người đồng đội của ông ngay trước họng súng kẻ thù. Đêm đó, trong lúc Chính trị viên phó Đại đội C33 - Hoàng Đạm đang ở nhà bà Út Thê để mượn gạo về nấu cơm thì bọn giặc tràn vào. Trời nhập nhoạng tối, vừa thấy bóng giặc từ xa bà lên tiếng đánh động cho anh Đạm rời đi theo phía con sông sau nhà, rồi bước lên phía sân nhà “cầm chân” giặc. Thấy bà, bọn chúng hất hàm hét lớn, hỏi bà giấu bộ đội ở đâu. Hết sức bình tĩnh, người mẹ miền Nam trả lời không biết. Nhìn ra phía bờ sông nước còn lấp lánh, chúng gằn giọng: “Đứa nào mới lội qua sông?”, bà bình tĩnh nói: “Tui mới ở ruộng về, rửa chân nên nước động, chứ có gì đâu!”. Trong thời gian đó, đồng chí Hoàng Đạm nhanh chóng lánh tới nơi an toàn. Bức thư tay chàng trai Võ Tá Cưu gửi về gia đình dạt dào cảm xúc Sự yêu thương của những người mẹ miền Nam dành cho bộ đội miền Bắc là điều khiến các cựu chiến binh nhớ mãi. Cựu chiến binh Vũ Chí Thành kể, ông vẫn nhớ như in lời người mẹ vùng Đức Huệ: “Má thấy tụi bây từ xa xôi tới má thương nhiều quá. Mấy đứa miền Nam dù gì cũng có bà con, xóm giềng ngay bên cạnh, còn tụi bây xa xôi cách trở, xa quê, xa gia đình, lạ nước lạ cái, vất vả hơn biết bao nhiêu!”. Chính vì tình thương ấy, các bà, các mẹ sẵn sàng nấu cơm, vá áo cho bộ đội. “Dân nghèo, nhưng có cái gì ngon cũng để dành cho bộ đội. Khi chúng tôi bị địch vây ráp ngoài đồng, các cô, các chị nấu cơm, giấu vào từng lon ghi - gô nhỏ mang ra tiếp tế. Bị phát hiện thì không cách nào thoát được, nhưng mọi người vẫn liều lĩnh mang từng lon cơm, viên thuốc cho bộ đội”, cựu chiến binh Vũ Chí Thành xúc động kể. Bà Nguyễn Thị Đẹp (SN 1949, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) kể về tình cảm của người miền Nam với bộ đội miền Bắc. Đó là tình quân dân, nghĩa đồng bào Bắc Nam ruột thịt, một nhà Từ trước đến nay, tình cảm quân dân cá - nước, Bắc - Nam đoàn kết một nhà vốn là truyền thống bao đời, tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc. Sau 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, quân và dân ta đã chứng minh rõ nét một điều: Đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng thì “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”! Khi đất nước thống nhất, người dân lại chung tay cho công cuộc dựng xây. Những binh đoàn khai mở vùng đất mới, những địa phương kết nghĩa cùng hỗ trợ nhau phát triển được hình thành. Câu chuyện đoàn kết một lòng được thế hệ sau viết tiếp, bởi sự gắn kết keo sơn giữa người trong một nước là không thể nào chia cắt được. Giữa vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh có một xã mà đa số người dân là người miền Bắc, giọng nói, phong tục, tập quán được giữ lại như một nét đặc trưng. Đó là Hưng Hà (huyện Tân Hưng), một “chứng nhân” cho sự đoàn kết của người dân 2 miền Nam - Bắc trên đất Long An. Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Hà - Trần Duy Tám, xã được thành lập năm 1992. Lúc mới thành lập, đa phần dân Hưng Hà là người làm kinh tế mới nguồn gốc từ miền Bắc (Hà Bắc, Hải Hưng) và các huyện phía Nam của tỉnh theo lời kêu gọi của Chính phủ đi khai phá vùng Đồng Tháp Mười. Một góc xã Hưng Hà hôm nay Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hưng Hà - 20 năm xây dựng và phát triển (1992 - 2012) có đoạn ghi: “Tên gọi xã Hưng Hà cũng thể hiện tình đoàn kết gắn bó của nhân dân miền Bắc với nhân dân miền Nam, “chữ Hưng” nghĩa là huyện Vĩnh Hưng, kết hợp với “chữ Hà” là nói đến nhân dân Hà Bắc, Hải Hưng. Tên gọi xã Hưng Hà đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với tình đoàn kết các dân tộc, cùng chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt là bảo vệ vững chắc miền biên cương Tây Nam Tổ quốc”. Những ngày đầu mới thành lập, Hưng Hà có tới ¾ diện tích là đất hoang, sản xuất lúa 1 vụ, phụ thuộc vào thời tiết. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng hầu như chưa có gì: Trường học, trạm y tế đều là tôn, tre lá tạm bợ; không có điện, không có nước hợp vệ sinh; giao thông, vận tải chủ yếu là đường thủy. Sống giữa miền Nam, người dân xã Hưng Hà vẫn giữ thói quen trồng cây dong để gói bánh chưng vào các dịp quan trọng Nói về hành trình chiến thắng thiên nhiên, tái lập cuộc sống ở vùng đất mới, bà Nguyễn Thị Sờ (sinh năm 1952), ngụ ấp Hà Long, xã Hưng Hà, kể: “Vợ chồng tôi vào đây từ năm 1990. Vào đây, chúng tôi được cấp đất, cấp nhà ở và hỗ trợ rất nhiều để ổn định cuộc sống. Thời điểm đó, vùng này còn hoang hóa, phèn chua, việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Sau khi hệ thống thủy lợi, giao thông được đầu tư phát triển, vùng này mới đi lên như bây giờ”. Ý chí kiên định và tinh thần đoàn kết giữa chính quyền với người dân đã giúp vùng đất Hưng Hà ngày càng phát triển. Tính đến nay, 98,17% người dân Hưng Hà có nhà ở kiên cố, bán kiên cố; xã đạt Tiêu chí quốc gia về Y tế; 99,8% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong xã được tưới tiêu chủ động; xã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả; việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng vùng nguyên liệu từng bước được thực hiện;… Sau hơn 30 năm dựng xây cuộc sống ở quê hương mới, vợ chồng bà Sờ có thể yên tâm khi thấy cuộc sống gia đình và quê hương thứ 2 nâng lên rõ nét. Những cánh đồng hoang trước đây giờ thành ruộng lúa phì nhiêu với sản lượng đạt hơn 42.000 tấn/năm. Nông dân cũng không cần “chân lấm tay bùn” như trước vì việc sản xuất gần như được cơ giới hóa hoàn toàn từ làm đất đến thu hoạch. Ngoài 70 tuổi, vợ chồng bà Sờ giao lại việc trông coi 7ha ruộng cho con trai. Lúc rảnh rỗi ở nhà, bà nấu rượu, làm bánh chưng, bánh giầy để con, cháu biết và nhớ về nguồn cội. Trong công cuộc khai thác, xây dựng quê hương cũng như bảo vệ biên giới Tây Nam tại Long An, không chỉ có sự chung sức chung lòng của người dân Hà Bắc, Hải Hưng mà còn có dấu ấn của những binh đoàn dân quân từ Hưng Yên. Đó là minh chứng cho mối quan hệ kết nghĩa, thân thiết của 2 miền Nam - Bắc trong hành trình chung tay tái thiết đất nước sau ngày thống nhất. Long An và Hưng Yên là 2 tỉnh phân bố ở 2 miền Tổ quốc nhưng có những nét tương đồng, đều là những địa phương giàu truyền thống cách mạng. Trong phong trào kết nghĩa Bắc - Nam được phát động từ năm 1960, Hưng Yên và Long An kết nghĩa cùng nhau và duy trì mối quan hệ thân thiết, keo sơn, “là cây một cội, là con một nhà”. Sau khi đất nước thống nhất, hàng chục đơn vị dân quân của Hưng Yên được gửi vào Long An vừa làm thủy lợi, khai phá đất hoang, vừa góp phần giữ gìn biên cương phía Nam của Tổ quốc. Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đang đồng lòng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì Hưng Yên và Long An vẫn giữ mối quan hệ đoàn kết, sẻ chia và hỗ trợ lẫn nhau. Năm 2024, Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Hữu Nghĩa làm Trưởng đoàn đã đến Long An làm việc, trao đổi kinh nghiệm. Trong buổi làm việc với đoàn thời điểm đó, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được (nay là Chủ tịch UBND TP.HCM) khẳng định, sự gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa 2 địa phương sẽ nâng tầm mối quan hệ gắn bó, bền chặt, tình cảm đặc biệt giữa Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân; đồng thời, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cả 2 tỉnh. Tinh thần đoàn kết, thống nhất Nam Bắc một nhà vốn là truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay và lại càng thể hiện rõ ràng trong những thời điểm khó khăn như thiên tai, dịch bệnh. Sau khi cơn bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào miền Bắc nước ta (tháng 9/2024), hàng triệu trái tim người dân miền Nam, trong đó có Long An hướng về đồng bào vùng bão, lũ. Ngay sau khi những thiệt hại to lớn tại các địa phương được công bố, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An lập tức trích số tiền 13,5 tỉ đồng từ nguồn Quỹ cứu trợ để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão, lũ; đồng thời, tổ chức phát động ủng hộ đồng bào bị thiên tai do bão số 3 gây ra. Trong buổi phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út kêu gọi: "Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái", chúng ta hôm nay hãy cùng chung sức, đồng lòng để ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Bắc khắc phục một phần hậu quả sau bão. Tôi kêu gọi tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hãy cùng chung tay hỗ trợ đồng bào trong lúc khó khăn này để làm sáng lên “nghĩa đồng bào”". Hưởng ứng kêu gọi của UBMTTQ Việt Nam tỉnh và UBND tỉnh, các đơn vị, cá nhân trong tỉnh chung tay đóng góp, chia sẻ với những thiệt hại mà đồng bào ta gánh chịu. Sau 1 tháng kêu gọi, tổng kinh phí UBMTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận là hơn 29,8 tỉ đồng cùng nhiều hiện vật. Đại diện lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh Long An tiếp nhận tiền ủng hộ của doanh nghiệp Một trong những đơn vị tích cực tham gia hỗ trợ là Công ty TNHH Cheng Da (huyện Đức Hoà). Ban Giám đốc công ty, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở công ty vận động cán bộ, đoàn viên, người lao động phát huy truyền thống đoàn kết, với tinh thần “Thương người như thể thương thân”, "Lá lành đùm lá rách" tham gia hỗ trợ, chia sẻ với đồng bào miền Bắc bị thiệt hại. Tổng số tiền đóng góp 360 triệu đồng được chuyển về UBMTTQ Việt Nam tỉnh để kịp thời hỗ trợ đồng bào gánh chịu hậu quả nặng nề của bão Yagi gây ra. Doanh nghiệp chung tay hỗ trợ miền Bắc khắc phục hậu quả của bão Yagi gây ra Hiệp lý Công ty TNHH Cheng Da III - Guo Xu Jun chia sẻ: “Cùng với sự đóng góp về tiền mặt, chúng tôi muốn gửi lời động viên, chia sẻ và mong muốn được góp sức để khôi phục sản xuất và đời sống của người dân miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra”. Không chỉ các đơn vị, tổ chức hay nhà hảo tâm lớn, những người dân bình dị, học sinh cũng cùng hướng về miền Bắc. Trần Gia Nghi, học sinh lớp 12T2, Trường THPT Chuyên Trần Văn Giàu (TP.Tân An), mạnh dạn trình bày ý tưởng với trường về hoạt động kêu gọi học sinh chung tay đóng góp. Gia Nghi tâm sự: “Lúc đó, em xác định rõ, mình kêu gọi các bạn đóng góp với tinh thần tự nguyện và luôn nhấn mạnh không cần đóng góp quá nhiều, dù mỗi người chỉ 1.000 đồng nhưng nhiều người hợp lại sẽ là tấm lòng rất lớn”. Học sinh Trường THPT Chuyên Trần Văn Giàu tham gia đóng góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão Yagi Hoạt động diễn ra từ ngày 11 đến 13/9/2024, học sinh đóng góp tiền mặt và chuyển khoản với tổng số tiền 19,6 triệu đồng. Qua hoạt động đóng góp, học sinh Trường THPT Chuyên Trần Văn Giàu thể hiện được tinh thần tập thể, tình yêu thương con người, biết quan tâm, sẻ chia đến đồng bào gặp khó khăn. Khi miền Bắc cần, miền Nam sẵn sàng đóng góp, đồng hành, chia sẻ, bởi tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, như lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" rằng: “Mọi người con đất Việt - dù sinh sống ở đâu, dù quá khứ thế nào - đều có thể đồng hành, chung sức, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc”./. Nội dung: Quế Lâm - Ngọc Thạch Trình bày: Mạnh Khang