Ở tuổi ngoài 80, nhà báo lão thành Lê Vân (nguyên Tổng Biên tập Báo Long An) vẫn nhớ như in những ngày còn gắn bó với nghề báo. Nói chuyện nghề, ông trở nên sôi nổi, nhiệt huyết như thời còn trai trẻ. Với nhà báo Lê Vân, dù không còn trực tiếp làm việc nhưng ông vẫn luôn dõi theo từng bước đi, từng chặng đường phát triển của báo chí tỉnh nhà.

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Làm báo từ cái tâm, tầm và tài (Kỳ I)

 

Mấy mươi năm trôi qua nhưng những ký ức về một thời làm báo rực lửa, bằng tình yêu nước và lý tưởng cách mạng vẫn nguyên vẹn trong tâm trí của nhà báo Lê Vân. Đó là lúc sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc nhưng ông luôn dũng cảm vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ của một nhà báo – chiến sĩ.

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Làm báo từ cái tâm, tầm và tài (Kỳ I)
 

Những ngày trung tuần tháng 6, chúng tôi có dịp đến gian nhà nhỏ của nhà báo Lê Vân tại thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Trái với không khí náo nhiệt bên ngoài, căn nhà của ông như một không gian tách biệt với rất nhiều sách vở, tư liệu cả mới lẫn cũ, cùng chồng báo còn thơm mùi mực của những ngày gần đây.

Niềm nở đón chúng tôi, ông mở đầu câu chuyện nghề bằng câu phàn nàn rằng “sáng giờ chưa thấy ai giao báo”. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Kim Em tươi cười: “Ngày nào ông cũng trông mấy tờ báo để đọc, không bỏ sót ngày nào. Mới đây bị bệnh, nằm viện nhiều ngày liền nhưng ông cũng phải mua cho được mấy tờ báo để đọc hàng ngày”. Tuổi cao nhưng nhà báo Lê Vân vẫn dõi theo từng sự kiện, thông tin tình hình thời sự trong nước cũng như tại địa phương.

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Làm báo từ cái tâm, tầm và tài (Kỳ I)

Dù tuổi cao nhưng nhà báo Lê Vân vẫn duy trì thói quen đọc báo, theo dõi tin tức, cập nhật tình hình thời sự hàng ngày

Lần giở từng trang báo đã ố màu thời gian, nhà báo Lê Vân kể cho chúng tôi nghe về một thời trai trẻ “tay cầm súng, tay cầm viết” thời làm báo trong kháng chiến. Nhà báo Lê Vân tên thật là Tạ Lê Vân, sinh năm 1941, quê ở xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc trong một gia đình có truyền thống cách mạng.

Năm 1963, được sự dìu dắt từ người chị lớn (chiến sĩ cách mạng Tạ Thị Thu Hương, từng có 9 năm bị cầm tù tại Côn Đảo), cậu học sinh Lê Vân của Trường Chu Văn An (Sài Gòn) vừa học xong tú tài, tương lai đang rộng mở thì lên đường tòng quân, trở thành phóng viên trẻ của báo Quyết Tiến (tiền thân của Báo Long An ngày nay) thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Long An. Lúc ấy, tờ báo chỉ có 7 người gồm 5 phóng viên, sách báo, tài liệu thì hiếm, cậu học sinh Lê Vân chập chững học cách viết tin, bài từ đàn anh đi trước, bắt đầu sự nghiệp làm báo cách mạng tuy gian nan mà rất đỗi vinh quang của mình.

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Làm báo từ cái tâm, tầm và tài (Kỳ I)

Báo Quyết Tiến (tiền thân của Báo Long An) - nơi khởi đầu sự nghiệp làm báo của nhà báo Lê Vân

“Vừa học xong thì tham gia cách mạng, tôi còn ngô nghê lắm, đi làm báo mới được mở mang kiến thức chính trị, đường lối, hiểu về công tác quần chúng, xây dựng Đảng; biết thế nào là lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích) rồi “2 chân (đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị), 3 mũi (quân sự, chính trị và binh vận)”.

Ngày đó, tôi được các anh đi trước hướng dẫn, chỉ dạy chứ không được đào tạo bài bản như các em, các cháu thời nay. Báo chí lúc bấy giờ có vai trò vận động quần chúng xây dựng, ủng hộ cách mạng, đấu tranh chính trị, đưa con em mình trở về với cách mạng; vận động quần chúng tòng quân, xây dựng các lực lượng quân sự của cách mạng,… Để viết một bản tin thì phải đốt đèn dầu, viết nháp cứ xóa tới xóa lui, rồi phải đốt đi các bản nháp vì nếu giặc phát hiện thì ảnh hưởng đến cả gia đình người dân đang cưu mang mình” – Nhà báo Lê Vân hồi tưởng.

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Làm báo từ cái tâm, tầm và tài (Kỳ I)
 

Cuối năm 1964, bản tin đầu tiên của anh phóng viên trẻ Lê Vân là sự kiện thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An tại xã An Ninh, huyện Đức Hòa; rồi tác phẩm thứ 2 là công tác xây dựng chi bộ, xây dựng lực lượng du kích, đặc biệt là công tác quần chúng của Chi bộ xã An Ninh.

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Làm báo từ cái tâm, tầm và tài (Kỳ I)

 

Chàng học sinh mới rời ghế nhà trường, vóc dáng mảnh khảnh, mỗi lần đi công tác thường chậm hơn mấy cô giao liên nên cứ bị chọc là “học trò lụm khụm toàn đi sau chót, coi chừng lọt ruộng”. Ấy vậy mà “cậu học trò” ấy lại rất dũng cảm, nhận nhiệm vụ đi công tác ở nơi xa nhất là từ căn cứ Đức Huệ về vùng Hạ, băng qua Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1) – tuyến đường này địch phục kích bắn ta rất nhiều, nhiều anh em giao liên, chiến sĩ hy sinh tại con đường huyết mạch ấy. Trong 1 năm, nhà báo Lê Vân đi công tác rất nhiều lần để về vùng Hạ, nhiều nhất là thời điểm năm 1965 đến 1967.

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Làm báo từ cái tâm, tầm và tài (Kỳ I)

Nhà báo Lê Vân - Người từng một thời “tay cầm súng, tay cầm viết” trong kháng chiến

Trong một lần đi công tác về Cần Giuộc, đến xã Phước Tuy – huyện Cần Đước, nhà báo Lê Vân bị sụp chông, chân sưng đau nhiều ngày không thể đi lại, phải ở lại nhà dân đợi lành hẳn thì mới tiếp tục lên đường.

“Người làm báo – chiến sĩ đi đâu cũng được dân tin, dân quý, họ bảo bọc, che chở cho mình giữa vòng vây binh lính. Thời ấy, anh em sống trong gian khổ mà đầm ấm, tình cảm đồng chí, đồng đội khắng khít vô cùng. Rồi cũng không ít lần, tôi cũng chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trên tay mình. Trong số 22 nhà báo liệt sĩ của Long An, riêng đơn vị của mình, trong vòng 10 năm từ 1960-1970 có đến 6 đồng chí hy sinh. Làm báo thời ấy gian nan, nguy hiểm vô cùng, lằn ranh giữa sự sống – cái chết mong manh lắm!”, giọng chùn xuống, nhà báo Lê Vân xúc động...

(Còn tiếp)

Nhà báo cách mạng Lê Vân: Làm báo từ cái tâm, tầm và tài (Kỳ I)

 

Thanh Hiểu - Phạm Ngân

Ngày xuất bản: 19/06/2021
Chia sẻ: