Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

Long An có vị trí chiến lược, liền kề TP.HCM, đóng vai trò là cửa ngõ giao thoa giữa vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ; có đường biên giới với Campuchia, thuận lợi cho phát triển kinh tế mậu biên. Tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá, phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến vùng ĐBSCL.

Phát triển hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược được tỉnh xác định trong các nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI đề ra 3 công trình trọng điểm và Chương trình đột phá Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị Vùng kinh tế trọng điểm với 8 dự án (DA) công trình.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

 

Qua hơn 3 năm nỗ lực triển khai, thực hiện, đến nay, công trình Hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An đã hoàn thành và cho thông xe vào ngày 23/12/2023; Đường tỉnh (ĐT) 830E, đoạn từ nút giao cao tốc TP.HCM – Trung Lương đến ĐT830 và ĐT827E - nay là Quốc lộ (QL) 50B, đoạn từ TP.HCM đến sông Vàm Cỏ Đông đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm theo đúng kế hoạch đề ra.

DA đường Vành đai TP.Tân An có điểm đầu giao với QL62 tại ngã tư Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa), điểm cuối giao với QL1 - ĐT833 (TP.Tân An), tổng chiều dài hơn 22km đường và 5 cầu. DA có tổng vốn đầu tư 3.102 tỉ đồng. Trong đó, chi phí đầu tư xây dựng 1.661 tỉ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB). Tổng diện tích đất phải GPMB là 130ha. Tuyến đường đạt chuẩn quy mô cấp 3 đồng bằng.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

 

Để 1 trong 3 công trình trọng điểm về giao thông hoàn thành sớm 2 năm so với Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI là nhờ sự đồng tình ủng hộ của gần 1.900 tổ chức, hộ gia đình dọc hai bên tuyến đường. Đặc biệt là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh, đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các quy định pháp luật hiện hành trong công tác bồi thường, GPMB, tái định cư (TĐC) cũng như vượt qua những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,…

Tại buổi lễ thông xe đường Vành đai TP.Tân An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được khẳng định, việc hoàn thành đường Vành đai TP.Tân An góp phần giảm áp lực giao thông cho QL1 và tuyến tránh QL1 (đoạn qua TP.Tân An); giảm tải lưu lượng phương tiện cơ giới đi sâu vào khu nội thị của TP.Tân An; bảo đảm tính kết nối liên hoàn giữa các phân khu đô thị, tạo điều kiện hình thành các khu đô thị mới kiểu mẫu hình thành song song với tuyến đường.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

 

Đường Vành đai TP.Tân An còn là trục giao thông liên kết quan trọng giữa TP.Tân An và các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, tạo ra khu vực hành lang quan trọng để phát triển kinh tế, nâng cao hoạt động thương mại - dịch vụ. Đồng thời, tuyến đường mở ra cầu nối giao thông quan trọng từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - QL62 - QL1 và tuyến giao thông dọc hai bên sông Vàm Cỏ Tây hướng về trung tâm TP.HCM.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được khảo sát các công trình trọng điểm tại thành phố Tân An
DA đường Vành đai TP.Tân An sớm được thông xe tạo niềm vui, phấn khởi cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP.Tân An nói riêng và toàn tỉnh Long An nói chung. Việc DA được đưa vào khai thác góp phần giúp TP.Tân An gia tăng tính kết nối với TP.HCM cũng như kết nối giữa các tỉnh miền Tây Nam Bộ với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM, sớm đưa TP.Tân An đạt chuẩn đô thị loại I, thân thiện - văn minh - hiện đại và phát triển bền vững.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

 

DA ĐT830E có chiều dài hơn 9,3km, điểm đầu tại nút giao huyện Bến Lức của cao tốc TP.HCM - Trung Lương (xã An Thạnh, huyện Bến Lức), điểm cuối kết nối ra ĐT830, xã Long Định, huyện Cần Đước. Đây là tuyến đường đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hạ tầng đô thị, kết nối giao thông, phát triển KT-XH của tỉnh kết nối các huyện lân cận cũng như các tỉnh bạn, đặc biệt là TP.HCM. Tuyến ĐT830E hoàn thành sẽ góp phần kết nối các khu công nghiệp quan trọng từ huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đến cảng Hiệp Phước – TP.HCM cũng như Cảng Long An thông qua ĐT830 đang được đầu tư nâng cấp.

Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Long An, đến ngày 10/5/2024, công tác GPMB đoạn qua huyện Bến Lức đã chi được 767/878 trường hợp, tổng số tiền bồi thường 1.375/1.629,32 tỉ đồng với diện tích 34,94/39,94ha. Đoạn qua huyện Cần Đước đã kiểm đếm 146/155 hộ với diện tích 9,89/10,08ha, đạt 98,1% diện tích (trong đó diện tích đất công 1,08ha). UBND tỉnh thống nhất chủ trương tạm thời chưa GPMB đoạn qua địa bàn huyện Cần Đước từ cầu Rạch Chanh đến ĐT 830 (đoạn qua Khu công nghiệp Phúc Long mở rộng).

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

 

Đối với DA ĐT827E (nay là QL50B), qua địa bàn tỉnh gồm 35,6km từ ranh giới tỉnh Long An - TP.HCM, thuộc xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc và điểm cuối tại ranh giới tỉnh Long An - Tiền Giang thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành. Toàn tuyến được phân thành 5 DA độc lập gồm 3 DA GPMB theo 3 đoạn khác nhau và 2 DA đầu tư xây dựng (đầu tư phần đường và đầu tư phần cầu). DA sau khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ cho các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc cũng như của tỉnh. Đây là công trình được kỳ vọng góp phần tạo động lực phát triển cho cả vùng Tây Nam Bộ, đặc biệt là tạo thành trục động lực kết nối phát triển của 3 địa phương: TP.HCM - Long An - Tiền Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Nguyễn Minh Lâm kiểm tra các công trình trọng điểm tại huyện Cần Giuộc

 “Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác GPMB và đầu tư xây dựng phần đường dẫn vào các cầu trên ĐT827E (cầu Cần Giuộc, cầu Vàm Cỏ Đông và cầu Vàm Cỏ Tây) để kết nối các cầu với các tuyến ĐT và QL nhằm phát huy hiệu quả việc đầu tư DA xây dựng 3 cầu bằng vốn vay ODA”- Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An - Đặng Hoàng Tuấn thông tin. 

Cũng theo ông Đặng Hoàng Tuấn, sau khi các công trình trọng điểm về giao thông được hoàn thành, hệ thống GTVT của tỉnh sẽ được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao. Đây sẽ là động lực để tỉnh bứt phá trong phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, bảo đảm an ninh - quốc phòng và giúp tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng ĐBSCL, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

Cùng với 3 công trình trọng điểm về giao thông của tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn có 2 công trình trọng điểm quốc gia là đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An và đường Vành đai 4 TP.HCM. Việc triển khai xây dựng 2 công trình quốc gia sẽ tạo sự kết nối giao thông liên vùng, không gian tăng trưởng mới.

DA đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34km đi qua địa bàn TP.HCM và 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 DA thành phần vận hành độc lập. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Long An, thuộc địa phận huyện Bến Lức có chiều dài 6,84km. Sau thời gian chuẩn bị, ngày 30/6/2023, DA thành phần 7 - xây dựng đường Vành đai 3  TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh chính thức khởi công. Đến nay, sau hơn 10 tháng triển khai thi công, hình hài tuyến đường Vành đai 3 dần hiện hữu.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

 

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, tại gói thầu XL3 - xây dựng Nút giao cuối tuyến do Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Trung Thành – Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Sơn - Tổng Công ty Thăng Long - CTCP thi công đã đạt giá trị gần 32%. Theo Chỉ huy trưởng gói thầu XL3 - Vũ Thông Trường, sau khi nhận mặt bằng, đơn vị tập trung tổ chức các mũi thi công bảo đảm tiến độ cam kết với chủ đầu tư.

“Đến nay, chúng tôi đã thi công xong cọc khoan nhồi của 16 mố, trụ; thi công kết cấu phần dưới bệ 15/16 mố, trụ; thi công phần thân 14/16 mố, trụ và đang thực hiện đắp cát tuyến chính, tuyến nhánh;... Sắp tới, chúng tôi tiếp tục thi công với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca, 4 kíp” bảo đảm công trình hoàn thành đúng tiến độ”- ông Vũ Thông Trường cho biết.

Đối với gói thầu XL1 - xây dựng tuyến chính cao tốc thuộc phân đoạn Km85+200 - Km88+766, các nhà thầu đã hoàn thiện các thủ tục đầu vào, thực hiện đắp cát đường công vụ, đắp cát tuyến chính đến cao độ xử lý đất yếu; đồng thời, thi công cọc khoan nhồi 20/28 cọc, giá trị thực hiện gần 18%. Đối với gói thầu XL2 - xây dựng cầu Tân Bửu tuyến chính cao tốc, tuyến song hành nhánh trái và đường song hành từ ĐT830C đến nút giao thuộc phân đoạn Km88+766 - Km90+472, đến nay, các nhà thầu huy động đủ phương tiện, máy móc, thiết bị, tổ chức đồng loạt các mũi thi công. Trong đó, trên tuyến chính, đơn vị thi công cọc thử cọc khoan nhồi 35/36 cọc, thi công cọc đại trà 210/271 cọc, thi công kết cấu phần dưới bệ 18/34 mố, trụ; phần thân 11/34 mố, trụ. Trên tuyến song hành thi công 7/7 cọc thử khoan nhồi, cọc đại trà 42/47 cọc và thi công xong phần cống 35/35 cọc và triển khai thi công đắp cát đường đường song hành với giá trị thực hiện đạt gần 25%.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

 

Theo đánh giá của Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An - Đặng Hoàng Tuấn, về cơ bản DA thành phần 7, đường Vành đai 3 TP.HCM đang được các đơn vị thi công đạt và vượt so với kế hoạch, các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ tại NQ số 105/NQ-CP, ngày 15/8/2022.

Phát biểu tại Lễ động thổ DA đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An vào ngày 30/6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út  khẳng định, theo Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đường Vành đai 3 TP.HCM là 1 trong 6 trục động lực kinh tế của tỉnh. Dự kiến, DA chính thức thông xe vào năm 2025, sẽ đóng vai trò chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết Đông Nam Bộ với khu vực ĐBSCL, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư đối với các DA đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị hiện đại, bền vững; góp phần phát triển KT-XH của đất nước.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

 

Tại Hội thảo “Thúc đẩy dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Bùi Xuân Cường đánh giá, đường Vành đai 3 là DA có tầm quan trọng đặc biệt trong liên kết vùng. DA sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông trong khu vực, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển KT-XH TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (quận 7, TP.HCM) cho rằng, đường Vành đai 3 TP.HCM chỉ phát huy hiệu quả khi được kết nối với các cao tốc xuyên tâm và cần ưu tiên lợi ích về giao thông trước lợi ích bất động sản, tức là phải bảo đảm thông thoáng, giảm chi phí, thời gian.

"Nếu như đường Vành đai 3 TP.HCM trong thực thi triển khai đến khi hình thành bộ mặt nhưng vẫn là con đường truyền thống, tức là đường đến đâu, nhà sát mặt tiền để tận dụng từng mét vuông đất, khai thác lợi ích nhà mặt tiền thì lợi ích giao thông của đường Vành đai 3 sẽ không có"- ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

 

Trong chuyến khảo sát thực tế DA đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An (nút giao giữa đường Vành đai 3 với các tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương và cao tốc Bến Lức – Long Thành), Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cho rằng, việc xây dựng hoàn thành đường Vành đai 3 TPHCM với mục tiêu kết nối các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xây dựng hệ thống đô thị hiện đại, bền vững, góp phần phát triển KT-XH của đất nước.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ với địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để DA triển khai đúng theo tiến độ và kế hoạch đề ra. Trong đó, tỉnh Long An cần tập trung hoàn thành công tác GPMB cho DA theo hướng ưu tiên hình thức TĐC tại chỗ với yêu cầu bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

 

DA đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua 4 tỉnh miền Đông Nam Bộ gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An. DA có tổng chiều dài gần 207km, trong đó Long An chiếm hơn 78km, Bình Dương 47,5km, Đồng Nai 45,6km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1km và TP.HCM 17,3km. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 127.230 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 78.000 tỉ đồng, chi phí GPMB hơn 49.100 tỉ đồng. DA được đề xuất theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Long An, hiện tỉnh giao Cty Cổ phần Tập đoàn Mikgroup Việt Nam tiến hành khảo sát để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi DA theo phương thức đầu tư DA PPP. Đến nay, đơn vị tư vấn đã lập xong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. UBND tỉnh đang lấy ý kiến của Bộ GTVT về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tại văn bản số 225/UBND-KTTC ngày 09/01/2024. Sở GTVT đang phối hợp các đơn vị liên quan rà soát hướng tuyến, tổng mức đầu tư, cơ chế đặc thù cho DA theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1871/UBND-KTTC, ngày 29/02/2024.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

 

Khi DA đường Vành đai 4 TP.HCM hoàn thành sẽ đóng vai trò quan trọng trong liên kết vùng, tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối qua các cao tốc, QL, sân bay, đặc biệt kết nối Khu đô thị Cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ĐBSCL. Theo kế hoạch đã thống nhất của 5 địa phương có DA đi qua, việc chọn nhà thầu đầu tư sẽ hoàn thành vào giữa năm 2024 để chuẩn bị khởi công DA. Công trình dự kiến thi công trong 3 năm và khai thác, thu phí hoàn vốn từ quí I/2028.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

Thời gian qua, trong quá trình triển khai, thực hiện các công trình trọng điểm về giao thông của tỉnh, quốc gia, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Long An tích cực lãnh, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ; đồng thời, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện các công trình trọng điểm của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với DA ĐT830E.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

 

Nếu như DA đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh triển khai tương đối thuận lợi, tiến độ đạt và vượt so với yêu cầu thì tại DA ĐT830E hiện tiến độ thi công còn chậm. Đến thời điểm hiện tại, đoạn từ nút giao ĐT830 đến đường Nguyễn Văn Nhâm, cả 2 đơn nguyên bên trái và bên phải tuyến đều thi công mới đạt khoảng 18% giá trị. Còn đoạn từ đường Nguyễn Văn Nhâm đến QL1, đơn nguyên bên trái tuyến thi công mới đạt 13,1% giá trị và đơn nguyên bên phải tuyến thi công đạt 17,86% giá trị.

Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Long An, sở dĩ việc thi công DA ĐT830E chưa bảo đảm tiến độ là quá trình thực hiện có điều chỉnh quy mô và nguồn vốn đoạn qua Khu công nghiệp Phúc Long mở rộng nên công tác GPMB chậm so với kế hoạch đề ra. Đồng thời, Khu TĐC cho DA (do Trung tâm Phát triển quỹ đất và Dịch vụ tài nguyên, môi trường làm chủ đầu tư) chưa xây dựng hạ tầng, chưa đủ điều kiện bố trí TĐC cho người dân.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

 

Theo Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, đối với công tác GPMB, đến nay, huyện đã tổ chức chi được 755/878 trường hợp với tổng số tiền bồi thường 1.343,5/1.629,32 tỉ đồng/diện tích 34,5/39,94ha. Còn lại 123 hộ với tổng số tiền 285,8 tỉ đồng, diện tích 5,2ha chưa nhận tiền bồi thường do chưa đồng ý với đơn giá bồi thường, hỗ trợ và chính sách TĐC. Chủ yếu các hộ đề nghị nâng giá bồi thường thiệt hại về đất; thực hiện bồi thường toàn bộ nhà, đất đối với nhà, đất giải tỏa 1 phần và bố trí lô nền TĐC.

“Để tạo thuận lợi trong công tác bồi thường, GPMB, TĐC, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và Dịch vụ tài nguyên, môi trường tỉnh đẩy nhanh tiến độ bồi thường DA GPMB tạo quỹ đất sạch để bố trí TĐC ĐT830E và phát triển đô thị xã Thanh Phú cũng như khẩn trương đầu tư xây dựng khu TĐC để chuẩn bị di dời, bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng của DA ĐT830E và DA đường Vành đai 3 TP.HCM nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho huyện thực hiện công tác GPMB theo đúng kế hoạch” - ông Lê Thành Út chia sẻ.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út đề nghị, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, khẩn trương triển khai, thực hiện các bước tiếp theo đối với các công trình trọng điểm của tỉnh, quốc gia. Trong đó, khẩn trương khắc phục những khó khăn, vướng mắc đối với DA ĐT830E, đặc biệt quan tâm đến công tác bồi thường, GPMB và bố trí TĐC.

Sức bật từ những công trình giao thông trọng điểm

Với quan điểm “Lộ thông tài thông”, “Đại lộ sinh đại phú”, tỉnh Long An đang tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống GTVT, nhất là các DA giao thông trọng điểm của tỉnh, quốc gia. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để từng bước tháo gỡ điểm nghẽn, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH theo NQ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI. Đồng thời, khi các công trình trọng điểm về giao thông của tỉnh, quốc gia hoàn thành sẽ giúp Long An hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng đưa tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng ĐBSCL và trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.

Nội dung:

Hữu Bằng - Kiên Định

Đức Thịnh

Trình bày: Đăng Châu

Ngày xuất bản: 28/05/2024
Chia sẻ: