Ở tuổi ngoài 80, nhà báo lão thành Lê Vân (nguyên Tổng Biên tập Báo Long An) vẫn nhớ như in những ngày còn gắn bó với nghề báo. Nói chuyện nghề, ông trở nên sôi nổi, nhiệt huyết như thời còn trai trẻ. Với nhà báo Lê Vân, dù không còn trực tiếp làm việc nhưng ông vẫn luôn dõi theo từng bước đi, từng chặng đường phát triển của báo chí tỉnh nhà.

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Làm báo từ cái tâm, tầm và tài (Kỳ cuối)

 

Ở tuổi ngoài 80, dù về hưu đã lâu nhưng nhà báo Lê Vân còn rất nặng lòng với nghề báo. Với ông, việc xem tin tức, nắm bắt tình hình thời sự của ông cũng như “hơi thở”  hàng ngày, để không “chậm nhịp” với thời đại.

Làm báo thời xưa và thời nay có nhiều đổi khác, từ phương tiện đến kỹ năng tác nghiệp, cách thể hiện đề tài hay thực hiện những thể loại mới, tuy nhiên, dù làm báo xưa hay nay đều phải có sự học hỏi, phải rèn luyện đạo đức, hết lòng phục vụ nhân dân. Với nhà báo Lê Vân, trong câu chuyện với thế hệ người làm báo trẻ như chúng tôi, ông thường nhắc đi nhắc lại một bài học không bao giờ cũ khi theo nghề: “Người làm bảo phải yêu nghề và phải đọc, phải học, còn làm nghề là còn học. Bản thân tôi tham gia cách mạng và viết báo từ năm 22 tuổi, đến giờ tôi vẫn yêu báo, tôi viết những gì tôi làm, đọc được bài báo nào hay thì tôi ghi chép ngay. Làm báo trên 50 năm tôi vẫn thấy mình còn khờ, còn chậm, các anh em trẻ bây giờ rất nhanh nhạy, nhiều người viết rất hay, rất giỏi, đặc biệt có nhiều người viết tùy bút rất hay mà bản thân tôi khó có thể làm được”.

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Làm báo từ cái tâm, tầm và tài (Kỳ cuối)

Bài Báo "Mùa Xuân và ý nghĩa của nó" của nhà báo Lê Vân đăng trên Báo Xuân Long An Mậu Ngọ 1978

Đặc biệt, ông vẫn nhớ mãi lời dạy của những bậc tiền bối của mình là nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương – Nhà báo Hữu Thọ và nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Nhà báo Phan Quang là viết báo phải có người đọc thì mới có hiệu quả tuyên truyền. Ông nhắn nhủ chúng tôi rằng phải “viết để đọc chứ không phải viết để đó”, phải đọc bài mình và đọc bài của đồng nghiệp từ báo mình lẫn báo bạn, học những cái hay để đúc kết cho bản thân mình. Thông tin được tuyên truyền phải hiệu quả thì mới viết, phải xem sự phản hồi của những nơi, những người mình từng viết thì mới biết bài viết ấy có tác động ra sao, việc tuyên truyền có “thấm”, có hiệu quả hay không, như vậy thì bài báo mới thực sự ý nghĩa. Làm báo là tuyên truyền chứ không phải “đủ chữ, đầy trang” và nhận nhuận bút cho xong!

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Làm báo từ cái tâm, tầm và tài (Kỳ cuối)

Những đóng góp của nhà báo Lê Vân đối với Báo Long An nói riêng, báo chí tỉnh nhà cũng như cả nước nói chung sẽ luôn được thế hệ làm báo hôm nay và mai sau trân trọng, ghi nhớ

Thế mới thấy, dù ở tuổi nào, trái tim hướng về nghề báo của ông vẫn vô cùng mãnh liệt, vẫn đau đáu, trăn trở với nghề. Dù không có cơ hội làm việc, sống, chiến đấu cùng thời với nhà báo Lê Vân nhưng qua lời kể từ các tiền bối cũng như trò chuyện trực tiếp với ông, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết, “lửa nghề” vẫn cháy, sáng trong lòng của “cây đại thụ” trong làng báo Long An.

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Làm báo từ cái tâm, tầm và tài (Kỳ cuối)

Từ phải qua: Nguyên Tổng Biên tập Nguyễn Văn Hồng, Phó Tổng Biên tập phụ trách Phùng Tấn Tú, Nguyên Tổng Biên tập Đặng Niềm, nhà báo Lê Vân cùng vợ, Nguyên Phó Tổng Biên tập Nguyễn Minh Cường, Phó Tổng Biên tập Châu Hồng Khá

Những gì ông chia sẻ đều là những kinh nghiệm quý báu mà ông đúc kết trong hơn 50 năm làm nghề cùng vốn sống của một người đã từng trải từ thời chiến đến thời bình, chứng kiến bao đổi thay của đất nước. Những đóng góp của ông đối với Báo Long An nói riêng, báo chí tỉnh nhà cũng như cả nước nói chung sẽ luôn được thế hệ làm báo hôm nay và mai sau trân trọng, ghi nhớ, nguyện tiếp bước để giữ vững “bút sáng, lòng trong”.

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Làm báo từ cái tâm, tầm và tài (Kỳ cuối)

 

Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Long An – Phùng Tấn Tú cho biết: “Tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, đặc biệt là của nhà báo Lê Vân, những người làm báo Báo Long An hôm nay luôn năng động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác cao trong nghề nghiệp, sẵn sàng xông pha đến những vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh để nắm rõ thông tin phản ánh kịp thời đến bạn đọc. Đây là những nhân tố thuận lợi để tòa soạn vững tin phát triển, thực hiện những kế hoạch, định hướng đề ra”./.

Thanh Hiểu – Phạm Ngân

Ngày xuất bản: 21/06/2021
Chia sẻ: