Nâng tầm sản phẩm đồng quê

 
Những túi bàng, túi lục bình, túi đan nhựa, những sản phẩm đan từ tre, trúc được nâng cao giá trị nhờ sự khéo léo, sáng tạo của những người làm ra chúng.
 
 

Nâng tầm sản phẩm đồng quê

Vợ chồng chị Lê Thị Minh Tuyết và anh Lại Văn Cứng (ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) làm nghề đan đã mấy chục năm như một nghề tạo ra kinh tế phụ. Ban đầu, anh chị đan rổ, lồng bàn, giỏ đựng cá,... bán cho hàng xóm. Dần về sau, anh chị sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới. Chị Tuyết kể: “Giờ nhà tôi có thể đan đục, trúm lươn, lờ cá, rổ, lồng bàn, võng, sống chén, nón,... Mấy cái quen thuộc thì bán cho người dân ở đây dùng, một số cái mới thì có người mua đi bán ở xa hoặc bán trên mạng”.

Vừa nói, chị Tuyết vừa giới thiệu cho chúng tôi chiếc nón đan bằng trúc, được tạo họa tiết bằng cách điểm xuyết những đường đan sợi bòng bong. Đây là sản phẩm anh chị sáng tạo cách đây 4 năm, được thị trường phía Bắc ưa chuộng. Chiếc nón tròn vành, cứng chắc, đội vừa đầu lại có hoa văn nhìn vui mắt khiến bất kỳ ai thấy cũng vô cùng thích thú. 

 

Nâng tầm sản phẩm đồng quê

 

Ban đầu, khi mới tạo ra sản phẩm, anh chị để dùng. Khách hàng thấy thích nên đặt mua. Có đầu ra cho nón, anh chị bắt đầu nghĩ tới việc làm nhiều sản phẩm đa dạng khác. Vậy là hàng loạt sản phẩm đan mỹ nghệ ra đời: Bình hoa đan bằng trúc, chụp đèn nhiều kiểu dáng khác nhau, lọ cắm bút, đĩa đựng hoa quả,... Tất cả đều được thị trường đón nhận. 

Chị Tuyết vui vẻ kể: “Những sản phẩm mới như nón, đồ đựng trái cây, võng, chụp đèn,... đều là do vợ chồng tôi nghĩ ra. Mình làm cái nghề đan, đan một thứ hoài cũng chán, nên tự ngồi ngẫm nghĩ rồi tìm cách đan ra cái này, cái khác. Ở xứ này, chắc có mình gia đình tôi đan nón bằng trúc, mọi người cũng ít dùng nhưng tôi thấy đứa cháu bán trên mạng được lắm, ngoài Bắc có vẻ họ chuộng hơn”.

 

Nâng tầm sản phẩm đồng quê

 

Để làm được chiếc nón đan bằng trúc, anh chị phải bỏ nhiều thời gian, công sức, từ giai đoạn vót nan đến đi tìm sợi bòng bong để làm đẹp cho sản phẩm. Nan làm sản phẩm mỹ nghệ là nan tròn, nhỏ, vuốt đều tay, thật láng mịn. Đó chính là bước cơ bản quyết định chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm. Chị Tuyết cho biết, vót nan là khâu quan trọng, khó khăn, mất nhiều thời gian nhất. Ở nhà chị, chỉ anh Cứng - chồng chị làm được. Bằng giọng tự hào, chị nói, suy nghĩ ra sản phẩm mới thôi với anh là chưa đủ, mỗi ngày, anh đều tìm cách để hoàn thiện thêm cho đến khi ưng ý nhất. Việc dùng dây bòng bong già trang trí cho nón đan cũng là ý tưởng của anh. Bòng bong được chọn phải là dây già, lúc hái, sơ chế không được để đứt dây. Nếu dây ngắn quá, sản phẩm làm ra không có tính thẩm mỹ cao. 

Niềm vui sáng tạo được những điều mới mẻ trong công việc và có được nguồn thu từ sáng tạo đó chính là động lực để vợ chồng anh Cứng, chị Tuyết không ngừng làm mới và nâng cao hơn nữa tay nghề của bản thân.

Cũng như vợ chồng chị Tuyết, chị Trần Thị Lành (xã Phước Đông, huyện Cần Đước) đã dùng sự sáng tạo của mình để biến một sản phẩm tưởng chừng dân dã, thô mộc thành sản phẩm thời trang được nhiều người yêu thích. Gia đình chị Lành vốn không có ai theo nghề đan giỏ nhựa nên việc học nghề cũng do chính chị mài mò tự học bằng cách mua giỏ đan sẵn từ chợ về tháo ra đan lại. Cứ như thế, chị học được nghề đan rồi lần dò đi mua nguyên liệu từ TP.HCM về đan giỏ. Những sản phẩm đầu tiên chị làm được là những chiếc giỏ nhựa truyền thống, chủ yếu phục vụ cho bà nội trợ và người lao động.

Sau thời gian vất vả tìm đầu ra khắp miền Tây và TP.HCM, giỏ nhựa nhà chị Lành có đầu ra ổn định. Đó được xem là một thành công của người phụ nữ “tay trắng” làm nên sự nghiệp. Nhưng không dừng lại ở đó, sau khi đã đan thành thạo các loại túi phổ thông, chị Lành mài mò đan túi mỹ nghệ bằng cách phối sợi đan thành nhiều hình dạng hoa văn, màu sắc và kích cỡ khác nhau. Thời điểm đó, sản phẩm túi đan nhựa thời trang chưa phổ biến như bây giờ, chị phải mang sản phẩm chào hàng khắp các chợ tại TP.HCM. Khách du lịch nước ngoài khá ưa chuộng sản phẩm của chị Lành nên đầu ra cho túi mỹ nghệ ngày càng ổn định. Chị Lành vừa mở rộng việc sản xuất, vừa mài mò sáng tạo nhiều mẫu mã mới cho túi đan mang thương hiệu Chị Lành. 

 

Nâng tầm sản phẩm đồng quê

 

Túi đan Chị Lành không còn dừng lại là những chiếc túi đan nong mốt thường thấy ở các sạp chợ quê mà đã trở thành sản phẩm thời trang được nhiều người ưa chuộng. Từ chiếc túi vuông bình thường, túi đan Chị Lành trở thành những chiếc túi mỹ nghệ với nhiều hoa văn, màu sắc, kích cỡ khác nhau. Chị Lành kể: “Mới đầu, tôi thấy đan nong mốt thôi thì bình thường quá nên muốn tạo ra hoa văn mới để cái giỏ có thêm điểm nhấn. Cũng nhờ khách hàng thương, ưa chuộng và đặt hàng nhiều nên tôi có cơ hội thử nghiệm nhiều loại vật liệu, hoa văn khác nhau. Bây giờ tự tôi có thể sáng tạo ra hoa văn. Tôi hay chọn những hình ảnh gần gũi để làm như con cò, hoa mai,...”.

 

Nâng tầm sản phẩm đồng quê

 

Ngoài bán thị trường trong nước, túi đan Chị Lành còn xuất khẩu ra nước ngoài theo các đơn đặt hàng số lượng lớn. Sau đợt dịch Covid-19 hoành hành, đến nay, việc kinh doanh của chị cơ bản đã phục hồi. Số lượng sản phẩm bán ra dần được nâng lên như trước dịch.

Bằng sự sáng tạo, chịu khó của mình, chị Lành đã khiến một sản phẩm vốn mộc mạc trở thành món phụ kiện thời trang thời thượng, được nhiều người yêu thích. 

Và đó cũng là “công thức” của chị Ngô Thị Kim Dung (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) khi bắt tay vào công việc khoác áo mới cho những sản phẩm bình dân, quen thuộc. Chị Dung vẽ, thêu lên túi cỏ bàng, túi lục bình được 2 năm. Ban đầu, chị vẽ để mình dùng, về sau, thấy nhiều người ưa thích nên chị bắt đầu kinh doanh.

Bằng sự sáng tạo của mình, chị vẽ lên túi cỏ bàng nhiều hoa văn, hình ảnh đẹp mắt, tăng thêm giá trị cho sản phẩm. Những hình ảnh quen thuộc của quê nhà như hoa sen, cảnh đồng quê, hoa thiên điểu,... được chị đưa vào sản phẩm một cách nhẹ nhàng, tinh tế. Chị Dung cho biết, các mẫu mã hoa văn trên sản phẩm đều do chị sáng tạo ra. Ý tưởng thường xuất phát từ đời sống hàng ngày và công việc giảng dạy của chị. Một số mẫu chị tham khảo từ Internet hoặc làm theo yêu cầu của khách hàng.

 

Nâng tầm sản phẩm đồng quê

 

Chiếc túi mộc mạc, đơn sơ sau khi được thêm "áo mới" bỗng trở nên vừa tinh tế, xinh đẹp lại độc quyền vì hầu như chẳng có mẫu nào giống hoàn toàn mẫu nào. Chị Dung chia sẻ, điều chị mong muốn là góp phần giúp các sản phẩm truyền thống đến gần với người sử dụng hơn. Chị Dung nói: “Tôi yêu thích mỹ thuật lại rất thích những sản phẩm làm từ nguyên liệu của quê nhà vì vừa mộc mạc, vừa truyền thống. Tôi trang trí túi cỏ bàng, túi lục bình xuất phát từ sở thích của bản thân và mong muốn tạo ra sản phẩm có nét riêng, có cá tính của người sử dụng. Tôi hy vọng, thông qua các mẫu vẽ sẵn có thể giới thiệu với khách hàng về quê hương mình”. Những sản phẩm của chị Dung đã đi khắp mọi miền đất nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài và được nhiều người yêu thích. 

Những người phụ nữ như chị Tuyết, chị Dung hay chị Lành dù khác quê hương, khác công việc nhưng những điều các chị làm đều đem đến kết quả chung là nâng tầm những sản phẩm quen thuộc của quê hương. Từ nguyên liệu, mẫu mã truyền thống, bằng sự sáng tạo của mình, các chị đã tạo ra những sản phẩm mới có tính ứng dụng và thẩm mỹ cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước./.

Nâng tầm sản phẩm đồng quê

 

Nâng tầm sản phẩm đồng quê

 

 

 
 
 

 

Ngày xuất bản: 28/05/2022
Chia sẻ: