Nguyễn Thị Sari: Chiến thắng nghịch cảnh để sống đẹp hơn mỗi ngày

 

Nguyễn Thị Sari: Chiến thắng nghịch cảnh để sống đẹp hơn mỗi ngày

Nguyễn Thị Sari sinh năm 1985 trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Nhà không có ruộng, cha mẹ Sari làm nghề lưới cá sinh sống. Lúc mới sinh, cha mẹ đặt cho chị cái tên rất đẹp - Nguyễn Thị Bích Tiên. Vì đau bệnh hoài nên gia đình đổi tên là Sari, tên một loại trái cây dân dã, với mong muốn chị được khỏe mạnh hơn.

Trong suốt thời thơ ấu, Sari dường như “mắc kẹt” trong bệnh tật. Cơn sốt bại liệt lúc 3 tuổi đã cướp đi đôi chân của Sari. Vì thương Sari, cha mẹ cố hết sức chạy chữa, kể cả khi nhà hết tiền, tài sản phải cầm cố, chạy vạy chỗ nọ, chỗ kia để vay mượn tiền chữa bệnh nhưng đôi chân của Sari vẫn cong queo.

 

Nguyễn Thị Sari: Chiến thắng nghịch cảnh để sống đẹp hơn mỗi ngày

 

Không đi lại được, hoàn cảnh lại khó khăn, gia đình không thể mua xe lắc tay cho Sari. Ngày khai giảng, thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, Sari ngồi trong nhà nhìn theo ao ước. Vì bệnh tật mà con đường đến trường của Sari trở nên xa vời, những điều tưởng chừng như bình thường với những đứa trẻ khác thì đối với Sari là cả một giấc mơ. Với Sari, thậm chí ra khỏi nhà cũng không dám vì sợ bạn bè chế giễu là “con nhỏ què” với đôi chân co quắp, dị dạng.

Nguyễn Thị Sari: Chiến thắng nghịch cảnh để sống đẹp hơn mỗi ngày

 

Chị hai của Sari sinh năm 1983, biết nỗi lòng của em gái nên xin cha mẹ được cõng Sari tới trường, mỗi ngày đi về gần 2km. Từ dạo ấy, Sari đi học trên đôi vai của chị. Lòng cô gái nhỏ âm thầm vui sướng và biết ơn người chị đã không ngại vất vả để giúp Sari biết đọc, biết viết, có chữ nghĩa làm hành trang vào đời.

Từ năm học lớp 4 trở đi, Sari học tại một cơ sở khác của Trường Tiểu học Phước Đông 1. Đoạn đường đến lớp của Sari tăng gấp ba, đi về khoảng 6km. Lúc này, chị gái bế Sari lên chiếc xe đạp cũ để chở đến trường. Do trường của 2 chị em ngược hướng nên chở Sari đến lớp xong, chị gái quay ngược lại ngôi trường cấp 2 của mình. Hiệu phó Trường Tiểu học Phước Đông 1 - Trương Thị Cẩm Thúy, nơi Sari học, rất thương hoàn cảnh của 2 chị em. Cô âm thầm vận động giáo viên trong trường quyên góp để mua xe lắc cho Sari.

Nguyễn Thị Sari: Chiến thắng nghịch cảnh để sống đẹp hơn mỗi ngày

Giữa năm lớp 4, Sari nghỉ học để tham gia phẫu thuật từ thiện và tập vật lý trị liệu. Sau 6 tháng, đôi chân co quắp được mở ra như người bình thường nhưng vẫn yếu và không thể đi lại được.

Năm sau, Sari học lại lớp 4, các thầy, cô Trường Tiểu học Phước Đông 1 tặng Sari chiếc xe lắc tay để đến trường.

Lúc này, chiếc ghe - phương tiện để cha Sari đi đánh bắt cá nuôi gia đình cũng phải bán để trả nợ. Mùa hè năm đó, cả gia đình 4 người dắt díu nhau lên TP.HCM mưu sinh. Hai chị em phụ mẹ bán cháo đậu, canh bún và khoai lang luộc. Sari và chị tiết tiệm, dành dụm với mong muốn mùa tựu trường năm sau, cha mẹ có đủ tiền, sẽ cho đi học lại, được hội ngộ bạn bè và thầy cô dưới mái trường thân yêu.

Đến mùa tựu trường năm lớp 5, hai chị em rời TP.HCM, về quê ở với ngoại để tiếp tục đi học. Chị hai học đến lớp 9 thì nghỉ để nhường phần cho Sari vì gia đình không kham nổi chi phí nếu 2 chị em đều đi học. Sau khi tốt nghiệp THPT, không có tiền để ôn luyện và nộp hồ sơ thi đại học, Sari đến Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật tại TP.HCM xin học vi tính 6 tháng.

 

Nguyễn Thị Sari: Chiến thắng nghịch cảnh để sống đẹp hơn mỗi ngày

 

Dù đã học nghề nhưng khi xin việc, Sari chỉ được nhận vào làm công việc cắt chỉ tại một xưởng may ở quận Tân Bình, TP.HCM. Tại đây, cũng có người khuyết tật giống như Sari được ông Trần Hoàng Minh (SN 1943) đưa đón mỗi ngày. Ông Minh là mạnh thường quân cưu mang và giúp đỡ những bạn trẻ khuyết tật từ các tỉnh đến TP.HCM lập nghiệp. Sau khi được giám đốc công ty giới thiệu, ông Minh nhận Sari về mái ấm Mùa Xuân của mình.

Ông Minh cho biết: “Khi trò chuyện với Sari, biết Sari có ước mơ được vào đại học, tôi rất ấn tượng về tinh thần không đầu hàng nghịch cảnh của Sari. Khi đó, tôi đã động viên Sari rằng: “Bác rất hoan nghênh và hỗ trợ con thực hiện ước mơ, tuy nhiên, mái ấm Mùa Xuân còn nghèo nên con phải nỗ lực nhiều””.

Con đường đến với đại học của Sari thông qua bơi lội. Ông Minh kể lại: “Ngày đầu xuống nước, Sari đã không làm tôi thất vọng. Tuy không thật sự có năng khiếu nhưng ý chí của cô bé có thể đánh bại mọi khó khăn”. Do đó, chỉ trong vòng 6 ngày, Sari đã bơi qua lại hồ 50m dễ dàng. Với kết quả đó, ông Minh động viên: “Cổng trường đại học đã trước mắt con rồi đó, cố gắng lên!”.

Nguyễn Thị Sari: Chiến thắng nghịch cảnh để sống đẹp hơn mỗi ngày

Nhắc lại những ngày đó, Sari vẫn nhớ như in: “Khi mới học bơi, tôi bị uống nước rất nhiều vì 2 chân cứ chìm, không giữ được thăng bằng. Tuy nhiên, để thực hiện ước mơ vào đại học, tôi không ngại dành nhiều thời gian hơn để luyện tập”.

Trong hành trình đi đến ước mơ, Sari may mắn có ông Minh đồng hành. Kỷ niệm mà Sari không quên trong những ngày khởi đầu gian khổ là ông Minh chở Sari và 2 bạn khuyết tật đi đến hồ bơi trên chiếc xe máy cũ. Trời mưa to, đường ngập nước, xe chết máy, ông cõng từng đứa xuống để đi sửa xe, rồi cõng lên xe đi tiếp. Sau đó, xe lại chết máy lần nữa, ông phải dắt bộ, trên xe có 3 “đứa con” khuyết tật. Hôm ấy, Sari rất xúc động và thương ông Minh. Sari tự nhủ với lòng sẽ cố gắng bơi tốt để không phụ lòng của ông Minh.

Nguyễn Thị Sari: Chiến thắng nghịch cảnh để sống đẹp hơn mỗi ngày

Sau 3 tháng tập luyện, Sari được chọn đi thi đấu tại Huế và đoạt 3 huy chương vàng giải quốc gia.

Nguyễn Thị Sari: Chiến thắng nghịch cảnh để sống đẹp hơn mỗi ngày

 

Nhắc đến Sari, ông Minh tự hào: “Sari là niềm tự hào của mái ấm Mùa Xuân. Hơn 20 năm đưa các em tham gia các kỳ thi, chưa bao giờ tôi hào hứng bằng lúc xem Sari thi cự ly 100m bơi ếch loại thương tật S6-SB5 ở Đà Nẵng năm 2010. Lúc quay đầu 50m, Sari đã kém tới 4-5m. Khi đó, thấy Sari có vẻ lo buồn, tôi động viên: “Cố gắng lên, con không thua đâu!”. Cả hồ hò reo, cổ vũ, khoảng cách dần rút ngắn. Kết quả, Sari đã trước đối thủ chỉ gang tấc, tiếng vỗ tay tán thưởng không ngớt. Tôi vô cùng xúc động, thương sự nỗ lực của Sari đến chảy nước mắt”.

Nhờ số tiền thưởng từ những huy chương ấy, Sari có tiền giúp gia đình và tiếp tục theo đuổi con đường học vấn còn dang dở lúc gia đình gặp khó khăn.

Sari chọn học Đại học Hùng Vương vì từ mái ấm Mùa Xuân, nơi chị ở, có một tuyến xe buýt đi đến trường. Sari chọn ngành tiếng Anh vì điều đó giúp chị giao tiếp thuận lợi hơn khi thi đấu ở nước ngoài. Vừa đi học, vừa luyện tập, Sari còn đi làm thêm suốt gần 4 năm học đại học. Năm 2012, vì phải tăng tốc học cho kỳ thi tốt nghiệp, huấn luyện viên yêu cầu Sari chọn một trong hai: Bơi lội hoặc học đại học? Sari đành chia tay đội tuyển quốc gia.

Ngoài việc dành dụm tiền thưởng trong các kỳ thi đấu cho việc học, Sari dành phần nhiều giúp đỡ gia đình. Tiền thưởng từ 2 chiếc huy chương bạc ASEAN Para Games 2008, 3 chiếc huy chương vàng ASEAN Para Games 2009, Sari đưa cha mẹ trả nợ; phần còn lại đầu tư vào quán cháo của mẹ và phụ giúp chuyện ăn học cho 2 cô em gái sinh năm 1992 và 1999.

Năm 2012, trong lễ trao bằng tốt nghiệp cử nhân tại rạp Hòa Bình, TP.HCM, thấy Sari bé xíu xuất hiện với đôi nạng, cả hội trường đứng dậy vỗ tay. Sari xúc động rơi nước mắt, những giọt nước mắt sung sướng pha lẫn tự hào.

 

Nguyễn Thị Sari: Chiến thắng nghịch cảnh để sống đẹp hơn mỗi ngày

 

Năm 2013, ở tuổi 28, Sari quyết định làm mẹ đơn thân với mong muốn có một đứa con để yêu thương và làm bạn trong cuộc sống.

Sari giấu mọi người chuyện mang thai. Để có tiền nuôi con, Sari cố gắng luyện tập và quay lại đội tuyển quốc gia. Năm đó, Sari được tiền thưởng kha khá với nhiều huy chương bạc, đồng khi tham dự giải ở Myanmar.

Mỗi ngày, dù bận rộn thế nào, Sari vẫn dành thời gian tập thể lực ít nhất 60 phút trên máy kéo tự chế. Bên cạnh đó, Sari phải co duỗi cánh tay nâng chai nước suối lên cao hơn đầu, mỗi tay nâng 200 lần. Ngoài ra, Sari còn tập căng 2 cánh tay rộng ra giữ 2 đầu dây rồi kéo từ sau ra trước, mỗi lần tập khoảng 50 cái. Những động tác tưởng chừng đơn giản nhưng phải tập lại nhiều lần rất mỏi và đau. Bù lại, nó giúp đôi tay của Sari lên cơ và dẻo dai hơn.

 

 

Nhờ kiên trì luyện, chỉ hơn 2 tháng sau khi sinh con, Sari lại tham dự giải quốc gia, đoạt huy chương bạc. Đến nay, Sari vẫn giữ phong độ thi đấu, tháng 8/2023, Sari đoạt Huy chương Vàng tại Giải Bơi lội khuyết tật toàn quốc tại Cần Thơ.

 

Nguyễn Thị Sari: Chiến thắng nghịch cảnh để sống đẹp hơn mỗi ngày

Tháng 8/2023, Sari đoạt Huy chương Vàng tại Giải Bơi lội khuyết tật toàn quốc tại Cần Thơ

Bé Nguyễn Thiện Duyên (tên thường gọi Tiểu Quyên) - con gái của Sari năm nay 9 tuổi, đã biết giúp mẹ dọn dẹp, quét nhà, giặt và phơi quần áo. Dù cuộc sống còn vất vả nhưng Sari nói thấy con cười là quên hết mọi mệt nhọc và dặn lòng phải cố gắng để con gái có tương lai tốt hơn.

Vừa đi làm, vừa chăm con nhỏ, lại phải dành thời gian luyện tập để thi đấu, bận bịu vậy nhưng Sari vẫn tranh thủ mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em ở địa phương. Lớp học hình thành năm 2016 và được duy trì cho đến nay.

 

 

Lớp học diễn ra 3 buổi một tuần vào tối thứ bảy, chủ nhật và thứ hai. Ngoài dạy môn chính là tiếng Anh, Sari hướng dẫn các môn học khác như Toán, Ngữ văn. Riêng môn tiếng Anh, Sari chỉ nhận những em bị mất căn bản. Sau một khoảng thời gian, các em học khá hơn, Sari khuyên đến trung tâm ngoại ngữ để được đào tạo tốt hơn.

Sau 7 năm mở lớp, đến nay, có khoảng 100 học sinh đã từng tham gia lớp học miễn phí của Sari.

Sari cho biết lý do tổ chức và duy trì lớp học 0 đồng trong 7 năm qua là vì khi học cấp 2, Sari từng bị mất căn bản tiếng Anh nhưng không có tiền đi học thêm. Kết quả xếp loại học lực năm đó bị hạ từ giỏi xuống khá. Chính vì vậy, Sari muốn giúp những học sinh đồng cảnh ngộ với mình như trước.

 

Nguyễn Thị Sari: Chiến thắng nghịch cảnh để sống đẹp hơn mỗi ngày

Bên cạnh đó, do nhiều lần đi nước ngoài để thi đấu, Sari hiểu tầm quan trọng của tiếng Anh trong giao tiếp. Sari muốn chia sẻ những kỹ năng mình có cho các em nhỏ ở quê. Đồng thời, dạy tiếng Anh cho các em nhỏ cũng là dịp Sari ôn lại kỹ năng ngôn ngữ đã học.
 
Sari nói: “Trong hành trình chiến đấu với bệnh tật, tôi may mắn được nhiều người có tấm lòng hảo tâm giúp đỡ như các thầy cô ở Trường Tiểu học Phước Đông 1, Trường Đại học Hùng Vương. Khi xây nhà, tôi cũng được Liên đoàn Lao động trao tặng Mái ấm Công đoàn, đặc biệt là bác Minh ở mái ấm Mùa Xuân hỗ trợ,... Do vậy, tôi mong muốn làm được một việc gì đó để tri ân cuộc đời. Chính vì thế, tôi duy trì lớp học 0 đồng này để giúp các em nhỏ ở quê”.
 
Sari, cô giáo của lớp học 0 đồng xem các em như người bạn. Sari luôn tạo không khí gần gũi, vui tươi, thoải mái để các em tiếp thu bài tốt hơn. Em nào học tốt, Sari thưởng bánh, kẹo để khuyến khích./.
Ngày xuất bản: 17/10/2023
Chia sẻ: