Sáng 05/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An (khóa XI) tổ chức Hội nghị lần thứ 12 để đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy trong 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Tại hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Nguyễn Văn Được chỉ đạo một số nội dung quan trọng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến sự phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và trong nước. Trước tình hình đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động linh hoạt và quyết liệt. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng và ổn định; đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật là:
(1) Là địa phương đầu tiên của phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công tác cải cách hành chính đạt được một số kết quả tích cực: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 nằm trong tốp 10 cả nước; Chỉ số cải cách hành chính hạng 8.
Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm so cùng kỳ năm trước (%)
- Tốc độ tăng GRDP ước đạt 3,43%, dù chưa đạt được kỳ vọng nhưng đây là mức tăng trưởng tích cực, đứng thứ 9/13 tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện tương đối thuận lợi (diện tích mở rộng, được mùa, được giá); khu vực 1 có mức tăng trưởng khá cao 3,71% (cùng kỳ năm trước tăng 1,04%).
Việc chuyển đổi cây trồng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, đặc biệt là chuyển đổi sang cây ăn quả, nhiều mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: Hồng Anh)
- Hoạt động xúc tiến đầu tư được quan tâm, thu hút vốn đầu tư trong nước tăng cao so cùng kỳ; lĩnh vực đầu tư công được tập trung thực hiện, đạt kết quả khá tốt và trở thành động lực tăng trưởng (ước đến hết tháng 6 giải ngân đạt 57,49% kế hoạch, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; cùng kỳ chỉ đạt 31,5% kế hoạch). Nhiều dự án giao thông lớn được tập trung khởi công, đẩy nhanh tiến độ - thực sự là “đại công trường”, giải ngân vốn đầu tư mạnh mẽ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh (như ĐT.824 (đoạn từ Tua một đến cầu kênh Ranh); nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62; ĐT.830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT.830); Đường Vành đai 3; các công trình giao thông của các địa phương...).
- Hoạt động thương mại - dịch vụ, nhất là du lịch,... có dấu hiệu tích cực; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước tăng 11,43% so cùng kỳ.
(2) Văn hóa - xã hội phát triển ổn định; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được tập trung thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ và đạt kết quả tích cực. Hoạt động đối ngoại được tăng cường; chủ quyền, an ninh biên giới được giữ vững.
(3) Hệ thống chính trị các cấp có sự quan tâm đổi mới nội dung và phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhiều mặt chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được tập trung thực hiện nghiêm túc; đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường.
*Bên cạnh những kết quả đạt được, Tỉnh ủy thống nhất những khó khăn, hạn chế như dự thảo Báo cáo đã nêu và Hội nghị đã thảo luận, đánh giá. Trong đó, lưu ý:
(1) Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sự phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và trong nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; chi phí sản xuất vẫn ở mức cao, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thu hút đầu tư nước ngoài giảm so cùng kỳ.
(2) Tốc độ tăng GRDP chưa đạt như kỳ vọng (thấp hơn cùng kỳ và thấp so với kế hoạch tăng trưởng năm 2023 đã đề ra là từ 8 - 8,5%); xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; xếp thứ 6/8 tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (thấp hơn TP.HCM, chỉ cao hơn Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu).
(3) Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm; hoạt động xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 50,6% dự toán Trung ương giao, đạt 48,5% dự toán tỉnh giao, giảm 19,8% so cùng kỳ. Công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng được tập trung thực hiện nhưng tiến độ nhìn chung chưa đạt yêu cầu đề ra, nhất là đối với các dự án tái định cư cho công trình trọng điểm, chương trình đột phá (từ đầu năm đến nay đã chi trả 186,1ha, đạt 20,06% kế hoạch).
(4) Công tác hướng nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa mang lại hiệu quả rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
(5) An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội có mặt chưa bảo đảm và còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp trong nội địa và trên tuyến biên giới. Công tác tham mưu giải quyết, xử lý các trường hợp trên lĩnh vực tư pháp có lúc chưa kịp thời; tiến độ điều tra, truy tố một số vụ án, vụ việc còn gặp nhiều khó khăn, kéo dài.
(6) Công tác xử lý các vụ việc, vụ án phức tạp, tham nhũng, tiêu cực còn kéo dài, chậm kết luận mặc dù Ban Chỉ đạo, Thường trực Tỉnh ủy đã nhiều lần cho ý kiến. Việc xử lý, khắc phục các sai sót theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn chậm.
Còn tình trạng thờ ơ, sợ sệt, sợ sai, né tránh, không dám tham mưu, đùn đẩy công việc, không đặt lợi ích và sự phát triển của tỉnh lên trên hết.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm:
Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã xác định trong dự thảo Nghị quyết. Trong đó, cần lưu ý tập trung thực hiện một số nội dung sau:
(1) Tiếp tục tập trung quán triệt, tuyên truyền sâu, kỹ trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân Nghị quyết của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Đồng thời, rà soát, chọn các vấn đề cấp bách, quan trọng để tập trung triển khai, thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 43-CT/TU, ngày 30/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Trong đó, xác định rõ các kịch bản, giải pháp, nhiệm vụ phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đã đề ra.
Tổ chức tốt công tác sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI - lấy phiếu tín nhiệm các chức danh theo quy định. Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy (là cơ quan Thường trực các Ban Chỉ đạo tỉnh) chủ động phối hợp tham mưu tổ chức sơ kết 3 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm; phấn đấu hoàn thành trong tháng 8/2023.
(2) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương tổ chức triển khai, thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2023 bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, thành công; trong đó, kết hợp tổ chức các sự kiện: Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh (hình ảnh, sản phẩm,…); trao quyết định chủ trương đầu tư, ký kết thỏa thuận đầu tư đối với các dự án lớn, quan trọng trên địa bàn tỉnh; thống nhất đề xuất thời gian dự kiến tổ chức vào ngày 25/7/2023 để mời lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan Trung ương tham dự. Riêng việc tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh vào dịp chào mừng kỷ niệm ngày Quốc khánh 02/9.
(3) Tiếp tục rà soát, làm việc với Đoàn Giám sát 924 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; song song đó, chủ động khắc phục nhanh các vấn đề hạn chế, thiếu sót có liên quan trên tinh thần cầu thị và tiếp thu (theo tinh thần Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Biên bản số 95-BB/TU, ngày 29/3/2023).
(4) Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và cải cách hành chính theo tinh thần Chỉ thị số 48-CT/TU, ngày 15/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tích cực hỗ trợ, giải quyết các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, nhất là công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai nhanh các dự án lớn, trọng điểm, các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương trong triển khai các dự án đầu tư theo kế hoạch (nhất là nguồn vốn vay Ngân hàng KEXIM sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc để làm 3 cầu trên tuyến ĐT.827E); cũng như tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu hàng nông sản (sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ).
Khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng và phát triển TP.Tân An đạt chuẩn đô thị loại I và Nghị quyết định hướng phát triển thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh trong quí III/2023 để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
(5) Tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát và xử lý có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm, không để lây lan; đặc biệt là đề ra các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện mới, nhất là y tế tuyến cơ sở và y tế dự phòng, cũng như xử lý các chính sách có liên quan (do Ban Chỉ đạo Quốc gia đã chuyển dịch bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, tại phiên họp thứ 20 vào đầu tháng 6/2023).
Tiếp tục đẩy mạnh phân luồng học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường hiệu quả công tác chuyển đổi số. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các vấn đề về lao động, việc làm, giảm nghèo, các chế độ bảo hiểm,...
(6) Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, quân sự địa phương bảo đảm chủ động, tránh bị động, bất ngờ. Chỉ đạo kiên quyết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với việc tập trung khắc phục nghiêm túc, kịp thời các hạn chế theo Kết luận của Đoàn kiểm tra số 02 - Ban Chỉ đạo Trung ương và của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; báo cáo Trung ương tiến độ theo yêu cầu.
Tiếp tục duy trì, tăng cường các hoạt động đối ngoại; kịp thời phối hợp, trao đổi tình hình, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh, nhất là các vấn đề liên quan việc hỗ trợ, thu hồi đất phần diện tích quản lý quá ranh giới đã phân giới cắm mốc bàn giao phía Campuchia. Nắm chắc tình hình nội, ngoại biên, kịp thời có giải pháp xử lý các vụ việc xảy ra đúng chủ trương, đối sách, không để sơ hở, tạo căng thẳng, phức tạp trên tuyến biên giới, nhất là giai đoạn chuẩn bị bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VII.
(7) Hệ thống chính trị tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; linh hoạt và quyết liệt hơn trong lãnh đạo, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết của cấp ủy năm 2023. Tập trung lãnh đạo, tổ chức chặt chẽ hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm nâng cao tính chủ động của các cấp, không để mọi việc đều đẩy lên cấp trên khiến công việc ách tắc, không bảo đảm chất lượng, như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính.
Đặc biệt với những thành tích đạt được trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định khen thưởng cho 4 đảng bộ, gồm: Huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc, TP.Tân An và Quân sự tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022. Đề nghị các đảng bộ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2023. Đồng thời, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu tham mưu điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí, quy định về nhận xét, đánh giá, xếp loại đối với tập thể, cá nhân cho phù hợp, chặt chẽ.