Nguyễn Duy Phong: Thất bại là chìa khóa để chia sẻ và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

 

 

Trong bối cảnh nền kinh tế đang ngày càng phát triển, những câu chuyện về những công dân trẻ tiêu biểu không chỉ mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ mà còn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong cộng đồng. Nguyễn Duy Phong, một chàng trai trẻ tuổi, đã chứng minh rằng đam mê và nghị lực có thể tạo ra những kỳ tích. Bằng tình yêu với hoa lan, anh Phong không chỉ xây dựng cho mình một sự nghiệp vững chắc mà còn trở thành nguồn động lực cho các hội viên hợp tác xã ở địa phương.

 

Nguyễn Duy Phong: Thất bại là chìa khóa để chia sẻ và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

Vốn là phóng viên báo hình, trong quá trình tác nghiệp, Nguyễn Duy Phong, sinh năm 1995 có tham gia quay, dựng các chương trình của Hội Nông dân TP.HCM. Anh có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với nhiều nghệ nhân trồng hoa lan. Qua đó, anh đã học được rất nhiều về kỹ thuật trồng lan và theo thời gian, niềm đam mê của anh ngày càng lớn dần.
 

Nguyễn Duy Phong: Thất bại là chìa khóa để chia sẻ và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

 
Ngoài việc học hỏi kỹ thuật trồng lan từ các nghệ nhân, anh Phong còn tự tìm tòi qua sách báo và các bài viết trên mạng xã hội. Anh không ngần ngại đến các nhà vườn để xin phép quay phim và chụp hình hoa lan. Sau đó, viết bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều người xem thích thú và bày tỏ ý muốn mua, anh vui vẻ trở thành người kết nối giữa nhà vườn và những khách yêu hoa lan. Nhờ đó, anh cũng có được một khoản "hoa hồng" để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình.
 
Tinh thần học hỏi của anh Phong không chỉ giới hạn ở Việt Nam, anh sẵn sàng đầu tư vào những chuyến du lịch đến các nước lân cận như Thái Lan để nghiên cứu mô hình trồng lan. Anh đã tham quan nhiều mô hình trồng lan đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu và các quốc gia khác, với các dòng lan như vanda, dendro và vũ nữ.
 

Nguyễn Duy Phong: Thất bại là chìa khóa để chia sẻ và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

 

Trước khi “khởi nghiệp” với vườn lan 500m2 cho riêng mình, anh đã dành 4-5 năm để tiếp nhận kiến thức và kinh nghiệm từ những nhà vườn trong và ngoài nước. Dù đã nỗ lực tìm tòi và học hỏi nhiều phương pháp trồng lan từ sách, báo và các nghệ nhân nhưng khi áp dụng vào thực tế địa phương, những kiến thức và kinh nghiệm đó lại không phù hợp. Khí hậu, đất đai và điều kiện chăm sóc khác biệt đã khiến lan không phát triển như mong đợi, dẫn đến việc cây bị hư hại. Cuối cùng, Phong đã phải đối mặt với thất bại khi mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư ban đầu. Đây là một bài học đắt giá cho những ai muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Tuy vậy, anh không nản lòng từ bỏ đam mê của mình. Nhờ một số nhà vườn tin tưởng cho thiếu tiền lấy cây, Phong ươm lại giống mới, điều chỉnh cách chăm sóc, bón phân phù hợp cho loài hoa "đỏng đảnh" này. Sau nhiều năm vừa làm, vừa học hỏi và rút kinh nghiệm, cuối cùng anh đã xây dựng được một vườn lan đẹp. Những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc và cải tiến đã giúp anh tạo ra một không gian xanh tươi, tràn ngập sắc màu. Giờ đây, vườn lan không chỉ là niềm tự hào của anh mà còn thu hút nhiều người yêu thích hoa đến tham quan và học hỏi.

Tay nghề trồng lan của anh đã được công nhận qua nhiều giải thưởng từ các cuộc thi hoa lan ở Sài Gòn, Nha Trang, Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ. Đặc biệt, tại Hội Hoa Xuân Giáp Thìn năm 2024 tổ chức tại công viên Tao Đàn, TP.HCM, Phong đã mang hoa lan của mình tham gia và xuất sắc giành giải Ba. Anh rất tự hào khi tác phẩm của mình được công nhận giữa hàng trăm tác phẩm đẹp từ khắp mọi miền Tổ quốc.

 

Nguyễn Duy Phong: Thất bại là chìa khóa để chia sẻ và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

 

Khi đã thành thạo các kỹ thuật trồng lan, nhân giống và tạo ra những chậu lan đẹp đáp ứng thị hiếu khách hàng, Phong bắt đầu nghiên cứu về marketing. Với mong muốn bán được nhiều hoa để phát triển vườn lan của mình, anh đã tham gia nhiều khóa học về kinh doanh, cách bán hàng qua mạng xã hội, làm video thu hút người xem cũng như viết bài để sản phẩm của mình lọt vào tốp tìm kiếm, giúp tiếp cận nhiều khách hàng hơn.

 

 
Anh Phong chia sẻ: “Học xong không có nghĩa là ngay lập tức có thể bán hàng. Đối với khách mua hàng trực tuyến, họ hoàn toàn xa lạ với mình. Họ chưa biết mình là ai, kênh bán hàng của mình ra sao, và liệu có uy tín hay không. Do đó, người bán hàng cần phải xây dựng thương hiệu và niềm tin cho khách hàng trước”.
 
Vì lý do đó, những ngày đầu khởi nghiệp, anh đã làm rất nhiều video để chia sẻ với khách hàng về cách trồng và chăm sóc hoa lan, kỹ năng lựa chọn mua hàng cho những người mới chơi lan. Anh hướng dẫn cách tuyển chọn những chậu lan đúng giá tiền và kể những câu chuyện về lan đột biến.
Anh Phong cho biết, người mới chơi thường có xu hướng chọn cây với nhiều hoa nhưng không biết rằng khi cây bị kích thích ra quá nhiều hoa, các bộ phận khác như thân, lá và rễ sẽ thiếu dưỡng chất, dẫn đến sự phát triển kém. Sau đợt ra hoa, cây dễ bị yếu hoặc chết. Anh nhấn mạnh rằng, cách chọn lan vừa đẹp vừa bền là phải ưu tiên những cây có bộ rễ khỏe, thân thủ mập. Những chia sẻ thẳng thắn và chân thành của anh đã dần tạo được sự tin yêu từ phía khách hàng.

Sau khi xây dựng được niềm tin và sự yêu mến từ khách hàng thông qua các video chia sẻ kiến thức, anh Phong nhận thấy rằng việc kết nối trực tiếp với khách hàng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Chính vì vậy, anh đã quyết định mở rộng phương thức bán hàng của mình bằng cách livestream.

Trong các buổi livestream, anh không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn tương tác trực tiếp với khách hàng, giải đáp thắc mắc và chia sẻ thêm kinh nghiệm trồng lan. Những buổi livestream này nhanh chóng thu hút nhiều người xem, tạo cơ hội để anh quảng bá sản phẩm và mở rộng đối tượng khách hàng.

Anh Phong đưa ra ví dụ cụ thể: “Khi mang một chậu dendrobium lên, tôi sẽ phân tích về đặc tính sinh trưởng và cách chăm sóc loài hoa này. Khi đó, khách hàng có thể tương tác để hỏi về ưu điểm, nhược điểm và cách chăm sóc của từng dòng lan, tôi sẽ phân tích kỹ càng hơn, trả lời trực tiếp và tương tác với khách hàng một cách gần gũi và thân mật. Từ đó, khách hàng có thêm thông tin về sản phẩm và cảm nhận về người bán qua những phản hồi qua lại, giúp họ dễ dàng đưa ra quyết định chốt đơn hay không. Khi mua hàng trực tuyến ở các buổi livestream, khách thường xem được hàng trước khi nhận hàng, có những ưu điểm, nhược điểm gì, nắm bắt kịp thời trên live, sau đó đóng gói giao nhanh cho khách. Khách hàng đánh giá rất tích cực khi ở xa họ vẫn mua được những sản phẩm ưng ý ngay trên sóng livestream”.

Bán hàng qua livestream mang lại nhiều ưu điểm nhưng để có được những buổi livestream thành công không hề dễ dàng. Mặc dù là dân báo chí chuyên về quay và dựng video, khi mới bắt đầu livestream, Phong chỉ có 1-2 khán giả theo dõi. Lúc đó, anh lo lắng rằng bạn bè sẽ bàn tán: “Học báo chí ra mà giờ đi livestream bán hàng”. Tuy nhiên, với động lực muốn có cuộc sống độc lập và tự chủ, anh đã quyết tâm vượt qua nỗi ngại ngùng ấy.

 

Nguyễn Duy Phong: Thất bại là chìa khóa để chia sẻ và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

 

Sau những buổi livestream đầu tiên không thành công do thiếu chuẩn bị, anh Phong đã đầu tư kỹ lưỡng hơn cho những lần sau. Trước khi bắt đầu, anh thường bật điện thoại để quay video bằng camera trước, tự nói chuyện với chính mình. Anh Phong chia sẻ: “Khi bật camera, mình giới thiệu về bản thân và sản phẩm, rồi xem lại video để tự tin hơn. Đồng thời, tôi cũng lựa chọn góc quay đẹp và điều chỉnh âm sắc, giọng nói cho rõ ràng, để khách hàng dễ nghe. Bên cạnh đó, mình cũng chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra: Nếu khách la mình thì phải làm sao hay nếu khách khen thì phản ứng thế nào,…”

Đến nay, mỗi lần livestream, số lượng khách hàng theo dõi ngày càng tăng. Mỗi ngày, anh Phong bán được 300-400 đơn hàng, trong đó có 70% bán qua livestream. Với diện tích vườn lan là 1.000m2, mỗi năm, anh thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng.  Ngoài ra, anh còn góp phần tạo việc làm cho 26 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân là 8 triệu đồng/ tháng. Không chỉ bán lan vườn nhà, anh còn kết nối nguồn hàng từ các nhà vườn khác để đa dạng sản phẩm.

 

Nguyễn Duy Phong: Thất bại là chìa khóa để chia sẻ và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

Khi thành công với vườn lan của mình, lãnh đạo địa phương mời anh Phong tham gia làm hội viên Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) công nghệ cao Phước Điền.
 

Nguyễn Duy Phong: Thất bại là chìa khóa để chia sẻ và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

 

HTXNN công nghệ cao Phước Điền được thành lập từ năm 2019 với 27 thành viên, tổng diện tích canh tác hơn 10ha, chủ yếu trồng rau. Tham gia vào HTX, anh rất tích cực tham gia những buổi chia sẻ kinh nghiệm trồng lan, kinh nghiệm bán hàng với các hội viên khác. Anh Phong cũng hỗ trợ nhập những giống lan mới từ nước ngoài về cho hợp tác xã. Cũng từ đó, anh được mọi người tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTXNN công nghệ cao Phước Điền.
 
Với vai trò Giám đốc HTXNN công nghệ cao Phước Điền, anh đang xây dựng thêm nhiều kênh bán hàng như Ghiền hoa lan, Hoa lan Long Thượng,... để bán hàng cho hợp tác xã. Anh luôn tận tình chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn mọi người livestream bán hàng. Riêng thành viên nào chưa tổ chức được livestream thì anh sẽ thu mua sản phẩm để hỗ trợ đầu ra cho họ. Hiện anh đã thành lập được một tổ chuyên livestream bán hàng với khoảng 15 người tham gia. Thông qua hình thức livestream này, khách hàng khắp nơi đều biết đến sản phẩm Hoa lan của HTX. Với cách bán hàng livestream này, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã bán được 50 đơn hàng.
 

Nguyễn Duy Phong: Thất bại là chìa khóa để chia sẻ và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

 

Nếu như trước kia các thành viên trong HTXNN công nghệ cao Phước Điền chủ yếu trồng rau, thì gần đây nhờ sự hướng dẫn tận tình của anh Phong, nhiều hội viên đã chuyển sang trồng và kinh doanh hoa lan. Nhờ chuyển đổi cơ cấu câu trồng mà thu nhập của họ cũng được tăng thêm từ 3-5 triệu/tháng. 

Nói về kế hoạch phát triển HTX trong thời gian tới, anh Phong cho biết, anh đang hoàn thiện chỉ tiêu đóng hàng và xây dựng thêm nhiều kênh bán hàng, không chỉ bán lan, mà còn bán các nông sản địa phương như rau sạch đạt chứng nhận VietGAP, giúp HTX bán rau trên nền tảng số, từ từ xây dựng thương hiệu rau cho hợp tác xã. Bên cạnh đó, anh sẽ nâng tầm các buổi livestream với những vị khách mời là người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng hoặc các doanh nghiệp lớn.

 

Nguyễn Duy Phong: Thất bại là chìa khóa để chia sẻ và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp

 

Là đại biểu HĐND cấp xã, anh Phong cho rằng: Để phát triển kinh tế nông thôn bền vững, Nhà nước xem xét triển khai các chính sách hỗ trợ và tổ chức các khóa đào tạo khởi nghiệp dành riêng cho người trẻ ở khu vực nông thôn. Thông qua các chương trình đào tạo, người trẻ sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết trong khởi nghiệp, từ quản lý tài chính đến marketing và phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo ra các quỹ hỗ trợ tài chính, cung cấp vốn vay ưu đãi và kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để tạo ra môi trường khởi nghiệp thuận lợi. Việc này không chỉ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, mà còn khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương.

Những nỗ lực không ngừng của anh Phong trong quá trình khởi nghiệp cũng như sự hợp tác, chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm và kỹ thuật trồng lan, cách bán hàng online cho những người dân địa phương, đã tạo ra những giá trị thiết thực cho cộng đồng, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp. Với những thành tích đã đạt, anh Phong đã được bình chọn là công dân trẻ tiêu biểu tỉnh Long An năm 2024./.

An Thuận - Trần Quân

Ngày xuất bản: 15/10/2024
Chia sẻ: