Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

 

Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Long An xảy ra 11 điểm sạt lở nghiêm trọng và 2 điểm có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Tổng chiều dài sạt lở trên 2km, cuốn trôi hàng ngàn mét khối đất, 7 căn nhà của người dân cùng nhiều tài sản khác; đường giao thông nông thôn bị chia cắt, ước tổng thiệt hại trên 2 tỉ đồng. Nguyên nhân sạt lở, sụt lún đất do đâu? Các cấp, các ngành, địa phương và người dân cần có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng sạt lở. 

 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

Trong 11 điểm sạt lở nghiêm trọng, huyện Cần Giuộc xảy ra 2 điểm. Điểm sạt lở thứ nhất tiếp giáp giữa sông Cần Giuộc với Đường tỉnh 826C, sạt lở khoảng 36m, làm sụt lún 7 căn nhà của 2 hộ dân, tổng thiệt hại gần 1,4 tỉ đồng. Điểm sạt lở thứ hai tại vị trí rạch Bàu Le giáp sông Kênh Hàn, thuộc ấp Thạnh Trung, xã Phước Vĩnh Đông, làm sụt lún chiều dài 80m, trong đó, sạt lở, sụt lún nghiêm trọng một đoạn đường dân sinh dài khoảng 20m, chiều sâu sụt lún từ 2-3m, sạt lở lấn sâu từ bờ rạch đến sát mép hàng rào nhà dân khoảng 8m, cắt đứt hoàn toàn tuyến đường dân sinh của 16 hộ dân sinh sống bên trong (trong khu vực có khoảng 30 hộ sinh sống). Hai điểm sạt lở tại huyện Cần Giuộc đều xảy ra vào ban đêm, diễn biến rất nhanh và bất ngờ, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
 
 
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc) cho biết: “Khoảng 22 giờ, ngày 08/7/2023, người dân phát hiện sạt lở tại rạch Bàu Le và thông báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp khắc phục kịp thời. Một đoạn đường giao thông nông thôn bị cắt đứt, người dân đi lại khó khăn”.
 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

 
Ngoài 2 điểm sạt lở trên, huyện Cần Giuộc còn ghi nhận 9 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở tại các xã: Phước Lại, Long Hậu, Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây và thị trấn Cần Giuộc. Trong đó, xã Phước Vĩnh Đông ghi nhận 4 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở, gồm: Đường Xóm Đáy - Lò Than (ấp Đông An); bờ sông Ba Làng (ấp Đông An); bến phà Kênh Hàn (ấp Đông Bình) và bến phà Kênh Hàn (ấp Vĩnh Thạnh). Không chỉ vậy, cặp sông Ba Làng, sông Kênh Hàn của xã Phước Vĩnh Đông có hàng trăm điểm sạt lở lớn, nhỏ, được người dân gia cố bằng cừ tràm nhưng chẳng thấm vào đâu khi “mẹ thiên nhiên” đang tiếp tục nổi giận.
 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

Cặp sông Ba Làng, sông Kênh Hàn, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, có hàng trăm điểm sạt lở lớn, nhỏ, được người dân gia cố bằng cừ tràm nhưng chẳng thấm vào đâu khi “mẹ thiên nhiên” đang tiếp tục nổi giận
 
Ông Nguyễn Văn Nhân (SN 1974, ngụ ấp Đông Bình, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Trước đây, tôi có 2 căn nhà xây cặp nhau ở bến phà Kênh Hàn, thế nhưng, sạt lở ngày càng nhiều, 1 căn nhà bị “hà bá” nuốt chửng hoàn toàn; căn còn lại nằm cặp bến phà Kênh Hàn, phần sau nhà sụt xuống hẳn so với phần trước. Khi nước lớn, mực nước lên sát nhà, mỗi lần ghe, tàu đi ngang, từng đợt sóng lại đập mạnh vào nhà khiến sinh hoạt rất bất tiện. Hy vọng các cấp, các ngành sớm có giải pháp hỗ trợ gia đình an cư”.
 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

Ông Nguyễn Văn Nhân (SN 1974, ngụ ấp Đông Bình, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc)
lo lắng khi sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng

 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

 

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần thông tin: “Tỉnh có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, với chiều dài trên 8.286km, trong đó, trên 800km nằm trên các sông, kênh, rạch lớn, có nền đất mềm, yếu, dòng nước chảy xiết và lượng tàu, thuyền qua lại thường xuyên; đồng thời, tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng,… là những nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở nghiêm trọng thời gian qua”.

Số điểm sạt lở ở các huyện trên địa bàn tỉnh Long An:

 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

 

Vụ sạt lở, sụt lún tại vị trí khu vực đê bao sông Vàm Cỏ Tây (ấp 1, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) với tổng chiều dài khoảng 150m, trong đó, tại 1 đoạn nhà bà Đặng Thị Trúc bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 70m, độ sâu khoảng 5m, lấn sâu vào trong khoảng 10m, sụt lún so với mặt đê hiện trạng từ 0,5-1m. Vụ sạt lở này làm một hàng rào bêtông (chiều dài 40m) sụp xuống sông, sụt lún, nứt tường nhà kho sấy lúa và nứt sân nhà của các hộ dân sống cặp đê. Thông tin từ ngành chuyên môn, nguyên nhân sạt lở là khu vực này nằm trong đoạn sông cong, lõm, địa chất mềm yếu; đồng thời, chịu tác động của dòng chảy đáy cùng lượng tàu, thuyền qua lại nhiều, bị xoáy hàm ếch, gây ra sạt lở.

 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

Một trong những nguyên nhân sạt lở là người dân tự ý xây dựng các công trình kiên cố cặp mé sông

 

Một nguyên nhân khác dẫn đến sạt lở còn do tập quán người dân thường xây dựng nhà ở cặp mé sông, kênh để thuận lợi trong việc sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản,… Một số người dân xây dựng trái phép các công trình, lấn chiếm lòng sông, cản trở dòng chảy gây sạt lở.

Vụ sạt lở tại khu vực đường cặp sông Vàm Cỏ Tây, (xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa) phần nào do 1 người dân tự ý đóng cừ, xây dựng bờ kè lấn chiếm lòng sông, cộng với việc xây dựng hàng rào kiên cố nên làm gia tăng tải trọng lên nền đất yếu dẫn đến sạt lở làm sụt lún hoàn toàn một đoạn đường giao thông dài gần 20m và 1 hàng rào của người dân bị sạt lở xuống sông.

 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

Không chỉ linh hoạt, chủ động ngay khi các địa phương xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng, tỉnh còn huy động tất cả nguồn lực thực hiện tốt công tác phòng, chống sạt lở, sụt lún đất trong mùa mưa, bão.
 
Sáng ngày 01/7/2023, người dân sống xung quanh cầu Bún Bà Của phát hiện vết nứt ngay chân cầu (km65+400) Quốc lộ (QL) 62 - QLN2 (đoạn QL62 trùng QLN2, thuộc ấp 2, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa). Lo sợ mất an toàn, người dân báo chính quyền địa phương. Sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo UBND huyện khẩn trương đến hiện trường để kịp thời chỉ đạo xử lý; đồng thời, báo cáo UBND tỉnh yêu cầu Công ty Cổ phần Xây dựng 676 tiến hành khắc phục. Ngày 02/7/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm cùng đại diện Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến khảo sát và yêu cầu Công ty Cổ phần xây dựng 676 khắc phục nhanh, bảo đảm phương tiện lưu thông an toàn.
 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

Đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm (thứ 4, trái qua) làm Trưởng đoàn trực tiếp chỉ đạo khắc phục sạt lở tại xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa 

 

Trong vòng 4 ngày, điểm sạt lở tại cầu Bún Bà Của được xử lý, thông xe, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện. Ông Nguyễn Văn Ba (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) bộc bạch: “Tôi thường xuyên qua lại trên đoạn đường thuộc km 65+400 nên rất sợ khi thấy sạt lở. Song, các cấp, các ngành nhanh chóng khắc phục, người dân đi lại thuận tiện hơn”.

Từ năm 2020 đến nay, bằng các nguồn vốn, tỉnh thi công hoàn thành 4 công trình, với tổng chiều dài 7.940m, kinh phí thực hiện trên 959 tỉ đồng; 9 công trình đang triển khai thi công và chuẩn bị đầu tư với chiều dài 14.688m, kinh phí thực hiện trên 2.440 tỉ đồng. Các dự án này mang lại hiệu quả đáng kể trong việc nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phòng, chống sạt lở, xâm nhập mặn, triều cường. Qua đó, góp phần chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH ở các địa phương.

 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

Từ năm 2020 đến nay, bằng các nguồn vốn, tỉnh thi công hoàn thành 4 công trình, với tổng chiều dài 7.940m, kinh phí thực hiện trên 959 tỉ đồng; 9 công trình đang triển khai thi công và chuẩn bị đầu tư với chiều dài 14.688m, kinh phí thực hiện trên 2.440 tỉ đồng

 

Đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình giúp tỉnh thực hiện tốt công tác PCTT trong thời gian qua trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, điều này cũng chẳng thấm vào đâu khi số vụ sạt lở, sụt lún đất vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại.

 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

Thời gian qua, công tác phòng, chống sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án phòng, chống sạt lở đất. Tuy nhiên, nguồn kinh phí xây dựng vẫn chưa bảo đảm so với nhu cầu thực tế của địa phương. Điều này khiến nhiều người dân sống trong điểm sạt lở lo sợ và hy vọng chính quyền địa phương sớm có giải pháp khắc phục. Tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện 14 công trình phòng, chống thiên tai (PCTT) cấp bách tại 14 điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, với tổng kinh phí gần 3.800 tỉ đồng.
 
 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

Công trình Xử lý sạt lở, bảo vệ Di tích lịch sử Miễu Ông Bần Quỳ (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) không chỉ phòng, chống thiên tai mà còn tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm cho biết: “Hiện nhiều khu vực bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng nhưng tỉnh thiếu vốn đầu tư khắc phục, di dời dân, thậm chí, một số dự án đã được thông qua nhưng kinh phí vẫn chưa phân bổ đủ gây khó khăn trong quá trình thi công các dự án. Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách của Trung ương chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Theo Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ PCTT của Chính phủ, tỉnh chỉ hỗ trợ kinh phí tu sửa, xử lý và xây dựng khẩn cấp công trình PCTT tối đa không quá 3 tỉ đồng/công trình, thế nhưng, những công trình sạt lở lớn như tiếp giáp giữa sông Cần Giuộc với Đường tỉnh 826C sẽ không đủ kinh phí so với nhu cầu thực tế. Một số công trình trên địa bàn tỉnh lại thuộc sự quản lý của Trung ương nên khi xảy ra sự cố, tỉnh rất khó để tiến hành các biện pháp xử lý, còn đợi Trung ương thì sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân”.

Thừa “chống”, thiếu “phòng” là một trong những hạn chế của tỉnh trong việc thực hiện công tác phòng, chống sạt lở. Khi xảy ra các sự cố sạt lở, các cấp, các ngành mới thực hiện các biện pháp khắc phục, chưa có biện pháp “phòng” từ sớm, từ xa; đồng thời, người dân sống cặp mé sông, kênh, rạch cũng “vô tư” xây dựng các công trình kiên cố trên nền đất yếu, không trồng các loại cây xanh để giữ đất, phòng sạt lở.

 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

Rút kinh nghiệm từ các vụ sạt lở, sụt lún đất nghiêm trọng, tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ địa phương thăm dò địa chất trên toàn tỉnh để có biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất kịp thời từng vùng, khu vực một cách hiệu quả, tránh tình trạng xảy ra sạt lở mới thăm dò, tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Trước những khó khăn, hạn chế trong công tác phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT - Ngô Văn Cương yêu cầu: Tỉnh rà soát tất cả điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở để lập phương án xử lý kịp thời; sắp xếp thứ tự ưu tiên các công trình cần Trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng khẩn cấp; tổ chức diễn tập PCTT ở các khu vực nguy hiểm; ứng dụng công nghệ thông tin trong PCTT; triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp;... Riêng những kiến nghị của địa phương, đoàn sẽ ghi nhận và báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT xem xét để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền chia sẻ: “Xác định công tác PCTT là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ngành Nông nghiệp luôn quan tâm, thực hiện kịp thời các chỉ đạo của cấp trên; đồng thời, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo trong công tác PCTT. Thời gian tới, ngành đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tham mưu tổ chức diễn tập ở những nơi xung yếu; tiếp tục xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai để không bị động hoặc bất ngờ; kiên quyết xử lý mạnh các trường hợp xây dựng mới ở các mé sông, kênh; vận động người dân sống cặp mé sông, kênh, nhất là các điểm có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn; hỗ trợ kinh phí, đầu tư trang thiết bị PCTT cho các xã để có thể xử lý kịp thời khi có thiên tai xảy ra; thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTT và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp;….

Tỉnh xác định được các hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống sạt lở; đồng thời, cũng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay, quan trọng nhất trong phòng, chống sạt lở là phải tôn trọng thiên nhiên. Do đó, người dân hãy chung tay bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, nhất là không phá rừng, xây dựng trái phép công trình trên các tuyến sông, kênh, rạch; chủ động di dời nhà ở ven sông, rạch có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn để bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình;...

 

Sạt lở - Bài học lớn trước thời tiết thất thường

 

Nội dung: Lê Ngọc - Thái Bạch

Đồ Họa: Trần Quân

 

Ngày xuất bản: 07/09/2023
Chia sẻ: