Người tử tế

Người tử tế

Người tử tế

 

Câu chuyện về hành trình “hồi sinh” từ cơn bĩ cực của Thạc sĩ Tâm lý Đặng Hoàng An được nhiều người biết đến. Chàng trai sinh ra trong gia đình lao động ở vùng hạ quyết tâm “đi tìm cái chữ”, trở thành thạc sĩ, giảng viên của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Người tử tế

 

Anh còn là Bí thư Đoàn khoa vì sự năng nổ, nhiệt tình, được mời thỉnh giảng tại các trường cao đẳng,... Tương lai rộng mở nhưng cuộc sống lại không ngừng thử thách. Sau tai nạn bất ngờ, bác sĩ đánh giá thấp khả năng hồi phục của anh. Thời gian đầu về nhà, mọi sinh hoạt cá nhân gần như lệ thuộc vào cha mẹ. Anh suy sụp và rơi vào trầm cảm.

Người tử tế

 

Nhưng rồi, từ vực thẳm đen tối đó, mầm sống trong anh lại hồi sinh. Để giờ đây, cả nước biết đến Thạc sĩ Tâm lý Đặng Hoàng An - người có nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa, tấm gương Tỏa sáng nghị lực Việt, 1 trong 100 cá nhân tiêu biểu được tuyên dương tại Ngày hội Tình nguyện quốc gia năm 2023. Tất cả những thông tin đó có thể dễ dàng tìm thấy trên Google trong vòng không đến 1 giây với từ khóa “Thạc sĩ Tâm lý Đặng Hoàng An”.

Người tử tế

Ngày đi làm trở lại sau 6 tháng phẫu thuật thay khớp háng, anh Kiều Ngọc Hòa Anh (xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) không giấu được niềm vui khi giữ được đôi chân. Anh Hòa Anh kể, 7 tháng trước, bác sĩ thông báo với anh nếu không thay khớp háng thì căn bệnh hoại tử chỏm xương đùi sẽ khiến anh mất đi một chân. Hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn, số tiền 80 triệu đồng quá lớn so với khả năng, anh Hòa Anh kêu gọi, vay mượn khắp nơi nhưng chỉ được một phần nhỏ. Trong cơn cùng cực, anh nghĩ tới chủ nhân kênh YouTube Đôi Chân Tròn - Đặng Hoàng An, người chỉ mới quen biết và trò chuyện qua Facebook. Sự lạc quan và tinh thần sống vì người khác của Thạc sĩ Đặng Hoàng An khiến anh Hòa Anh nghĩ rằng, anh chính là cứu cánh cuối cùng của mình!

Người tử tế

 

“Chiều hôm ấy, trời mưa lâm râm, Hòa Anh bước từng bước khó nhọc vì đau đớn. Em nói, anh An cứu em,  nếu không chắc em phải tàn tật suốt đời, không đi lại được. Điều đó “chạm” vào tôi bởi tôi hiểu rất rõ những khó khăn khi ngồi xe lăn. Tôi nhận lời với Hòa Anh” - Thạc sĩ Đặng Hoàng An kể. Sau thời gian vận động và kết nối cùng anh Tô Đình Khánh, số tiền gần 80 triệu đồng được trao cho anh Hòa Anh. Hôm trao tiền, anh Tô Đình Khánh và Thạc sĩ Đặng Hoàng An cùng đến, họ ngồi trên xe lăn, trao tiền cho anh Hòa Anh với hy vọng cứu được đôi chân của anh. Hai người siết chặt tay Hòa Anh, động viên anh đừng lo lắng, giữ vững tinh thần để vượt mọi khó khăn. Ca phẫu thuật thành công. Một phận người được cứu!

Người tử tế

 

Không phải ngẫu nhiên Thạc sĩ Đặng Hoàng An được “xướng tên” trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022 và được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen trong Ngày hội Tình nguyện quốc gia năm 2023. Thạc sĩ trẻ không chỉ tự mình vượt qua “hố thẳm” mà trong suốt 5 năm qua, trên đôi chân tròn của mình, anh đã tới mũi Cà Mau, vùng biên giới tặng quà cho trẻ em nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ Bước chân nhân ái do anh thành lập đã trao hơn 40 xe lăn cho người khuyết tật trong và ngoài tỉnh. Anh còn là đại sứ của nhiều chương trình vì cộng đồng, diễn thuyết gia truyền cảm hứng cho học sinh tại nhiều trường học trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là ở TP.HCM. Bao nhiêu niềm vui, hạnh phúc, sự yêu thương được trao đi và nhận lại.

Người tử tế

 

Và cũng từ đó, những câu chuyện đời, chuyện người được khơi mở, cảm nhận, giúp điều tích cực, tốt đẹp được lan tỏa. Bằng kỹ năng viết của mình, Thạc sĩ Đặng Hoàng An chia sẻ những câu chuyện đẹp về nghị lực, lòng nhân ái trên suốt chặng đường đến với mọi người. Cái tên Đặng Hoàng An trở nên quen thuộc trên nhiều mặt báo và các cuộc thi viết trong cả nước.

Người tử tế

 

Trước đây, Thạc sĩ Đặng Hoàng An chưa bao giờ nghĩ anh có thể viết tốt. Khi sắp xếp lại cuộc sống sau ngày “bĩ cực”, anh dành thời gian luyện viết, duy trì thói quen đọc. “Mỗi một trang sách lật qua, cũng giống như trang đời, luôn có những thứ đọng lại khiến mình phải học hỏi. Và câu nói của William James - “Đừng bao giờ nói không thể bởi chưa ai từng nhìn thấy giới hạn của tiềm năng” đã giúp tôi tỉnh thức. Từ ấy, tôi nhận ra mình chỉ sống thôi chưa đủ mà phải sống cuộc đời đáng sống” - Thạc sĩ Đặng Hoàng An chia sẻ.

Người tử tế

Quyển sách Làm lành với nỗi buồn ra đời như sự khẳng định cho kết quả những nỗ lực của chàng trai trẻ. Năm 2024, Thạc sĩ Đặng Hoàng An dự kiến xuất bản quyển sách thứ 2 về sự trì hoãn. Và quyển tự truyện truyền cảm hứng của bản thân được lên kế hoạch cho năm 2025.

Người tử tế

 

“Hai dự định lớn nhất, tâm huyết nhất của tôi trong tương lai chính là Lớp học 0 đồng và Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật ở chính quê hương mình. Bởi tôi mong muốn có thể cống hiến cho quê hương, dù sự đóng góp đó là nhỏ bé” - Thạc sĩ Đặng Hoàng An nói.

Người tử tế

 

Chính thức góp mặt trong Dự án Khóa học kỹ năng 0 đồng tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đầu năm 2024, Thạc sĩ Đặng Hoàng An hy vọng có thể vun bồi thêm tình yêu cuộc sống, truyền động lực, cảm hứng học tập cho các em học sinh. Anh cũng mong mỏi có thể đưa dự án về Long An để học sinh trong tỉnh có thêm cơ hội trang bị kỹ năng sống cho mình. Thạc sĩ Đặng Hoàng An còn ấp ủ dự định về Lớp học 0 đồng dành cho học sinh cuối cấp ngay tại nhà mình. Đó sẽ là nơi các em được học miễn phí các kỹ năng sống, ôn tập, chuẩn bị kiến thức cho các kỳ thi quan trọng cuối cấp.

Người tử tế

 

Thạc sĩ Đặng Hoàng An chia sẻ: “Tôi dự định, nếu mở được Lớp học 0 đồng thì sẽ xây dựng quỹ để duy trì hoạt động lớp, song song với Quỹ Bước chân nhân ái hiện tại. Ngoài lớp học, tôi còn mong muốn phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên thành lập Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật, nơi các bạn được dạy nghề, học kỹ năng, hoàn thiện và phát huy thế mạnh. Tôi biết, người khuyết tật hát hay, kể chuyện tốt và nghĩ đến những cuộc thi: Kể chuyện về Bác, tìm hiểu pháp luật,... trong câu lạc bộ để vừa tạo sân chơi, vừa trang bị kỹ năng cho các bạn”.

Người tử tế

 

Những dự định tương lai của Thạc sĩ, đảng viên trẻ Đặng Hoàng An vẫn còn rất nhiều bởi anh luôn mong muốn có thể cống hiến sức mình cho quê hương, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật.

 

Người tử tế

 

Người tử tế

Người tử tế
 

Người tử tế

 

 

Kình ngư Para Games Nguyễn Thị Sari từng chia sẻ rằng nếu không có ông Trần Hoàng Minh, có lẽ chị sẽ không đến được với hồ bơi, không được đi thi đấu thể thao ở trong nước và ngoài nước, không được chạm tay vào những chiếc huy chương lấp lánh.

Chị Sari kể: “Tôi gặp bác Minh khi làm công việc cắt chỉ ở xưởng thêu vi tính. Thấy hoàn cảnh tôi khó khăn, bác Minh nhận về cưu mang tại gia đình Mùa Xuân. Nhờ gia đình Mùa Xuân, cuộc đời tôi mở sang trang mới. Tôi trở thành vận động viên quốc gia và đi tiếp con đường học vấn còn dang dở. Khi đó, gia đình Mùa Xuân rất nghèo. Mỗi ngày, bác Minh phải chở những đứa con khuyết tật (2-3 người) trên chiếc xe máy cà tàng đến hồ bơi. Có hôm trời mưa, nước ngập, xe chết máy giữa chừng, bác phải bồng các con xuống để khởi động máy xe, rồi lại bồng lên chở đi tiếp, có khi 3-4 lần mới tới được hồ bơi”. Chị Sari vô cùng xúc động. Chị tự nhủ phải ráng tập bơi để không phụ lòng ông Minh.

Từ câu chuyện của chị Sari, chúng tôi đến gặp ông Trần Hoàng Minh, SN 1942, hiện sống tại xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ông có gương mặt hiền lành, phúc hậu. Ở tuổi ngoài 80, mái tóc đã bạc vì bao sương gió của cuộc đời nhưng ông vẫn minh mẫn. Ông Minh cho biết: “Từ bé, tôi đã được người mẹ kính yêu dạy phải thương yêu và giúp đỡ những người kém may mắn, nhất là những người tàn tật (lúc ấy chưa có từ “khuyết tật”). Đó là lý do tôi chọn gắn bó cuộc đời mình với những người khuyết tật”.

Sari xúc động khi kể về ông Trần Hoàng Minh

Hành trình nhân ái của ông Minh bắt đầu từ năm 1999, từ lời ngỏ của một người cháu ở tỉnh Tiền Giang đến tá túc nhà ông ở TP.HCM để ôn thi đại học. “Cháu có đứa bạn là Minh Lý bị liệt hai chân. Nó vẽ đẹp, muốn đi học mà không có điều kiện. Nghe cháu nói vậy, tôi không đắn đo suy nghĩ nhiều mà trả lời ngay: Nếu bạn con muốn lên đây học thì bác có thể giúp” ông Trần Hoàng Minh - ông Minh kể lại.

Khi đó, ông Minh làm nghề sửa chữa tivi và thiết bị điện lạnh để sinh sống. Không giàu có về tiền bạc nhưng tấm lòng ông lúc nào cũng rộng mở. Ông nghĩ rằng, để có thể giúp người khác, điều quan trọng phải có là tình yêu và niềm tin. Những điều này, ông không thiếu nên vui vẻ nhận lời.

Người tử tế

Khi nhận Minh Lý - thành viên đầu tiên của gia đình Mùa Xuân (tên mà ông Minh đặt cho ngôi nhà cưu mang người khuyết tật của mình), điều đầu tiên ông nghĩ đến là giúp Minh Lý có được niềm vui trong cuộc sống. Theo ông Minh, muốn có niềm vui thì trước hết phải được tự do, muốn tự do phải nuôi được mình. Vì vậy, ông giúp các em có công việc phù hợp để làm. Có được việc làm ổn định, các em sẽ tự nuôi sống bản thân, hòa nhập với xã hội và quan trọng sẽ dần xóa đi mặc cảm, tự ti, tự tin hơn và cuối cùng sẽ tìm được niềm vui, hạnh phúc riêng trong cuộc sống.

Sau Minh Lý, gia đình ông Minh tiếp tục mở rộng cửa đón những người trẻ khuyết tật khác. Sau hơn 20 năm thành lập, gia đình Mùa Xuân của ông đã cưu mang gần 200 người khuyết tật từ mọi miền đất nước. Thời điểm đông nhất có hơn 30 thành viên. Ông Minh nói: “Nhận nhiều người cực hơn nhưng vui vì các em có điều kiện sống với những người cùng hoàn cảnh, có việc làm cùng nhau”.

Ban đầu, gia đình Mùa Xuân may giẻ lau hay gia công các mặt hàng đơn giản. Đến nay, các sản phẩm do gia đình Mùa Xuân làm ra đã đa dạng, hoàn thiện hơn, đạt chất lượng cao, được bán tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và còn xuất sang nước ngoài. Ngoài tranh thêu, tranh vẽ, tranh giấy xoắn, áo, nón len, đầm, váy, áo quần nam, nữ được may theo ý khách hàng còn có nhang sạch, cây hương quế, các đồ thủ công mỹ nghệ làm bằng da cá sấu,...

Người tử tế

 

 

Hiện các em trong gia đình Mùa Xuân làm các công việc như đan móc len, thêu, may, làm tranh giấy xoắn, kết cườm,... và có thu nhập từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng/tháng, tùy tay nghề và sức khỏe.

Ngoài làm thủ công tại gia đình Mùa Xuân, một số trường hợp khác được ông Minh chở đi xin việc hoặc khi tìm được việc làm ở nơi khác, mỗi sáng, chiều, ông đều đưa đi, đón về. Tấm lòng của ông như tấm lòng của người cha. Có hôm, ông chở Trần Thị Kim Nhiên đi xin việc, đến nơi, thấy Nhiên là người khuyến tật, nhà tuyển dụng không muốn nhận, lòng ông đau như cắt.

Một số em sau khi đến với gia đình Mùa Xuân vẫn có thể tiếp tục con đường học vấn tại các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và có việc làm như Lê Thị Hương, đang làm việc tại Công ty Vifon; Lâm Thị Minh Trang làm việc tại Công ty Viettel; Trần Thị Kim Nhiên làm ở Công ty Gốm sứ Minh Long; Trần Thị Diệp Mẫn mở phòng châm cứu, bấm huyệt;...

Nhìn thấy các em vui tươi, rạng rỡ nụ cười là niềm hạnh phúc lớn lao của người chủ gia đình Mùa Xuân. Chính vì vậy, chưa bao giờ ông nề hà làm những công việc như lo chỗ ăn, ở cho các em hay mỗi ngày dắt hơn chục chiếc xe hai bánh, ba bánh, xe lắc, xe đạp. Rồi những lúc đêm hôm cúp điện, cầu nghẹt, cống tắc,..., ông cũng một mình đảm đương mọi việc sửa chữa. Các em ở gia đình Mùa Xuân thường đùa rằng: “Bác vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là thầy, vừa là thợ, vừa là osin”.

Với phương châm khỏe giúp yếu, chị dìu dắt em, mọi người đều yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau nên không khí trong gia đình Mùa Xuân lúc nào cũng vui tươi, đầm ấm. Một người trong đoàn làm phim của Đài Truyền hình TP.HCM khi đến làm phóng sự về mái ấm đặc biệt này đã phải thốt lên rằng: “Đúng là Mùa Xuân! Lúc nào cũng thấy các em cười đùa vui vẻ, như không khí mùa xuân vậy!”.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (quê tỉnh Đắk Lắk) bị bệnh trầm cảm 5 năm (sau khi chồng mất). Khi về với gia đình Mùa Xuân chưa đến 3 tháng, tinh thần và tâm lý của chị được phục hồi và trở lại bình thường. Chị Thủy bây giờ đã có gia đình mới rất hạnh phúc với tiệm may nhỏ ở quê. Khi trở lại thành phố dự lễ tốt nghiệp đại học của con trai, hai mẹ con đến thăm ông Minh. Chị Thủy nghẹn ngào ôm chầm lấy ông và nói: “Bác cho con gọi bằng ba nhé! 5 năm mắc bệnh trầm cảm và vượt qua, khác gì bác đã sinh ra con lần hai!”.

Người tử tế

Năm 2003, Minh Lý là người đầu tiên trong gia đình Mùa Xuân thi bơi Para Games đoạt 3 huy chương vàng (HCV) và 1 huy chương bạc (HCB). Từ đó, các em khác trong gia đình Mùa Xuân cũng noi theo. Ông Minh luôn hết lòng động viên, ủng hộ những “đứa con” của mình vì thể thao ngoài giúp nâng cao sức khỏe còn có thêm thu nhập (hồi đó, 1 HCV Para Games được thưởng 15 triệu đồng).

Được sự hỗ trợ nhiệt tình của ông Minh, những thành viên của gia đình Mùa Xuân nỗ lực, phấn đấu để không phụ lòng “người cha thứ hai” của mình. Theo lời ông Minh kể, có em chưa hề biết bơi nhưng chỉ trong 6 ngày đã bơi qua lại hồ bơi 50m dễ dàng hay chưa đầy 5 tiếng đồng hồ trong 6 ngày đã bơi thành thạo 2 kiểu bơi sải và bơi ếch.

Sau 20 năm, các thành viên của gia đình Mùa Xuân mang lại cho ông Minh niềm vui và tự hào với gia tài 1.069 huy chương (tính đến tháng 12/2023). Trong đó, có 105 huy chương quốc tế. Đến nay, ông Minh vẫn có thể nhớ rõ từng cột mốc đáng tự hào của những người con như Nguyễn Thị Minh Lý đoạt 5 HCV quốc tế, Nguyễn Thị Mỹ Nang 3 HCV, Dư Thị Lan 5 HCV, Nguyễn Thị Sari 5 HCV và 1 cúp đại hội Para Games, Vi Thị Hằng 9 HCV và là 1 trong 6 vận động viên đang tập huấn cho Paralympic Paris 2024. Trong đó, có 4 em được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, riêng Vi Thị Hằng 2 lần nhận Huân chương Lao động hạng Ba,...

Vi Thị Hằng - người 2 lần nhận Huân chương Lao động hạng Ba xúc động

Người tử tế

 

Thấy các thành viên của gia đình Mùa Xuân thành công, ông rất đỗi tự hào. Và khi các em tìm được hạnh phúc riêng, ông vui mừng gấp bội. Có trường hợp, ông đứng ra dựng vợ gả chồng. Như em Nguyễn Thị Lan Thương bị liệt hai chân, ba mẹ không chấp nhận con rể cũng bị liệt hai chân như em. Lan Thương nói với ông Minh rằng: “Ba mẹ con không chịu, thôi bác đứng ra lo liệu cho chúng con”. Gia đình của Lan Thương đã có 2 cô con gái đẹp như 2 nàng tiên, ba mẹ Lan Thương giờ cũng rất quý con rể.

Đến nay, bên cạnh 200 thành viên, gia đình Mùa Xuân còn có thêm 50 đứa cháu, tất cả đều khỏe mạnh, bình thường. Ông Minh luôn mong những đứa trẻ này sẽ là điểm tựa của ba mẹ chúng khi về già.

Sau dịch Covid-19, do tuổi cao, sức yếu, việc quản lý gia đình Mùa Xuân, ông trao lại cho các em theo lời đề nghị: “Bác yếu rồi, mọi việc để bọn con lo. Bác như là tán cây cổ thụ che chở chúng con, thế là được rồi!”.

Người tử tế

Người tử tế

 

Người tử tế

Nguyễn Thị Sari sinh năm 1985 trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Nhà không có ruộng, cha mẹ Sari làm nghề lưới cá sinh sống. Lúc mới sinh, cha mẹ đặt cho chị cái tên rất đẹp - Nguyễn Thị Bích Tiên. Vì đau bệnh hoài nên gia đình đổi tên là Sari, tên một loại trái cây dân dã, với mong muốn chị được khỏe mạnh hơn.

Trong suốt thời thơ ấu, Sari dường như “mắc kẹt” trong bệnh tật. Cơn sốt bại liệt lúc 3 tuổi đã cướp đi đôi chân của Sari. Vì thương Sari, cha mẹ cố hết sức chạy chữa, kể cả khi nhà hết tiền, tài sản phải cầm cố, chạy vạy chỗ nọ, chỗ kia để vay mượn tiền chữa bệnh nhưng đôi chân của Sari vẫn cong queo.

Người tử tế

 

Không đi lại được, hoàn cảnh lại khó khăn, gia đình không thể mua xe lắc tay cho Sari. Ngày khai giảng, thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, Sari ngồi trong nhà nhìn theo ao ước. Vì bệnh tật mà con đường đến trường của Sari trở nên xa vời, những điều tưởng chừng như bình thường với những đứa trẻ khác thì đối với Sari là cả một giấc mơ. Với Sari, thậm chí ra khỏi nhà cũng không dám vì sợ bạn bè chế giễu là “con nhỏ què” với đôi chân co quắp, dị dạng.

Người tử tế

 

Chị hai của Sari sinh năm 1983, biết nỗi lòng của em gái nên xin cha mẹ được cõng Sari tới trường, mỗi ngày đi về gần 2km. Từ dạo ấy, Sari đi học trên đôi vai của chị. Lòng cô gái nhỏ âm thầm vui sướng và biết ơn người chị đã không ngại vất vả để giúp Sari biết đọc, biết viết, có chữ nghĩa làm hành trang vào đời.

Từ năm học lớp 4 trở đi, Sari học tại một cơ sở khác của Trường Tiểu học Phước Đông 1. Đoạn đường đến lớp của Sari tăng gấp ba, đi về khoảng 6km. Lúc này, chị gái bế Sari lên chiếc xe đạp cũ để chở đến trường. Do trường của 2 chị em ngược hướng nên chở Sari đến lớp xong, chị gái quay ngược lại ngôi trường cấp 2 của mình. Hiệu phó Trường Tiểu học Phước Đông 1 - Trương Thị Cẩm Thúy, nơi Sari học, rất thương hoàn cảnh của 2 chị em. Cô âm thầm vận động giáo viên trong trường quyên góp để mua xe lắc cho Sari.

Người tử tế

Giữa năm lớp 4, Sari nghỉ học để tham gia phẫu thuật từ thiện và tập vật lý trị liệu. Sau 6 tháng, đôi chân co quắp được mở ra như người bình thường nhưng vẫn yếu và không thể đi lại được.

Năm sau, Sari học lại lớp 4, các thầy, cô Trường Tiểu học Phước Đông 1 tặng Sari chiếc xe lắc tay để đến trường.

Lúc này, chiếc ghe - phương tiện để cha Sari đi đánh bắt cá nuôi gia đình cũng phải bán để trả nợ. Mùa hè năm đó, cả gia đình 4 người dắt díu nhau lên TP.HCM mưu sinh. Hai chị em phụ mẹ bán cháo đậu, canh bún và khoai lang luộc. Sari và chị tiết tiệm, dành dụm với mong muốn mùa tựu trường năm sau, cha mẹ có đủ tiền, sẽ cho đi học lại, được hội ngộ bạn bè và thầy cô dưới mái trường thân yêu.

Đến mùa tựu trường năm lớp 5, hai chị em rời TP.HCM, về quê ở với ngoại để tiếp tục đi học. Chị hai học đến lớp 9 thì nghỉ để nhường phần cho Sari vì gia đình không kham nổi chi phí nếu 2 chị em đều đi học. Sau khi tốt nghiệp THPT, không có tiền để ôn luyện và nộp hồ sơ thi đại học, Sari đến Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật tại TP.HCM xin học vi tính 6 tháng.

 

Người tử tế

 

Dù đã học nghề nhưng khi xin việc, Sari chỉ được nhận vào làm công việc cắt chỉ tại một xưởng may ở quận Tân Bình, TP.HCM. Tại đây, cũng có người khuyết tật giống như Sari được ông Trần Hoàng Minh (SN 1943) đưa đón mỗi ngày. Ông Minh là mạnh thường quân cưu mang và giúp đỡ những bạn trẻ khuyết tật từ các tỉnh đến TP.HCM lập nghiệp. Sau khi được giám đốc công ty giới thiệu, ông Minh nhận Sari về mái ấm Mùa Xuân của mình.

Ông Minh cho biết: “Khi trò chuyện với Sari, biết Sari có ước mơ được vào đại học, tôi rất ấn tượng về tinh thần không đầu hàng nghịch cảnh của Sari. Khi đó, tôi đã động viên Sari rằng: “Bác rất hoan nghênh và hỗ trợ con thực hiện ước mơ, tuy nhiên, mái ấm Mùa Xuân còn nghèo nên con phải nỗ lực nhiều””.

Con đường đến với đại học của Sari thông qua bơi lội. Ông Minh kể lại: “Ngày đầu xuống nước, Sari đã không làm tôi thất vọng. Tuy không thật sự có năng khiếu nhưng ý chí của cô bé có thể đánh bại mọi khó khăn”. Do đó, chỉ trong vòng 6 ngày, Sari đã bơi qua lại hồ 50m dễ dàng. Với kết quả đó, ông Minh động viên: “Cổng trường đại học đã trước mắt con rồi đó, cố gắng lên!”.

Người tử tế

Nhắc lại những ngày đó, Sari vẫn nhớ như in: “Khi mới học bơi, tôi bị uống nước rất nhiều vì 2 chân cứ chìm, không giữ được thăng bằng. Tuy nhiên, để thực hiện ước mơ vào đại học, tôi không ngại dành nhiều thời gian hơn để luyện tập”.

Trong hành trình đi đến ước mơ, Sari may mắn có ông Minh đồng hành. Kỷ niệm mà Sari không quên trong những ngày khởi đầu gian khổ là ông Minh chở Sari và 2 bạn khuyết tật đi đến hồ bơi trên chiếc xe máy cũ. Trời mưa to, đường ngập nước, xe chết máy, ông cõng từng đứa xuống để đi sửa xe, rồi cõng lên xe đi tiếp. Sau đó, xe lại chết máy lần nữa, ông phải dắt bộ, trên xe có 3 “đứa con” khuyết tật. Hôm ấy, Sari rất xúc động và thương ông Minh. Sari tự nhủ với lòng sẽ cố gắng bơi tốt để không phụ lòng của ông Minh.

Người tử tế

Sau 3 tháng tập luyện, Sari được chọn đi thi đấu tại Huế và đoạt 3 huy chương vàng giải quốc gia.

Người tử tế

 

Nhắc đến Sari, ông Minh tự hào: “Sari là niềm tự hào của mái ấm Mùa Xuân. Hơn 20 năm đưa các em tham gia các kỳ thi, chưa bao giờ tôi hào hứng bằng lúc xem Sari thi cự ly 100m bơi ếch loại thương tật S6-SB5 ở Đà Nẵng năm 2010. Lúc quay đầu 50m, Sari đã kém tới 4-5m. Khi đó, thấy Sari có vẻ lo buồn, tôi động viên: “Cố gắng lên, con không thua đâu!”. Cả hồ hò reo, cổ vũ, khoảng cách dần rút ngắn. Kết quả, Sari đã trước đối thủ chỉ gang tấc, tiếng vỗ tay tán thưởng không ngớt. Tôi vô cùng xúc động, thương sự nỗ lực của Sari đến chảy nước mắt”.

Nhờ số tiền thưởng từ những huy chương ấy, Sari có tiền giúp gia đình và tiếp tục theo đuổi con đường học vấn còn dang dở lúc gia đình gặp khó khăn.

Sari chọn học Đại học Hùng Vương vì từ mái ấm Mùa Xuân, nơi chị ở, có một tuyến xe buýt đi đến trường. Sari chọn ngành tiếng Anh vì điều đó giúp chị giao tiếp thuận lợi hơn khi thi đấu ở nước ngoài. Vừa đi học, vừa luyện tập, Sari còn đi làm thêm suốt gần 4 năm học đại học. Năm 2012, vì phải tăng tốc học cho kỳ thi tốt nghiệp, huấn luyện viên yêu cầu Sari chọn một trong hai: Bơi lội hoặc học đại học? Sari đành chia tay đội tuyển quốc gia.

Ngoài việc dành dụm tiền thưởng trong các kỳ thi đấu cho việc học, Sari dành phần nhiều giúp đỡ gia đình. Tiền thưởng từ 2 chiếc huy chương bạc ASEAN Para Games 2008, 3 chiếc huy chương vàng ASEAN Para Games 2009, Sari đưa cha mẹ trả nợ; phần còn lại đầu tư vào quán cháo của mẹ và phụ giúp chuyện ăn học cho 2 cô em gái sinh năm 1992 và 1999.

Năm 2012, trong lễ trao bằng tốt nghiệp cử nhân tại rạp Hòa Bình, TP.HCM, thấy Sari bé xíu xuất hiện với đôi nạng, cả hội trường đứng dậy vỗ tay. Sari xúc động rơi nước mắt, những giọt nước mắt sung sướng pha lẫn tự hào.

Người tử tế

 

Năm 2013, ở tuổi 28, Sari quyết định làm mẹ đơn thân với mong muốn có một đứa con để yêu thương và làm bạn trong cuộc sống.

Sari giấu mọi người chuyện mang thai. Để có tiền nuôi con, Sari cố gắng luyện tập và quay lại đội tuyển quốc gia. Năm đó, Sari được tiền thưởng kha khá với nhiều huy chương bạc, đồng khi tham dự giải ở Myanmar.

Mỗi ngày, dù bận rộn thế nào, Sari vẫn dành thời gian tập thể lực ít nhất 60 phút trên máy kéo tự chế. Bên cạnh đó, Sari phải co duỗi cánh tay nâng chai nước suối lên cao hơn đầu, mỗi tay nâng 200 lần. Ngoài ra, Sari còn tập căng 2 cánh tay rộng ra giữ 2 đầu dây rồi kéo từ sau ra trước, mỗi lần tập khoảng 50 cái. Những động tác tưởng chừng đơn giản nhưng phải tập lại nhiều lần rất mỏi và đau. Bù lại, nó giúp đôi tay của Sari lên cơ và dẻo dai hơn.

 

Nhờ kiên trì luyện, chỉ hơn 2 tháng sau khi sinh con, Sari lại tham dự giải quốc gia, đoạt huy chương bạc. Đến nay, Sari vẫn giữ phong độ thi đấu, tháng 8/2023, Sari đoạt Huy chương Vàng tại Giải Bơi lội khuyết tật toàn quốc tại Cần Thơ.

Người tử tế

Tháng 8/2023, Sari đoạt Huy chương Vàng tại Giải Bơi lội khuyết tật toàn quốc tại Cần Thơ

Bé Nguyễn Thiện Duyên (tên thường gọi Tiểu Quyên) - con gái của Sari năm nay 9 tuổi, đã biết giúp mẹ dọn dẹp, quét nhà, giặt và phơi quần áo. Dù cuộc sống còn vất vả nhưng Sari nói thấy con cười là quên hết mọi mệt nhọc và dặn lòng phải cố gắng để con gái có tương lai tốt hơn.

Vừa đi làm, vừa chăm con nhỏ, lại phải dành thời gian luyện tập để thi đấu, bận bịu vậy nhưng Sari vẫn tranh thủ mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em ở địa phương. Lớp học hình thành năm 2016 và được duy trì cho đến nay.

 

 

Lớp học diễn ra 3 buổi một tuần vào tối thứ bảy, chủ nhật và thứ hai. Ngoài dạy môn chính là tiếng Anh, Sari hướng dẫn các môn học khác như Toán, Ngữ văn. Riêng môn tiếng Anh, Sari chỉ nhận những em bị mất căn bản. Sau một khoảng thời gian, các em học khá hơn, Sari khuyên đến trung tâm ngoại ngữ để được đào tạo tốt hơn.

Sau 7 năm mở lớp, đến nay, có khoảng 100 học sinh đã từng tham gia lớp học miễn phí của Sari.

Sari cho biết lý do tổ chức và duy trì lớp học 0 đồng trong 7 năm qua là vì khi học cấp 2, Sari từng bị mất căn bản tiếng Anh nhưng không có tiền đi học thêm. Kết quả xếp loại học lực năm đó bị hạ từ giỏi xuống khá. Chính vì vậy, Sari muốn giúp những học sinh đồng cảnh ngộ với mình như trước.

Người tử tế

Bên cạnh đó, do nhiều lần đi nước ngoài để thi đấu, Sari hiểu tầm quan trọng của tiếng Anh trong giao tiếp. Sari muốn chia sẻ những kỹ năng mình có cho các em nhỏ ở quê. Đồng thời, dạy tiếng Anh cho các em nhỏ cũng là dịp Sari ôn lại kỹ năng ngôn ngữ đã học.
 
Sari nói: “Trong hành trình chiến đấu với bệnh tật, tôi may mắn được nhiều người có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ như các thầy cô ở Trường Tiểu học Phước Đông 1, Trường Đại học Hùng Vương. Khi xây nhà, tôi cũng được Liên đoàn Lao động trao tặng Mái ấm Công đoàn, đặc biệt là bác Minh ở mái ấm Mùa Xuân hỗ trợ,... Do vậy, tôi mong muốn làm được một việc gì đó để tri ân cuộc đời. Chính vì thế, tôi duy trì lớp học 0 đồng này để giúp các em nhỏ ở quê”.
 
Sari, cô giáo của lớp học 0 đồng xem các em như người bạn. Sari luôn tạo không khí gần gũi, vui tươi, thoải mái để các em tiếp thu bài tốt hơn. Em nào học tốt, Sari thưởng bánh, kẹo để khuyến khích.

Người tử tế

 

Người tử tế

 

 

Người tử tế

Khoảng 8 năm trước, từ ý tưởng mở một lớp học dành cho các em trở về từ vùng Biển Hồ (Campuchia) của thầy Nguyễn Ngọc Bảo - giáo viên Trường THCS Thị Trấn Tân Hưng, anh Trương Văn Thùy - Bí thư Đoàn thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, xung phong tham gia. Bàn, ghế xin từ các trường đem về; sách, vở được quyên góp làm góc thư viện;... Thế là, lớp học tình thương “nên dáng, thành hình”, trở thành nơi những đứa trẻ nghèo, bán vé số,... đến “nhặt chữ”.

Người tử tế

 

Đứng lớp “gieo chữ” có anh Thùy, 2 đoàn viên, thanh niên của thị trấn Tân Hưng và 1 văn thư của trường THCS. Không có thù lao, họ đứng lớp bằng cả tình yêu thương, lòng tử tế. Mỗi ngày trao cho các em con chữ, phép tính, những người tử tế của lớp học tình thương chỉ mong học trò biết đọc, biết viết. Vừa dạy chữ, phép tính, những “người thầy” còn dạy các em điều tử tế. Những đứa trẻ từng chửi thề, văng tục, không biết dạ, thưa trở nên ngoan ngoãn, lễ phép hơn từ những bài học đạo đức của thầy. “Đi bán vé số về, em thưa mẹ; đến lớp, em chào thầy, cô” - Cẩm Ly - học sinh lớp 2 của lớp học tình thương, hồn nhiên nói.

Không riêng Cẩm Ly, gần 30 học sinh của lớp học tình thương đều đổi thay từ cách cư xử đến lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đặc biệt, khi viết được tên mình, tên cha, mẹ, biết cộng, trừ, nhân, chia, đứa nào cũng vui, càng háo hức đến lớp. Dẫu có mệt, có đói sau một ngày rong ruổi bán vé số, những đứa trẻ vẫn cố gắng đi học đều đặn. 17 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, lớp học mới bắt đầu nhưng các em có mặt từ sớm. Đứa còn cầm trên tay ổ bánh mì, đứa còn đôi ba tờ vé số chưa bán hết, các em hồn nhiên nô đùa, chờ đến giờ lên lớp.

Người tử tế

 

Trò mến thầy, mến lớp vì được dạy chữ, rèn người. Thầy thương, cảm kích trò bởi tinh thần hiếu học, nghị lực vượt khó. Vì thế, dù khó khăn, bộn bề công việc, những người thầy với trái tim yêu thương vẫn cố gắng duy trì lớp học cho những đứa trẻ suốt 8 năm qua. Rồi theo thời gian, lớp học xuống cấp, ngập ngụa mỗi mùa mưa,... Tìm kinh phí sửa lớp học cho các em là trăn trở, nỗi lo của những người “đứng mũi chịu sào” tại lớp học tình thương.

Người tử tế

 

Như một nhân duyên, tấm lòng, việc làm tốt đẹp của những người giảng dạy, hình ảnh những đứa trẻ ở lớp học tình thương đã lay động, chạm đến trái tim của những người tử tế khác. Một lần đọc bài báo về lớp học tình thương, em Lê Huy Bảo (học sinh lớp 11H, Trường THPT Chuyên Long An) cùng các bạn mong muốn được làm việc gì đó giúp các em. Sinh ra trong gia đình công chức, có điều kiện học hành nên Bảo cho rằng: “Em may mắn hơn những em nhỏ trong lớp học tình thương. Vì vậy, em mong được san sẻ một phần nhọc nhằn, khó khăn, muốn tiếp sức cho hành trình “nhặt chữ” của các em”.

Một đêm nhạc với chủ đề Trao diễn ra trong khuôn viên Trường THPT Chuyên Long An. Đêm nhạc với hơn 20 tiết mục được bán vé trực tiếp và trực tuyến. 850 vé bán ra, kết hợp bán bánh ngọt, cà phê, thu về số tiền 25 triệu đồng đã giúp Bảo và các bạn hiện thực hóa ước mơ giúp đỡ các em ở lớp học tình thương. Đồng hành cùng Bảo còn có Câu lạc bộ (CLB) Sự kiện của Trường THPT Chuyên Long An, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, THPT Tân An, cà phê Bling,... Tất cả góp sức làm nên thành công của đêm nhạc, viết nên câu chuyện tử tế trong học đường.

Người tử tế

 

Nhớ lại đêm nhạc diễn ra vào tháng 11/2023, Bảo vẫn còn hào hứng: “Đêm nhạc đem đến cho tụi em nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Có lẽ, đêm nhạc thành công bởi ý nghĩa nhân văn như đúng tên Trao. Đó là trao yêu thương, nhận về niềm hạnh phúc”.

2 tuần sau đêm nhạc, Bảo đại diện những người tham gia, cùng thầy cô, Đoàn trường đến trao 25 triệu đồng cho lớp học tình thương. Từ số tiền này và số tiền do mạnh thường quân khác trao tặng, những người phụ trách sửa chữa, trang trí lớp học. Vậy là, những đứa trẻ bán vé số an tâm “nhặt chữ”; những người đứng lớp cũng không còn trăn trở, không lo lớp ngập nước, dột mưa. Niềm cảm kích trước tinh thần ham học, nghị lực mưu sinh của những đứa trẻ và mong muốn được san sẻ yêu thương của Bảo cùng các bạn cũng được thực hiện bởi đêm nhạc thân tình, thắp lên tinh thần “tương thân, tương ái”.

Người tử tế

Người tử tế

Mỗi khi tết đến, nỗi lo thêm nặng oằn trên vai những người nghèo khổ. Còn với những người tử tế, họ cũng lo lắng, chạy ngược chạy xuôi tìm nguồn vận động để giúp người nghèo nhẹ gánh lo toan.

Người tử tế

 

 

Tết này, nối tiếp hành trình giúp đỡ những mảnh đời cơ cực, CLB Thanh niên tình nguyện Ánh Dương (huyện Đức Hòa) tiếp tục bán hoa tết để gây quỹ tặng quà cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Thành lập từ năm 2020, đây là cái tết thứ 2 CLB tổ chức hoạt động thiện nguyện này. 30 thành viên CLB, mỗi người chia nhau một việc để cùng góp sức xây mùa xuân cho đời.

Em Nguyễn Thị Ngọc Lan (xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) dù bận với công việc ở công ty nhưng vẫn sắp xếp, cùng các bạn bán hoa tết gây quỹ. Tết năm trước, ngày 23 tháng Chạp, Lan cùng một vài thành viên đến tận nhà vườn để khảo sát, tìm chọn từng chậu hoa chất lượng. Tiền lương làm công nhân không cao nhưng Lan sẵn lòng ứng trước vài triệu đồng làm vốn. 800 chậu hoa vạn thọ được mua với tổng vốn 10 triệu đồng, đem về bán tại điểm chợ ở ấp An Hòa, xã An Ninh Tây. Suốt từ ngày 23 đến 28 tháng Chạp, các thành viên chia nhau trực tại điểm bán hoa. “Người dân địa phương biết hoạt động ý nghĩa của nhóm nên mua ủng hộ. Nhờ vậy, chiều ngày 27 tháng Chạp, nhóm bán hết số hoa, thu được lợi nhuận hơn 10 triệu đồng” - Lan kể.

Người tử tế

 

Số tiền này cùng với những nguồn vận động khác, cả nhóm mua 30 phần quà tết gửi tặng người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã vùng thượng của huyện Đức Hòa. Tặng quà đã là việc làm tốt đẹp, ấy vậy mà, cách nhóm trao đi những phần quà cũng đáng trân quý. Không gửi cũng chẳng mời đối tượng đến nhận, cả nhóm chia nhau thành nhiều đoàn, mỗi đoàn 4-5 thành viên, đến tận nhà tặng quà tết. Trên những chiếc xe máy, các thành viên vượt chặng đường xa, ngoằn ngoèo, đến tận cuối xóm, trao tận tay các phần quà.

Người tử tế

 

Căn nhà của bé Trần Thị Yến Vy nằm ở cuối con đường nhỏ, băng qua những cánh đồng xa hút ở ấp An Định, xã An Ninh Tây. Bé Vy sống với bà cố từ khi cha mẹ ly hôn. Bà cố tuổi cao sức yếu, có 3 người con nhưng một người mang di chứng chất độc màu da cam. Cuộc sống cả nhà nhờ vào tiền lương làm công nhân từ một người con trai của bà cố của Vy. Khi nghe người dân địa phương nói về hoàn cảnh bé Vy, CLB đến tận nhà trao quà tết. Vy tíu tít cảm ơn các anh chị đoàn viên, thanh niên. “Còn bà cố xúc động, cầm tay tôi và luôn miệng nói lời cảm ơn” - Nguyễn Huỳnh Đăng Huy - Chủ nhiệm CLB Thanh niên tình nguyện Ánh Dương, kể.

Rời nhà Vy, nhóm lại đến nhà bà Bạch (ấp An Thuận, xã An Ninh Đông). Bà sống một mình, tuổi đã ngoài 80. Hôm đoàn đến đã là ngày 28 tháng Chạp mà nhà cửa chưa dọn dẹp, bàn thờ chưa chưng bánh, mứt. Thấy hoàn cảnh bà neo đơn, nhóm giúp bà dọn nhà đón tết, chưng lên bàn thờ bình bông, vài hộp bánh mà đoàn vừa tặng. “Khi xong việc, chào ra về, bà bảo chúng tôi nán lại ăn cơm. Khi nhận quà, bà xúc động, cảm ơn không ngớt” - em Lan chia sẻ.

Người tử tế

 

Những hình ảnh, tình cảm đó cứ khắc khoải trong lòng mỗi thành viên CLB Thanh niên tình nguyện Ánh Dương. Để rồi, cả nhóm nhủ lòng cố gắng làm nhiều điều tốt giúp ích cho đời, cho người, như em Lan nói: “Công việc có bận rộn thì tôi cũng sắp xếp tham gia hoạt động thiện nguyện cùng nhóm. Tết này, tôi sẽ tham gia bán hoa gây quỹ, cùng đoàn đến nhà trao quà cho người nghèo”.

Dù lớn hay nhỏ thì việc làm tốt đẹp của những người tử tế như hạt mầm thiện nguyện được gieo xuống cho mùa xuân đâm chồi, nảy nở. Đó là xuân của tình người, của yêu thương./.

Người tử tế

 

Nội dung: Quế Lâm - Thùy Hương - An Thuận

Trình bày: Đăng Châu

Ngày xuất bản: 02/04/2024
Chia sẻ: